Luận tội trong bầu không khí chính trị phân cực
Hoàng Thủy Ngữ
26-1-2020
Cuộc luận tội tổng thống Trump đang diễn ra tại Thượng viện Hoa Kỳ. Sự kiện này vừa ly kỳ vừa đáng lo.
Nó ly kỳ vì mang tính lịch sử. Trump là vị tổng thống thứ ba trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội. Vụ xét xử này rất đặc biệt vì Trump đã lạm dụng quyền lực qua việc ép buộc Ukraine, một cường quốc nước ngoài, tác động đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 sắp tới, theo chiều hướng có lợi cho chiến dịch tái tranh cử của ông và đã cản trở cuộc điều tra.
Nó đáng lo vì cho thấy một hệ thống chính trị đang khủng hoảng. Mức độ phân cực giữa đảng Cộng Hoà và Dân Chủ đã đến đỉnh điểm khi tất cả các thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ các quy tắc luận tội do thủ lãnh đa số Mitch McConnell (CH) đưa ra, trong khi tất cả các thượng nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu chống lại.
100 thượng nghị sĩ sẽ quyết định kết quả phiên toà xét xử Donald Trump. McConnell và Tòa Bạch Ốc muốn một tiến trình xét xử nhanh chóng, không cần phải có các nhân chứng và tài liệu mới. Đảng Dân chủ muốn mời các cộng sự viên thân cận trước kia và hiện nay của tổng thống, gồm cả cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, làm nhân chứng trước tòa.
Đảng Dân chủ cho rằng, các nhân chứng và tài liệu mới sẽ làm sáng tỏ vấn đề và bảo đảm sự công bằng. Đảng Cộng Hòa lại cho rằng, chính bản thân vụ kiện đã không công bằng và thiên vị.
Thực ra, không ai biết John Bolton, nhân chứng quan trọng nhất, sẽ nói gì. Liệu lời khai của ông ta sẽ củng cố hay làm suy yếu vụ kiện chống lại Trump? Không ai biết hậu quả chính trị sẽ ra sao khi các thành viên thân tín của Trump phải làm chứng đúng theo lời thề trước tòa.
McConnell sẽ không mạo hiểm mở cửa cho những gì không đoán trước được. Ông ta phải kiểm soát những người cùng đảng với mình. Rất có thể sẽ có người Cộng hoà phá rào, không theo đường lối của đảng vì liêm chính hay vì lo sợ cử tri chỉ trích.
Mặc dù đã cam kết vô tư trong thực tế vụ án, hầu hết các thượng nghị sĩ sẽ thiên vị khi đánh giá vấn đề. Họ sẽ theo chủ trương và đường lối của đảng, bất kể mọi suy luận hay chứng cứ. Đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số tại Thượng viện, với 53 ghế. Đảng Dân chủ chỉ có 45 ghế. Họ cần thêm 20 phiếu của các thượng nghị sĩ Cộng hoà và 2 phiếu trung lập. Tỷ số 2/3 (hay 67 phiếu) chiếu theo Hiến pháp để có thể bãi nhiệm Trump là điều không tưởng. Một vở kịch toàn hảo sẽ diễn ra trong tòa nhà Thượng viện đáng kính. Tổng thống Trump sẽ được tha bổng.
Về mặt chính trị, việc tha bổng chắc chắn sẽ có hậu quả tiêu cực đối với cán cân quyền lực giữa hành pháp và lập pháp. Về mặt pháp lý, nó sẽ tạo tiền lệ cho các tổng thống trong tương lai. Quốc hội có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp, có quyền giám sát tổng thống và, trong trường hợp cần thiết, sẽ tiến hành việc luận tội.
Nếu Trump được tha bổng trong sự kiện Ukraine, các tổng thống sau này sẽ dễ dàng tự tung tự tác. Và, nếu cương quyết đẩy nhanh tiến trình luận tội, không triệu tập các nhân chứng quan trọng, không xem xét một cách khách quan những thông tin của họ và cứ tha bổng tổng thống thì đa số nghị sĩ Cộng hòa đã chôn vùi ý nghĩa và tính pháp lý của việc luận tội.
Chính Trump cũng không che giấu việc ông đã làm. Đội ngũ chuyên gia pháp lý của ông cũng không phủ nhận những gì thực sự đã xảy ra trong bối cảnh cuộc điện đàm của ông với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Một cuộc điện đàm mà Trump cho là hoàn hảo. Nhưng những gì xảy ra trước và sau cuộc nói chuyện đã gây ra tranh cãi và cần sự giải thích hợp lý. Người dân Mỹ được nghe hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau về cùng một sự kiện. Hai đảng cố gắng thuyết phục cử tri bằng những sự thật thay thế (alternative facts).
Đảng Dân chủ đưa ra bằng chứng là Trump đã lạm quyền và cản trở cuộc điều tra. Đảng Cộng hòa bác bỏ điều này. Họ nói rằng Trump chỉ quan tâm đến tệ nạn tham nhũng ở Ukraine và tổng thống hoàn toàn không làm gì sai.
Đội ngũ chuyên gia pháp lý của Trump tin rằng, đảng Dân chủ đang dùng cuộc luận tội để đảo ngược kết quả bầu cử vào năm 2016 và gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử năm 2020. Họ còn cho rằng đối phương chà đạp nguyên tắc phân quyền và lạm dụng luật pháp quốc gia như công cụ trong chiến dịch bầu cử. Ngược lại, đảng Dân chủ tuyên bố họ đang thực thi hiến pháp bằng cách kiện Trump.
Chuck Schumer (DC), lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện, gọi kế hoạch thúc đẩy vội vã tiến trình luận tội của đảng Cộng hoà là “nỗi nhục quốc gia”. Mitch McConnell muốn xiết chặt kỷ luật trong đảng và Tòa Bạch Ốc muốn vấn đề chấm dứt nhanh chóng. Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi như họ muốn, Trump sẽ được tha bổng và đăng đàn đọc Thông điệp Liên bang vào ngày 4 tháng 2.
Điều đáng chú ý là Trump luôn miệng quả quyết mình vô tội nhưng lại tìm mọi cách ngăn chặn các thông tin gây bất lợi cho ông trong vụ đàn hạch.
Theo các luật sư của Trump, lời khai của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton trong vai trò nhân chứng sẽ là mối đe dọa cho an ninh quốc gia, vì nó tiết lộ nội dung các cuộc hội đàm bí mật giữa tổng thống và các nhân viên. Đảng Dân chủ lại cho rằng, trong vụ Ukraine, Trump đã đặt mục đích cá nhân trên lợi ích quốc gia.
Việc đóng cửa không mời các nhân chứng và bỏ qua các tài liệu mới sẽ khiến các thượng nghị sĩ không thể xem xét đúng mức việc Trump có tội hay vô tội. Có lẽ đa số, hay tất cả, các thượng nghị sĩ Cộng hòa đã quyết định tha bổng Trump từ lâu do lòng trung kiên với đảng hay áp lực của cử tri.
Cuộc luận tội mang màu sắc chính trị nhiều hơn luật pháp. Đặc biệt lần này nó diễn tiến trong bầu không khí phân cực, nghi kỵ, định kiến, thiên vị và thù hằn. Trò chơi chính trị đã bóp chết sự thật. Khi thực tế không phù hợp với hoàn cảnh, những sự thật thay thế khác (alternative facts) luôn xuất hiện trong nước Mỹ của Trump.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.