Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Liệu có phải do 'dẫn độ' mà tội phạm Trung Quốc tăng ở Việt Nam?

Liệu có phải do 'dẫn độ' mà tội phạm Trung Quốc tăng ở Việt Nam?

Ben Ngo
Hôm 17/9, Luật sư Phùng Thanh Sơn, giám đốc điều hành Công ty Luật Thế giới Luật pháp nói với RFA rằng đến thời điểm hiện nay bản thân ông và nhiều đồng nghiệp vẫn chưa tìm được cái mà ông gọi là “hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
Luật sư Sơn cho rằng Việt Nam không nên tự ràng buộc bằng các điều ước quốc tế song phương với Trung Quốc để phải trao trả người Trung Quốc phạm tội tại Việt Nam về Trung Quốc. Nếu Trung Quốc muốn gây rối an ninh, an toàn xã hội của Việt Nam thì họ thả tội phạm của họ qua Việt Nam hoặc khuyến khích công dân của họ sang Việt Nam gây án. Nếu bị cơ quan chức trách của Việt Nam bắt thì họ sẽ yêu cầu dẫn độ về Trung Quốc rồi sau đó sẽ trả tự do. Việt Nam thì không thể nào biết được là Trung Quốc có xử lý hình sự và thi hành án những người được dẫn độ đó trên thực tế hay không.
Công an đội nhập nhà trọ ở quận Sơn Trà, tạm giữ nhóm người Trung Quốc thuê trẻ vị thành niên Việt Nam để quay clip sex. Courtesy of Công an Đà Nẵng
Một luật sư nhận định với RFA rằng với việc liên tiếp trao trả tội phạm người Trung Quốc phạm pháp tại Việt Nam thì Hà Nội “không chỉ tự đánh mất chủ quyền quốc gia về quyền tài phán mà còn vô tình biến Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho tội phạm Trung Quốc”.
Tội phạm Trung Quốc tăng ‘đột biến’
Phát ngôn vừa nêu được đưa ra trong bối cảnh thời gian qua tại Việt Nam diễn ra liên tiếp các vụ nghi phạm Trung Quốc tổ chức đường dây đánh bạc, sản xuất ma túy tại các tỉnh thành…
Gần đây nhất, ngày 17/9, Công an quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng bàn giao 34 người Trung Quốc có hành vi hoạt động tội phạm công nghệ cao, thao túng chứng khoán cho cơ quan chức năng để xử lý. Nhóm này gồm 34 người, xin visa vào Việt Nam với mục đích du lịch, sau đó cả nhóm thuê cả khách sạn Chula trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn để lưu trú.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng tối 14/9 tiến hành bắt khẩn cấp và tạm giam 5 người Trung Quốc và một người Việt Nam (phiên dịch) vì có hành vi lôi kéo các cô gái trẻ, trong đó có cô gái mới 15 tuổi, để quan hệ tình dục và quay clip sex bán trên mạng xã hội.
Ngày 27/7, công an Việt Nam đã bắt giữ hơn 380 công dân Trung Quốc điều hành một đường dây đánh bạc bất hợp pháp tại thành phố cảng Hải Phòng, với số tiền vi phạm lên đến 10.000 tỷ đồng.
Hồi tháng 4/2019, một nhóm 40 người Trung Quốc nghi dùng công nghệ cao để lừa đảo cũng bị bắt giữ tại Nha Trang. Sau đó, công an Đà Nẵng cũng phát hiện 35 người Trung Quốc có hành vi vi phạm sử dụng visa du lịch đến Đà Nẵng nhưng thực tế là thuê nhà và tổ chức đánh bạc qua mạng Internet…
Báo Pháp luật hôm 12/8 dẫn nguồn Bộ Công an cho biết, tính đến tháng 5/2019, hơn 1.400 phạm nhân là người nước ngoài thuộc 30 quốc tịch khác nhau đang chấp hành án hình sự tại Việt Nam. Đa số các phạm nhân bị kết án liên quan đến các tội phạm về ma túy và kinh tế. Số phạm nhân quốc tịch Trung Quốc (bao gồm Đài Loan, Hong Kong, Macao) chiếm khá nhiều… (?!).
‘Mảnh đất màu mỡ cho tội phạm Trung Quốc’
Hôm 17/9, Luật sư Phùng Thanh Sơn, giám đốc điều hành Công ty Luật Thế giới Luật pháp nói với RFA rằng đến thời điểm hiện nay bản thân ông và nhiều đồng nghiệp vẫn chưa tìm được cái mà ông gọi là “hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
Luật sư Sơn nói đã tìm nhiều nguồn, kể cả xem lại chương trình nghị sự trước đây của Quốc hội cũng không thấy có nội dung thông qua hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và Trung Quốc. Luật sư Phùng Thanh Sơn nói tiếp:
“Do đó, tôi không thể có câu trả lời rằng vụ án này [nhóm người Trung Quốc thuê các bé gái đóng phim sex] có phải dẫn độ về Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, vụ án thuê phụ nữ, trẻ em Việt Nam đóng phim người lớn này nó khác với vụ án đánh bạc online trước đây. Vụ án đánh bạc trước đây, theo Công an Việt Nam, thì nó chỉ liên quan đến người Trung Quốc. Còn vụ án này, các bị hại là người Việt Nam nên không thể nào trao trả về cho Trung Quốc như vụ án đánh bạc online trước đây”.
“Trong hình sự và hành chính thì không có xung đột pháp luật. Do đó, tổ chức cá nhân người nước ngoài vi phạm pháp luật hình sự, hành chính của Việt Nam thì dứt khoát Việt Nam phải xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam, đặc biệt là đối với những người phạm tội mang quốc tịch của những nước có chung đường biên giới với Việt Nam”.
“Ngay cả vụ án chỉ liên quan đến người Trung Quốc nhưng hành vi tội phạm được thực hiện tại Việt Nam thì Việt Nam phải xử lý. Việc Việt Nam trao trả người Trung Quốc phạm tội tại Việt Nam cho Trung Quốc không chỉ Việt Nam tự đánh mất chủ quyền quốc gia về quyền tài phán mà còn vô tình biến Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho tội phạm Trung Quốc. Minh chứng là thời gian một vài tháng gần đây, nhiều vụ án do người Trung Quốc cầm đầu tại Việt Nam tăng đột biến”.
Theo tìm hiểu của RFA, Việt Nam và Trung Quốc hiện chưa công khai việc hai nước có ký kết Luật dẫn độ với nhau hay chưa. Hiện tại, công luận chỉ biết giữa hai nước có ký Hiệp định về tương trợ pháp lý về dân sự và hình sự.
Còn theo VOA Việt ngữ, Quốc hội Trung Quốc hôm 26/8 phê chuẩn hiệp ước gồm 22 điều khoản và theo Xinhua (Tân Hoa Xã), hiệp định này đã được hai nước bắt đầu bàn thảo từ năm 2013 và ký kết năm 2015.
Hôm 12/8, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, nói với RFA:
“Vấn đề tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự hình sự thì Việt Nam đã ký với nhiều nước như Hàn Quốc, Hungary, Bulgaria… trong đó có Trung Quốc, thì đã có rất lâu rồi, công dân nước này có thể hưởng bảo hộ pháp lý trên nước kia… Còn vấn đề dẫn độ là hợp tác tương trợ tư pháp giữa hai nước với nhau, có quyền yêu cầu bắt giữ hoặc chuyển giao người tội phạm. Việc dẫn độ được tiến hành giữa quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu, toàn bộ quá trình thực hiện hoạt động pháp lý này được thực thi theo pháp luật nước sở tại và các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp”.
‘Điều khó hiểu’
Tối 18/9, Luật sư Phạm Công Út, cựu thẩm phán Tòa án nhân dân quận 8 ở TP.HCM, trả lời RFA: “Trước đây từng có những tội phạm là công dân Trung Quốc liên quan đến việc thuê nhà tại TP.HCM rồi đặt máy trộm cước viễn thông, biến cuộc gọi quốc tế từ Trung Quốc vào Việt Nam thành cước nội mạng do nhiều nhóm tội phạm người Trung Quốc thực hiện. Vụ này gây thiệt hại đặc biệt cho ngành bưu điện của Việt Nam. Họ bị xử tù khá nghiêm khắc dù có sự can thiệp của Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM”.
“Nhưng vài năm gần đây rộ lên việc người Duy Ngô Nhĩ vượt biên giới sang Việt Nam. Sau đó phía Việt Nam giao trả những người này. Rồi thì các vụ thuê phụ nữ Việt Nam đóng phim sex, vụ lừa đảo qua mạng ATM, vụ sản xuất ma túy với lượng tiền chất ma túy rất lớn, đường dây buôn bán trẻ em, tổ chức đánh bạc, bắt cóc do công dân Trung Quốc thực hiện... cũng lại có chuyện Việt Nam chuyển giao những công dân Trung Quốc có hành vi vi phạm pháp luật hình sự cho phía Trung Quốc mà chưa hề có Hiệp định dẫn độ được hai nước ký kết. Việc này khiến dư luận dậy sóng”.
Luật sư Út bình luận thêm: “Điều khó hiểu là phía Bộ Công an Việt Nam chưa có thông cáo báo chí lý do chính thức việc chuyển giao hay dẫn độ tội phạm Trung Quốc là theo đạo luật nào”.
“Có thể có một thỏa thuận chưa chính thức nào đó để các "củi tươi hay củi khô" của Việt Nam đào thoát qua đường Trung Quốc cũng sẽ được trao trả về Việt Nam như cách Việt Nam đã dành cho phía Trung Quốc như nguyên tắc quốc tế "có qua, có lại" cũng không chừng”.
Nhìn lại các vụ việc liên quan đến nghi phạm Trung Quốc phạm pháp trên lãnh thổ Việt Nam thời gian qua, Luật sư Phùng Thanh Sơn đề xuất:
“Theo tôi, để ngăn chặn tội phạm từ các nước có chung đường biên giới nói chung và Trung Quốc nói riêng, Việt Nam chỉ nên chấp nhận dẫn độ đối với những người đã thực hiện hành vi tội phạm ở nước ngoài nhưng đang có mặt trên lãnh thổ Việt Nam. Đối với hành vi tội phạm được thực hiện tại Việt Nam thì Việt Nam phải xử lý”.
Luật sư Sơn cho rằng Việt Nam không nên tự ràng buộc bằng các điều ước quốc tế song phương với Trung Quốc để phải trao trả người Trung Quốc phạm tội tại Việt Nam về Trung Quốc. Nếu Trung Quốc muốn gây rối an ninh, an toàn xã hội của Việt Nam thì họ thả tội phạm của họ qua Việt Nam hoặc khuyến khích công dân của họ sang Việt Nam gây án. Nếu bị cơ quan chức trách của Việt Nam bắt thì họ sẽ yêu cầu dẫn độ về Trung Quốc rồi sau đó sẽ trả tự do. Việt Nam thì không thể nào biết được là Trung Quốc có xử lý hình sự và thi hành án những người được dẫn độ đó trên thực tế hay không.
B.N.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cn-cri-extra-09182019142243.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.