Chính trị Mỹ: Mất dân chủ có lợi cho Đảng Cộng hòa
Tác giả: Ezra Klein
Dịch giả: Jackhammer Nguyễn
24-1-2020
Lời người dịch: Xã hội, văn hóa và chính trị Mỹ đang bị phân cực dữ dội. Bài phân tích sau đây giúp chúng ta hiểu sự phân cực đó, cũng như hiểu sự khác biệt chính trị giữa hai chính đảng lớn nhất nước Mỹ hiện nay.
Bài viết này được đăng trên trang Quan điểm, của The New York Times, mang tựa đề: Vì sao phe Dân chủ cần thành phần trung dung, còn phe Cộng hòa thì không? (Why Democrats still to appeal the Center, but Republicans Don’t?) Tác giả là ông Erza Klein, một nhà báo, đồng sáng lập kênh truyền thông số (digital) Vox, đang phát triển mạnh tại Mỹ.
***
Nền chính trị hai đảng đã có từ thời… nội chiến đến nay, thành ra nhiều người chúng ta cho rằng nền chính trị đó đã ổn định rồi, sự chia rẽ đảng phái hiện nay cũng chỉ là nền chính trị lưỡng đảng đó mà thôi.
Nhưng trong vài chục năm gần đây, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa có rất nhiều thay đổi. Thay đổi thứ nhất là thay đổi ý thức hệ, đảng Dân chủ hướng về phía Tả, còn đảng Cộng hòa hướng về phía Hữu. Nhưng điều thay đổi quan trọng hơn là thành phần (cử tri) của hai đảng này. Đảng Dân chủ đa dạng hơn, gồm thành phần trẻ tuổi, sống ở đô thị và không có tín ngưỡng. Đảng Cộng hòa có thành phần chủ yếu là da trắng, lớn tuổi, theo đạo Thiên Chúa và sống ở miền quê.
Đây chính là nguyên nhân chủ yếu của sự phân cực hiện nay. Sự phân cực này chúng ta không có trong quá khứ, và nó tác động khác nhau lên mỗi đảng. Khi hai đảng cạnh tranh nhau thì chiến thuật mà đảng Cộng hòa thành công lại không thể thành công cho đảng Dân chủ.
Đảng Dân chủ quả thực là có trôi về hướng Tả, nhưng họ lại không thể bỏ nhóm cử tri Trung dung. Đảng Dân chủ bị kềm chế bởi tính đa dạng và tính dân chủ, trong khi đảng Cộng hòa không có điều đó.
Trong 50 năm qua, thành phần của đảng Dân chủ trở nên đa dạng, đảng Cộng hòa lại trở thành đồng nhất. Và sự đa dạng này lại chính là yếu điểm của đảng Dân chủ so với đảng Cộng hòa. Đảng Dân chủ bao gồm nhiều nhóm quyền lợi khác nhau, khó điều hòa. Sự đa dạng đó đóng vai trò quan trọng trong cách thức mà đảng Dân chủ phản ứng lại sự phân cực hiện nay.
Khi vận động, tập hợp cử tri, đảng Dân chủ sẽ gặp khó khăn hơn vì nếu làm vừa lòng nhóm này, sẽ làm phật lòng nhóm khác cũng ủng hộ đảng Dân chủ. Hiện nay đảng Dân chủ là một liên minh của những người da trắng cấp tiến, Mỹ gốc Á, Mỹ gốc Latin, Mỹ gốc châu Phi, trong khi đảng Cộng hòa gồm người Mỹ trắng là chủ yếu. Đảng Dân chủ gồm những người Thiên Chúa không phải da trắng và cấp tiến, Do Thái, Hồi giáo, nhóm Đợt sống mới, Phật giáo,…thì bên Cộng hòa đa số là người da trắng Thiên Chúa. Ba phần tư những người Cộng hòa là nhóm bảo thủ, còn nhóm cấp tiến chỉ chiếm phân nửa những người Dân chủ thôi.
Điều đó có nghĩa là một ứng viên Dân chủ muốn thắng kỳ bầu cử sơ bộ (của Đảng Dân chủ) thì phải lấy được phiếu của những người da trắng cấp tiến ở New Hampshire, mà cũng phải lấy được phiếu những người da đen vẫn sống theo kiểu truyền thống ở Bắc Carolina, những người Công giáo Ái Nhĩ Lan ở Boston, những người không theo tôn giáo nào cả ở San Francisco. Mà những người này có quan niệm, quyền lợi khác nhau, rất khó để làm họ cùng hài lòng.
Bên cạnh đó, các nguồn thông tin, báo chí mà những người Dân chủ lắng nghe cũng đa dạng hơn những người Cộng hòa. Theo một điều tra của Pew, khi đưa ra 30 nguồn thông tin được xem là đáng tin cậy, thì những người Dân chủ sử dụng đến 22 nguồn trong số đó, còn những người Cộng hòa chỉ có 7. Những người Dân chủ đọc, nghe, xem từ những kênh nghiêng về phía Tả cho đến kênh có quan niệm Hữu như Wall Street Journal. Những người Cộng hòa chỉ nghe, xem có 3 kênh thuộc dòng chính là BBC, Wall Street Journal, PBS, bốn nguồn còn lại là những cái bạn có thể nghĩ đến ngay là: Fox, Sean Hannity, Rush Limbaugh, Breibart.
Có đến 65% những người Cộng hòa tin ở Fox News, gấp đôi các kênh khác. Phần đông những người Dân chủ lại nghe CNN.
Những người Dân chủ tìm các nguồn có tính khách quan, những nguồn mang tính quan điểm cấp tiến, và cũng tìm những nguồn có tính Trung Hữu. Trong cuộc thăm dò nêu trên, những người Dân chủ tin vào các kênh có tính cấp tiến thuộc phái Tả, nhưng cũng tin ở những kênh lệch về phía giữa. Họ tìm các nguồn mang tính chính trị đảng phái của họ, nhưng cũng tìm những nguồn chống lại tính đảng phái chính trị.
Những người Cộng hòa thì không như thế, họ chỉ nghe những nguồn bảo thủ mà thôi.
Thế nhưng tại sao họ vẫn thắng? Họ đang kiểm soát Hành pháp, Thượng viện, và Tối cao pháp viện.
Đảng Dân chủ thắng phiếu phổ thông, nhưng hệ thống Đại cử tri lại cho phép Đảng Cộng hòa thắng các nhiệm kỳ Tổng thống dễ dàng hơn. Hệ thống này với miền thôn quê rộng lớn, nơi Đảng Cộng hòa mạnh, tạo điều kiện cho họ thắng thế. Theo một nghiên cứu gần đây của các tác giả Michael Geruso, Dean Spears, và Ishaana Talesara, cho thấy trong một cuộc bầu cử Tổng thống, ngay khi Đảng Cộng hòa thua phiếu phổ thông (tức là cộng tất cả những lá phiếu trên toàn quốc) thì họ vẫn có cơ may 65% thắng so với Đảng Dân chủ.
Trong bảy cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, Đảng Cộng hòa thua phiếu phổ thông sáu lần. Nếu sáu lần đó họ thua luôn chức Tổng thống, chẳng hạn như ông Trump thua 2016 (ông ta thua phiếu phổ thông), thì chắc hẳn Đảng Cộng hòa sẽ cải tổ liên minh cử tri của họ. Nhưng họ lại thắng vài lần cho nên họ dính vào một cái bẫy rất nguy hiểm: Có quyền lực nhưng lại đại diện cho một thành phần cử tri ngày càng ít đi.
Nếu Đảng Cộng hòa không chỉ thắng thế dựa trên hệ thống Đại cử tri, thì sự phân cực của nước Mỹ sẽ giảm. Đã từng có những Thống đốc Cộng hòa cai trị ở những tiểu bang có truyền thống bầu cho Đảng Dân chủ.
Chúng ta có thể làm cho sự phân cực giảm đi bằng cách loại bỏ hệ thống Đại cử tri, để cho các bên không còn tìm cách ăn gian khi cứ chia đi chia lại khu vực bầu cử sao cho có lợi, chúng ta nên tạo nên hệ thống đại diện có tính tỉ lệ thuận, nên cải tổ hệ thống tài chính trong vận động tranh cử. Như vậy mới là dân chủ.
Nhưng như vậy, tính dân chủ đó lại đe dọa Đảng Cộng hòa, cho nên họ tìm mọi cách để ngăn cản. Nhiều người Cộng hòa bèn tìm cách ra những thông điệp mang tính tận thế để đe dọa cử tri của họ như: Nếu Trump thua là chúng ta chết hết (sic), hay như ông Tổng trưởng Tư pháp Barr nói rằng, có những thế lực rất đáng sợ đe dọa tôn giáo, tổ chức hủy diệt chúng ta! (sic).
Tương lai của hệ thống bầu cử hiện nay sẽ cho chúng ta một viễn cảnh đáng ngại hơn sự phân cực hiện nay. Vào năm 2040, 70% dân chúng Mỹ sẽ sống ở 15 tiểu bang lớn nhất. Điều đó có nghĩa là 70% dân chúng Mỹ được 30 ông thượng nghị sĩ đại diện, còn 30% còn lại có tới 70 ông thượng nghị sĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.