Chân dung anh hùng – Đại biểu Quốc hội (Bài 2)
Bình Thuận Minh Bạch
3-9-2019
Tiếp theo bài 1: Từ truyền thông lề phải. Bài 2. Đến sự thật của lịch sử
I. Bối cảnh lịch sử
Thành ngữ Nga có câu “Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật nữa”. Cuộc sống đôi khi người ta cần chấp nhận một nửa sự thật để cùng đạt được một đích nào đó. Nhưng với lịch sử, biên niên sử, cuộc đời của một anh hùng thì cần phải trung thực để làm bài học cho hậu thế. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận sự thật trần trụi (2.1), đặc biệt là trong những chế độ độc tài chuyên chính; còn với những người có quyền lực thì bằng mọi thủ đoạn họ sẽ tìm cách bưng bít sự thật bất lợi.
Thần tượng AHLĐ Nguyễn Văn Đông có khá nhiều các bạn trẻ dưới 40 tuổi, nhiều bạn không hiểu nhiều về giai đoạn bản thân được sinh ra. Để tìm hiểu về Nguyễn Văn Đông, chúng ta quay về giai đoạn lịch sử xã hội đầu những năm 80 thế kỷ 20.
Các bạn nên đọc “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức (tra Google) để hiểu rõ về giai đoạn này, cả xã hội chẳng khác gì “trại súc vật” được điều hành bằng hiệu lệnh kẻng và trại cải tạo. Chính sách hợp tác xã nông nghiệp đã biến người nông dân thành nô lệ thực sự, ngoài một ít người trong ban quản trị hợp tác xã, cán bộ xã, còn tất cả người dân đều sống cơ cực, thiếu đói trên chính ruộng đồng của mình.
Ở vùng quê thuần nông huyện Mộ Đức, một ngày công lao động chính 10 điểm, đến mùa thu hoạch quy đổi được khoảng 0,3-0,5 kg lúa. Đức Phú quê hương của Đông là xã miền núi nên người dân còn đốt than, đốn củi bán; trồng khoai, màu ở những khu đất vườn đồi không vào hợp tác xã nên về kinh tế gia đình khá hơn các xã khác trong huyện.
Nếu như hiện nay rất nhiều doanh nghiệp về tận nông thôn, vùng sâu vùng xa của Quảng Ngãi tuyển lao động; thì đầu những năm 1980, thanh niên nông thôn được “thoát ly, đi làm nhà nước” là niềm mơ ước của nhiều người. Dù đi làm công nhân hay nhân viên văn thư sai vặt cũng đỡ hơn nhiều là phải làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp; hàng tháng nhận tiêu chuẩn 13-17 kg gạo và một số nhu yếu phẩm theo giá bao cấp vẫn hơn người nông dân.
Nhưng “thoát ly, đi làm nhà nước” để thoát ra khỏi gốc rạ bằng cách nào?
Con đường thứ nhất: làm công nhân nhà nước
Sau năm 1975, những người miền Bắc vào giải phóng đã phá vỡ nền công nghiệp, thương mại, dịch vụ của miền Nam; nếu có đi làm công nhân thì chủ yếu nông trường, lâm trường. Nhưng số lượng này cũng có hạn, mỗi năm chỉ tiêu một xã được 5-7 người, ưu tiên cho con cháu cán bộ, còn lại một vài suất cho con gia đình có công cách mạng. Nguyễn Văn Đông không thuộc đối tượng được đi làm công nhân.
Con đường thứ hai: cố gắng học
Cơ hội dành cho con nông dân thoát ra khỏi gốc rạ là cố gắng học để thi đậu vào một trường đại học, trung cấp nào đó: cắt hộ khẩu đi học có học bổng (khoảng 75% chế độ như người khởi điểm đi làm nhà nước), tốt nghiệp ra trường được phân công về một nơi nào đó để làm việc.
Tuy nhiên, con đường này cũng không dễ dàng bởi chủ nghĩa lý lịch thời bao cấp. Những người có lý lịch nhóm 3, điểm thi phải cao mới vào được đại học; còn lý lịch nhóm 4 thì chỉ được mơ đến giảng đường đại học dù cho điểm thi xuất sắc. Nếu lý lịch nhóm 1: 5-7 điểm, nhóm 2: 8-10 là có thể vào đại học, dự bị đại học thì nhóm 3 phải trên 16 điểm; còn nhóm 4 thì không xem xét.
Tình trạng này kéo dài đến khi ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư (1986), thực hiện “cởi trói” cho xã hội, tuy nhiên tỉnh Nghĩa Bình (sau này tách ra thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi) vẫn còn kỳ thị về lý lịch. Chính vì vậy mới có sự kiện Nguyễn Mạnh Huy (2.2) thi đậu đại học lần thứ tư nhưng vẫn không được đi học, gây chấn động dư luận năm 1987 góp phần nâng tên thương hiệu báo Thanh Niên trong giới trẻ.
Con đường thứ hai không có cửa cho Nguyễn Văn Đông, bởi lẽ Đông không nổi trội trong học tập, điều quan trọng là lý lịch được xếp vào nhóm 4 – rất xấu (sẽ trình bày ở các phần sau).
Không riêng gì Nguyễn Văn Đông mà nhiều thanh niên ở Đức Phú, Mộ Đức nói riêng và miền Nam nói chung, đều có người tham gia vào quân đội, chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nên lý lịch xếp vào nhóm 4.
Con đường thứ ba: Đi nghĩa vụ quân sự
Đất nước thống nhất, vừa kết thúc chiến tranh với phe chủ nghĩa tư bản thì những người anh em cộng sản quốc tế quay lại đánh nhau. Đảng Cộng sản Khmer – còn gọi là Khmer Đỏ (2.3) gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam(2.4), Việt Nam phải huy động 180.000 quân và sa lầy vào cuộc chiến tranh này ròng rã suốt 10 năm, 9 tháng, 1 ngày (25/12/1978 – 26/9/1989).
Còn ở phía Bắc, đảng Cộng sản Trung Quốc, đứng đầu là Đặng Tiểu Bình quyết định “dạy cho đảng Cộng sản Việt Nam bài học”, bằng cách phát động cuộc chiến tranh trên diện rộng suốt 6 tỉnh biên giới Việt-Trung ngày 17/02/1979 (2.5), hệ lụy kéo dài cho đến ngày hôm nay.
Ngày 5 tháng 3 năm 1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng phát Lệnh tổng động viên trên toàn quốc (2.6) kêu gọi thanh niên cả nước lên đường nhập ngũ. Học sinh cấp 2, cấp 3 (2.7) đủ 18 tuổi đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Thanh niên Mộ Đức bổ sung lính cho chiến trường Campuchia là chính.
Dù không nghe tiếng súng, nhưng cuộc chiến cách xa hàng ngàn cây số vẫn gây kinh hoàng cho người dân ở đây: Đó là những cánh thư của những học sinh vừa rời ghế nhà trường gởi từ chiến trường, những thương binh về quê, những giấy báo tử đều đặn gởi về địa phương làm lễ truy điệu.
Không ai thích và cũng không gia đình nào muốn cho con đi lính để vào chỗ chết, tuy nhiên chính sách phân phối theo công điểm của hợp tác nông nghiệp đã bóp bao tử của cả gia đình có con chưa chịu đi nghĩa vụ quân sự: Không cấp phát lương thực!
Đây lại là con đường thứ ba của nhiều người lý lịch nhóm 3, nhóm 4. Họ chấp nhận đi lính mấy năm, may mắn còn sống trở về sẽ chuyển qua lý lịch nhóm 1, nhóm 2 sẽ dễ dàng vào đại học hoặc trung học chuyên nghiệp hơn, trong đó có nhiều bạn học cùng thế hệ với Đông.
Tuy nhiên, anh hùng tương lai của dân tộc Nguyễn Văn Đông lại không chọn con đường này.
II. Huyền thoại khởi nghiệp
Đặc trưng báo chí của các chế độ độc tài toàn trị là công cụ tuyên truyền, định hướng dư luận và hợp lý hóa các chính sách cai trị. Khi Nguyễn Văn Đông được phong anh hùng lao động, báo Đảng cố gắng để viết được những câu ngắn ngủi về chí khí của anh hùng tương lai, nào là “Tốt nghiệp trung học phổ thông, Đông xin phép mẹ đi tìm sự nghiệp”, nào là “Khí chất của người Anh Hùng luôn khác với người thường”, nào là cha dạy “phi thương bất phú” v.v…
Tuy nhiên không “nhà báo cách mạng” nào nói về bối cảnh lịch sử giai đoạn anh hùng khởi nghiệp, trách nhiệm của một công dân – thanh niên khi đất nước có chiến tranh. Cũng không nhà báo nào tìm hiểu về truyền thống gia đình của anh hùng. Các phóng viên đều nghe theo lời anh hùng để phóng tác anh hùng.
Trước năm 1986, dạy con “phi thương bất phú” (không đi buôn không giàu), là “phản động” chẳng khác gì bây giờ dạy con hô “đả đảo Trung Quốc xâm lược”. Lúc đó còn trong thời kỳ nền kinh tế kế hoạch tập trung, lĩnh vực thương mại – dịch vụ đều do nhà nước kiểm soát, những người kinh doanh được gán cho các từ như “gian thương, con phe”. Có người bị bắt và kết án tù chống lại chủ trương của Đảng, Nhà nước chỉ vì bán sản phẩm nông nghiệp của gia đình như con heo thịt, mấy muỗng đường (2.8) cho tư thương.
Tuy nhiên “phi thương bất phú” là không chuẩn, chính xác hơn là câu “Quan phi Thương bất phú / Thương phi Quan bất an” (Quan muốn làm giàu phải chơi với thương nhân. Thương nhân muốn làm ăn yên ổn thì phải chơi với quan).
“Khí chất của người Anh Hùng luôn khác với người thường” (theo báo Đảng) của Nguyễn Văn Đông ở chỗ: từ tháng 1/1980 các chiến dịch quân sự truy quét Khmer Đỏ trên toàn lãnh thổ Campuchia, áp sát và xâm nhập qua biên giới Thái Lan, nam thanh niên đủ 18 tuổi ở Mộ Đức phải lên đường nhập ngũ để đủ quân cung cấp cho chiến trường. Trong khi bạn học cùng trang lứa lên đường cầm súng làm nghĩa vụ quốc tế, thì Đông chọn con đường thứ tư: TRỐN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ vào phương Nam làm “con buôn”.
(Còn gia đình thì trốn nợ, cha Đông vừa ra tù ở quê – chúng tôi sẽ quay về nội dung này ở các bài viết sau).
Cứ cho là chính sách trước kia không phù hợp, nay sửa lại, không hồi tố và thực hiện theo chính sách hiện tại để ca ngợi một anh hùng là đúng; vậy thì tại sao không thả Trần Huỳnh Duy Thức vì việc thụ án của anh đã vượt quá thời gian theo Bộ Luật hình sự 2015 (2.9).
Mặc dù làm Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nhưng ông Donald Trump vẫn bị nước Mỹ chỉ trích về việc trốn quân dịch (2.10); còn ở Việt Nam, anh hùng lao động Nguyễn Văn Đông trốn nghĩa vụ quân sự được báo Đảng chuyển thành “tìm đường khởi nghiệp”.
Cách tuyên truyền theo tự truyện một chiều của cơ quan tuyên giáo là vậy, cũng như xưa kia Nguyễn Tất Thành muốn qua Pháp để xin học nội trú trường thuộc địa (2.11), nhưng khi thành Hồ Chủ tịch được phóng tác là “đi tìm đường cứu nước”.
Vài con cừu báo Đảng và tuyên giáo tỉnh Bình Thuận định hướng dư luận bằng những câu đại loại: nếu không có anh hùng lao động Nguyễn Văn Đông, không có Tập đoàn Rạng Đông thì Bình Thuận chắc gì được như ngày hôm nay; cũng như cách tuyên giáo nhồi nhét học sinh bao thế hệ: nếu không có Bác, có Đảng thì Việt Nam chắc gì được như ngày hôm nay.
Mục tiêu bài viết không đi sâu vào tranh luận nội dung này; chúng tôi chỉ nói lại là “Giá như không có Bác, có Đảng thì Việt Nam không đến nỗi như như ngày hôm nay”: Đứng cuối bảng xếp hạng trên thế giới về mọi mặt; thảm họa nô dịch cho Bắc Kinh đã cận kề; và đặc biệt những nhóm tài phiệt kinh tế – chính trị như Rạng Đông đã thâu tóm đất đai, chuyển nhượng dự án, bòn rút nguồn lực của đất nước, đẩy hàng triệu người dân (mà ông cha họ đã mở mang bờ cõi) vào cảnh bần cùng.
Có người hỏi ông Bí thư tỉnh ủy: Dư luận Bình Thuận nói là “tỉnh này là tỉnh Rạng Đông, thành phố Phan Thiết”; ông Bí thư trả lời: chẳng qua là tỉnh ưu tiên cho doanh nghiệp trong tỉnh nên một số nhà đầu tư ngoài tỉnh ganh tỵ đã nói vậy thôi{7’04”MT1}.
Xin được kết thúc bài 2 ở đây. Trong những bài tiếp theo, chúng tôi sẽ lý giải tại sao Nguyễn Văn Đông lại chọn đất Bình Thuận để khởi nghiệp; binh pháp thương trường của vị anh hùng tương lai, …
Ghi chú
(2.1) Chuyện ngụ ngôn: Sự thật trần trụi và dối trá
Truyền thuyết kể rằng Sự Thật và Dối Trá có lần gặp nhau.
Dối Trá chào hỏi Sự Thật và nói
– Hôm nay là ngày đẹp trời.
Sự Thật ngó nhìn xung quanh, nhìn lên bầu trời, thực sự là ngày đẹp trời. Họ đi cùng nhau một lúc cho đến khi tới bên một giếng to đầy nước. Dối Trá thò tay xuống nước và quay sang nói với Sự Thật:
– Nước sạch và ấm, nếu bạn muốn thì chúng ta cùng nhau bơi?
Sự Thật lại thấy nghi ngờ bèn nhúng tay vào nước và thấy nước thật sự dễ chịu. Cả hai cùng bơi lội một lúc, đột nhiên Dối Trá chạy lên khỏi giếng, lấy quần áo của Sự Thật và biến mất.
Sự Thật tức giận, trần truồng trèo lên khỏi giếng, chạy khắp nơi tìm kiếm Dối Trá để lấy lại quần áo của mình. Mọi người thấy Sự Thật trần truồng thì liền nhìn tránh sang hướng khác vì sượng sùng hoặc tức giận. Sự Thật tội nghiệp thấy xấu hổ bèn quay lại giếng và náu mình ở đó mãi mãi.
Kể từ đó, Dối Trá đi khắp thế giới, khoác áo như Sự Thật, đáp ứng nhu cầu của thế giới, và không một ai muốn nhìn thấy Sự Thật trần trụi.
(2.2) Các bài viết về sự kiện Nguyễn Mạnh Huykhông được vào đại học, tra Google: “Nguyễn Mạnh Huy”, “Nghĩa Bình”
(2.3) Tra Google: “Khmer Đỏ”
(2.4) Tra Google: “Chiến tranh biên giới Tây Nam”
(2.5) Tra Google: “Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979”
(2.6) Tra Google: “Lệnh tổng động viên năm 1979”
(2.7) Do chiến tranh nên nhiều người đi học muộn có trường hợp chậm đến 5 năm.
(2.8) Mía đường ở Quảng Ngãi ép thủ công cho vào phểu bằng đất nung gọi là muỗng để rút mật thành đường cục, mỗi muỗng khoảng 22-25 kg.
(2.9) Luật sư Lê Ngọc Trai đề nghị thả Trần Huỳnh Duy Thức: https://www.facebook.com/permalink.php?id=143161805761870&story_fbid=1916487751762591
(2.10) Ông Trump được hoãn nghĩa vụ quân sự đến 5 lần: https://tuoitre.vn/ong-trump-duoc-hoan-nghia-vu-quan-su-den-5-lan-20190606120626992.htm
(2.11) William J.Duiker viết về Lá thư Nguyễn Tất Thành xin vào học trường thuộc địa (1911): https://thehehochiminh.wordpress.com/2010/01/03/1911_lathu_truong_thuocdia/
(Còn tiếp …)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.