Nhân tính đang bị bào mòn
1-9-2019
Tôi không dám nhìn hình ảnh và đọc tin người anh 53 tuổi dùng dao chém 5 người thân ruột thịt. Thật khủng khiếp.
Trên đất nước này có quá nhiều vụ thảm sát đẫm máu và tàn độc. Có lẽ, phải cần rất nhiều học giả độc lập nghiên cứu kỹ càng về vấn nạn tha hóa ngày càng sâu sắc, ngày càng đau đớn trong lòng xã hội Việt Nam.
Một trắc nghiệm đã được thực hiện ở nước Đức sau khi đất nước này được thống nhất vào năm 1989. Nhóm chủ trì đã giao cho nhiều nhóm người ở phần Đông Đức và phần Tây Đức những quân bài xúc xắc để họ tự gieo xúc xắc và tự ghi số điểm mà mình gieo được. Điều kiện được nêu ra là, ai gieo xúc được điểm cao người đó sẽ được thưởng 10 usd. Kết quả thế nào?
Người dân đã từng sống dưới chế độ cộng sản Đông Đức có số điểm cao chót vót. Người dân Tây Đức có mức điểm trung bình. Nhóm nghiên cứu và tiến hành thực nghiệm đã đi đến kết luận rằng, do sống lâu trong lòng cộng sản nên người dân phía Đông Đức trở nên gian dối và tham lam.
Và nhóm nghiên cứu cũng đã kết luận rằng, trong chủ nghĩa xã hội đạo đức còn khan hiếm hơn cả bánh mì. Trong một bài báo, tôi đã nêu ý kiến rằng, nhận định của nhóm này còn quá nhẹ nhàng, nên sửa đổi lại rằng “trong chủ nghĩa xã hội, đạo đức còn khan hiếm hơn cả kim cương”.
Khi thiết chế cộng sản chưa được thiết lập ở Việt Nam, đất nước này vẫn tồn tại cái ác và kẻ thủ ác. Nhưng cái ác và kẻ thủ ác không tiến hành thực hiện cái ác với mức độ tàn khốc và vô nhân tính như bây giờ.
Đạo đức chỉ được hình thành và xuất hiện trong những xã hội thượng tôn pháp luật, có hệ thống luật pháp tiến bộ và minh bạch, trong những xã hội mà quyền lực được kiểm soát để nâng cao trách nhiệm của các lực lượng công vụ, trong những xã hội có các tổ chức xã hội dân sự mạnh mẽ để góp phần giải tỏa các uẩn ức của người dân… Không có các tiền đề cần thiết ấy, xã hội Việt Nam đã không nảy sinh và phát triển đạo đức.
Sẽ có nhiều bạn hỏi tôi: Nếu con người Việt Nam không có đạo đức thì họ tồn tại và đối xử với nhau bằng gì? Xin thưa, con người Việt Nam đang sống và đối xử với nhau bằng nhân tính, nhưng đáng tiếc thay, nhân tính ấy càng ngày càng bị bào mòn.
Cách đây khoảng 20 năm, một số tộc người ở Tây Nguyên rất sợ máu, không biết đánh người(như cha mẹ đánh con, chồng đánh vợ, hàng xóm đánh nhau, con trai đánh con trai, con gái đánh con gái….). Dĩ nhiên, họ không biết giết người. Nhưng giờ đây, trong những tộc người ấy, hiện tượng đánh nhau, giết người xảy ra liên tục.
Một xã hội mà quyền lực của những người có chức quyền không được kiểm soát, một xã hội mà những người cầm đầu chính quyền luôn tôn sùng bạo lực và thực hiện bạo lực đối với dân chúng, xã hội ấy đắm chìm trong chết chóc cay đắng, xã hội ấy bị cuốn vào vòng xoáy bào mòn nhân tính.
Ghi chú: Tựa đề do Tiếng Dân đặt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.