Thứ Tư, 4 tháng 9, 2019

Bản tin ngày 4-9-2019

Bản tin ngày 4-9-2019

Tin Biển Đông: Sau “khảo sát” là khai thác?
Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đưa tin: Tàu cẩu Lam Kình (Lanjing) của Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc đang ở trong lãnh hải Việt Nam. Lam Kình là một trong những tàu cần cẩu lớn nhất thế giới, hoạt động được ở khu vực nước sâu, thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc. Tàu này có năng lực nâng hạ các thiết bị đặc biệt nặng và các giàn khoan dầu. 
Tàu cẩu Lam Kình của Tập đoàn dầu khí Trung Quốc. Nguồn: Wikipedia/ DA ĐSK Biển Đông
Ngày 5/8/2019, tàu Lam Kình khởi hành từ Trạm Giang (Zhan Jiang), sau khi đi một vòng qua Hải Nam vào cảng Bắc Hải ở Quảng Tây, tàu Lam Kình tiến về phía nam, đến gần bờ biển Việt Nam từ ngày 1/9. “Vào lúc 9h42′ ngày 3/9 (giờ Việt Nam), tàu có mặt ở tọa độ 14.935 – 109.395”.
Sơ đồ đường đi của tàu Lam Kình từ ngày 5/8 tới ngày 3/9/2019. Nguồn: FB ĐSK Biển Đông
Nhà báo Đặng Sơn Duân nhận định về tọa độ của tàu Lam Kình: “Vị trí này chỉ cách đường cơ sở Việt Nam chưa đến 11 hải lý, nghĩa là tàu cẩu Lam Kình đang nằm trong lãnh hải Việt Nam. Vị trí của tàu Lam Kình cũng chỉ cách đảo Lý Sơn khoảng 30 hải lý về phía nam… Khu vực mà tàu Lam Kình có mặt tương ứng với lô dầu khí 119 và 120 của Việt Nam, nằm phía nam lô 118, nơi có dự án Cá Voi Xanh nổi tiếng của tập đoàn Mỹ Exxon Mobil”. 
Vị trí của Lam Kình trong lãnh hải Việt Nam. Nguồn: FB Đặng Sơn Duân
Để thận trọng, hai nguồn tin trên lưu ý, có khả năng tàu Lam Kình chỉ đang tránh bão số 5 trong quá trình di chuyển tới Brunei hoặc Malaysia (hai nước có dự án hợp tác với Lam Kình). Nhưng nếu chỉ vì lý do này thì một loạt các căn cứ hậu cần của Trung Quốc trên Biển Đông hoàn toàn có thể giúp tàu này tránh bão.
Về tình hình nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8, trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cập nhật lúc 7h sáng ngày 3/9/2019“Vào khuya ngày 2/9/2019, tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã cập bến neo đậu ở khu vực Đá Chữ Thập, cùng với các tàu hải cảnh hộ tống 35111, 37111 và 46303 và nhiều khả năng là cả 33111”. Còn tàu hải cảnh 46301 nằm vùng ở khu vực gần lô dầu 06.1 và Bãi Tư Chính vẫn đang ở đó và chưa có dấu hiệu rời đi.
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông nhận định, “hiện trạng này cũng giống như lần Hải Dương Địa Chất 8 rời đi lần thứ nhất, cho thấy có lẽ nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 chỉ tạm nghỉ chứ chiến dịch hăm doạ gây sức ép đối với Việt Nam chưa thực sự kết thúc”.
Ảnh vệ tinh khung cảnh ở Đá Chữ Thập nơi nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 đang neo đậu. Nguồn: FB ĐSK Biển Đông
Dữ liệu AIS vệ tinh cho thấy tàu hải cảnh 46301 vẫn đang ở gần khu vực lô dầu 06.1 và Bãi Tư Chính. Nguồn: FB ĐSK Biển Đông
VOA đặt câu hỏi về khả năng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế: Vì sao Việt Nam do dự? GS Carlyle Thayer bình luận, nếu Việt Nam cũng làm như Philippines là đưa vụ việc ra tòa trọng tài trong khuôn khổ Phụ lục 7 của UNCLOS, thì Việt Nam “sẽ có chiến thắng vang dội’. Nhưng cũng từ kinh nghiệm của Philippines, ông Thayer nêu ra hạn chế của phán quyết của PCA là “không có cơ chế thực thi”.
Về các giải pháp khả dĩ của Việt Nam, ông Thayer nhận định, “Hà Nội cũng phải tranh thủ các ủy ban đối ngoại của Quốc hội Mỹ vốn đang xem xét các dự luật trừng phạt các thực thể Trung Quốc vì hành động của nước này trên Biển Đông và Biển Hoa Đông”.
Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bị kỷ luật
Ngày 3/9/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định xoá tư cách nguyên tư lệnh Quân chủng Hải quân của ông Nguyễn Văn Hiến, báo Thanh Niên đưa tin. Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bị kỷ luật do những sai phạm rất nghiêm trọng về “ăn đất” quốc phòng, trong thời gian ông Hiến giữ chức Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Ông Hiến đã bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật về đảng.
Theo Bộ Chính trị, trong thời gian giữ cương vị Phó bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, ông Hiến phải chịu trách nhiệm về hai nhóm sai phạm chính. Thứ nhất là vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng đối với 10 khu đất quốc phòng. Thứ hai là vi phạm Quy chế làm việc của Đảng uỷ Quân chủng Hải quân, thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý, sử dụng các khu đất quốc phòng.
Bàn về tham nhũng vặt
Báo Lao Động có bài viết nói về tham nhũng vặt, liên quan tới các hộ kinh doanh: Họ đang phải nuôi cả bộ máy chính quyền địa phương. Có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, giả sử mỗi hộ “chi không chính thức” 1 triệu đồng/ tháng, tổng chi phí một năm cũng gần 50-60 ngàn tỉ đồng. Tác giả viết: “50-60 ngàn tỉ chi phí không chính thức, để ‘nuôi rất lớn’ cả bộ máy chính quyền địa phương vừa đè nặng lên sự cam chịu của người dân, vừa làm hỏng cán bộ, vừa gây thất thu lớn cho ngân sách“.
Trang web Ban Nội chính Trung ương có bài bàn về tham nhũng vặt: Nhận diện, phát hiện và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng vặt. Tham nhũng vặt tồn tại do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức nhưng không bị sa thải, hay nguyên nhân kiểm tra, giám sát không nghiêm, mang tính hình thức, đã không ngăn ngừa, hạn chế được tệ nạn tham nhũng vặt.
Sai phạm ở thành Hồ
Báo Đầu Tư đưa tin: UBKT Thành ủy TP.HCM kỷ luật 6 cán bộ, lãnh đạo SAGRI. Có 4 lãnh đạo đạo Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn bị kỷ luật hình thức khiển trách, 2 cán bộ bị cảnh cáo, do sai phạm liên quan đến hàng loạt dự án dự án khu nhà ở Phước Long B – Quân khu 9, Dự án Cụm công nghiệp Láng Le – Bàu Cò; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy giết mổ gia súc tại Củ Chi gây lãng phí.
Nhóm 4  lãnh đạo SAGRI bị khiển trách gồm: Lê Thị Phượng, Chủ tịch HĐTV Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật Sài Gòn, Nguyễn Thị Thu Ngoan, Phó TGĐ, Tống Ngọc Dương, cựu Thành viên HĐTV, Nguyễn Thị Thanh An, Kiểm soát viên chuyên trách SAGRI. Còn 2 người bị cảnh cáo là Hồ Văn Ngon, cựu Phó TGĐ, Nguyễn Văn Trực, cựu TGĐ SAGRI.
Dù sắp rơi xuống hố, nhưng tăng trưởng GDP ở VN hơn 25%/ năm
Báo Kiểm Toán Nhà Nước có bài: GDP Việt Nam tăng thêm 25,4%/năm sau khi đánh giá lại. Thêm các số liệu lý tưởng được “vẽ” ra bởi quan chức VN: “Với tổng quy mô kinh tế đến cuối năm 2017 đạt khoảng 220 tỷ USD, theo con số mới, quy mô GDP ước tính tăng lên 275 tỷ USD. Tính cả tốc độ tăng trưởng năm 2018 và nửa đầu năm 2019, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã vượt con số 300 tỷ USD. GDP bình quân đầu người của Việt Nam nhờ đó tăng lên ngưỡng 3.000 USD, thay vì 2.590 USD”.
Một đất nước nếu thật sự ấm no, dù có muốn giấu cũng không được. Ngược lại, nếu Việt Nam thật sự ổn định về mặt kinh tế thì giá các loại thực phẩm sẽ không tăng đều đặn như những năm qua, lạm phát không quá cao và đồng tiền không phải bị mất giá liên tục như nhiều năm qua, người dân sẽ không bất an, xã hội sẽ không ngày càng suy thoái. 
BBC có bài của PGS. TS Phạm Quý Thọ: Cảnh báo việc Việt Nam nêu số tăng GDP hào nhoáng 25,4%. Bài viết phân tích, “nợ công hiện ở ngưỡng 58,4% GDP sẽ điều chỉnh về dưới 50%. Nếu khống chế tỷ lệ nợ bằng 60% GDP, thì dư địa sẽ là rất lớn. Việc chi tiêu thường xuyên từ ngân sách, cho hệ thống chính trị cồng kềnh, trong đó bộ máy hành chính, đang rất khó tinh giản. Ngoài ra, đầu tư công có thể được ‘khuyến khích mở rộng’ trong điều kiện hiệu quả còn thấp và tham nhũng chưa thể ngăn chặn”
Bạo hành trẻ em
Báo Dân Việt đưa tin: 4 học sinh đến lớp với nhiều vết bầm trên người, nghi bị bạo hành.  Sáng 3/9, thầy cô trường tiểu học Trần Quốc Toản, xã An Xuyên, TP Cà Mau, phát hiện, 4 học sinh của trường đến lớp với nhiều vết bầm trên người. Bốn học sinh gồm: N.V.L (8 tuổi), N.T.C (7 tuổi), N.G.H (7 tuổi) và N.Đ.K (7 tuổi). Cả 4 bé có quan hệ họ hàng, cha mẹ các bé đều đi làm công nhân ở Bình Dương và gửi 4 bé cho ông nội là N.V.H chăm sóc.
Các nạn nhân kể, chúng bị người chị ở chung nhà và ông nội đánh từ ngày 31/8. Đến sáng 3/9, thầy cô phát hiện vết thương trên người các bé nên báo cơ quan chức năng. Các bé được đưa đến BV đa khoa TP Cà Mau khám. Trong đó, bé N.V.L ngoài chấn thương phần mông, lưng, tay, bác sĩ ghi nhận, cháu bị gãy xương sống mũi. 
Một trong 4 cháu bé với vết bầm trên mông. Ảnh: CTV.
***
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.