Lại phải hỏi ông Tô Lâm: Công an để làm gì?
Đã có bốn người là nạn nhân vụ thảm sát xảy ra ngày 1 tháng 9 tại thôn Bồng Lai, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội thiệt mạng. Nạn nhân cuối cùng chưa chết nhưng đang trong tình trạng nguy kịch (1).
Đến giờ, nguyên nhân vụ thảm sát đã được xác định, ông Nguyễn Văn Đông bất đồng với ông Nguyễn Văn Hải (em trai) về ranh đất. Hai anh em không thỏa thuận được với nhau nên sau khi gia đình ông Hải cúng động thổ để xây cất, ông Đông xách dao chém họ.
Nạn nhân của ông Đông là em ruột, em dâu (Doãn Thị Việt), cháu ruột (Nguyễn Thị Bắc), cháu dâu (Đỗ Thị Hồng Nhung) và một đứa trẻ là con của cháu ruột (Nguyễn Huyền My – chỉ mới một tuổi).
Trong đó hai người (ông Hải và cô Bắc) chết tại chỗ, hai người đã chết tại bệnh viện (bà Việt và bé My), chỉ con cô Nhung đang hấp hối và bệnh viện loan báo: Tiên lượng khá nặng!
Vụ thảm sát vừa kể khiến dân chúng Việt Nam thêm một lần bàng hoàng vì tính chất vô luân (anh trai chém chết em, cháu chỉ vì bất đồng vì ranh đất chênh lệch so với ước tính của mỗi bên vài centimeter chiều ngang) và man rợ.
Những vụ án vô luân và man rợ như thế càng ngày càng nhiều, xảy ra khắp nơi. Người Việt xem đó là những bằng chứng, chứng tỏ đạo đức suy đồi, xã hội đảo điên, hệ thống công quyền bất lực trong quản trị, điều hành xã hội, duy trì trị an, bảo đảm trật tự!
***
Sau vụ thảm sát, hệ thống truyền thông chính thức của Việt Nam chỉ mô tả diễn tiến, tường thuật hậu quả, công bố nguyên nhân và giống như nhiều thảm án khác đã từng làm dư luận, không cơ quan ngôn luận nào, của ai, phân tích xem vì sao, làm thế nào để ngăn chặn.
Tất cả các cơ quan truyền thông chính thức đểu bảo rằng, ngay sau khi xảy ra vụ án, công an đã có mặt tại hiện trường, bắt giữ ông Đông và “tiến hành điều tra”. Dường như không phải vậy!
Một số video clip và hình ảnh đã được công bố cho thấy, dân chúng địa phương thảng thốt khi thấy ông Đông đâm, chém những nạn nhân đã nằm sóng soài trên đường. Có người liên tục kêu Trời và hỏi: Công an đâu mà để như vậy (2)? Rồi hình ảnh ông Đông, tay chân, quần áo vấy máu, ngồi trong nhà bình thản uống nước chờ công an đến!
Một ngày sau khi xảy ra vụ thảm sát, hôm 2 tháng 9, Nhân Việt Media đưa lên You Tube video clip dài 2 phút 26 giây ghi lại lời kể của nhân chứng vụ thảm sát (3). Theo đó, ông Đông vào nhà các nạn nhân hai lần. Lần đầu, chỉ chém các nạn nhân bị thương rồi bỏ về nhà. Khi quay trở lại lần thứ hai mới “phay” (đâm, chém nhàu) vào các nạn nhân…
Nhân chứng – người chạy tới hiện trường sau khi ông Đông chém các nạn nhân lần đầu rồi bỏ đi – nhấn mạnh (phút 2:03 đến phút 2:26): Nếu ông Đông không quay lại “phay” như “băm bèo” thì các nạn nhân chỉ bị thương chứ không ai chết! Sau khi bị chú ruột tấn công lần đầu, cô Bắc chỉ bị thương nhẹ, lần thứ hai thì chết tại chỗ.
Những tình tiết vừa kể được một “lãnh đạo xã” tái xác nhận qua trò chuyện với báo điện tử Kênh 14, sau khi chém các nạn nhân lần đầu, ông Đông về nhà định tự tử nhưng con trai cản lại, sau đó ông Đông mới quay lại “phay” các nạn nhân (4). Báo điện tử Dân Trí cũng ghi nhận tình tiết ông Đông tấn công các nạn nhân hai lần. Hậu quả nghiêm trọng là từ lần tấn công thứ hai (5).
***
Công an ở đâu giữa hai lần tấn công ấy? Những ai phải chịu trách nhiệm khi công an chậm trễ khiến hậu quả trở thành thảm khốc đến vậy? Không cơ quan truyền thông chính thức nào dám thắc mắc. Chỉ có một số cá nhân sử dụng mạng xã hội dám chất vấn.
Đáp lại là một video clip dài 4:34 giây ghi lại lời khai của ông Đông với công an đột nhiên được công bố rộng rãi như một cách nhằm hóa giải trách nhiệm của công an trong mắt công chúng: Khó có thể ngăn chặn tội ác khi ông Đông hết sức vô tư, hào hứng trong việc giết nhiều người thân (6).
Ít nhất, tác hại của video clip vừa kể nằm ở chỗ, nó khiến người ta cảm thấy dường như tờ An Ninh Thủ Đô đã dùng thảm án để… bơm thổi lãnh đạo công an Hà Nội, khi tường thuật rằng, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội “trực tiếp xét hỏi hung thủ” khiến ông Đông… “ôm mặt, gục đầu” thú nhận: Tôi ân hận lắm (7)!
Vì sao lực lượng công an nhân dân tại Việt Nam hết sức hùng hậu nhưng xã hội càng ngày càng hỗn loạn, du đãng càng ngày càng lộng hành, người lương thiện càng lúc càng hoang mang, bất an trở thành cảm giác chủ đạo vì không ai biết lúc nào thì chính mình hoặc thân nhân trở thành nạn nhân?
Vì sao hoạt động bằng tiền thuế do dân chúng đóng nhưng công an nhân dân chỉ dành toàn bộ tâm lực, sức lực cho việc bảo vệ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN, còn những người nộp thuế phải tự bảo vệ mình và càng ngày càng nhiều người cậy đến du đãng để giải quyết các mâu thuẫn trong sinh hoạt xã hội?
Tại sao công an nhân dân đảm trách vai trò bảo vệ trật tự, duy trì trị an nhưng chưa bao giờ có sĩ quan cao cấp nào của công an nhân dân bị truy cứu trách nhiệm do không chu toàn nghĩa vụ bảo vệ tính mạng, phẩm giá, tài sản của công dân? Những Bộ trưởng Công an như ông Tô Lâm vẫn được xem là “hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc”?
Chú thích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.