Thứ Ba, 3 tháng 9, 2019

Hai bức thư Hồ Chí Minh gửi cho Stalin năm 1952

Hai bức thư Hồ Chí Minh gửi cho Stalin năm 1952

Bùi Xuân Bách
2-9-2019
Trong cuộc triển lãm mới mở gần đây, nhân dịp 50 năm ngày mất của ông Hồ Chí Minh, triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế”, người ta đã trưng bầy những bức thư ông viết cho các Tổng thống Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kể từ năm 1946 cho tới trước khi qua đời vào năm 1969. 
Tuy vậy có lẽ họ đã cố tình quên hai bức thư quan trọng của ông gửi Đại Nguyên soái Stalin trong chuyến đi bí mật sang Liên Xô năm 1952. Có khi cũng chả phải quên, nhưng làm đúng truyền thống “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Trong hai bức thư này, ngoài việc ông Hồ xin viện trợ vũ khí và thuốc men, xin cho gửi học sinh sang Liên Xô học, ông còn thừa/thú nhận chính ông là người đã vạch ra Cương lĩnh Cải cách ruộng đất, với sự giúp đỡ của hai đ/c Cộng sản Trung Quốc là Lưu Thiếu Kỳ và Vương Giá Tường.
Chúng ta đều biết rằng CCRĐ là một “cuộc Cách mạng long trời lở đất”, mà trong bài viết của RFA “Cuộc cải cách ruộng đất 50 năm trước đây tại miền bắc (Bài 1)” có viết: “Thống kê chính thức của nhà nước được đăng trong cuốn Lịch sử kinh tế Việt Nam tập hai cho biết là đã có 172.008 người bị quy vào thành phần địa chủ và phú nông, là những người bị xếp vào loại kẻ thù của nhân dân, bị ‘đào tận gốc, trốc tận rễ’ nghĩa là không bị bắn tại chỗ thì cũng bị lãnh án tù rồi chết trong nhà giam.
Con số này có thể không chính xác, nhưng số nạn nhân quyết không thể thấp hơn thế được vì nó được ghi trong Văn kiện đảng toàn tập do nhà xuất bản chính trị quốc gia ấn hành, và vì nó không nói gì đến những người bị kết án là Quốc Dân đảng thừơng thì bị bắn ngay tại chỗ. Trong số này, có cả những đảng viên Cộng sản trung kiên, mà trước khi chết vẫn còn hô to khẩu hiệu, đảng Cộng sản muôn năm. 
Năm 1956 cũng là năm mà ông Hồ Chí Minh và đảng Lao động công khai lên tiếng nhận sai sót trong quá trình thực hiện cuộc cải cách ruộng đất, rồi thực hiện một số biện pháp kỷ luật và tiến hành sửa sai. Bản thống kê chính thức cho biết là trong số 172.008 ngừơi bị quy là địa chủ và phú nông trong cải cách ruộng đất thì 123.266 người bị quy sai, tức là bị oan. Tính theo tỷ lệ là 71,66%. Có lẽ chưa bao giờ và ở đâu tỷ lệ giữa số bị oan và nạn nhân lại cao đến như thế”.
Để bổ sung thêm cho sự thiếu sót đó của triển lãm, mời các bạn đọc lại nguyên văn hai bức thư này đã được dịch sang tiếng Việt cách đây 5 năm.
***
LẦN ĐẦU CÔNG BỐ 2 BỨC THƯ ÔNG HỒ CHÍ MINH GỬI ĐẠI NGUYÊN SOÁI STALIN
20/09/2014
Thư của ông Hồ Chí Minh gửi Đại Nguyên soái Stalin
Bùi Xuân Bách sưu tầm, dịch, chú giải và giới thiệu
Bức thư thứ nhất (30-10-1952)
Thưa đồng chí I. V. Stalin kính mến,
Tôi đã bắt đầu soạn Dự thảo Cương lĩnh Cải cách ruộng đất của Đảng Lao động Việt Nam, và nó sẽ được trình lên đồng chí trong vài ngày tới (1). Tôi có một số thỉnh cầu dưới đây xin gửi tới đồng chí và cũng hy vọng sẽ nhận được chỉ thị của đồng chí về những yêu cầu này:
1. Xin cử tới Việt Nam một hoặc hai đồng chí Liên Xô để tìm hiểu và nghiên cứu tình hình ở đó. Nếu những đồng chí này thành thạo tiếng Pháp thì họ có thể giao tiếp với các tầng lớp nhân dân rộng rãi hơn. Từ Bắc Kinh tới chỗ chúng tôi cần khoảng mười ngày.
2. Chúng tôi muốn gửi sang Liên Xô học tập khoảng từ 50 tới 100 học sinh. Họ đã học xong lớp 9 ở Việt Nam, trong số đó có cả đảng viên lẫn ngoài đảng. Tuổi của họ từ 17 tới 22. Liệu đồng chí có đồng ý với đề nghị này?
3. Chúng tôi mong đồng chí gửi cho 10 tấn ký ninh một năm, để nhân dân và quân đội dùng, cũng có nghĩa là cứ 5 tấn cho mỗi nửa năm.
4. Chúng tôi cần các loại vũ khí sau:
(a) Pháo phòng không 37mm trang bị cho bốn Trung đoàn, tất cả là 144 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu.
(b) Pháo dã chiến 76,2mm cho hai Trung đoàn, tổng cộng là 72 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu.
(c) Súng máy phòng không 12,7mm – 200 khẩu cùng 10 cơ số đạn.
Sau khi nhận được chỉ thị của đồng chí về những vấn đề đã nêu trên, tôi dự định sẽ rời Mạc tư khoa vào ngày mồng 8 hoặc mồng 9 tháng 11.
Xin gửi tới đồng chí lời chào cộng sản và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Hồ Chí Minh
30 tháng 10 năm 1952
_______
Ghi chú:
(1) Nguyên văn tiếng Nga là “nó sẽ được trình lên đồng chí sau đây ít lâu (hoặc: một thời gian sau)” nhưng căn cứ vào nội dung thư là ông Hồ dự định chỉ ở lại Mạc tư khoa thêm có 10 ngày nữa, và hành động tiếp theo của ông là ngay ngày hôm sau, 31/10, ông gửi tiếp bức thư thứ hai cùng Dự thảo Cương lĩnh Cải cách ruộng đất của Đảng Lao động Việt Nam, nên tôi dịch thoát là “trong vài ngày tới”.
***
Bức thư thứ hai, ngày 31-10-1952
Phông lưu trữ Tổng thống Liên bang Nga
Thưa đồng chí Stalin kính mến,
Tôi xin gửi tới đồng chí bản dự thảo Cương lĩnh Cải cách ruộng đất của Đảng Lao động Việt Nam. Bản dự thảo Cương lĩnh này do tôi soạn với sự giúp đỡ của các đồng chí Lưu Thiếu Kỳ và Vương Giá Tường. Xin đồng chí xem xét và cho chỉ thị về vấn đề này.
Gửi đồng chí lời chào cộng sản.
Ngày 31 tháng 10 năm 1952
Hồ Chí Minh
Ghi chú chữ nhỏ bên dưới:
Bản sao đã gửi tới các đ/c Malenkốp, Môlôtốp, Grêgôrian.
______
Ghi chú:
Trong bức thư thứ hai của ông Hồ gửi Stalin, tên của hai người Trung Quốc là Lưu Thiếu kỳ và Vương Giá tường.
Лю Шао-ци là phiên âm ra tiếng Nga của Liu Shaoqi (劉少奇).
Ван цзя-сян là phiên âm ra tiếng Nga của Wang Jiaxiang (王稼祥).
Lưu Thiếu kỳ đã từng là Chủ tịch nước và là nạn nhân của Mao trong thời kỳ CM Văn hóa, thì nhiều người đã biết.
Vương Giá tường là thành viên nhóm 28 Bôn-sê-vích, do Quốc tế Cộng sản cử về để đấu tranh với đường lối tả khuynh của Lý Lập Tam. Tuy so với Vương Minh, hay Lạc Phủ Trương Văn thiên, Bác Cổ Tần Bang hiến thì Vương không có gì nổi trội nhưng cũng thuộc loại “cây đa cây đề” của Đảng CSTQ. Là Đại sứ đầu tiên của nước CHND Trung Hoa tại Liên Xô, sau đó làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ủy viên Trung ương Đảng khóa 8 và khóa 10.
Экспонаты историко-документальной выставки
“Советско-вьетнамское экономическое и научно-техническоесотрудничество. 1950 – 1990 гг.”
Письмо Хо Ши Мина И.В.Сталину. 1952 г.
Một điều đáng lưu ý nữa: Hai bức thư này đều do cùng một thư ký người Nga viết (chắc chắn thông qua phiên dịch), ông Hồ chỉ ký tên. Trong bức thứ nhất ông ký bằng chữ Hán, trong bức thứ hai – bằng chữ Việt.
Đây là chuyến đi bí mật của ông Hồ sang Nga vào thời đó nên cả hai bức thư không được công bố. Cả hai bức thư được lưu trữ tại Phòng lưu trữ Tổng thống Liên bang Nga.
Bổ sung: Hiện nay trên trang mạng của cơ quan lưu trữ Nga, nơi trước đây đã đăng ảnh chụp của hai bức thư (3 hình chụp 3 trang), ảnh đã được/bị rút xuống (theo yêu cầu của ai đó, chứ người Nga chả có việc gì phải sợ). Tuy nhiên, nó đã được chụp lại và đăng trong cuốn sách “(Le communisme vietnamien (1919-1991), Céline Marangé, Paris, SciencePo/Les Presses, 2012, Phụ lục 4, tr. 534-535).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.