Rượu biếu EU: Khi đại sứ tố dân biểu điêu toa
Nguyễn Hùng
22-1-2020
Một đại sứ được vạn người theo dõi trên Facebook vừa cáo buộc dân biểu Nghị viện châu Âu dối trá khi bà tố cáo quan chức Việt Nam tìm cách gây ảnh hưởng tới bà trước phiên bỏ phiếu về thoả thuận thương mại song phương hôm đầu tuần.
Vị dân biểu, bà Ellie Chowns, người Anh và là thành viên của Uỷ ban Thương mại Quốc tế của Liên hiệp châu Âu, đã bác bỏ cáo buộc và cho rằng vị đại sứ đã làm điều “quá quắt và xúc phạm” khi bình luận về thông điệp của bà trên Twitter, vốn đã nhận được trên 1.700 tương tác trong đó có hơn 650 bình luận.
Thông điệp, vốn cũng nhận được thêm gần 8.000 tương tác với hơn 700 lượt chia sẻ và gần 900 bình luận trên Facebook hôm 20/1, viết:
“Ngày mai @EP_Trade [Ủy ban Thương mại Nghị viện Châu Âu] bỏ phiếu về hiệp định thương mại EU – Việt Nam.
“Hôm nay tôi nhận được cái này ở văn phòng: quà champagne từ đại sứ quán Việt Nam. Hoàn toàn không phù hợp & trắng trợn.
“Tôi sẽ trả lại cho họ, giải thích rằng thả tù nhân chính trị sẽ ảnh hưởng tới tôi hơn…”
Phản ứng trước thông điệp trên Twitter của vị dân biểu châu Âu người Anh, ông Vũ Quang Minh, hiện là Đại sứ Việt Nam ở Cam Pu Chia và cựu Đại sứ Việt Nam ở Anh, viết:
“Tây hay Ta thì cũng có kẻ thiếu văn hoá kém văn minh…
“[N]gười đã viết và đăng ảnh này mới là người phải tự xấu hổ vì thiếu lịch sự và vô văn hoá – cả văn hoá giao tiếp lẫn văn minh chính trị.
“Nếu ĐSQ [Đại sứ quán] VN có tặng thì cũng là chúc Tết – năm mới thông thường, không có gì đặc biệt hay có âm mưu mua chuộc đút lót – giá trị quà Tết quá nhỏ. Ngay cả nếu người nhận không hài lòng thì họ có thể gửi trả lại hoặc từ chối nhận khi được đưa đến.
“Việc đăng kiểu này chỉ là một chiêu đánh bóng chính trị rẻ tiền – cheap, thiếu văn hoá. Hy vọng đây không phải tin thật. Không thì bà này xấu hổ chết, và nên từ chức.”
Ở cuối bài viết, Đại sứ Minh cũng nói bà Chowns là kẻ dối trá mà ông viết trẹo tiếng Anh là ‘a lier’ thay vì ‘a liar’. Đại sứ ám chỉ rằng bà Chowns đã nhận được quà từ lâu nhưng vừa rồi mới đăng ảnh.
Trong điện thư gửi cho VOA khi được hỏi về cáo buộc của Đại sứ Minh, bà Chowns nói bà ngạc nhiên thông điệp trên Twitter của bà đã gây ra nhiều tranh luận đến như vậy và viết:
“Tôi thấy bị xúc phạm khi bị cáo buộc nói dối trong khi tôi tuân theo những nguyên tắc hành xử công cao nhất. Nhưng cáo buộc là tôi ‘rẻ tiền và vô văn hoá’ chỉ làm tôi bật cười.
“Tôi nghĩ những lời của vị đại sứ bôi bẩn ông ấy chứ không phải tôi.”
Liên quan tới ngày bà nhận được quà biếu, bà nói bà mới thấy quà ở văn phòng tại Brussels, Bỉ hôm 20/1 vì trước đó Nghị viện châu Âu họp ở Strasbourg, Pháp, và bà cùng các dân biểu châu Âu khác có mặt ở đó.
Nhưng bà cũng nói thêm sau khi gửi thông điệp trên Twitter, bà được biết rằng một số dân biểu khác đã nhận được champagne từ trước Giáng Sinh và bà không hiểu sao bà lại không nhận được cho tới tuần này.
Bà Chowns viết tiếp trong điện thư: “Ngày trao quà không phải là vấn đề [ở đây]. Vấn đề là khi tặng quà như vậy – thứ mà tôi hiểu là chai sâm panh vô cùng đắt – cho các thành viên của uỷ ban đang chuẩn bị quyết định về một hiệp định thương mại rất quan trọng, ấn tượng tạo ra là các thành viên của uỷ ban có thể bị gây ảnh hưởng.
“Nếu không thì tặng quà như vậy để làm gì? Đại sứ quán Việt Nam không tặng mỗi dân biểu một chai sâm panh, họ tặng các thành viên của uỷ ban mà sẽ sớm bỏ phiếu về hiệp định thương mại quan trọng.
“Quan điểm của tôi là uỷ ban thương mại quốc tế, và ngay cả Nghị viện [châu Âu] nói chung, phải có chính sách rất rõ về chuyện này: [người ta] không được tặng quà cho MEP [Dân biểu Nghị viện châu Âu] và [MEP] cũng không được phép nhận quà.
“Có thể trong văn hoá Việt Nam nó sẽ là điều xúc phạm khi từ chối quà như thế. Nhưng tôi lại cũng nói được điều tương tự rằng đó là sự xúc phạm đối với tôi khi [người ta] toan gây ảnh hưởng tới quan điểm của một nhà lập pháp bằng cách tặng quà như thế.”
Đại sứ Minh trong khi đó cho rằng đó chỉ là “chai rượu sâm panh rẻ tiền” và không có cơ sở để bà Chowns nói Đại sứ quán Việt Nam định “mua phiếu”.
Một trong những bình luận có trong bài viết trên Facebook của Đại sứ Minh lại viết:
“Bản thân mình có kinh nghiệm làm các vụ điều tra nội bộ về tham nhũng phải giải quyết những tình huống này cũng khá nhiều. Đôi lúc, việc để cho người khác hiểu nhầm thiện ý của mình gây thiệt hại không nhỏ. Trong vụ việc của bà Chowns, có một số câu hỏi người ngoài có thể đặt ra như “hàng năm, ĐSQ Việt Nam có tập tục gửi tặng rượu cho MEP không?”, “nếu bà Chowns không phải là thành viên Uỷ ban thì ĐSQ có tặng rượu không?”, “ĐSQ có gửi tặng cho tất cả MEP không hay chỉ tặng cho mỗi mình các uỷ viên?”
“Câu trả lời “không” cho bất kỳ câu hỏi nào nêu trên đều có thể khiến người khác “nhướn mày” về động cơ của việc tặng quà.
“Trên thực tế thì với những giao dịch như thế này, bản thân mình đều khuyên các doanh nghiệp nên red flag [coi là cảnh báo đỏ] và tránh đi.
“Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam cũng quy định vấn đề này khá gắt gao, cụ thể là: “2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.”
“Bà Chowns đang là một “cán bộ” giải quyết công việc cho Việt Nam, bỗng lại nhận được một món quà từ Việt Nam vào thời điểm trước khi bỏ phiếu (cho dù có gửi tháng 12 thì cũng quá gần ngày bỏ phiếu).
“Mình vẫn thấy đây là hành vi “inappropriate” như bà Chowns nói. Tất nhiên, ai tát nước theo mưa bảo rằng đây là của hối lộ, cũng như ai hết sức bênh vực bảo đây là tập tục, bà kia không được quyền nổi giận (thậm chí miệt thị người ta) thì cũng không văn minh ngang nhau.”
Uỷ ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu hôm 21/1 đã ủng hộ hiệp định thương mại song phương với 29 phiếu thuận và sáu phiếu chống. Người ta cũng cho rằng Nghị viện châu Âu sẽ thông qua hiệp định trong tháng Hai.
Cũng trong ngày 21/1, Đại sứ EU Giorgio Aliberti đã gặp Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn để thảo luận về quan hệ EU – Việt Nam.
Trang Facebook của EU cũng viết thêm:
“Đại sứ Aliberti nhân dịp này cũng đã nhắc lại mối quan ngại sâu sắc của EU về sự kiện diễn ra ở xã Đồng Tâm và việc sử dụng bạo lực với bất kỳ hình thức nào, như đã được tuyên bố bởi Người Phát ngôn Cơ quan Ngoại giao EU.
“EU lấy làm tiếc về sự thương vong xảy ra trong cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân và yêu cầu tính minh bạch đầy đủ trong việc đánh giá nguyên nhân và bối cảnh của sự kiện. EU sẽ tiếp tục theo sát tình hình và sẵn sàng giúp đỡ chính quyền Việt Nam trong quá trình điều tra độc lập và minh bạch.
“EU bày tỏ sự thương tiếc tới gia đình và những người bạn của những nạn nhân.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.