Nên 'bắt buộc' hay 'cho phép' người lao động nghỉ ngơi?
Vào năm 2014, ban lãnh đạo ở công ty quản lý truyền thông xã hội Buffer nhận thấy có gì đó kỳ quặc.
Mặc dù áp dụng chính sách nghỉ phép không giới hạn vào năm 2012, nhưng nhân viên hầu như không đi nghỉ.
Để khuyến khích mọi người lấy ngày nghỉ nhiều hơn, Buffer - vốn thuê nhân viên làm việc từ xa trên toàn cầu, chủ yếu ở Mỹ và châu Âu - đã tung ra gói khuyến khích: tiền thưởng nghỉ phép hàng năm là 1.000 đô la Mỹ cho mỗi nhân viên (và thêm 500 đô la cho bạn đời hoặc mỗi thành viên gia đình).
Chính sách này thành công vang dội. Thật ra nó đã quá thành công đến nỗi nó khiến công ty 'cháy túi'. Buffer dừng chính sách này vào tháng 6/2016.
Cuối năm đó, Buffer thay đổi chiến thuật: thay vì cho phép nghỉ phép không giới hạn, họ quyết định khuyến khích nhân viên nghỉ phép ít nhất là 15 ngày mỗi năm. Sử dụng chương trình lên kế hoạch trực tuyến, nhân viên nhập đơn xin nghỉ và phòng nhân sự theo dõi số ngày mọi người nghỉ phép qua một lịch chung.
Chính sách nghỉ phép tối thiểu của Buffer là bất thường, ngay cả đối với một công ty công nghệ.
Được nghỉ không giới hạn là chính sách đãi ngộ phổ biến ở các công ty khởi nghiệp và các công ty công nghệ khác - nhưng bất chấp tên gọi, nghỉ phép không giới hạn không có nghĩa lý gì cả.
Thường thì người lao động hoàn toàn bị chi phối bởi khối lượng công việc, bởi người quản lý và cả bởi văn hóa công ty - hoàn cảnh có thể khiến họ không thể nghỉ phép thỏa đáng.
Liệu việc yêu cầu mọi người phải nghỉ tối thiểu là một số ngày nhất định trong năm là cách tốt để tránh kiệt sức?
Một đất nước làm việc quá sức
Hoa Kỳ là quốc gia phát triển duy nhất không có luật yêu cầu nhà tuyển dụng cho phép nhân viên có ngày nghỉ được hưởng lương.
Khoảng 77% người sử dụng lao động ở Mỹ cho người lao động nghỉ phép được hưởng lương, nhưng số ngày phép thay đổi tùy theo công ty và nhìn chung người lao động Mỹ có ít ngày nghỉ hơn so với ở những nước phát triển khác.
Năm 2014, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận thấy rằng người lao động Mỹ làm việc khoảng 1.789 giờ mỗi năm, xếp thứ 16 so với Mexico, nước đứng đầu với 2.228 giờ làm và Đức, nước đứng chót bảng với 1.366 giờ.
Ngược lại, luật pháp tất cả các nước trong Liên minh Châu Âu đều yêu cầu phải có ít nhất bốn tuần nghỉ lễ có lương, với các chính sách tích lũy khác nhau cho mỗi quốc gia (Áo dẫn đầu với 35 ngày nghỉ phép có lương hàng năm).
Tương tự, ở New Zealand, người sử dụng lao động phải cho nhân viên ít nhất bốn tuần nghỉ lễ có lương, không bao gồm các ngày nghỉ lễ hoặc nghỉ ốm.
Tại công ty Buffer, việc chuyển đổi sang chế độ nghỉ phép tối thiểu bắt nguồn từ sự nhầm lẫn.
Các nhân viên phải rất khó khăn mới hiểu được là họ được phép có bao nhiêu ngày nghỉ, có lẽ một phần là vì không có thước đo chung.
"Mọi người không biết những người khác nghỉ phép bao nhiêu lâu, chuẩn mực là gì?" Hailley Griffis, người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của Buffer nói. "Chúng tôi không muốn mọi người kiệt sức. Chúng tôi muốn nhân viên chúng tôi có cuộc sống cân bằng nhất có thể."
Tránh sự nhầm lẫn này là một chủ đề phổ biến ở các công ty vốn đã chuyển từ nghỉ phép không giới hạn sang mức nghỉ phép tối thiểu.
Josh Pigford, Giám đốc Điều hành của Baremetrics, một nền tảng phân tích và dự báo từ xa có trụ sở tại San Francisco, đã từ bỏ chính sách cho nghỉ không giới hạn vì mọi người 'không biết giới hạn'.
"Thực tế là có những giới hạn, chẳng hạn như bạn không thể nghỉ cả năm. Vì vậy, điều này dẫn đến việc mọi người không nghỉ phép hoặc có ác cảm đối với những người mà có thể được cho là nghỉ quá nhiều," ông nói.
Giờ đây, mỗi nhân viên phải nghỉ ít nhất bốn tuần mỗi năm, trong đó ít nhất phải có một tuần nghỉ liên tục. Baremetrics theo dõi số ngày nghỉ thông qua một bảng dữ liệu chung vốn cho thấy nhân viên nào đang làm đúng để hướng đến số ngày nghỉ tối thiểu cần thiết.
Tại công ty tìm kiếm việc làm Authentic Jobs có trụ sở tại Florida, các nhân viên lo rằng việc nghỉ quá nhiều ngày sẽ gây ra chuyện với đồng nghiệp. Theo người sáng lập và cựu CEO Cameron Moll: "Bạn luôn nghi ngờ, 'Ôi trời, tôi thực sự có nên nghỉ hay không bởi vì đồng nghiệp của tôi không nghỉ nhiều như vậy'."
Khi công ty chuyển sang chế độ nghỉ phép tối thiểu, những tác động của chính sách mới đã nhanh chóng phát huy. Moll nói rằng đã có 'sự giải phóng tinh thần ngay lập tức' giữa các nhân viên khiến họ nghĩ khác về thời gian làm việc và nghỉ phép của họ.
Ưu tiên EQ hơn IQ
Những người ủng hộ mô hình nghỉ phép không giới hạn cho rằng nó nuôi dưỡng sự tin tưởng giữa các nhân viên và trân trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Trong một bài viết hồi năm 2018, Jenn Burton, giám đốc nhân sự của nền tảng trợ lý ảo Equivity có trụ sở tại San Francisco, viết: "Nhà tuyển dụng cho phép nghỉ phép không giới hạn về cơ bản đang truyền thông điệp đến các nhân viên của họ ngay từ đầu rằng niềm tin là hòn đá tảng của tổ chức của họ."
Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty chỉ cần thực hiện cho nghỉ phép không giới hạn và hy vọng sẽ thành công.
Jiayi Bao, nghiên cứu sinh tiến sĩ về chiến lược nhân lực và sự đa dạng nơi làm việc tại Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, tin rằng cho nghỉ phép không giới hạn hiệu quả hơn ở những "nhóm có sự gắn kết và khi các công ty tạo ra văn hóa và hệ thống cần thiết".
Thông thường, việc tạo ra một nền văn hóa mà người lao động cảm thấy thoải mái khi nghỉ phép tùy thuộc cấp quản lý, ông Cary Cooper, giáo sư tâm lý học chuyên về vấn đề tâm lý trong các công ty, tổ chức tại Đại học Manchester, nói.
Nhiều ông chủ thiếu các kỹ năng xã hội và nhận thức để phát hiện ra tình trạng kiệt sức ở người lao động và nhắc nhở các nhân viên có tham vọng về tầm quan trọng của nghỉ ngơi.
"Thật không may, nguồn cơn tại sao điều này không xảy ra là ở cả Mỹ và Anh và nhiều nước phát triển khác, họ cất nhắc nhân viên vào vai trò quản lý dựa trên năng lực chuyên môn kỹ thuật chứ không phải kỹ năng xử lý quan hệ của họ. Chúng ta không có nhiều cấp quản lý trực tiếp, các lãnh đạo của các bộ phận có chỉ số EQ (trí tuệ cảm xúc) cao."
Melis Gurol, nhà tư vấn ở thành phố New York, có thể liên hệ câu chuyện của bản thân.
"Tôi bắt đầu làm việc tại công ty vào tháng 2/2017 và trong năm đầu tiên, tôi chỉ nghỉ một ngày. Bởi vì chúng tôi không có quy định số lượng ngày nghỉ nhất định, tôi bị áp lực cần phải chứng tỏ bản thân và não trạng rằng tôi không nên nghỉ nhiều," cô gái 29 tuổi nói.
Đó là kiểu môi trường mà Moll, người sáng lập Authentic Jobs, đã cố gắng tránh.
"Nếu tôi đang điều hành một công ty và ai đó nói, 'Tôi chỉ cần năm ngày nghỉ', môi trường ở công ty tôi như thế nào mà khiến cho người đó chỉ xin nghỉ phép có năm ngày?" ông đặt câu hỏi.
Tạo sự lựa chọn
Chính sách nghỉ phép tối thiểu không hoàn toàn chỉ dựa trên 'niềm tin' vào nhân viên, và đó không phải là mô hình khả thi cho tất cả các công ty - đối với những công ty có hàng chục nghìn nhân viên, chỉ riêng theo dõi nghỉ phép cá nhân và nghỉ phép tập thể, chứ chưa nói đến lên việc lên lịch nghỉ phép và nhắc nhở cho từng nhân viên, sẽ rất khó thực hiện ở quy mô lớn.
Mặc dù vậy, việc chuyển đổi không hoàn toàn là bất khả thi, Moll nói.
"Với tôi, đó là việc tạo sức mạnh cho các nhân viên, và chúng ta có thể làm được điều đó thông qua các chính sách nghỉ phép, qua việc trao cho nhân viên quyền quyết định những gì họ làm và không muốn làm với thời gian của họ."
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC WorkLife.
Tin liên quan
- Từ nữ công nhân Anh nhồi đạn WWI đến dân bàn giấy hiện đại
- Đi sauna bàn chuyện làm ăn có dễ không?
- Sống nghèo khổ khiến đàn ông dễ bị trầm cảm
- Bị trầm cảm ở nơi 'hạnh phúc nhất thế giới'
- 'Nên cho nhân viên nghỉ thêm ngày thứ Tư'
- Thị trấn bi quan nhất hành tinh ở Phần Lan
- Ngủ thêm và đi làm trễ sẽ tốt cho sức khoẻ?
- Những lợi, hại của trò 'đá xoáy', hạ bệ người khác
- Bạn có sắp rơi vào tình trạng kiệt sức?
- Con dao hai lưỡi của việc cuộc sống trở nên nhàn hạ
- Tại sao làm việc kiệt sức là vấn nạn ở Thụy Điển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.