Chất liệu cao su: Từ đam mê tính dục đến thời trang
Trong hơn 50 năm, chủ đề tính dục và biểu tượng đã thay đổi rất nhiều để tương thích với bộ mặt của ngành thời trang.
Cho dù giày cao gót, corset và đồ da đã trở nên quá thường, thì trang phục bằng cao su vẫn khiến người ta phải ngoái nhìn và nhướng mày.
Sau khi di chuyển từ chiến hào đến những hộp đêm tình dục, trang phục bằng chất liệu latex giờ đây gây ảnh hưởng mạnh mẽ nhất với thảm đỏ và sàn diễn thời trang.
Đầu năm nay, người mẫu vận trang phục bằng cao su đi lại với tiếng kin kít cọ xát vào nhau trên sàn diễn thời trang thu-đông của Gucci, Vivienne Westwood, Balmain, Thierry Mugler và Raf Simons, và Kim Kardashian vận trang phục bằng cao su thiên nhiên latex tại chương trình nhạc hội Met Gala, và Rachel Weisz vận cùng chất liệu tại lễ trao giải Oscars, tiếp tục là những nghệ sĩ được bàn tán nhiều nhất năm 2019.
Trang phục của Hadid và Jenner cũng được những nghệ sĩ như Cardi B, Katy Perry, Ariana Grande và Nicki Minaj yêu thích.
Thời trang bằng chất liệu cao su latex đóng vai trò nổi bật trong một trong những trào lưu văn hóa pop then chốt nhất của thập kỷ, được Rihanna vận trong video ca nhạc S&M nổi tiếng của cô, được Miley Cyrus vận trong chương trình biểu diễn VMA 2013 gây tranh cãi, và ca sĩ Lady Gaga thì bận trang phục này khi gặp Nữ hoàng Anh.
Vô số bài báo cho thấy sự kết hợp của các ngôi sao với thời trang cao su latex vẫn còn được coi là tin sốt dẻo.
Chất liệu cao su thiên nhiên latex, từ lâu đã được coi là thứ bắt buộc phải dính dáng tới sự bí mật hay kiểm duyệt, giờ đây được vinh danh cực kỳ khoa trương.
Dù trang phục bằng cao su vẫn đang ở giữa thời kỳ phục hưng trong báo chí, thì hành trình của chất liệu này, từ rừng mưa ở Brazil tới những nhà ngục tăm tối bí mật và giờ xuất hiện ở sân khấu trung tâm, đã kéo dài 200 năm.
Dù cao su tự nhiên latex thường gợi nhắc đến chủ nghĩa tương lai và công nghệ, thì nguồn gốc của chất liệu này đã cổ xưa và hữu cơ.
Cao su latex là chất lỏng trắng đục màu sữa rỉ ra từ hơn 20.000 cây cao su khi thân cây bị rạch ra.
Nguyên tố giống nhựa này, khi đông và cứng lại sẽ tạo thành thể dẻo đàn hồi và chống nước, được khai thác bằng cách rạch cẩn thận bằng dao nhỏ vào thân cây.
Nhà thiết kế thời trang latex từ New York nổi tiếng với tên The Baroness cho BBC Designed biết: "Mọi người thường nhầm latex với nhựa PVC, và nghĩ về nó là chất liệu sáng lấp lánh, dính chặt gợi cảm và rẻ tiền. Nhưng cao su thiên nhiên latex hoàn toàn tự nhiên, bền vững, mỏng manh và khó sử dụng."
Chất liệu cao su thiên nhiên đã được sử dụng ở vùng Trung Mỹ từ năm 1600 trước Công nguyên, ở các nền văn minh Maya, Aztec và văn hóa Olmec (Olmec là từ trong tiếng Aztec, nghĩa là "người cao su").
Nam Mỹ vẫn là nguồn cung cấp cao su latex chính mãi đến năm 1876, khi Henry Wickham tìm cách ăn trộm thực vật và đã tuồn 70.000 hạt cao su Amazon ra khỏi Brazil, mang đến Anh Quốc.
Những cây giống trên cuối cùng cũng đến được với những vùng khí hậu phù hợp hơn ở Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia và Malaysia, chính là những quốc gia ngày nay trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới về cao su thiên nhiên.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp, cao su thiên nhiên đã trở thành tài nguyên cực kỳ giá trị của các vùng đất thuộc địa.
Để khai thác trữ lượng khổng lồ này, những kỹ thuật tra tấn kinh hoàng đã được đem ra áp dụng với người lao động cưỡng bức ở vùng Amazon ở Brazil và Congo của Vua Leopold, nơi người không đạt được hạn mức khai thác không tưởng sẽ bị trừng phạt bằng hình thức tra tấn cắt xẻ cơ thể hoặc trừng phạt tội chết.
Tình dục và quyền lực
Chất lượng độc đáo của cao su khiến chất liệu này rất hoàn hảo khi chế tạo quần áo bảo hộ, đặc biệt trong y tế và chiến tranh.
Nhà sử học thời trang Fiona Jardine, từ Trường Nghệ thuật Glasgow, giải thích công năng của cao su thiên nhiên vào Thế kỷ 19: "Khi nó được phối với chất vải có sẵn, cao su cải tiến tính năng của áo khoác ngoài, nón, bảo hộ ống chân và bảo hộ trang phục, khi du lịch, hoạt động cộng đồng và đời sống đô thị ngày càng thịnh hành ở phương Tây".
Khi trang phục bằng cao su ngày càng phổ biến, một số người vận trang phục phát hiện ra nó vừa thực dụng và vừa gợi tình. "Đó là chất liệu vải gợi cảm nhất," Baroness nhận định, "vì nó có bề ngoài, mùi hương, hương vị, âm thanh và cảm giác độc đáo."
Áo mưa Mackintosh được phát minh năm 1824 đã sản sinh ra một cộng đồng người yêu chuộng cao su rất trung thành, những người có cách dùng chữ và sự đam mê với cụm từ "hồi hộp lột xác" đầy tính gợi dục (đây là cụm từ có màu sắc tính dục chỉ việc mặc loại trang phục này), cụm từ được xuất bản trên ấn phẩm định kỳ London Life từ đầu thập niên 1920.
Những người đam mê đã tổ chức một cuộc gặp sáng lập ra cộng đồng Mackintosh, một trong những tổ chức về thời trang tính dục hiện đại đầu tiên ở Anh Quốc.
Khi những thành viên trong nhóm này phát triển và cụm từ mà nhóm sử dụng là "hư hỏng, đồi truỵ" lan rộng, thì ngầm ý xã hội về trang phục bằng cao su ngày càng trở thành chủ đề cấm kỵ.
Sau Thế chiến Thứ Hai, làn sóng chủ nghĩa bảo thủ xã hội đã dìm những người theo chủ nghĩa tính dục xuống dòng văn hóa ngầm.
Sau nhiều năm ẩn dật, thời trang bằng cao su thiên nhiên xuất hiện trở lại vào cuối thập niên 1950, nhờ vào nhà thiết kế thời trang người Anh John Sutcliffe, người đã sáng tạo ra bộ trang phục miêu nhân đầu tiên trên thế giới - một nguyên mẫu thời trang tính dục bằng cao su.
Mặc dù ý định ban đầu của ông khi tung ra thương hiệu AtomAge là để chế tạo trang phục chống thời tiết cho người đạp xe, nhưng rõ ràng là thiết kế của ông được mọi người ưa chuộng sử dụng trong không gian riêng tư hơn là chốn công cộng.
Loạt phim truyền hình điệp viên tên The Avengers (Người Báo Thù) của Anh Quốc vào thập niên 1960 là đỉnh cao đưa trang phục cao su quay lại với công chúng.
Nữ anh hùng trong phim, Emma Peel (do Diana Rigg thủ vai), được vận trang phục làm bằng chất liệu latex, một bộ đồ nữ miêu nhân lấy cảm hứng từ thiết kế của Sutcliffe. Với hình ảnh nguyễn mẫu của Peel trên báo chí, bộ da thứ hai bằng latex không chỉ có vẻ gợi cảm mà còn rất siêu nhân.
Sutcliffe kiếm lợi từ sự say mê với sản phẩm của ông, và sáng lập Tạp chí AtomAge vào năm 1972.
Ấn phẩm định kỳ đầy những hình ảnh gợi dục và nghệ thuật đã nhận được sự hưởng ứng khổng lồ từ những người theo trường phái sùng bái tính dục, và thực sự gây choáng ngợp với giới thời trang tiến bộ ở London.
Tiên phong trong trào lưu thời trang 'phủi'
Tạp chí gây sốc này thu hút sự chú ý của những người tiên phong trong phong trào thời trang punk như Vivienne Westwood và Malcolm McLaren, người từng sở hữu một cửa hàng thời trang tên Let it Rock.
Mặt tiền cửa hàng nổi tiếng này sau đó được đổi tên thành SEX vào năm 1974, với một biển hiệu khổng lồ làm từ cao su màu hồng.
Thời trang bằng cao su latex là điểm nhấn của cửa hàng SEX, chuyên phục vụ giới mộ điệu trong trào lưu sùng bái tính dục và là nhóm văn hóa phát triển mạnh mẽ trong giới trẻ.
Trào lưu thời trang punk khai thác sức mạnh biểu đạt bị cấm cản của cao su để phản kháng lại đám đông và lật đổ những thông lệ về thời trang, với Westwood dẫn đầu trào lưu. Cao su và tất cả những sự sỉ nhục được xã hội hóa của cao su đã trở thành nền tảng cho mục tiêu thể hiện sự đối kháng trong thời trang.
Valerie Steele trích dẫn lời của Westwood trong tác phẩm viết năm 1996 của bà, Sùng bái tính dục: Thời trang, Tình dục và Sức mạnh, như sau: "Những món đồ khổ dâm về mặt bề ngoài có cảm giác bị ngăn cấm, nhưng khi bạn mang vào, chúng đem lại cho bạn cảm giác tự do."
Sau khi trở nên phổ biến trong trào lưu thời trang punk, trang phục bằng cao su tìm thấy chốn nương thân mới vào thập niên 1980 ở những hộp đêm, với những người mê tiệc tùng và giới biểu diễn.
Tính chất gây sốc của trang phục này khiến nó là lựa chọn lý tưởng cho những biểu tượng của thời đại như Siouxsie Sioux, và sau đó được mặc trong những video âm nhạc các bài hát nổi tiếng, như ca khúc White Wedding của Billy Idol, và Frankie Goes mặc trong Hollywood's Relax.
Thời đó, Therea Coburn bắt đầu thiết kế trang phục bằng cao su cho cửa hàng trên đường Kings Road của thương hiệu BOY, và thiết kế những trang phục nổi bật cho nghệ sĩ nhạc goth Johnny Slut (thuộc nhóm nhạc Speciemen).
"Tôi có được cảm hứng từ John Sutcliffe và AtomAge, nhưng tôi không muốn đi vào con đường mặt nạ chống hơi độc, tôi muốn sử dụng cao su là một chất liệu có tính cách nổi loạn, nhưng không phải theo hướng thời trang tính dục. Tôi muốn biến nó thành trang phục hàng ngày," Coburn giải thích.
Bà nhớ lại một thời bà chỉ có thể tìm được những món thời trang thiết kế nghèo nàn trong những cửa hàng bán đồ chơi tình dục nhếch nhác, và khao khát của bà trong việc đưa chất liệu này nổi bật trở lại.
"Ý tưởng thử đưa chất liệu này ra khỏi hộp đêm và xuất hiện trên đường phố thực sự nghe có vẻ điên rồ vào thời đó. Nhưng khi đó đã là thời hậu trào lưu punk và chúng tôi đang thách thức mọi thứ. Chúng tôi cố gắng gây sốc cho công chúng và thách thức nhận thức của họ," bà cho biết.
Thập niên 1990 đánh dấu tình yêu với Emma Peel trong phim The Avengers, trở lại "cùng với thời trang cổ điển thời thập niên 60", theo Steele viết trong "Sùng bái tính dục: Thời trang, Tình dục và Sức mạnh".
Một số vai diễn nữ đóng trong các phim hành động như Batman Trở lại, Kẻ cướp mộ Tomb Raider, Ma Trận và Những Thiên thần của Charlie cũng sử dụng trang phục như vậy.
Chất liệu này cũng được sử dụng trong video ca nhạc và những buổi trình diễn của các nghệ sĩ biểu tượng nhạc pop như Madonna, Janet Jackson, nhóm The Spice Girls và ca sĩ Britney Spears.
Điểm nhấn trang phục này trong điện ảnh cũng được phản ánh trên sàn diễn thời trang.
Trong suốt thập niên đó, trang phục cao su được các nhà thiết kế như Marc Jacobs, Chanel, Dolce and Gabbana, Valentino, Anna Sui, Jean-Paul Gaultier, Christian Lacroix và Alaïa ưu ái trên sàn diễn thời trang, cùng với nhiều nhà thiết kế khác.
Hàm ý lật đổ trong trang phục cao su giờ đây ngày càng được thay thế bằng ý niệm tôn vinh sức mạnh nữ quyền và sự chuyển biến trong thập niên 2000.
"Ngay khi thử vận trang phục, tôi đã có cảm giác như một nữ siêu nhân, và tôi biết tôi muốn sử dụng chất liệu này trong thiết kế thời trang, vì tôi nghĩ những phụ nữ khác cũng cảm thấy tương tự," nhà thiết kế người Anh gốc Nhật tên Atsuko Kudo cho biết.
Bà là người thiết kế những trang phục bằng cao su nổi tiếng nhất cho Gaga, Cyrus và Weisz.
Khi được hỏi những người nổi tiếng muốn chuyển tải thông điệp gì đến thế giới khi họ vận trang phục cao su, Nhà thiết kế Baroness đơn giản là đưa ngón tay giữa của bà lên. "Cao su nói: Tôi là chính tôi, tôi làm bất cứ gì tôi muốn, tôn vinh bản thân tôi và tận hưởng điều đó."
Mặc dù hiệu ứng lan truyền là hệ quả tất yếu nhưng trang phục bằng cao su vẫn còn một con đường dài mới đi từ chỗ phổ biến thành trang phục quen thuộc thường ngày.
"Những chất liệu khác như len, cotton và thậm chí da không có lịch sử tương tự," Kudo giải thích.
Có vẻ như cách dùng phổ biến của cao su thiên nhiên trên các sàn diễn thời trang cao cấp và văn hóa pop vẫn chưa phá hủy khả năng thu hút sự chú ý của chất liệu này.
"Chất liệu này được đón nhận trong những môi trường nổi bật, như sân khấu, sàn diễn thời trang và các lễ hội, chứ không phải trên đường phố. Nó không còn là điều cấm kỵ, nhưng nó vẫn còn khả năng gây sốc," Coburn nói.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.
Tin liên quan
- Đời sống tình dục với bao cao su 'chay' thân thiện môi trường
- Khi sự hoan ái lên ngôi trong nghệ thuật
- Ai là người định hình thời trang đường phố
- Giải mã chuyện tạo cơn sốt hàng hiệu
- Điều gì khiến ta khát khao đồ siêu sang?
- Những quy tắc ăn mặc có ý nghĩa với phi hành đoàn
- Vì sao chúng ta thích mặc bộ vest?
- Nét gợi tình trong tranh khỏa thân thời Phục hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.