Sẽ có những Đồng Tâm khác, đẫm máu hơn
Jackhammer Nguyễn
20-1-2020
BBC Việt ngữ đăng một bài viết của một tác giả từ Sài Gòn, ông Lê Văn Bảy, phân tích và tổng hợp những hình ảnh, video từ nhóm “Tổ đồng thuận chống tham nhũng Đồng Tâm” (gọi tắt là Tổ đồng thuận), với mong muốn có một kết luận độc lập, không dựa trên những cảm xúc của mạng xã hội ủng hộ gia đình ông Lê Đình Kình, và cũng không thể dựa trên những nguồn tin từ nhà nước, vốn không thành thật từ lâu nay.
Tác giả rút ra hai điều:
1/ Tổ Đồng Thuận xem thường chính quyền địa phương.
2/ Tổ Đồng thuận cho rằng, giá những mảnh đất mà họ đang tranh chấp có giá trị vô cùng lớn, nhưng thực ra không đúng. Khu vực đất tranh chấp đó không có giá thị trường đáng kể.
Về kết luật thứ nhất, tôi đã có bài so sánh câu chuyện Đồng Tâm với câu chuyện Ô Khảm bên Tàu, cả hai nơi chính quyền cộng sản đều mất quyền kiểm soát, cho nên họ phải ra tay đàn áp.
Về vấn đề thứ hai, tôi không nghi ngờ kết luận của ông Lê Văn Bảy, người bỏ thì giờ nghiên cứu hết hình ảnh của Tổ Đồng thuận, để tìm ra một lời giải đáp cho một đại bi kịch mà tác giả có khi phải kêu trời trong bài viết của mình.
Nông dân mất đất, kinh nghiệm thành, bại ở Ấn Độ
Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của những người nông dân Đồng Tâm, không đi xa quá lũy tre làng của mình bao lần, nghe chỗ này đất lên, chỗ kia giá nền nhà bạc tỉ,… làm sao mà họ không nóng ruột cho được. Ruột còn nóng hơn khi nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam ngày càng bết bát, mà họ không biết làm việc gì khác, ngoài việc đồng áng.
Sau đây là kinh nghiệm của một quốc gia đã có một thiết chế dân chủ, nhưng cũng trải qua những xáo trộn xã hội dữ dội vì nạn nông dân mất đất: Ấn Độ.
Bà Vandana Shiva, một nhà hoạt động xã hội Ấn Độ viết vào năm 2011 về nạn nông dân mất đất tại Ấn Độ, như sau: “Đất bị tịch thu cho việc đầu cơ trục lợi, cho những vết loang lổ của phát triển đô thị, cho hầm mỏ và xí nghiệp, cho đường xa lộ. Nông dân bị tịch thu đất đai sau khi nợ nần chồng chất đến mức tự sát vì cùng quẫn”.
Vào thời điểm bà Vandana viết những dòng nêu trên, mặc dù Ấn Độ có cho nông dân quyền tư hữu về đất đai, nhưng lại có một đạo luật gọi là Luật trưng dụng đất 1894, cho phép tịch thu đất của tư nhân vì “mục tiêu công ích”.
Cụm từ “mục tiêu công ích” được diễn đạt rất tùy tiện, đó có thể là một đập nước thủy điện của quốc gia, nhưng cũng có thể là một đặc khu kinh tế do tư nhân đầu tư. Những cuộc biểu tình lớn đã bùng nổ chống lại việc tịch thu đất, như cuộc biểu tình chống dự án POSCO của Hàn Quốc.
Điều trớ trêu là Luật trưng dụng đất 1894 lại là do thực dân Anh biên soạn, hay bị những nhà ái quốc Ấn Độ chỉ trích là của người nước ngoài, dùng để cướp đất của người Ấn.
Năm 2013, Quốc hội Ấn Độ đã thông qua một đạo luật có tên là “Quyền đền bù thỏa đáng và minh bạch trong trưng dụng đất” (Right to Fair Compensation and Transparency in Land Acquisition.) Luật này qui định rõ ràng những loại dự án khác nhau: Đối với dự án 100% tư nhân, đòi hỏi phải có ít nhất 80% hộ gia đình đồng ý, dự án công tư hợp doanh là 70%.
Một điều quan trọng nữa là nông dân được đền bù gấp đôi giá thị trường.
Mô hình phát triển tư bản bồ bịch
Thế nhưng sau năm năm thực hiện, người ta thấy có những qui định mới nhằm vô hiệu hóa đạo luật 2013 này của Ấn Độ, dựa trên lý lẽ của sự phát triển, cho rằng, đạo luật cản bước sự phát triển. Các nhà lập pháp Ấn Độ vẫn đang tranh cãi nhau, làm cách nào để tình hình tốt hơn.
Diễn biến của việc tịch thu đất đai tại Việt Nam trong những năm qua không khá hơn Ấn Độ, bạo lực vụ sau dữ dội hơn vụ trước. Vụ Đoàn Văn Vươn chỉ có súng hoa cải, không có người chết, thì vụ Đồng Tâm có đến bốn người chết.
Ở Ấn Độ dù sao cũng có Quốc hội do dân bầu, và một nền báo chí độc lập. Việt Nam hoàn toàn không có hai thứ này, cho nên việc diễn dịch cụm từ “lợi ích công cộng” ở Việt Nam càng tùy tiện và lấm lét hơn, cho đến khi lộ ra công chúng thì đã muộn, chỉ còn có bạo lực trả lời bạo lực.
Tuy nhiên Ấn Độ và Việt Nam giống nhau ở chỗ, là mô hình phát triển có nguy cơ dựa trên những đám tư bản thân hữu bồ bịch với quan chức nhà nước, vì cả hai quốc gia cùng khát khao công nghiệp hóa. Việc nhà nước đứng ra giúp các công ty tư nhân tịch thu đất của nông dân, không sớm thì muộn cũng dẫn đến việc móc ngoặc, hối lộ, mà người thiệt hại cuối cùng là nông dân.
Ước mơ trở thành một nước “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2020 đã hoàn toàn thất bại. Nếu họ tiếp tục duy trì quan điểm không cho tư nhân sở hữu đất đai, duy trì chính sách nhà nước can thiệp vào “công nghiệp hóa”, những vụ như Đồng Tâm sẽ còn xảy ra, và có thể sẽ thảm khốc hơn nữa.
Trở lại bài viết của tác giả Lê Văn Bảy, tôi rất cảm thông với cảm xúc của tác giả, nhưng những điều tác giả đề nghị như là đem những định chế có sẵn tại Việt Nam như là Quốc hội, báo chí,… “vào cuộc”, thì tôi thấy là cả một giấc mơ, vì chúng không tồn tại.
Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.