Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020

Thảm kịch Đồng Tâm dưới cái nhìn quân sự

Thảm kịch Đồng Tâm dưới cái nhìn quân sự

Trung Nguyễn
18-1-2020
Đã có rất nhiều bài viết phân tích về những điều vô lý trong kịch bản lần thứ ba mà Bộ Công an đưa ra để giải thích cho thảm kịch Đồng Tâm, nơi mà cụ Lê Đình Kình và ba chiến sĩ cảnh sát cơ động đã chết. Trong bài viết này tôi muốn phân tích thêm về khía cạnh tác chiến quân sự trong trận đánh “anh hùng” này của lực lượng cảnh sát cơ động. 
Tấn công nhà dân là không cần thiết
Theo như tướng Lương Tam Quang kể lại, một số người dân Đồng Tâm đã tấn công bằng lựu đạn, bom xăng,… vào chốt 16 nên cảnh sát cơ động tiến hành truy kích đến tận nhà của cụ Lê Đình Kình, nhà anh Lê Đình Chức, nhà anh Lê Đình Công là hai con trai của cụ. Tức là cảnh sát cơ động đã biết rõ những người dân tấn công chốt 16 có vũ khí sát thương nguy hiểm là lựu đạn, bom xăng.
Từ đó, việc truy đuổi những người dân này là nguy hiểm, trừ khi cảnh sát cơ động có được áo giáp có thể chống được miểng lựu đạn.
Thêm vào đó, trong nhà dân lại có người già, phụ nữ, trẻ em. Việc cố gắng truy đuổi và tấn công những người đang rút vào nhà rất có thể sẽ gây hại đến những người vô tội khác. Rất may là trong thảm kịch vừa qua, chắt của cụ Kình mới 3 tháng tuổi vẫn còn sống.
Do đó, nếu là một chỉ huy có đầu óc và lương tâm, có thể là đội trưởng đội cảnh sát cơ động, sẽ nhận ra việc tấn công vào nhà của những kẻ tấn công đang ẩn náu hoàn toàn không cần thiết vì các chiến sĩ của mình có thể bị nguy hiểm vì lựu đạn, bom xăng, và về phía người dân thì có thể gây nguy hiểm cho người lớn tuổi, phụ nữ, trẻ em.
Nếu tôi ở vào vị trí của người chỉ huy lúc đó, tôi chỉ việc cho bao vây các căn nhà và kêu gọi những người tấn công cảnh sát cơ động đầu hàng. Tôi cũng sẽ thương thuyết để họ cho trẻ em, phụ nữ, người già đi ra khỏi nhà một cách an toàn.
Thật sự chỉ cần bao vây tối đa là ba ngày, cắt điện, cắt nước thì trước sau gì những người đó phải đầu hàng vì ai cũng phải ăn và phải uống nước. Như vậy, tôi sẽ bảo vệ được mạng sống của các chiến sỹ và những người dân vô tội ở trong nhà.
Qua đó, có thể thấy rằng, quyết định tấn công vào các căn nhà nơi có những người tấn công cảnh sát trú ẩn là trái với các quy chuẩn đạo đức và khoa học quân sự thông thường.
Từ đó chúng ta có thể suy ngược lại là việc người dân tấn công cảnh sát cơ động trước bằng lựu đạn là không có. Cũng không ai đi đuổi theo sát nút những người có lựu đạn và xông vào nhà họ để rồi rơi xuống hố như ba chiến sỹ đã chết cả. Cảnh sát sẽ giữ khoảng cách và bao vây là đủ.
Ba chiến sĩ cảnh sát cơ động chết cháy … oan
Trong di chuyển tác chiến của bộ binh, không bao giờ có chuyện cả ba chiến sĩ di chuyển sát nhau mà phải giữ khoảng cách để quan sát, yểm trợ, và tránh … chết chùm. Ví dụ người đi đầu đã chiếm được vị trí tốt, an toàn thì người đi cuối sẽ băng lên phía trước chiếm vị trí tốt và trở thành người đi đầu, cứ thể mà cả đội hình cuốn chiếu lên. Ngay khi có nguy hiểm thì chỉ một người trong đội hình bị thương. Không lẽ ngay cả thượng tá, phó trung đoàn trưởng trung đoàn cảnh sát cơ động Nguyễn Huy Thịnh không biết những kiến thức quân sự sơ đẳng này?
Từ đó để thấy rằng, việc cả ba chiến sỹ rơi xuống hố cùng một lúc là chuyện bôi nhọ, vu khống cho các chiến sĩ đã chết. Việc người dân trong lúc đang bỏ chạy mà còn có thời gian quay lại bình tĩnh tưới một lượng xăng lớn và châm lửa đốt là chuyện vu khống cho người dân. Và việc các chiến sĩ cảnh sát cơ động khác có súng ống tận răng, lại có cả lính cứu hỏa mà không bắn giải vây kịp và dập lửa kịp là chuyện xúc phạm, vu khống các chiến sĩ còn sống. Không lẽ ý của Bộ Công an, ông Lương Tam Quang là những người lính còn sống hèn nhát, bỏ mặc không thèm cứu đồng đội?
Tội ác của công an
Việc cảnh sát cơ động không bao vây nhà những người dân tấn công họ mà cảnh sát phải tấn công ngay vào nhà để giết chết một người không có khả năng tự vệ là cụ Lê Đình Kình, cho thấy, họ rất vội vã phải giết cụ. Họ sợ mặt trời lên thì những âm mưu đen tối của họ sẽ hiện ra trước mặt người dân thôn Hoành. Ở đây, bóng tối đồng lõa với tội ác của công an. Từ đó mới thấy không phải ngẫu nhiên mà công an đi “lập chốt” ban đêm.
Còn về việc ba cảnh sát cơ động đã chết, tôi có thể khẳng định, việc ba người cùng bị rớt xuống hố và rồi bị dân đổ một lượng xăng lớn xuống đốt là vô lý, vì điều này trái với logic và tư duy quân sự. Ba chiến sĩ đã chết chắc chắn phải do một nguyên nhân khác, không liên quan gì đến người dân, có thể là một tai nạn do lựu đạn, thuốc nổ khi các chiến sĩ không thao tác đúng, hoặc thậm chí “quân ta bắn quân mình”.
Tuy nhiên, do sợ bị kỷ luật vì để chết quá nhiều quân trong một trận chiến với người dân chỉ có trang bị thô sơ, nên rất có thể chỉ huy tại đó đã ra lệnh đốt xác của ba chiến sĩ để xóa dấu vết nguyên nhân cái chết thật sự của họ, đồng thời đổ vấy cho người dân Đồng Tâm. Tiếc là kịch bản họ đưa ra còn quá sơ hở và vô lý.
Chính vì có rất nhiều điều vô lý mâu thuẫn nhau trong lời kể của các tướng công an nên chắc chắn họ rất sợ người dân cả nước kéo đến Đồng Tâm để “chiêm ngưỡng” hiện trường vụ án và cái hố “tử thần” nơi thiêu chết ba chiến sĩ. Đó là lý do họ đã phong tỏa thôn Hoành hoàn toàn không cho ai ra vào, cắt internet,…
Cũng vì ba chiến sĩ chết bất minh nên giới tướng lĩnh công an phải nhanh chóng trấn an lòng quân bằng cách phong huân chương, rồi nhanh chóng tổ chức phát động phong trào học tập và làm theo gương “Xuống Hố Cả Nút” của ba chiến sĩ này. Đó chỉ là cách “cả vú lấp miệng em” và khỏa lấp nghi ngờ trong dân.
Đòi “một tay che cả bầu trời”?
Tôi chắc chắn là các luật sư sẽ dễ dàng phát hiện ra những điểm mâu thuẫn, vô lý trong vụ án để dễ dàng biện hộ cho những người dân Đồng Tâm đang bị bắt giam. Do đó, tôi cũng chắc chắn công an sẽ đe dọa những luật sư nào dám đứng ra bào chữa cho dân Đồng Tâm. Công an sẽ tìm cách để chỉ có luật sư của họ chỉ định được “biểu diễn” màn bào chữa cho người dân Đồng Tâm.
Hiện tại công an đang nỗ lực biến những người dân Đồng Tâm giữ đất thành những kẻ khủng bố qua việc tra tấn, bức cung, phát trên sóng truyền hình. Họ cũng cố gắng để biến vụ án Đồng Tâm thành vụ án liên quan đến “an ninh quốc gia” bằng cách ép dân Đồng Tâm đang bị bắt, phải nhận là có quen với một số người hoạt động xã hội dân sự, nhận tiền của các tổ chức “khủng bố” ở nước ngoài. Như thế thì những người đang bị giam sẽ không được gặp luật sư trong giai đoạn điều tra. Bộ Công an đang tìm cách lấp liếm, che giấu việc vi phạm pháp luật và tội ác của họ.
Nhưng một tay đâu thể nào che mãi bầu trời. Vụ việc Đồng Tâm trước sau gì rồi cũng sẽ được minh bạch vì còn nhiều người dân và lính cảnh sát cơ động biết rõ mọi chuyện. Lực lượng cảnh sát cơ động đang bao vây Đồng Tâm rồi cũng phải rút lui. Bộ Công an sẽ không thể nào giết hết cả dân và lính trong chuyện này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.