Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

Hàn Quốc chống dịch thế nào?

Hàn Quốc chống dịch thế nào?

23-2-2020
Ở Hàn gần 4 năm nay, đây cũng là lần đầu tiên mình thấy bức xúc vì y tế Hàn Quốc như thế.
Sáng hôm qua mình nhận đc thông báo từ trường là đã xác nhận có ca nhiễm bệnh và người đó khi ghé văn phòng khoa có tiếp xúc với mình, yêu cầu mình tự cách ly ở nhà 14 ngày. Theo nguyên tắc, mình nghĩ sẽ có người của bộ y tế đến kiểm tra, sát trùng hay ít nhất cũng phải có công văn yêu cầu cách ly một cách bài bản. Nhưng không, mình đã ở nhà suốt một ngày và không có bất kỳ liên lạc nào từ cơ quan y tế.
Quyết định không thể ngồi chờ mãi được, mình gọi điện tới tổng đài 1339 theo hướng dẫn, nhưng không thể gọi được.
Trang web cập nhật tình hình corona của chính phủ Hàn hướng dẫn thêm là có thể gọi tổng đài 120, mình gọi luôn và cũng không được.
Thời sự Việt Nam có cập nhật đường dây nóng, có thể gọi khi nghi nhiễm corona, mình gọi đến thì được biết đó không phải đường dây nóng chuyên hỗ trợ dịch bệnh mà là số điện thoai của Đại sứ quán. Chị trực Đại sứ quán cũng không giúp đỡ được gì mình ngoài việc nói về các triệu chứng bệnh mà mình đã biết từ trước đó. Lại còn bảo mình hãy chờ thêm 1-2 ngày rồi hãy đi khám nữa.
Quay lại gọi 1339, đến cuộc gọi thứ 8 thì mình đã gọi được. Sau khi thông báo mình là người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân, anh tư vấn nói, nếu vậy, sẽ có người liên lạc với mình để kiểm tra. Ủa mình đã nói mình ở nhà chờ nguyên ngày không thấy ai nên mình mới gọi mà????
Rồi ảnh nói anh sẽ hỗ trợ mình nếu mình có triệu chứng của bệnh. Rồi ảnh còn hỏi gần đây có đi du lịch nước ngoài không? Ủa đã tiếp xúc với người bệnh rồi, đi hay không đi có còn là vấn đề quan trọng nữa không? Mình nói bây giờ mình rất lo lắng, mong muốn được kiểm tra sức khoẻ và sát trùng nơi ở thì được biết, họ chỉ sát trùng những nơi xác nhận có người bệnh đi qua. Mình không phải người bệnh nên không hỗ trợ. Rồi ảnh đọc cho mình số điện thoại cơ quan y tế gần nhà mình để mình tự liên lạc.
Ok, mình tiếp tục gọi đến cơ quan y tế gần nhà và trình bày lại từ đầu. Kết quả là nếu mình muốn khám vẫn phải tự vác xác đến bệnh viện. Tình hình đang quá tải nên sẽ không có ai đến và cũng không có người nào hỗ trợ. Mình tự hỏi, nếu mình đang mang trong mình mầm bệnh, trong quá trình di chuyển lây thêm cho nhiều người khác thì làm sao???
Từ đầu đến cuối, không có ai hỏi địa chỉ cụ thể của mình để theo dõi luôn. Không biết mọi người sao chứ mình vốn dĩ là người rất lạc quan, lạc quan đến mức cẩu thả luôn, thế từ lúc nhận được tin đã tiếp xúc với người bệnh đến giờ, mình nhìn đâu cũng thấy vi trùng vi khuẩn. Có khi mình chưa bệnh mà đến bệnh viện rồi mới bị lây không biết chừng. Giờ đi bệnh viện hay không đây???
***
Nhà báo Nguyễn Tiêu Quốc Đạt bình luận: “Dịch bệnh là một phép thử rất rõ cho hệ thống y tế công cộng và chỉ ra được các điểm yếu trong các ưu tiên sử dụng ngân sách cho cộng đồng và vai trò điều hành của chính phủ tập trung. Khi có dịch, các nhóm yếu thế như người nghèo, người già, vùng nông thôn cần hỗ trợ.
Dịch bệnh cũng là một hệ quả của toàn cầu hoá khi nó đi con đường hồi hương sau chiến tranh (như dịch cúm Tây Ban Nha) và nay là con đường du lịch, hành hương tôn giáo. Ở cấp độ toàn cầu, không có quốc gia nào tự cho rằng chỉ chống dịch trong nước là đủ khi mà chuỗi cung ứng vật tư và dược liệu lệ thuộc vào nhau.
Một quốc gia thất thủ ví dụ như Hàn Quốc có thể tạo nên làn sóng di dân của hơn 26 ngàn người đổ về VN. Điều này tương tự với mọi quốc gia khác. Bởi vậy vai trò điều phối của những thiết chế như UN và WHO là cần thiết và không thể chối bỏ, đặc biệt là khi dịch tấn công vào các nhóm quốc gia yếu thế ở Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ và châu Á. Dịch Ebola là một ví dụ của thảm hoạ nhân đạo ở Congo nếu thiếu vắng vai trò chống dịch của WHO. Nói vậy để chia sẻ với nhiều bạn đang chỉ trích tổ chức này, đa phần là các tấn công ít căn cứ!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.