Căng thẳng: Nụ hôn tử thần hay gia vị cuộc sống?
Giống như nhiều nhân viên y tế cấp cứu khác, Nicholas Groom quen với tình trạng căng thẳng trong công việc.
Anh nói chuyện nhanh, với sự khẩn cấp có vẻ phù hợp với nghề cấp cứu.
"Chúng tôi là một nhóm khá kỳ quặc vì chúng tôi tình nguyện bước vào hoàn cảnh mà mọi người khác sẽ tránh xa," Groom, 29 tuổi, một ủy viên của Trường Đào tạo Nhân viên Cấp cứu, hiện sống ở Oxfordshire, Anh Quốc, nói. "Bạn phải thích căng thẳng và áp lực ở mức độ nào đó."
Một mặt, căng thẳng có thể hữu ích.
"Tôi nhận thấy khi tham dự vào một sự vụ nghiêm trọng, có chút căng thẳng giúp tôi ra quyết định, vì nó giúp tôi duy trì sự tập trung xử lý tình huống," Groom chia sẻ. "Việc luôn ở trong tình trạng báo động cũng giúp bạn chút ít trong việc luôn ý thức về hoàn cảnh có thể thay đổi xung quanh."
Mặt khác, công việc cũng cực kỳ áp lực. "Quá nhiều căng thẳng gây ra trạng thái mà chúng tôi gọi là quá tải nhận thức và sau đó làm suy giảm khả năng ra quyết định, vì bạn mất sự ý thức với hoàn cảnh," anh nói thêm.
Groom không phải người duy nhất có mối quan hệ phức tạp với căng thẳng.
Rất nhiều người làm việc tốt nhất trong tình huống căng thẳng hoặc họ nghĩ rằng những người khác sẽ như vậy.
Nhưng căng thẳng có thực sự giúp bạn làm việc tốt hơn không? Và nếu có, thì căng thẳng tới mức nào là đủ?
'Quy luật' căng thẳng
Rất nhiều người tin vào cách tiếp cận Goldilocks về căng thẳng. Đó là quá nhiều căng thẳng, bạn sẽ bị quá tải. Quá ít căng thẳng, bạn chẳng có động lực gì.
Rốt cuộc thì có chút lo âu cũng đem lại động lực; hãy nghĩ về lượng adrenaline tăng lên ngay trước khi bạn tới hạn phải hoàn thành công việc, hoặc tâm trạng hào hứng trước khi bạn bước vào một cuộc tranh tài.
"Cực kỳ hiệu quả, đó chính là lý do tại sao căng thẳng lại vô cùng ảnh hưởng đến khả năng làm việc và sức khỏe," James C Quick, giáo sư về quản lý tại Đại học Texas ở Arlington cho biết.
"Nó rất hữu ích trong những tình huống khẩn cấp hợp lý, và để đạt được đỉnh cao thành tựu trong những sự việc đòi hỏi khả năng cao."
Người hâm mộ thể thao thậm chí đôi khi còn nói về "gene khẩn cấp" ở những vận động viên có vẻ chơi tốt nhất trong những khoảnh khắc cuối đỉnh điểm trong trận đấu.
Dù rõ ràng là chẳng có gene nào liên quan, nhưng mối quan hệ giữa khả năng làm việc và áp lực là một nguyên lý tâm lý đã được thừa nhận từ lâu, đến mức nó được trân trọng gọi tên là 'Luật Yerkes-Dodson'.
Luật này được đặt tên theo hai nhà tâm lý học có nghiên cứu gây ảnh hưởng vào năm 1908, cho thấy chuột học cách thực thi nhiệm vụ nhanh hơn (như chọn hộp nào trong hai hộp) nếu chúng bị "sốc điện khó chịu".
Một luồng sốc điện "trung bình" dẫn đến phản xạ học nhanh hơn hơn sốc điện "nhẹ" hoặc "cực đoan".
Kết quả tương tự cũng xảy ra ở nhiều nhiên cứu với các loài động vật khác - tuy không phải lúc nào cũng dùng đến cách sốc điện.
Nghiên cứu năm 1908 tập trung vào việc hình thành thói quen hơn là căng thẳng và không mở rộng đến việc nghiên cứu hành vi con người.
Nhưng trong nhiều thập niên sau đó, nền tảng của nghiên cứu chịu ảnh hưởng từ kết quả trên dần dần đạt tới mức độ "quy luật". Điều này nói chung được diễn tả với nội dung là khả năng làm việc tăng lên khi được kích thích, nhưng chỉ đến mức độ nào đó - mối quan hệ thường được biểu thị bằng đường cong chữ U ngược (từ "căng thẳng" và "kích thích" thường được dùng thay thế cho nhau).
Tìm được sự cân bằng giữa căng thẳng như cảm hứng và căng thẳng gây kiệt sức là điều rất quan trọng nếu ta muốn khai thác tiềm năng của bản thân
Giải thích nhanh theo thuật ngữ tâm lý thì "kích thích" có thể xuất hiện dưới dạng gây tăng nhịp tim, điều hướng dòng chảy của máu đến não và các nhóm cơ lớn, và phóng thích glucose tạo năng lượng.
Nguồn lực khắp cơ thể được tái sắp xếp để ứng phó hữu ích nhất trong tình huống khẩn cấp, từ việc tăng cường sự tỉnh táo về tinh thần đến sự căng cơ nhiều hơn. Về bản chất, não và cơ thể tự căng cường sức mạnh.
Điều này rất hữu ích trong tình huống thực sự khủng hoảng hoặc phản ứng với thách thức thú vị.
Sau hết thì thiếu kích thích chính là vấn đề.
Như Quick đề cập, cả hai tình trạng "chán chường không hiệu quả và thiếu mức độ thách thức đều dẫn đến khả năng làm việc kém và đạt thành tích thấp".
Có quá ít việc làm khiến người ta thoái chí, nhưng quá nhiều cũng gây quá tải. Tìm ra sự cân bằng chính là mấu chốt của vấn đề.
Kiểu căng thẳng nào thì tốt?
Nguyên lý Yerkes-Dodson nghe hợp lý với nhiều người, nhưng cũng có vô số lời phê phán dành cho nó. Những người phản bác cho rằng nó đã bị ứng dụng quá rộng.
Các nghiên cứu về quan hệ giữa căng thẳng và khả năng làm việc cho thấy hệ quả phụ thuộc vào hàng loạt yếu tố phức tạp.
Những yếu tố này bao gồm cách thức đo lường khả năng thể hiện công việc và tính chất của nguyên nhân gây căng thẳng.
Thiếu ngủ có thể gây ảnh hưởng đến tốc độ làm việc, nhưng không gây ảnh hưởng đến sự chính xác (vì vậy một vận động viên chạy nước rút không nên thức khuya hàng đêm).
Tiếng ồn có thể gây tác động đến sự chính xác, nhưng không ảnh hưởng đến tốc độ (vì vậy một phóng viên nên tìm nơi làm việc yên tĩnh).
Các yếu tố bao quát này không thể hiện mục đích muốn đạt được và tính cách của từng cá nhân, ví dụ như tính cách hướng nội.
Chẳng hạn, một số người cảm thấy hào hứng khi chịu áp lực, bởi họ là những người "bi quan phòng ngự" và sẽ làm việc tốt hơn khi lo lắng chút ít. Một số khác lại cảm thấy việc chuẩn bị tốt mọi thứ một cách tích cực sẽ giúp họ có động cơ làm việc hơn.
Tất nhiên, bất kể loại căng thẳng nào cũng đều gây hại khi nó kéo dài. Ví dụ như, nhịp tim tăng cao kéo dài kinh niên có liên hệ với rủi ro mắc bệnh tim mạch.
Nhiều yếu tố gây căng thẳng khác, như áp lực tài chính hay sức khoẻ tâm thần, cũng ảnh hưởng một cách rõ rệt đến cách chúng ta thích ứng với tình trạng căng thẳng.
Crystal Wernicke, 30 tuổi, luôn lấy căng thẳng làm yếu tố tạo cảm hứng. Là một nữ sinh chán chường, và sau đó làm nhân viên ở Disney World, cô tìm ra nhiều cách tạo áp lực để khiến bản thân thấy thú vị, như luyện thi gấp rút hay nhận thêm trách nhiệm ở nơi làm việc.
"Mọi người có xu hướng tiêu cực khi nghĩ về căng thẳng," cô cho biết. "Nhưng tôi nghĩ có thể tận dụng nó như một công cụ nếu dùng đúng cách."
Nhưng vừa phải cố gắng làm tròn trách nhiệm làm mẹ, vừa phải đi làm toàn thời gian, lại đảm nhận công tác thiện nguyện trong lúc những khó khăn về tài chính khiến cô phải sống tạm trong xe hơi, những thứ đó đã trở thành quá ngưỡng chịu đựng của cô.
Cuối cùng, cô rơi vào tình trạng ốm bệnh suốt hai tháng và bị hiện tượng rối loạn tự miễn dịch do căng thẳng gây ra.
Giờ đây là sinh viên viết phần mềm toàn thời gian, Wernicke đang cố gắng sắp xếp lại cách áp dụng 'vũ khí' căng thẳng - và thay đổi những thói quen đã có trong một thời gian dài.
Tận dụng căng thẳng
Vậy có cách nào tận dụng căng thẳng có lợi cho bạn mà vẫn nhận thức rõ hệ quả bất lợi về lâu dài của nó?
Nếu có thể, thì điều căn bản là bạn cần tránh để tình trạng căng thẳng tạo ra điểm bùng phát, tức là giới hạn mà căng thẳng sẽ khiến bạn kiệt sức.
Kiệt sức, với nhiều tác hại về thể chất và tâm thần, đặc biệt dễ xảy ra khi bị căng thẳng triền miên.
Trong trường hợp của Groom, dù những đợt căng thẳng đỉnh điểm ngắn hạn trong các vụ cấp cứu có thể giúp anh làm việc tốt hơn, nhưng anh vẫn cảm thấy ca đêm khiến anh mệt đừ.
"Vào cuối ca làm việc, tôi sẽ cảm thấy như mình bị đờ đẫn vì mất ngủ và cần đến hai ngày mới hồi phục được," anh giải thích. Sau khi anh bắt đầu có biểu hiện cạn kiệt sự nhiệt thành, anh đổi mô thức làm việc và tìm sự hỗ trợ của đồng nghiệp.
Một nhân tố khác là cần phải kiểm soát được tình hình.
Với những người cảm thấy bất lực trong hoàn cảnh bản thân, căng thẳng hiếm khi nào có lợi.
Nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng căng thẳng gay gắt không kiểm soát được dẫn đến sự giới hạn những chức năng do thùy trước trán kiểm soát.
Vùng này là nơi trí nhớ ngắn hạn vận hành (và vì vậy giúp ta lập luận và ra quyết định). Nhưng với cơ chế tự quản trị khi có những nhiệm vụ căng thẳng cần thực hiện, cả chuột và người đều có thể chuyển đổi áp lực thành khả năng làm việc tốt hơn.
Nghiên cứu của Sian Beilock, nhà khoa học về nhận thức và hiệu trưởng trường Đại học Barnard, cho thấy vai trò của trí nhớ ngắn hạn khác nhau tùy theo công việc.
Với hoạt động đòi hỏi tri thức và có áp lực cao như kỳ thi, thí sinh có khả năng bị bí nếu họ lo lắng, vì lo lắng làm suy kiệt trí nhớ ngắn hạn.
Với những hoạt động chịu áp lực cao về thể chất như tham gia cuộc thi đấu thể thao quan trọng, sự lo âu về khả năng trình diễn có thể biến thành tình trạng tê liệt khả năng nhận thức về những gì sẽ xảy ra về mặt thể chất.
Vì vậy, các thí sinh chuẩn bị đi thi nên cố gắng không nên lo lắng, bởi điều đó sẽ làm suy kiệt trí nhớ ngắn hạn, và các vận động viên thì nên tập trung vào kết quả (ví dụ như bóng nên chuyền đến đâu) thay vì chú ý vào tình trạng thể lực bản thân.
Beilock cũng nhận thấy cách mọi người diễn giải phản ứng của cơ thể trước căng thẳng có thể thay đổi cách họ thể hiện công việc.
Khi bà và đồng nghiệp tổ chức thi STEM về lo âu trong nhóm học sinh cấp hai, họ nhận thấy các em học sinh từ gia đình có thu nhập cao có xu hướng tin rằng có chút căng thẳng sẽ giúp tạo cảm hứng.
Nghiên cứu của Beilock cho thấy học sinh từ các gia đình thu nhập thấp có thể đạt điểm cao hơn trong những bài kiểm tra kiểu này khi các em được khuyến khích coi những phản ứng của cơ thể - như đổ mồ hôi bàn tay, nhịp tim và nhiều phản ứng khác - là tích cực.
Khi nói đến căng thẳng và cách nó ảnh hưởng đến khả năng làm việc của bạn, nhận thức được sự đa dạng trong tính chất, loại căng thẳng và những công việc ảnh hưởng đến vị trí của bạn trên đường cong biểu đồ sẽ hữu ích, cũng như hiểu những công cụ mà bạn có thể dùng để kiểm soát hay tận dụng căng thẳng đó.
Cuối cùng, việc chỉ nhìn một chiều sẽ không có ích gì, dù là ta coi căng thẳng là xấu xa hay ca ngợi nó.
Như Quick tổng kết, thì: "Căng thẳng có thể là nụ hôn thần chết và cũng có thể là gia vị cuộc sống."
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.
Tin liên quan
- Từ nữ công nhân Anh nhồi đạn WWI đến dân bàn giấy hiện đại
- Đi sauna bàn chuyện làm ăn có dễ không?
- Sống nghèo khổ khiến đàn ông dễ bị trầm cảm
- Bị trầm cảm ở nơi 'hạnh phúc nhất thế giới'
- 'Nên cho nhân viên nghỉ thêm ngày thứ Tư'
- Thị trấn bi quan nhất hành tinh ở Phần Lan
- Ngủ thêm và đi làm trễ sẽ tốt cho sức khoẻ?
- Những lợi, hại của trò 'đá xoáy', hạ bệ người khác
- Bạn có sắp rơi vào tình trạng kiệt sức?
- Con dao hai lưỡi của việc cuộc sống trở nên nhàn hạ
- Tại sao làm việc kiệt sức là vấn nạn ở Thụy Điển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.