Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

Nguy cơ ĐBSCL sạt lở chỉ là vấn đề thời gian

Nguy cơ ĐBSCL sạt lở chỉ là vấn đề thời gian

Trung Chánh
Phù sa, bùn cát đóng vai trò rất đặc biệt, nó như “bộ lông cánh” bảo vệ vùng bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thế nhưng, “bộ lông cánh” ấy đang ngày một mỏng dần, tức nguy cơ ĐBSCL sạt lở chỉ còn là chuyện thời gian…
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xin lược ghi và giới thiệu đến quý độc giả ý kiến của chuyên gia nghiên cứu độc lập Nguyễn Hữu Thiện xung quanh vấn đề nêu trên.
Ông Thiện cho biết, cách đây khoảng 6.000 năm, ĐBSCL chỉ là một thềm lục địa cạn. Thế nhưng, nhờ dòng Mê Kông “miệt mài” mang phù sa, bùn cát về bồi đắp, tạo nên một vùng đồng bằng rộng lớn như ngày nay.
Theo ông Thiện, vào mùa lũ, dòng Mê Kông chảy xuống mang theo lượng lớn phù sa, bùn cát, nhưng khi ra tới biển, nó giống như gặp một bức tường chặn đứng lại. “Dòng sông gặp biển nó mất tốc độ, trong khi nó đang mang nặng phù sa trong mình nên mang không nổi, bỏ lại ngay cửa sông”, ông cho biết.
Qua tới mùa khô, ông Thiện cho biết, có một dòng biển Bắc- Nam dọc theo bờ biển, nó “nạo” cửa sông chính (sông Tiền, sông Hậu) đục lên và vận chuyển phù sa, bùn cát xuôi bờ xuống tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau.
Ông Thiện cho biết, đó cũng là lý do giải thích vì sao mùa lũ dòng sông Mê Kông nước có màu đục, nhưng khi ra biển có màu xanh. Còn vào mùa khô, thì sông Mê Kông sẽ có màu xanh như nước biển, trong khi ra đến biển nước đục (khoảng tháng 2 và 3 ra biển nước đục). “Lý do, vì mùa khô dòng biển Bắc- Nam mới "nạo" cửa sông chính đem phù sa, bùn cát xuống Bạc Liêu, Cà Mau, thành ra nó có biểu hiện như vậy”, ông nói.
Vị chuyên gia nghiên cứu độc lập này cho biết, khi dòng nước mang phù sa, thì có nguyên tắc hết sức đơn giản: nhẹ đi xa, nặng rớt lại ở gần, cho nên, cát nằm ngay ở vùng cửa sông, còn bùn nó đi xa hơn. “Thành ra, từ sông Soài Rạp đến Gành Hào (từ Tiền Giang đến Bạc Liêu) có chiều dài 250 km là vùng cửa sông Cửu Long buổi chiều có thể hạy xe máy trên bãi biển được”, ông giải thích và cho biết chỉ bùn mới đi xa đến Cà Mau.
Do đó, theo ông Thiện, bờ biển vùng ĐBSCL được chia làm ba đoạn, gồm từ Soài Rạp đến Gành Hào là bờ biển cát; từ Gành Hào đến Cà Mau là bờ biển bùn và đoạn từ Mũi Cà Mau vòng qua biển Tây cũng là bờ biển bùn.
Sông Hậu và sông Tiền sẽ vận chuyển phù sa, bùn cát từ thượng nguồn sông Mê Kông ra cửa biển. Ảnh: Trung Chánh
Chính đặc điểm ở trên, theo ông Thiện, khi nói về sạt lở bờ biển, thì 3 đoạn như trên là khác nhau. “Về nguyên tắc, khi thiếu cát, nó sạt lở đoạn 250 km từ Soài Rạp đến Gành Hào”, ông cho biết và nói rằng nếu chưa sạt lở, thì tốc độ bồi cũng đã giảm đi. “Ví dụ, ngày xưa trung bình mỗi năm bồi 16 mét, nhưng bây giờ chỉ còn 8 mét chẳng hạn, thì đó cũng là dấu hiệu”, ông dẫn chứng.
Ông Thiện nhấn mạnh, ĐBSCL đang trong giai đoạn thụt lùi, tức tổng diện tích của ĐBSCL đang sụt giảm. “Giai đoạn từ năm 2000 đến 2005 là giai đoạn chuyển tiếp”, ông nói và cho biết trước đây có lở, có bồi, nhưng lúc đó tổng diện tích ĐBSCL nó luôn “nở” ra do bồi nhiều hơn. “Đến giai đoạn 2000-2005 nó đứng lại”, ông nhấn mạnh và cho biết bây giờ nó vẫn còn bồi, lở, nhưng cộng lại là "âm" hay nói cách khác lở nhiều hơn bồi, thành ra ĐBSCL đang “teo” lại về phía biển và bờ sông cũng đang "nham nhở" tứ tung.
Bộ “lông cánh” bảo vệ bờ biển ĐBSCL

Xung quanh vùng ven biển ĐBSCL có một lớp nước đục được ví như bộ "lông cánh" bảo vệ vùng này. Ảnh chụp màn hình bản đồ vùng ĐBSCL.
Ông Thiện cho biết, vào thời điểm khoảng tháng 3 (tức vào mùa khô), đứng ở bờ biển Bạc Liêu sẽ thấy một lớp nước đục. “Lớp nước đục khoảng 20 km này (từ bờ ra biển) nó bao quanh 736 km bờ biển ĐBSCL, từ tỉnh Tiền Giang xuống đến Cà Mau vòng qua biển Tây”, ông cho biết.
Theo ông, lớp nước đục được xem là “bộ lông cánh”, nó có hai tác dụng: thứ nhất, trong từng hạt phù sa nó có dinh dưỡng, giúp nuôi các hệ thực vật sơ cấp và tạo nên hệ sinh thái biển rất phong phú. “Năng suất thủy sản của vùng biển ĐBSCL nó bằng tất cả các vùng biển khác của Việt Nam cộng lại nhờ có lớp nước đục này”, ông minh chứng.
Nếu lớp nước đục ở trên mất đi, thì đồng nghĩa vùng biển ĐBSCL sẽ nghèo tôm cá, tức mất đi 50% sản lượng thủy sản biển của Việt Nam. “Thực tế, nước ở ĐBSCL đang dần mất đi phù sa”, ông cho biết.
Thứ hai, vùng nước đục bao quanh chính là chiếc “áo” của ĐBSCL trong 6.000 năm nay. Bởi, nước mang phù sa nó nặng, cho nên, khi sóng biển đánh vô gặp lớp nước nặng làm mất năng lượng nên sóng biển cũng "hạ ngọn" rất nhiều. “Ví dụ, vùng biển xanh sóng biển đánh cao 2 mét, nhưng khi nó đi qua 1 km nước đục, thì nó đẩy không nổi, hạ xuống còn 1,5 mét, vô 1 km tiếp theo nó hạ còn 1 mét…, thành ra vùng bờ biển ĐBSCL rất bình yên trong mấy ngàn năm nay”, ông dẫn chứng.
Thiếu phù sa, rừng ngập mặn có bảo vệ được bờ biển?
Ông Thiện dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp công bố hồi tháng 7-2019 cho thấy, trong bối cảnh bây giờ (thiếu phù sa, bùn cát), rừng ngập mặn không có vai trò gì trong việc bảo vệ bờ biển của ĐBSCL. “Thành ra, đừng nghĩ rừng ngập mặn sẽ bảo vệ được bờ biển trong bối cảnh này”, ông nói.
Theo ông Thiện, rừng ngập mặn ngày xưa, khi nước đang mang nặng phù sa đi qua, nó làm dòng chảy giảm bớt năng lượng, giúp bồi đắp phù sa. Còn trong bối cảnh bây giờ, nước đã nhẹ hơn nhiều do phù sa trong nước giảm hay nói cách khác sự hấp thu năng lượng sóng cũng đã bị giảm bớt.
Trong bối cảnh đó, các nhà khoa học Pháp nghiên cứu dọc theo 370 km bờ biển bùn, từ Gành Hào xuống Cà Mau và vòng qua biển Tây để coi rừng ngập mặn đóng vai trò gì?
“Cứ 1 km cắt 1 điểm và họ theo dõi hình ảnh trong nhiều năm, so sánh tương quan độ dày cửa rừng tại điểm đó và tốc độ sạt lở ở 370 điểm và họ rút ra kết luận là không có mối tương quan”, ông Thiện cho biết.
Chính vì vậy, theo ông Thiện, trong bối cảnh thiếu phù sa như hiện nay, rừng ngập mặn hết vai trò. “Không có nghĩa không nên trồng rừng ngập mặn vì nó vẫn còn vai trò sinh thái, vai trò này kia, nó cũng giúp giảm bớt sóng. Nhưng, nó chỉ giúp mua thời gian cho ĐBSCL, chứ không đủ sức (chống chọi) nữa”, ông cho biết.
Theo ông Thiện, cái lớp áo nước đục mới quan trọng, nhưng bây giờ nó “mỏng” còn phân nửa so với trước đây và tương lai còn mỏng hơn. “Vậy thì, bờ biển chúng ta có nơi sạt lở, có nơi bồi, nhưng cộng lại lúc nào cũng "âm", cho nên, diện tích ĐBSCL đang giảm dần từng ngày, từng tháng và không có gì cản được”, ông cho biết và nói rằng việc làm công trình cũng chỉ là "mua thời gian", tức chỉ giúp kéo dài thời gian sạt lở của ĐBSCL mà thôi.
T.C.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.