Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020

Tôi không thể nói là cụ ra đi thanh thản được!

Tôi không thể nói là cụ ra đi thanh thản được!

18-1-2020
Ảnh: internet
Để ngăn cản những hành động quá đà của những người thực thi pháp luật, trong 5 năm trở lại đây nhiều nơi trên thế giới đã bắt buộc cảnh sát khi làm nhiệm vụ phải đeo trên người camera để ghi lại tất cả hình ảnh. Dữ liệu này sẽ được tòa án xem xét khi có nghi ngờ người thực thi pháp luật đã lạm quyền hoặc làm sai luật đối với người dân. Tôi cũng ước trong vụ Đồng Tâm những cảnh sát trực tiếp tấn công nhà dân và giết cụ Kình cũng đã được trang bị những thiết bị này…
Nếu thế thì sẽ không có những câu hỏi không lời đáp như làm sao cả 3 cảnh sát cùng rơi được vào trong 1 giếng trời có chu vi nhỏ? làm sao cụ già 84 tuổi, liệt một chân có thể trở nên nguy hiểm đến nỗi phải bị giết tại chỗ? Và chắc sẽ không có những lời vu oan phản khoa học như “khi khám nghiệm tử thi, trên tay của ông Lê Đình Kình cầm giữ quả lựu đạn” như tôi phân tích ở bài trước.
Hôm nay, tôi lại được xem một đoạn phim quay cảnh những người ở Đồng Tâm đón xác cụ Kình về nhà với góc quay khác. So với đoạn phim trước thì đoạn phim này có nhiều chi tiết đáng chú ý và thể hiện rõ hơn về cái chết của cụ Kình và hoàn cảnh cụ chết lúc đó.
Ở hướng quay lần này tôi thấy rõ chân của cụ bị gãy nát, toàn bộ một vùng bao gồm cả xương và thịt bị mất đi để lại một khoảng trống rất lớn, điều này cho thấy một lực công phá mạnh mới có thể làm được điều này, đó là đạn!
Ngoài ra, tôi thấy rõ hơn vị trí bị đạn bắn trên ngực của cụ, đúng là vết đạn rất gọn, điều này chứng tỏ cự ly bắn khá gần. Nếu bạn nhìn trên hình khảo sát vết đạn được bắn ở các khoảng cách khác nhau trong tài liệu nghiên cứu của khoa học hình sự thì vết đạn này có thể được bắn ra ở khoảng cách khoảng 15-20 cm! Một điểm khác quan trọng hơn mà tôi quan sát thấy là một vết khác giống như lỗ đạn thoát ra phía sau lưng phải của cụ.
Các bạn nên nhớ là lỗ đạn thoát ra bao giờ cũng lớn hơn lỗ đạn đi vào và có hình dạng không đều (Mình đã làm sáng hình chỗ lỗ đạn phía sau lưng xác cụ Kình). Dựa vào vị trí lỗ đạn vào và ra, chúng ta có thể dự đoán được đường đạn, vị trí của tên đứng bắn cụ Kình đứng cao hơn cụ. Theo tôi đoán là sau khi chúng bắn gãy chân cụ, cụ không đứng lên được cụ ngồi ở vị trí bê bết máu trên sàn. Sau đó chúng đã tiến tới gần cụ và bắn vào tim của cụ ở cự ly gần (15-20 cm) với bối cảnh “có thể” giống như hình minh họa tôi lấy trên mạng. Vết thương do viên đạn ở đầu tôi không nhìn rõ nên không bàn sâu hơn trong bài này (cũng có thể đi theo cùng hướng từ trái sang phải).
Nghĩ thử xem, nếu cụ Kình cầm quả lựu đạn trên tay thì khi bị bắn những phát súng như vậy liệu cụ còn cầm nổi quả lựu đạn cho đến khi bị khám nghiệm tử thi không? và thực sự những tên giết cụ có gan bằng sắt cũng không dám nổ súng giết cụ với cự ly như vậy với trái lựu đạn trên tay cụ!
Tôi không biết cụ đã phạm tội tày trời như thế nào ở cái đất nước này, có bằng chứng nào kết tội cụ chưa, có tòa án nào đã xử cụ chưa mà vội trao cho cụ một cái chết thật kinh hoàng và dã man thế này!
Thực tình tôi không thể nói là cụ ra đi thanh thản được!
_____
Tài liệu tham khảo:
Powers DB, Robertson OB, 2005. Ten Common Myths of Ballistic Injuries. Oral Maxillofac Surg Clin North Am. 2005 Aug;17(3):251-9, v.
Gunshot Wounds: Practical Aspects of Firearms, Ballistics, and Forensic Techniques. Vincent Di Maio Ed. 1999 CRC Press (Gunshot_wounds._Practical_aspects_of_firearms,_ballistics,_and_forensic_techniques.pdf)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.