Đồng Tâm là một thảm họa cho đảng CSVN
Nguyễn Văn Vui
18-1-2020
Đồng Tâm là một thảm họa. Trước tiên là cho gia đình cụ Lê Đình Kình và những người nông dân dũng cảm khác ở Đồng Tâm: gia đình tang tóc, thương vong, tù tội oan ức, chỉ hai tuần trước ngày Tết linh thiêng. Cửa nhà thì tan hoang, ruộng đồng mất trắng và tương lai của họ và con cháu họ dưới chế độ này là vô cùng đen tối.
Nhưng nhìn rộng ra thì Đồng Tâm là một thảm họa lớn, vô cùng nhức nhối, có khả năng gây hệ quả nghiêm trọng lâu dài cho nhóm cầm quyền CS tại Việt Nam. Trong suốt cả quá trình từ lúc tính toán lập mưu, rồi lên (đại) kế hoạch, thực hiện cuộc trấn áp, sau đó đến khâu xử lý khủng hoảng, chống trả làn sóng phản biện phẫn nộ ào ạt của nhân dân trong và ngoài nước… nhóm cầm quyền CS đã giẫm đạp từ bãi phân bò này qua bãi phân bò khác mà không chừa một bãi nào. Nói một cách khác, trong vụ Đồng Tâm chúng đã phạm tất cả các lỗi có thể phạm được, những lỗi vô cùng thô thiển và ấu trĩ, làm cho mọi người không ai tin nổi vào mắt mình.
Thứ nhất, quyết định đem cả 3000 ngàn quân tinh nhuệ, trang bị vũ khí hiện đại, về tấn công một làng quê nằm sát nách Hà Nội, lúc 3-4 giờ sáng để giết một cụ già (đã từng bị công an đánh gãy xương đùi trong một cuộc đàn áp khác trước đây 2 năm), chỉ hai tuần trước ngày Tết cổ truyền, và nhất là chỉ 12 ngày trước khi Ủy ban INTA (Committee on International Trade) họp tại Bruxelles, quyết định này là một lỗi hệ thống.
Ngoài việc đánh giá nhẹ yếu tố vô cùng thất nhân tâm của những hành động côn đồ giết chóc trong lúc toàn dân đang sửa soạn đón Tết, nhóm cầm quyền CSVN cũng đã phơi bày tất cả sự đần độn khó tưởng tượng của chúng trước những hậu quả về mặt ngoại giao quốc tế – một mặt trận mà trong thời “chống Mỹ cứu nước” chúng đã từng vênh váo biết chừng nào, ai còn nhớ không!?
Những kẻ ra quyết định đánh úp dân Đồng Tâm ngày 9.1. đã quên đi (hoặc quá ngu xuẩn nên chẳng hề biết) rằng Ủy ban INTA sẽ họp ngày 20.01. tại Bruxelles. INTA là Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Âu châu, chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến việc thiết lập, thực thi và giám sát chính sách thương mại chung của EU và các mối quan hệ kinh tế đối ngoại. Vào thời điểm nói trên, INTA sẽ họp để bỏ phiếu về khuyến nghị cho buổi họp khoán đại tháng 2 sắp tới của Nghị viện Âu châu, có nên thông qua hoặc từ chối Hiệp định thương mại EVFTA hay không.
EVFTA là hiệp định thương mại lớn giữa Liên minh Âu châu và Việt Nam, mà biết bao quan chức Hà Nội đã trầy da tróc vẩy đàm phán suốt 9 năm qua mới xong. Khác với các hiệp định thương mại thông thường, hiệp định EVFTA là một hiệp định thương mại “sâu sắc”, vì nó không chỉ đòi hỏi những cải tổ về mậu dịch hàng hoá, mà còn bao gồm cải tổ ở các lãnh vực khác, đặc biệt là bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền lao động và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh cuộc đàn áp thô bạo và thô bỉ tại Đồng Tâm vừa rồi, người ta khó có thể tưởng tượng được là INTA sẽ bỏ phiếu thuận cho EVFTA!
Thứ hai, việc nhà cầm quyền đã ra 3 phiên bản chính thức khác nhau chỉ trong vòng 5 ngày để thông tin về vụ đàn áp đẫm máu Đồng Tâm, đó là một thảm họa lớn về quan hệ công chúng (mà nhiều người quen tiếng Anh hoặc tiếng Đức gọi là PR disaster hay PR-Katastrophe): Sáng sớm ngày 9.1. khi mà các vết cháy và vết máu trên làng Hoành ở Đồng Tâm vẫn chưa lạnh, thì trang nhà của bộ CA đã chỉnh chệ có ngay một bản thông báo (làm khung chỉ đạo cho báo chí lề phải và đám dư luận viên), cho rằng vừa có một số “đối tượng chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng xây dựng hàng rào bảo vệ sân bay Miếu Môn khiến ba cán bộ chiến sĩ công an hy sinh…” Nghĩa là dân làng ra tận sân bay (cách làng 3 km), lúc 3 giờ sáng, để gây sự với lực lượng xây dựng hàng rào, cũng đang làm việc lúc… 3 giờ sáng (?) Liền tức thì, nội dung láo lếu này được sư đoàn 10.000 dư luận viên CS bù lu bù loa trên mạng , nhưng đã gặp phải phản pháo rát mặt từ người dân khắp nơi.
Thấy không ổn, bộ CA giao cho Tô Ân Xô, Thiếu tướng, Chánh Văn phòng, kiêm Phát ngôn viên Bộ ra tuyên bố rằng: Chuyện không xảy ra ở công trường xây dựng sân bay Miếu Môn, công an trấn áp làng Hoành vì ‘tổ công tác đi vào làng‘ thì bị tấn công bằng ‘lựu đạn, bom xăng, dao phóng‘, khiến ‘ba cán bộ, chiến sĩ công an hi sinh‘. Tuyên bố mới này như một cây gậy to thọc vào cổ họng của đám dư luận viên phe nhà, làm chúng cứ ấp a ấp úng rất tội nghiệp. Phản pháo từ nhân dân vẫn tiếp tục rát mặt.
Thấy cũng chưa ổn, bộ CA lại cử Lương Tam Quang, Trung tướng, một trong nửa tá Thứ trưởng CA, mới được thăng quan hồi tháng 8 năm ngoái, ra tuyên bố: Không có “tổ công tác” nào đi vào làng Hoành mà ngược lại, làng Hoành bị các “tổ công tác” bao vây bởi rất nhiều “chốt”. Cuộc tấn công vào làng Hoành xảy ra vì “chốt 16” bị “ném lựu đạn”, khiến “lực lượng chức năng phải tiến hành các biện pháp cần thiết”. Ngoài ra, “ba cán bộ, chiến sĩ công an” không phải thiệt mạng do hầm chông, “lựu đạn, bom xăng, dao phóng”, mà cả ba bị chết do cùng té xuống “hố kỹ thuật” sâu bốn mét. À ha! Thì ra cả 3 sĩ quan CA (1 thượng tá, 1 trung úy và 1 thiếu úy) đã tử vong không do tác động của các phần tử ngoan cố phản loạn, mà do tự… trượt chân (!)
Tới đây thì màn PR đã coi như thất bại thê thảm vì nó đã chẳng đáng tin cậy (vì quá lươn lẹo và láo khoét), chẳng tránh được các rắc rối (nó gợi ra thêm nhiều thắc mắc hơn nữa do cách lý giải phi lý) và nó cũng chẳng xây dựng được một hình ảnh tốt đẹp nào cho cái nhà nước đang muốn được quảng cáo (trái lại là đằng khác).
Không những thất bại, màn PR của nhà nước CSVN đã bước thêm một bước để trở thành một màn hài lố bịch khi Nguyễn Phú Trọng trong vai trò Chủ tịch nước nhanh chóng truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho 3 viên CA thiệt mạng và khi Đảng ủy CA trung ương tổ chức “lễ phát động học tập gương hy sinh của các chiến sĩ … làm tấm gương cho toàn lực lượng công an trong công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Các phẩm bình châm biếm nhức nhối sau đó trên mạng xã hội là hậu quả không thể tránh và không thể trách được: “Tổ chức học tập nhưng để sót… anh hùng” (Trân Văn), “hèn với giặc, ác với dân”, “Giá như chính quyền cũng hiền như trên biển!” (Nguyễn Hùng), “được huy chương vì đánh dân thay vì đánh giặc”…
Thông tin tuyên truyền mà gian dối và lố bịch thì thế nào cũng bị ép-phê ngược.
Thứ ba, vụ Đồng Tâm là một thảm họa cho cho người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng. Năm nay 76 tuổi và vừa bị đột quỵ năm ngoái, Nguyễn Phú Trọng đang từ từ chuẩn bị khăn gói lên làm thái thượng hoàng. Nhìn lại nhiệm kỳ Tổng bí thư của Nguyễn Phú Trọng từ năm 2016 (trong đó có gần 2 năm kiêm chức chủ tịch nước), phe nịnh thần chắc chắn sẽ ngợi ca tít trời xanh các thành tích của người đốt lò vĩ đại này, với kết quả sáng giá là “mây đen đã phủ lên kinh tế toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”.
Về chuyện lò củi của Nguyễn Phú Trọng, tuy đã đốt được mấy đám rơm rạ như Đinh La Thăng, Vũ Nhôm (Phan Văn Anh Vũ), Út Trọc (Đinh Ngọc Hệ)… nhưng cái thân cây to tổ bố là “đồng chí X” (Nguyễn Tấn Dũng) cùng bộ sậu, đã từng làm mưa làm gió trong suốt quãng thời gian 10 năm ngồi trên ghế Thủ tướng, thì người đốt lò Nguyễn Phú Trọng vẫn chạy vòng vòng khiêng không nổi vô lò.
Riêng về chuyện “mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam” thì công ty tài chính quốc tế Bloomberg cho hay rằng, kinh tế Việt Nam thực ra chỉ “trông tốt trên báo cáo” mà thôi. Nhiều chuyên gia kinh tế độc lập phân tích cho thấy rằng, nguồn thu chính vẫn là kinh doanh bất động sản, nhưng nay đất đai ngày càng trở nên khan hiếm. Các ngân hàng Việt Nam thì đang đối diện với nợ xấu. Gần một nửa các ngân hàng địa phương không thể đáp ứng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu 8%. Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân bị cản đường bởi các nhóm lợi ích gắn liền với các quan chức, còn nhân lực trẻ của Việt Nam thì không được đào tạo bài bản để có tay nghề cao.
Nhìn tổng thể thì nhiệm kỳ Tổng bí thư của Nguyễn Phú Trọng sẽ được người dân nhớ đến sau này qua 3 mốc chính:
Thứ nhất là vụ Formosa tàn phá môi trường hàng loạt các tỉnh duyên hải miền Trung năm 2016 (mà trong thời cao điểm gây ô nhiễm của nhà máy này thì Nguyễn Phú Trọng dẫn đoàn tùy tùng tới tham quan, tay bắt mặt mừng với đám tham quan địa phương chung quanh Võ Kim Cự và ban giám đốc nhà máy).
Thứ hai là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ thủ đô Berlin, CHLB Đức năm 2017, đưa đến một cuộc khủng hoảng quan hệ ngoại giao Đức-Việt Nam. Quốc gia lớn nhất trong Liên minh Âu châu này đã “tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam và trục xuất nhiều nhân viên ngoại giao CSVN.
Và thứ ba là vụ đem đại binh ngày 9.1. vừa qua về đánh lén dân Đồng Tâm lúc rạng sáng và giết chết lãnh tụ nông dân của họ – một cụ già 84 tuổi, ngồi xe lăn.
Nếu chính Nguyễn Phú Trọng là kẻ chu mưu, ra lệnh đánh Đồng Tâm thì đó đã là một thảm họa cho người có quyền lực nhất Việt Nam hiện nay rồi.
Nhưng nếu kẻ chủ mưu vụ đàn áp dân Đồng Tâm không phải là Nguyễn Phú Trọng, mà là một trong những tay em năng nổ dưới trướng của Trọng, như Nguyễn Xuân Phúc, Tô Lâm, Nguyễn Đức Chung hay thậm chí là Đoàn Duy Khương (Giám đốc Công an TP Hà Nội), thì vụ Đồng Tâm sẽ còn là một thảm họa lớn hơn nữa cho người đứng đầu đảng CS Việt Nam: Nếu kịch bản này là đúng, thì Nguyễn Phú Trọng đang đối đầu với tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, thậm chí là “không ai bảo ai nghe được cả”.
Lật qua lật lại, nhìn theo cách nào đi nữa, thì vụ Đồng Tâm vẫn là một thảm họa cho đảng cầm quyền CS tại Việt Nam.
_____
Ghi chú: Lịch trình làm việc của INTA: https://www.europarl.europa.eu/committees/de/inta/home.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.