Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020

Ai sẽ vào 'tứ trụ' ở Đại hội XIII và bước tiếp của 'Đốt lò'

Ai sẽ vào 'tứ trụ' ở Đại hội XIII và bước tiếp của 'Đốt lò'

Đại hội 13 sẽ diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực. Nhưng Việt Nam sẽ quay lại với mô hình 'tứ trụ' truyền thống hay vẫn duy trì 'hợp nhất' Tổng bí thư và Chủ tịch nước?Bản quyền hình ảnhMANAN VATSYAYANA/GETTY IMAGES
Image captionĐại hội 13 sẽ diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực. Nhưng Việt Nam sẽ quay lại với mô hình 'tứ trụ' truyền thống hay duy trì Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước?
Đâu là ưu thế/ hạn chế của ba ứng viên tiềm năng của chức vụ cao nhất tại Đại hội 13 sắp tới của Đảng CSVN. Và với lãnh đạo mới, chiến dịch 'đốt lò' sẽ như thế nào? 
Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ quyết định nhân sự chủ chốt của đảng này, và cũng là của chính quyền Việt Nam trong nhiệm kỳ mới. 
Đây là nhóm mà lâu nay vẫn được gọi là "tứ trụ", liên hệ đến 4 chức danh chủ chốt của đảng CS và nhà nước Việt Nam là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. Nhưng tất nhiên, trong hệ thống chính trị do đảng CS lãnh đạo ở Việt Nam, quan trọng nhất vẫn là chức danh Tổng bí thư của đảng. 

Hợp nhất hay quay lại truyền thống?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, nghiên cứu viên, Trung tâm Tương lai Chính sách, Khoa Nhân văn và Xã hội học, Đại học Queensland, Úc, trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt qua điện thoại cho rằng, hiện có ba ứng cử viên nổi lên cho vị trí Tổng bí thư là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng. 
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Hải, câu hỏi lớn nhất mang tính quyết định đến việc lựa chọn là liệu đảng cộng sản có tiếp tục theo đuổi việc hợp nhất chức danh Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước như hiện tại, hay quay về với mô hình 'tứ trụ' truyền thống. 
Tiến sĩ Hải cũng lưu ý, việc dùng từ 'hợp nhất' chưa hẳn đã chính xác, mà chỉ tiện cho cách diễn giải cho cấu trúc quyền lực phức tạp ở các hệ thống chính trị như Việt Nam và Trung Quốc. Bởi lẽ, Điều lệ Đảng CSVN và Hiến pháp Việt Nam vẫn có quy định riêng cho chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, nên dù một người đảm nhận hai chức vụ thì đây vẫn là hai chức vụ riêng rẽ trong hệ thống chính trị Việt Nam. 
Nếu quay lại với mô hình truyền thống, nghĩa là bốn vị trí 'tứ trụ' do bốn ủy viên bộ chính trị khác nhau đảm nhiệm, thì ông Trần Quốc Vượng có nhiều lợi thế để trở thành Tổng bí thư, bởi ông là người hiện ở vị trí quyền lực thứ tư trong Đảng (sau khi ông Trọng đảm nhiệm luôn cả vị trí Chủ tịch nước từ tháng 8/2018). Ông cũng từng đảm nhiệm vị trí phù hợp với chức danh lãnh đạo đảng. Ở vị trí này, quy định về tuổi tác cũng có thể được áp dụng với trường hợp ngoại lệ. 
Một mô hình 'tứ trụ' truyền thống khi đó cũng sẽ có mở ra lựa chọn khác, như Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch hay thậm chí Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng. 
Trong khi đó, nếu tiếp tục giữ mô hình Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước như hiện nay, đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có nhiều lợi thế hơn.
Muốn chống tham nhũng có cần dân chủ?
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cũng cho rằng, dẫu hiện tại đang đặt vấn đề về việc kiểm soát quyền lực, nhưng xét các yếu tố về sự ủng hộ trong đảng thì mô hình kiêm nhiệm hai chức danh này có phần được ủng hộ. 
Ông Hải cũng lưu ‎ rằng, vấn đề một người vừa nắm giữ chức Tổng bí thư vừa làm Chủ tịch nước đã được đặt ra từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 8, 9. Tuy nhiên, khi đó chưa hội đủ điều kiện về 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' như lần này. 
Theo Tiến sĩ Hải, tuy nhiên, việc hợp nhất không chỉ đòi hỏi người đảm nhận chức vụ đó cả về uy tín lẫn năng lực, thì bộ máy giúp việc cũng phải rất rạch ròi, đòi hỏi sự phối hợp rất nhuần nhuyễn trong các bộ máy này để chức trách của mỗi chức vụ khác nhau, tránh không bị nhầm lẫn về chức năng và cách điều hành của từng vị trí. 

Ông Nguyễn Xuân Phúc là 'ứng viên sáng giá'?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho rằng, xét về lợi thế từ cách thức thể hiện năng lực điều hành, xử lý vấn đề, ông Nguyễn Xuân Phúc là ứng cử viên sáng giá. 
Theo Tiến sĩ Hải, "thành tựu kinh tế của Việt Nam trong nhiệm kỳ hiện nay, đặc biệt là trong năm 2019 vừa qua, cũng như sự thể hiện của ông Phúc qua trong các hoạt động đối ngoại thời gian qua đã cho thấy điều đó". 
Hơn nữa, kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng bị lâm bệnh ở Kiên Giang đến nay, ông Phúc đã đứng ra gần như điều hành, chỉ đạo ở những vai trò thuộc các lĩnh vực như quốc phòng, công an, vốn do Tổng bí thư đảm trách. 
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, với tất cả những kinh nghiệm như thế, cũng như với việc sang năm ông Phúc ở tuổi 67 - độ tuổi không phải là quá cao - đồng thời, bằng quan sát cũng thấy, ông Phúc đủ điều kiện về sức khỏe để đảm trách được công việc của một Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước. 
Ông Nguyễn Xuân Phúc được cho là ứng cử viên sáng giá nếu vẫn duy trì mô hình Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước.Bản quyền hình ảnhNHAC NGUYEN/GETTY IMAGES
Image captionÔng Nguyễn Xuân Phúc được cho là ứng cử viên sáng giá nếu vẫn duy trì mô hình Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước.
Về Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho rằng, bà Ngân sẽ phù hợp với vị trí Thủ tướng bởi bà có kinh nghiệm điều hành Quốc hội. Bà cũng từng là thành viên Chính phủ phụ trách lĩnh vực Lao động - thương binh và xã hội hay Thứ trưởng Bộ Tài chính, cũng như từng kinh qua kinh nghiệm từ cơ sở. 
Tuy nhiên, bà Ngân cũng không dành được sự ủng hộ hoàn toàn, vì vẫn có ý kiến cho rằng, bà chưa đủ tầm để làm thủ tướng. 
Một ứng cử viên khác cho vị trí này thay vì bà Ngân là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - người đang phụ trách mảng kinh tế của chính phủ.
Ông Trần Quốc Vượng sẽ có lợi thế để trở thành Tổng bí thư nếu đảng quay lại với mô hình 'tứ trụ' truyền thống. Tuy nhiên, ông lại chưa thể hiện nhiều ở lĩnh vực đối ngoại hay điều hành về kinh tế, nên nếu chọn mô hình Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước như hiện nay, thì ứng viên số một vẫn là ông Nguyễn Xuân Phúc. 
Còn nếu quay lại mô hình 'tứ trụ', sẽ có thêm một ủy viên bộ chính trị đảm nhận một trong bốn vị trí này. Khi đó, những ứng cử viên thích hợp có thể là ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội hoặc ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP HCM. 
Khi được hỏi về dự đoán trước đây của một số nhà quan sát liên quan đến khả năng ông Nguyễn Thiện Nhân trở thành Thủ tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho rằng, điều này là khó. 
Ông nói: "Sẽ ít người ủng hộ việc ông Nhân trở thành Thủ tướng, bởi nhìn vào thành tích của ông khi còn là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, rồi Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam hay ngay cả khi ông vào TP HCM đảm nhiệm Bí thư Thành ủy, thì chúng ta thấy ông là người ôn hòa, không quyết liệt. 
"Trong khi đó, với tăng trưởng GDP ở mức 7,2% như năm 2019 thì việc trong những năm tới, duy trì đà tăng trưởng cao hơn hay ít nhất không thấp hơn mức đó là rất khó. Điều này đòi hỏi Thủ tướng phải là người rất năng nổ, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Thứ hai, vị trí Thủ tướng hiếm khi được chọn từ những trường hợp đặc biệt về tuổi, trong khi sang năm 2021, ông Nhân đã ở tuổi 68, nên nếu không đảm nhận chức vụ trong đảng thì sẽ rất khó vượt qua quy định về giới hạn độ tuổi". 

Không phức tạp như trước đại hội 12

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, việc xác định các ứng cử viên Bộ Chính trị khóa tới sẽ không gặp nhiều khó khăn như thời điểm năm 2016 -trước đại hội 12, vì thời điểm hiện nay rõ ràng là không phức tạp bằng. 
Về nhân sự cao nhất, theo ông Hải, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gần như chắc chắn sẽ nghỉ do sức khỏe không bảo đảm và bản thân ông có lẽ cũng không muốn tiếp tục tại vị. Do vậy, việc chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo mới là điều gần như chắc chắn. 
Về danh sách những người sẽ tham gia bộ chính trị khóa mới, theo Tiến sĩ Hải, hầu như cũng đã được chốt. Bởi trong tổng số 15 ủy viên bộ chính trị hiện có, 7 người sẽ tại vị. 
Đồng thời, đội ngũ tham gia tham gia bộ chính trị khóa 13, nếu hiện nay họ đang là thành viên ban bí thư sẽ dễ dàng hơn, như các ông như Trần Cẩm Tú, Nguyễn Văn Nên, Phan Đình Trạc, Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Xuân Thắng, và Lương Cường... Tất cả những vị đó đều có thể vào ủy viên bộ chính trị được. 
Như vậy, ít nhiều có thể thấy, danh sách Bộ chính trị khóa mới không có nhiều biến động. 
Việc lựa chọn nhân sự tại Đại hội 13 được cho là sẽ không phức tạp như trước Đại hội 12Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionViệc lựa chọn nhân sự tại Đại hội 13 được cho là sẽ không phức tạp như trước Đại hội 12
Còn với danh sách ứng cử viên tham gia ban chấp hành trung ương khóa 13 mới, theo Tiến sĩ Hải, hiện cũng đã ổn định. Những ứng viên thuộc các bộ, ngành trung ương đủ điều kiện để tái cử khá rõ ràng, những người dự kiến sẽ tham gia khóa mới đã được luân chuyển về các địa phương. 
Đồng thời, nhân sự chủ chốt ở địa phương, cũng là người sẽ tham gia ban chấp hành Trung ương khóa mới, cũng đã được chuẩn bị cho đại hội ở cấp địa phương và được đào tạo các khóa cấp chiến lược. 
"Tất nhiên, danh sách ấy có thể sẽ có thay đổi trước đại hội nhưng tôi cho là không nhiều", Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải nói. 

'Lò' vẫn nóng, bất kể ai là lãnh đạo?

Khi được hỏi việc một ban lãnh đạo mới có ảnh hưởng đến chiến dịch 'đốt lò' hiện nay của ông Nguyễn Phú Trọng hay không, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho rằng, chiến dịch này sẽ tiếp tục. 
"Đảng CSVN sẽ quyết tâm đẩy mạnh chống tham nhũng. Điều này rất quan trọng để bảo đảm tính chính danh, duy trì niềm tin tưởng vào chế độ. 
"Khi phân tích tình hình chính trị Việt Nam, ít người để tâm đến mức trần mà đội ngũ lãnh đạo hiện nay đã vạch ra và mong đợi của người dân. Bất cứ sự thay đổi nào, nếu tốt hơn thì không sao, nhưng nếu kém đi sẽ đe dọa đến sự tồn tại và tính chính danh của chế độ. Người dân mong đợi sự thay đổi nhưng là sự thay đổi để tình hình tốt hơn lên chứ không phải là ngược lại. 
"Nếu một cá nhân nào đó lên nắm quyền mà không tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng thì người đó đi ngược lại với mong đợi của người dân và điều đó sẽ đe dọa đến chế độ", Tiến sĩ Hải nói với BBC News Tiếng Việt. 
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cũng cho rằng, mô hình chống tham nhũng nhiệm kỳ tiếp theo sẽ khác đi. 
"Chiến dịch chống tham nhũng hiện nay đang tập trung vào các đại án và đó là di sản của nhiệm kỳ trước. Danh sách các đại án sẽ tiếp tục bị điều tra, truy tố và xét xử trong năm 2020 đã được chốt tại phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng hôm 15/1 vừa qua. 
"Giả sử nếu trong nhiệm kỳ tới xác định những đại án lớn, thì đó sẽ là đại án của nhiệm kỳ này. Điều đó đồng nghĩa với việc xác nhận là nhiệm kỳ này có vấn đề. Và khi đó, tạo cảm giác là nhiệm kỳ mới lên bới móc lại các sai phạm của nhiệm kỳ trước. 
"Như vậy, bên cạnh giải quyết nốt những đại án đã xác định trong nhiệm kỳ này nhưng chưa công khai thì nay tiếp tục xử lý‎, cuộc chiến chống tham nhũng ở nhiệm kỳ tới sẽ có hướng đi khác" ông Hải nhận định.
Do vậy, Tiến sĩ Hải dự đoán rằng, chiến dịch chống tham nhũng nhiệm kỳ tới sẽ tập trung vào những tham nhũng ở quy mô nhỏ hơn, tham nhũng vặt, hay chuyện nhận hối lộ chẳng hạn, chứ không mở ra các đại án lớn. 
"Việc xử lý các vụ án tham nhũng vặt ở cấp cơ sở một mặt sẽ làm trong sạch bộ máy chính quyền cơ sở và củng cố niềm tin của người dân, mặt khác sẽ tránh sự chú ý đến hệ thống quyền lực ở cấp cao hơn", Tiến sĩ Hải nhận xét.

Tin liên quan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.