Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

Tại sao diễn biến cách mạng xảy ra ở Hong Kong mà không ở Sài Gòn?

Tại sao diễn biến cách mạng xảy ra ở Hong Kong mà không ở Sài Gòn?

Jackhammer Nguyễn
5-9-2019
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Trưởng đặc khu Hong Kong tuyên bố chính thức rút lại dự luật dẫn độ đã làm lãnh thổ này rúng động vì những cuộc biểu tình đòi dân chủ trong mấy tháng qua.
Luật dẫn độ này muốn đưa những nghi phạm từ Hong Kong sang Hoa lục để xử, làm dấy lên lo ngại sự lấn át quyền lực của Bắc Kinh trên lãnh thổ này, nhưng trên hết là sự lo ngại người Hong Kong sẽ bj xử bởi những tòa án bỏ túi, theo kiểu cộng sản của Bắc Kinh.
Cuộc đối đầu chưa kết thúc nhưng người dân Hong Kong đã thắng lớn bước đầu tiên, dù cũng có bạo lực xảy ra, cũng có máu đổ.
Trên các trang Việt ngữ hải ngoại, ngày nào cũng có tin tức về Hong Kong, các trang báo trong nước thì thỉnh thoảng cũng có những dòng tin ngắn, đài truyền hình thì có khi không đưa tin Hong Kong, mà chỉ có những chương trình giải trí. Điều đó cũng dễ hiểu: Cơ quan tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam không hào hứng đưa tin về sự phản đối một chế độ na ná như chế độ hiện hành ở Hà Nội.
Người Việt vẫn rất quan tâm. Trên trang Nghien Cứu Quốc Tế của một nhà nghiên cứu tại Singapore, số người xem bài viết về Jimmy Lai, tỉ phú Hong Kong duy nhất ủng hộ phong trào dân chủ, đã tăng rất cao đến mức kỉ lục của trang này.
Ngay những ngày đầu bùng phát những cuộc biểu tình, nhạc sĩ Trúc Hồ ở Mỹ đã cảm hứng sáng tác bài Biển áo đen (the sea of black) để ủng hộ phong trào chống luật dẫn độ ở Hong Kong. Trong bài hát có câu:
Hôm nay Hong Kong
Ngày mai Việt Nam
Ngày mai ấy còn bao xa?
Câu trả lời không đơn giản.
Hong Kong không phải là Việt Nam.
Hong Kong là một thành phố thương mại lâu đời, Việt Nam là một đất nước mà mới ngày hôm qua còn đến 90% dân cư sống lại thôn quê (con số thống kê mới dường như là khoảng từ 60-70%).
Hong Kong cũng không phải là Sài Gòn hay Hà Nội, hai thành phố lớn của Việt Nam ngày càng tương tự nhau ở bộ mặt bầy hầy, nhếch nhác của các thành phố ở những quốc gia kém phát triển, hậu quả của các chính sách đô thị hóa (nếu có) thất bại hoàn toàn.
Nếu so Hong Kong với Việt Nam thì rõ ràng là xa quá, ta thử so với hai thành phố mà tôi vừa đề cập bên trên kia.
Cư dân Hong Kong sống bằng thương mại và tài chính quốc tế cả trăm năm nay. Tầng lớp trung lưu của họ có học thức, được hấp thụ từ giáo dục Tây phương, thượng tôn pháp luật, đề cao tinh thần dân chủ. Họ là những kỹ thuật viên, chuyên viên thương mại, tài chính. Tất cả dựa trên cái gốc rễ văn hóa gia đình Á Đông còn rõ nét.
Cư dân Sài Gòn và Hà Nội thay đổi tận gốc rễ sau cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài hai mươi năm, và sau đó là những chính sách cộng sản lạ lùng, làm biến dạng truyền thống Á Đông, triệt tiêu những gì tốt đẹp, giữ lại những lề thói hủ lậu. Cũng đã xuất hiện tầng lớp trung lưu tại hai thành phố này sau vài chục năm phát triển kinh tế vừa qua, họ không phải là một khối thống nhất có niềm tin và quan điểm chính trị giống nhau, một số đông trong số họ làm giàu nhờ gắn chặt vào hệ thống lai tạp giữa độc tài chuyên chế và tư bản hoang dã.
Đa số dân chúng tại Sài Gòn và Hà Nội, là những công nhân làm thuê, sống chật hẹp trong những khu ngoại thành, làm việc cực nhọc trong các nhà máy, hay buôn bán tạp dịch đủ thứ tràn lan từ trung tâm cho tới ngoại ô.
Nếu Hong Kong sở hữu một trong những hệ thống vận tải công cộng tốt nhất thế giới, thì Hà Nội và Sài Gòn có một hệ thống công cộng tồi tàn nhất thế giới, các công trình công cộng xây dựng chậm chạp nhất thế giới, và có số người chạy xe gắn máy đông đúc nhất thế giới.
Phản kháng hay không phản kháng? Làm thế nào?
Dù sao, biến chuyển kinh tế xã hội tại Việt Nam trong những năm qua, cộng với mạng xã hội, đã làm xuất hiện một tầng lớp hoạt động đối kháng. Những người này hay tổ chức những cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn, bảo vệ môi trường. Nổi bật nhất trong những năm vừa qua là những cuộc biểu tình chống Formosa vào tháng 5/2016, và chống luật đặc khu 10/6/2018.
Cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 ở Việt Nam có thể lên đến cả trăm ngàn người tại Sài Gòn, có cả bạo động tại Phan Thiết. Nhưng từ cuộc biểu tình ấy để đi đến một cái gì tương tự như Hong Kong trong những ngày vừa qua là một điều hoàn toàn khác, không hiển nhiên.
Người biểu tình ở Sài Gòn sáng 10/6 nhìn từ Dinh Độc lập. Ảnh: Photo Courtesy
Đứng nhìn đoàn xe gắn máy ngoằn ngoèo và chật như nêm trên đường phố Sài Gòn, bạn hãy trả lời câu hỏi: Với khoảng 1000 người muốn biểu tình, bạn sẽ đi lại như thế nào?  Xe bus, tàu điện ngầm? (Cả hai thứ đều gần như không có), hay là xe gắn máy? Và trong đoàn cả triệu người đầu đội mũ bảo hiểm, mặt trùm khẩu trang ấy, có bao nhiêu người đang quan tâm tới bầu cử tự do? Tới quốc hội lập hiến?
Lâu lâu bạn có thể bắt gặp hình ảnh một nhà hoạt động xã hội nào đó, đứng bên vệ đường dũng cảm giương cao khẩu hiệu đấu tranh, nhưng họ lẻ loi và cô đơn.
Một nhà hoạt động đối kháng bị trục xuất ra nước ngoài có nói với tôi rằng: cái điều đáng nói không phải là vượt qua nỗi sợ nữa, mà vượt qua nỗi ngại! Nói nôm na là làm sao để không bị … quê! Vì mình chẳng giống ai hết!
Vậy tại sao có cuộc biểu tình lớn ngày 10/6/2018?
Nguyên nhân của cuộc biểu tình đó không phải là đòi dân chủ trừu tượng, mà là nỗi sợ, và căm ghét người Tàu, lưu thông trong máu người Việt cả ngàn năm nay.
Cũng có những cuộc đình công đòi tăng lương của công nhân đông đúc tới hàng ngàn người. Nhưng những cuộc đình công này không có một ý thức xã hội dân chủ sâu sắc như những gì chúng ta chứng kiến tại Hong Kong trong những ngày qua. Chúng nhanh chóng bị giải tán.
Mạng xã hội, cái phao và cũng là cái nhà kính phản quang
Khi những cuộc biểu tình đòi dân chủ vùng Trung Đông bùng phát, ngoài cái tên Mùa Xuân Ả Rập, còn có những người mau mắn đặt cho nó cái tên ‘cuộc cách mạng Facebook’. Tức là những phát biểu, hoạt động trên Facebook mà nhà cầm quyền không thể kiểm soát và trấn áp, đã tạo liên kết cho sự phản kháng, cho cách mạng.
Thực tế có thể hơi phũ phàng. Cuộc cách mạng Trung Đông, ngoài những biến chuyển khá tốt tại Tunisia, còn lại không có gì biến chuyển sâu sắc theo hướng tích cực.
Facebook cũng đóng vai trò lớn trong những cuộc phản kháng tại các đô thị Việt Nam trong những năm qua. Quan trọng hơn, nó còn đóng vai trò khuếch trương những tư tưởng dân chủ nhanh chóng mà nhà cầm quyền không thể ngăn chận được. Nhưng để nói rằng nó sẽ có một vai trò lớn cho những chuyển biến xã hội tới đây thì quá sớm.
Trong một cuộc hội thảo về mạng xã hội tại thủ đô Washington DC vào cuối năm 2015, mà tôi có tham dự, bà Tamara Wittes, một chuyên gia về tác động của mạng xã hội nói rằng, những nhà phản kháng sử dụng mạng xã hội, thì nhà cầm quyền cũng sử dụng mạng xã hội để theo dõi họ. Tiết lộ vô tình về một chị bí thư đoàn thanh niên cộng sản nào đó dùng nick ảo để “đấu tranh chống phản động”, là một minh chứng cho nhận xét của bà Wittes.
Người ta thống kê thấy có hơn 30 triệu tài khoản Facebook tại Việt Nam, tức là cứ ba người dân, bất kể già trẻ bé lớn, dân quê, trí thức, thành thị,… có một tài khoản Facebook.
Vậy là nhiều lắm. Nhưng đó là lượng, chứ không phải là chất. Trong hơn 30 triệu Facebook ấy có bao nhiều Facebook… cách mạng? Tôi nghi ngờ nó không vượt qua con số 100 ngàn.
Mà Facebook, với tính năng thương mại của nó, sẽ cho bạn thấy những điều bạn thích thấy, tức là những phát biểu giống giống của bạn. Những Facebook cách mạng sẽ thường thấy những Facebook cách mạng, Facebook thời trang sẽ thấy những Facebook thời trang,…
Đó là điều mà nghiên cứu xã hội phương Tây gọi là cái phòng đồng vọng (echo chamber), ai nói người nấy nghe. Trong cái phòng đồng vọng ấy, các thành viên dễ tưởng tượng ra rằng mình đang có rất nhiều đồng chí.
Thành ra Facebook giúp chúng ta khuếch tán ý tưởng của chúng ta một cách nhanh chóng, giúp ta tìm kiếm những đồng chí, nhưng nó cũng giống như một tòa nhà có đặt nhiều gương phản chiếu. Dễ gây cho chúng ta ảo tưởng.
***
Trở lại cuộc đấu tranh tại Hong Kong, khi nó xảy ra với những cuộc biểu tình quy tụ tới hàng triệu người, mà dân số của cả đô thị này chỉ có 7 triệu cư dân, nhiều người Việt Nam hoặc là khấp khởi hy vọng điều tương tự sẽ xảy ra tại Sài Gòn hay đâu đó trên đất nước này, có người lại lên tiếng xỉ vả “sự đớn hèn” của hành chục triệu người Sài Gòn hay Hà Nội không dám xuống đường đấu tranh.
Cả hai suy nghĩ đều sai.
Hy vọng chưa tới như những người hy vọng.
Người Sài Gòn hay Hà Nội không đớn hèn như vài người người sỉ vả họ.
Hong Kong là Hong Kong, chúng ta là chúng ta, với tất cả những nhược điểm tự thân hay khách quan ràng vào cổ chúng ta. Xã hội chúng ta cần những thay đổi sâu sắc hơn nữa.
Theo dõi diễn biến xã hội Việt Nam mấy chục năm qua, tôi cho rằng cuộc cách mạng còn xa lắm. Tôi chia sẻ niềm hy vọng của nhạc sĩ Trúc Hồ, nhưng đấy không phải là ngày mai.
Jackhammer Nguyễn, San Francisco

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.