Nền tư pháp bị kéo lùi lại hơn 60 năm bằng cái chết của cụ Lê Đình Kình
21-1-2020
Cách đây hơn 60 năm (khoảng từ năm 1953 đến năm1957), miền Bắc Việt Nam đã trải qua một “trận Điện Biên Phủ trên đồng ruộng”. Đó là cuộc cải cách ruộng đất. Đó là cuộc đuổi cùng giết tận tầng lớp tinh hoa ở nông thôn. Những người bị gọi là “địa chủ”, tức những người do biết tính toán, biết làm ăn nên có được một vài mẫu ruộng, làm được cái nhà ngói. Trong số họ, không ít người đã đóng góp rất lớn cho cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, điển hình là bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm ở Đồng Bẩm (Thái Nguyên).
Tất cả những người đó, bỗng nhiên bị đám bần cố nông, do đảng cộng sản phát động, như một lũ chó điện, ào ào xông vào tận nhà lôi cổ ra đấu tố, dựng đứng, vu cáo cho họ hàng chục tội ác, nào bóc lột, nào hiếp dâm, nào giết người… Như một bài báo của tác giả CB, nghe nói là nhân vật đứng đầu đảng, đăng trên báo “nhân dân (cơ quan TW của ĐCS Việt Nam)” ngày 21/7/1953, có cái tít là “địa chủ ác ghê”.
Địa điểm tổ chức cuộc đấu tố là một bãi đất rộng. Những “địa chủ” bị trói giật cánh khuỷu vào những cái cọc chôn giữa bãi. Những bần cố nông mù chữ, dốt nát, mới ngày nào còn quỳ lạy xin địa chủ cho được cày thuê cuốc mướn để có cái đổ vào mồm, hôm nay bỗng vụt trở thành ông thành bà, nhẩy choi choi, chỉ tay vào mặt những địa chủ để xỉa xói, vu cho họ những tội mà họ chưa từng làm. Những địa chủ đó phải gọi những người xỉa xói mình bằng ông bằng bà, xưng con, và cúi đầu nhận tội. Mỗi lần có người đáp trả lại những câu khiến “ông bà nông dân” cứng họng không biết đối đáp làm sao, thì lập tức một ông đội cải cách ngồi lẫn trong đám nông dân đứng dậy vung tay, hô to “đả đảo tên X, tên Y… địa chủ cường hào gian ác”, và lập tức được đám đông hô “đả đảo” theo, với mục đích bịt mồm người bị đấu tố.
Cái tài đặc biệt của những ông cộng sản là thuyết phục được cả vợ, cả con trai lên đấu tố chồng và bố, vu cho bố đủ tội. Rồi con gái, con dâu lên đấu bố đẻ, bố chồng hiếp dâm mình… Cuối buổi đấu tố, người lãnh đạo buổi đấu tố lên “tuyên án”: Tên địa chủ bị tử hình. Đám đông ào ào hưởng ứng. Thế là thành án. Và “bản án” được thi hành ngay lập tức.
Nhiều cuộc đấu tố, trước khi điệu địa chủ ra bãi, người ta đã đào sẵn một cái hố tại đó, để sau khi đấu , địa chủ bị tử hình xong rồi hất xuống hố luôn. Điạ chủ bị tử hành, tài sản bị tịch thu, từ ruộng đất, nhà cửa đến lọ nước mắm, hũ dưa cà… để chia cho nông dân (gọi là “quả thực”).
Hàng trăm ngàn người đã bị chết tức tưởi, oan ức, chỉ vì có vài mẫu ruộng, dăm gian nhà ngói. Bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm có con đang là trung đoàn trưởng “bộ đội cụ Hồ”, bản thân bà đang là chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Nguyên, bà đã đóng góp cho kháng chiến hàng trăm lạng vàng và hàng chục tấn gạo để nuôi quân. Đấu tố xong, bà bị bắn, và khi bị đưa vào quan tài, cái xác của bà còn bị hành hạ bằng cách dẫm gẫy hết xương.
Những “địa chủ” đó không bị khởi tố điều tra, không bị cơ quan công tố truy tố trước tòa, không bị tòa án đưa ra xét xử, không được tự biện hộ, không được mời luật sư gỡ tội, chỉ bị đưa ra đấu tố rồi bị hành quyết và tịch thu hết tài sản. Một nền tư pháp như thế là một nền tư pháp man rợ, chỉ tồn tại trong một xã hội man rợ.
Từ đó đến nay, chúng ta đã xây dựng được một nền tư pháp hoàn chỉnh, phù hợp với thế giới văn minh: Có luật tổ chức điều tra hình sự, có bộ luật tố tụng hình sự, có bộ luật hình sự, có viện kiểm sát nhân dân từ tối cao đến cấp huyện, có tòa án nhân dân từ tối cao đến câp huyện, có quy định vừa được hiến định vừa được luật định, rằng một công dân chỉ bị coi là tội phạm khi có một bản án có hiệu lực pháp luật do tòa án tuyên. Nghĩa là một công dân nếu có dấu hiệu phạm tội, bắt buộc phải bị khởi tố điều tra, bị cơ quan truy tố là VKSND truy tố ra tòa án, bị tòa án đưa ra xét xử.
Và trong quá trình tố tụng hết sức chặt chẽ đó, bị can, bị cáo có những quyền được luật định như tự mình gỡ tội hay mời luật sư gỡ tội. Bị cáo được quyền chống án nếu không chấp nhận bản án sơ thẩm của tòa. Nghĩa vụ của các cơ quan tố tụng là phải chứng minh bị cáo có tội hay vô tội theo đúng những gì quy định trong bộ luật TTHS. Bị cáo chỉ trở thành tội phạm khi bị tòa tuyên có tội, và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật.
Thế nhưng, bằng việc nửa đêm đột nhập vào nhà riêng hợp pháp của cụ Lê Đình Kình, chĩa súng vào tim, cụ bóp cò, sát hại cụ một cách cực kỳ côn đồ và man rợ, tất cả những công cụ của nền tư pháp mà chúng ta vất vả xây dựng từ trên 60 năm, phút chốc đã bị xóa sạch. Nền tư pháp của chúng ta lại trở lại là một nền tư pháp man rợ thời cải cách ruộng đất, dù người đứng đầu của đảng không viết bài báo “Lê Đình Kình ác ghê”, vu cáo cho cụ đủ thứ tội ác như bóc lột, giết người… để đăng báo nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.