Đôi dòng tưởng niệm cụ Lê Đình Kình: “Khí thiêng khi đã về thần”
Tương Lai
24-1-2020
Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 85
Thao thức mãi không thể nào ngủ được, ngồi dậy bật máy tính, bấm vài dòng “mênh mông thế sự” khoá lại một năm quá nhiều điều phải suy ngẫm, để rồi nghĩ xem liệu còn có thể “để gió cuốn đi” tiếp những quằn quại “thế sự mênh mông” cho năm tới. Nhưng viết gì đây?
Hình ảnh cụ Kình choáng hết đầu óc đang nhức buốt mà thuốc giảm đau của Minh Đường cho cũng không sao giảm được. Nhớ lại dạo nào trong câu chuyện, cụ Kình từng cười nói “vậy là tôi với ông là đồng tuế 同歲đấy”.
Trưa ngày 8.1.2020, qua điện thoại tôi vẫn còn đinh ninh tin rằng “Đúng là những gì đọc được, nghe được thì căng lắm đấy, nhưng chắc là chúng không dám đâu. Có là điên thì chúng mới làm vậy vào thời khắc này: năm hết Tết đến, lại vừa ngồi được vào cái ghế Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, rồi đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN”!
Mà rồi, chúng điên thật. Chuyện không thể đã thành có thể.
Bay ra Hà Nội, ngồi với anh Nguyễn Đăng Quang, anh vẫn còn đang choáng váng sau cú sốc “em vẫn không sao ngờ được nên khi nhận được tin, em xỉu luôn”. Nắm chặt tay anh, vị đại tá an ninh từng gắn bó với cụ Kình và bà con Đồng Tâm trong suốt chiều dài của những sự kiện trong nhiều năm vừa qua khỏi cơn bạo bệnh, thì vết mổ trên đầu lại toác ra rỉ máu khi nghe tin dữ về cụ Kình. Chúng tôi cùng chia sẻ nỗi đau không thể nói thành lời. Cho dù “tuổi già hạt lệ như sương”1 tuy cố nén chặt để cố trấn an anh, nhưng mắt kính tôi cứ mờ nhoè đi. Lau đi lau lại vẫn thế.
Chỉ vào mảnh băng đen để tang trên ngực, tôi an ủi anh: “Vừa ra, tôi đã kịp dự lễ mặc niệm cầu nguyện cho cụ Kình, một lão nông bất khuất mà chúng ta đã rất mực gắn bó, yêu thương và vô vàn kính phục được siêu thoát”.
Tôi mở điện thoại lần tìm tấm hình vừa chụp để mong xoa dịu phần nào nỗi đau của anh. Anh nói: “Cụ Kình thiêng lắm anh ạ, rồi ác giả ác báo thôi”. Tôi cũng tin như thế, “khí thiêng khi đã về thần”2 thì uy vũ càng mạnh, sức càn lướt của cơn lốc phẫn nộ càng lớn, lực cuốn hút của ngọn lửa thiêng càng bốc cao sẽ thiêu cháy những tà ma ác quỷ đang hoành hành trên dương thế cũng như phải đoạ đày quằn quại nơi địa ngục.
Thì chẳng phải Walter Scott, văn hào người Scottland thế kỷ XIX đã nói rất sâu sắc rằng “cái chết là sự thức tỉnh cuối cùng” đó sao? Thức tỉnh ai và thức tỉnh cái gì?
Thức tỉnh lương tri và lương năng con người. Từ suy tư đó mà hiểu ra được rằng, cái chết thảm khốc của lão nông Lê Đình Kình lại là một ngọn lửa thiêng có sức vẫy gọi và soi sáng cho những ai vẫn còn bàng hoàng không tin nổi những tội ác mà người ta điên rồ gây ra nhằm giữ bằng được cái ghế quyền lực. Hiểu để không còn mơ hồ, u u minh minh trước những gì đã xảy ra và biết cảnh giác với những điên rồ có thể còn tiếp diễn trong cơn say quyền lực! Những cơn điên rồ trong cơn hoảng loạn có thể vượt quá những suy luận thông thường.
Trong mấy ngày ở Hà Nội vừa rồi, tôi may mắn gặp được những người bạn mà tôi rất mực kính trọng để cùng sẻ chia những ray rứt, băn khoăn về sự kiện không ai có thể ngờ vừa xảy ra. Tôi hỏi anh Nguyễn Quang Dy “là người có điều kiện nắm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau ở trong nước và nhất là ở nước ngoài, anh nghĩ sao về cái nhìn của họ về những chuyện điên rồ vừa xảy ra mà trong một bài viết trước đó tôi nhớ anh có khuyến cáo đừng ‘tự bắn vào chân mình khi cần thoát hiểm’. Anh có nghĩ là điều này đang được thực thi ở Đồng Tâm?”
Từ ánh mắt trầm ngâm, anh Quang Dy nhắc lại câu tôi vừa dẫn và nói thêm “… nếu Mỹ bị sa lầy tại Trung Đông thì sẽ khó xoay trục sang Châu Á để ngăn chặn Trung Quốc tại Biển Đông và thực hiện tầm nhìn Indo-Pacific. Nếu điều đó thành hiện thực sẽ là kịch bản rất xấu cho Việt Nam. Trong bối cảnh đó, sự kiện Đồng Tâm chỉ có lợi cho Trung Quốc khi Việt Nam tự bắn vào chân mình”.
Quay sang anh Nguyễn Trung, tôi dõi theo một bình luận chắc nịch: “Theo tôi, chúng ta đang ở vào một bước ngoặt. Đường hầm phía trước còn dài, nhưng đã le lói lối ra nếu chúng ta cố vượt lên chính mình. Không thể trông chờ vào ai cả. Chẳng ai cho không ta cái gì, họ đều tính toán cho lợi ích của đất nước họ. Vâng, một bước ngoặt”, anh nhìn vào tôi đang cười, và cũng mỉm cười với tôi. Hiểu nhau quá mà. Chính anh đã có lời giới thiệu cho cuốn Mênh mông Thế sự để gió cuốn đinăm 2017.
Chẳng hiểu sao, trong óc tôi thoáng gợi lên một hoài niệm tuổi thơ để rồi bỗng lan man nghĩ lùi về những năm 49, 50 thế kỷ trước của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Anh tôi trao cho tôi khẩu súng lục “Mauser” nhỏ vừa tầm tay thằng em 14 tuổi, dặn chỉ bắn lên trời báo hiệu cảnh giới để các anh biết mà rút khi thám báo đã phục kích, rồi vứt ngay súng xuống ao mà lủi vào vườn thật nhanh. Rồi sẽ xuống ao mò lại súng sau khi “Tây” và bọn “phòng nhì” mật thám Pháp rút đi.
Trong đầu óc một thằng bé bướng bỉnh, tôi thầm hứa với mình cái ý nghĩ quyết liệt khi anh tôi luyện cho tôi bắn súng: “Sẽ chĩa thẳng mà bóp cò vào ngực thằng B.., tên phản bội đã bỏ kháng chiến trốn về thành làm mật thám, rình bắt những đảng viên cộng sản trong Thành uỷ Thuận Hoá (Huế) nộp cho Sở Mật thám Pháp bắn chết, anh tôi cũng bị hắn chỉ điểm cho ‘phòng nhì’ bắt để rồi chúng treo ngược lên mà tra tấn trước mắt tôi”.
Việc đó rồi không thành. Khi tôi khoác ba lô rời Huế để lên chiến khu, ra Việt Bắc, tôi đã giấu anh, nhét khẩu súng đó vào bụng. Nhưng làm sao qua mắt được ông anh vốn đã quá rõ tính khí thằng em. Xoa đầu tôi, anh bảo “em không được phép mang súng, đưa anh. Anh sẽ chôn súng vào gốc mít sau vườn, sau này khi về, em mới được đào lên. Súng đã bôi mỡ và gói vào giấy dầu bọc kín sẽ không hỏng đâu”. Thế đó.
Vậy rồi, oái oăm thay, phát đạn mà tôi quyết bắn thẳng vào kẻ thù thì 70 năm sau, người ta dùng để bắn vào một đảng viên với 58 tuổi Đảng, 84 tuổi đời từng trăn trở và làm việc hết mình vì mảnh đất quê hương ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội – “trái tim của cả nước”!
Anh tôi đã thành liệt sĩ khi vẫn đau đáu nghĩ về một ngày sẽ gặp em của anh ở Thủ đô sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Liệu anh tôi có thể nghĩ được rằng người ta có thể bắn vào tim một lão đồng chí, sau khi đã bắn vỡ đầu gối, dí sát mũi súng lục bắn vỡ óc người đảng viên đã kiên cường bảo vệ sự trong sạch của sự nghiệp cao cả mà chúng tôi đã đeo đuổi [cho dù không phải là khẩu súng Đức nhãn hiệu Mauser như khẩu súng lục nhỏ xíu anh đã trao cho tôi dạo ấy]? Chắc chắn là không. Vì, như thuở ấy, anh dạy em, dẫn dắt em dấn thân vào con đường mà anh đang đi với sục sôi lý tưởng chiến đấu giết giặc cứu nước bằng một nhận thức rất đơn giản và thẳng băng không bợn một chút lăn tăn hơn thiệt, càng chưa hiểu gì về Chủ nghĩa Mác Lê.
Ấy vậy rồi cái huân chương chiến công hạng nhất người ta vội vã truy tặng cho người vừa cầm súng bắn vào dân Thôn Hoành, bắn vào cụ Kình nát óc vỡ tim, mà tôi e rằng cũng gần gần với Huân chương Độc lập anh tôi từng được truy tặng nay đang đặt trên bàn thờ. Trong nỗi đau thầm kín, tôi không thể không chua xót mà nghĩ rằng, tấm huân chương cao quý ghi nhận sự hy sinh cao cả cho lý tưởng cao đẹp của anh em chúng tôi vừa bị vấy bẩn. Đã bị vấy bẩn thì phải chăng không nên giữ nữa?
Nghĩ về hai tấm huân chương đã được trao, huân chương Kháng chiến Hạng nhất [hình như trong đó người ta có tính đến chuyện khẩu súng cảnh giới những năm 49, 50 của thế kỷ trước] và tấm Huân chương Lao động Hạng nhất nằm yên trong gậm tủ, thì nay có lẽ nên đốt đi. Phải vùi quên cái biểu tượng đã bị ô uế bởi những “chiến công” của những phát súng bắn vào tim lão nông Lê Đình Kình! Trong mênh mông suy ngẫm, tôi sẽ có lỗi với cụ lão nông ấy, người “đồng tuế” với mình, nếu vẫn giữ lại tấm huân chương!
Tôi không sao dứt ra được mối liên tưởng về những cái gọi là huân chương về “chiến công” đã vấy máu bởi những toan tính bẩn thỉu vô lương mà người ta truy tặng cho những người xấu số. Ngồi cạnh tôi, bằng sự trải nghiệm của một người từng cầm súng xông pha chiến trận, thiếu tướng Lê Mã Lương rành rọt phân tích những lập luận ngớ ngẩn và dại dột của một quan chức về “sự hy sinh” và “chiến công” của những người vừa được ngài chủ tịch Nước truy tặng huân chương.
“Chiến công” ư? “Tổ quốc ghi công” ư? Công gì? Chưa lúc nào ngôn từ bị tàn phá dữ dội đến như thế, cho dù “tiếng Việt là một ngôn ngữ Ấn – Âu điển hình, tuy đã mất hết các hiện tượng biến hình trong hình thái học” mà Cao Xuân Hạo, nhà ngôn ngữ bậc thầy, người bạn tôn kính đã quá cố của tôi từng lưu ý. Không chỉ thế, “ngôn ngữ trực tiếp phản ánh cách tri giác và tư duy thế giới của cộng đồng dân tộc không thể không liên quan đến cách tri giác và tư duy ấy”.
Với những ứng xử liều mạng trong cơn hoảng loạn cố tìm cách chữa cháy một cách ngu xuẩn cho những giải pháp điên rồ, người ta không hiểu, và chắc không đủ tri thức để hiểu nổi, họ đang huỷ hoại và làm ô uế tiếng Việt như thế nào. Bởi vậy cần phải quyết liệt chỉ ra rằng, cùng với việc làm ô uế biểu tượng của những tấm huân chương, họ cũng đang làm ô uế tiếng Việt. Bằng những lú lẫn đó, họ đang chặn lại quá trình “phục hồi và phát triển khả năng cảm xúc rất nhân bản mà ta đã đánh mất từ lâu: khả năng biết hổ thẹn” 3! Vậy là, đâu phải chỉ ô uế những tấm Huân chương! Ô uế tiếng Việt. Mà còn là ô uế một lý tưởng cao cả, một sự nghiệp thiêng liêng.
Làm sao tẩy sạch sự ô uế ấy. Lịch sử từng chép rất rành mạch, rõ ràng những chuyện cần gióng tiếng chuông đáng báo động ấy. Xin dẫn ra một ví dụ của buổi mất nước bằng việc nhắc lại lời của vua Duy Tân lúc ngài mới tám tuổi: “Nước bẩn thì lấy máu mà rửa”. Ở đây không muốn khai thác khía cạnh bạo lực “máu kêu trả máu, đầu van trả đầu” trong luật đời nghiệt ngã. Mà chỉ muốn nghĩ đến cái khí phách của một vị vua yêu nước, lên ngôi khi mới tám tuổi vào lúc thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên đất nước. Vua Duy Tân đã quát thẳng vào mặt tên cận thần phản bội: “Ngươi không hiểu được dòng máu đang chảy trong huyết quản của ta đâu”4.
Nhắc lại khí phách của nhà vua mới tám tuổi ấy để ngẫm về khí phách của cụ lão nông Lê Đình Kình dày dạn tuổi đời, tuổi Đảng cũng từng lưu chảy trong huyết quản dòng máu Việt. Người ta đã quyết bắn vào khí phách ấy. Quay quắt hơn, xảo trá hơn, người ta đã hối hả truy tặng huân chiến công hạng nhất cho những người đã chết oan khi tự biến mình thành công cụ bạo lực để lót đường cho ai đó trong những toan tính bẩn thỉu và xoa dịu nỗi đau đầy oan khuất của thân nhân họ.
Khi bắn vào khí phách ấy thì đúng là “tự bắn vào chân mình khi cần thoát hiểm” vì “sự kiện Đồng Tâm chỉ có lợi cho Trung Quốc” trong bối cảnh của những biến động trong khu vực và trên thế giới như đã phân tích ở trên. Không thể có những “rô bốt” vô hồn được điều khiển bởi những thế lực đen tối chỉ biết chăm lo thu vén cho cái ghế quyền lực gắn liền với lợi ích riêng tư, lợi ích phe nhóm lại có được cái khí phách của ông cha không hề khuất phục và nao núng trước kẻ thù phương bắc nghìn đời nuôi mộng bành trướng. Cái cung cách xảo trá truy tặng huân chương kia chỉ làm bào mòn sức chiến đấu của người lính cầm súng giữ nước, làm băng hoại niềm tin của người dân yêu nước thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Làm sao có khí phách khi bị biến thành công cụ bạo lực để canh gác cho một nhóm quyền lực phản dân và bắn vào dân một cách tàn độc như người ta đã làm?
Như được kể lại, thì vào đêm 8.1.2020, rạng sáng ngày 9.1.2020 gia đình và nhân dân Đồng Tâm đã đưa cụ Kình đến một nơi an toàn. Nhưng rồi cụ đã quay trở lại nhà với lời giải thích sống chết có nhau, không thể xa bà con vào lúc nguy nan này được. Để rồi Cụ phải đón nhận một cái chết thật thảm khốc. Nhưng nhìn vào một khía cạnh khác, cái chết của Cụ lại rất lẫm liệt uy phong trong niềm thương cảm và tôn quý của dân làng, của quê hương ruộng đồng, của non sông đất nước. Con cháu của Cụ sẽ rất tự hào về Cụ, dân thôn Hoành, dân Đồng Tâm cũng như người dân yêu nước trên dải đất thấm đẫm máu và nước mắt của những người mở nước, giữ nước và xây dựng đất nước của bao đời ông cha để lại đang “đêm đêm rì rầm trong tiếng đất, những buổi ngày xưa vọng nói về”5 để chiêm ngưỡng bái lạy người anh hùng của họ.
Rồi quả là “khí thiêng khi đã về thần”, như tục lệ thiêng liêng cổ xưa truyền lại, những người được dân làng kính yêu và chiêm ngưỡng sẽ nằm sâu thẳm trong trái tim hồn hậu và giàu cảm khái của người nông dân làng quê, để hàng năm dân làng sùng kính phụng thờ. Mọi bạo lực trấn áp hay sự lừa mỵ phỉ báng đều vô nghĩa và sẽ bất lực thảm hại trước sức mạnh của tâm linh trầm tích trong lòng dân như biết bao sự tích thiêng liêng về “thần hoàng làng” trải dài trên mọi nẻo đường đất nước từ bắc chí nam.
Trong hoài niệm đó, tôi càng thấm thía với nỗi lòng của cụ Kình đối với mỗi tấc đất đồng quê của thôn Hoành, của xã Đồng Tâm từng thấm đẫm máu và nước mắt tiền nhân, của bao thế hệ cầm súng chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Chẳng hiểu sao từ đó, bỗng tôi lan man nhớ lại những xúc động dạo nào khi thành kính thắp nén hương trên ban thờ đình làng Lại Thế của chúng tôi sau một phần tư thế kỷ xa nhà đi kháng chiến. Trở về vào tháng 6 năm 1975, đứng trước sân đình vắng vẻ với những suy tưởng vừa rất cụ thể, vừa rất mông lung về quê hương. Trong mông lung đó, tôi nghĩ về mẹ tôi. Mẹ tôi cũng chính là quê hương.
Để tránh cho con mình khỏi bị mật thám Pháp bắt, bà đã vứt bỏ tất cả, lội suối trèo đèo sáu tháng trời từ Huế ra Việt Bắc. Sau một phần tư thế kỷ, đứng lặng trước nơi từng là ngôi nhà, nay chỉ còn là một nền đất cỏ dại rêu phong, mẹ tôi không hé miệng nói một câu. Nhìn những giọt nước mắt chảy dài trên mặt mẹ, tim tôi đau buốt. Hôm rồi, bay ra Hà Nội, lên nghĩa trang Yên Kỳ thăm mộ mẹ, nỗi đau buổi ấy nhói lên khi cộng hưởng với nỗi đau Đồng Tâm, tôi như bị giằng xé trong ý nghĩ rằng, dường như tình cảm thiêng liêng ẩn kín trong lòng mẹ tôi – động lực giúp bà vượt qua mọi trở ngại để vì sự nghiệp của chúng tôi mà tham gia vào cuộc kháng chiến – tình cảm cao quý ấy đã bị xúc phạm bởi sự kiện sát hại cực kỳ vô nhân đạo cụ Lê Đình Kình vừa xảy ra.
Mẹ tôi theo con đi kháng chiến bởi trong sâu thẳm tâm hồn bà, đó là đi theo cái thiện, cái tốt mà bà tâm niệm. “Thiện căn ở tại lòng ta”, bà dạy chúng tôi thuộc nằm lòng câu ấy. Vì thế bà ghét cái ác. Mà cái ác đến như cách người ta hành xử với cụ lão nông, biểu tượng chói sáng của người nông dân từng đặt trên vai mình gánh nặng nhất trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước mà Mẹ tôi đã góp phần nhỏ bé của mình thì chắc chắn bà không sao hình dung nổi.
Thế rồi, nghĩ về Mẹ. Nghĩ về quê hương. Nghĩ về đất nước vào lúc tôi đang bước vào tuổi 85! Rồi sẽ là lực bất tòng tâm theo cái quy luật muôn đời. Nhưng chẳng nhẽ ngồi yên trước cái ác đang lộng hành. Lại một lần nữa, tôi nhớ đến câu thơ của Nazim Hikmet mà Cao Xuân Hạo, người bạn quý mến và uyên bác đã quá cố mà tôi luôn chân thành tưởng nhớ, dịch như sau:
Nếu tôi không cháy lên
Nếu anh không cháy lên,
Thì làm sao
Bóng tối
Có thể trở thành
Ánh sáng
để rồi nhà ngôn ngữ học và nhà dịch thuật bậc thầy ấy giải thích “nghĩa là mỗi người trong chúng ta phải có đủ nhiệt huyết để dám tự thiêu huỷ trong đấu tranh thì Chân mới thắng được Nguỵ, Thiện mới thắng được Ác…”!3A.
Tôi muốn nghĩ rằng, cái chết của cụ Lê Đình Kình đã cháy lên ngọn lửa làm cho bóng tối trở thành ánh sáng.
Ngày 29 Tết Canh Tý
Chú thích trích dẫn
1. Thơ Nguyễn Khuyến
2. Thơ Nguyễn Du
3. Cao Xuân Hạo. Tiếng Việt. Văn Việt. Người Việt. 35,tr.284, 3A tr. 263
4. Sogny – chánh mật thám Trung kỳ – tường thuật tại tài liệu số 66, hồ sơ 65530
5. Thơ Nguyễn Đình Thi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.