Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

ASEAN ngày nay, Bách Việt ngày xưa trước mộng bá quyền phương Bắc

ASEAN ngày nay, Bách Việt ngày xưa trước mộng bá quyền phương Bắc

Jackhammber Nguyễn
27-9-2019
Bách Việt
Năm 111 trước công nguyên, tướng Tàu là Lộ Bác Đức đem quân đi chinh phục Bách Việt, danh từ dùng để chỉ các dân tộc sống phía nam sông Dương Tử. Phía bắc con sông này được xem là vùng Trung nguyên, nằm giữa hai con sông lớn Dương Tử và Hoàng Hà, là vùng đất của người Hán, với triều đại nhà Hán hùng mạnh vào thời điểm đó.
Theo chính sử nhà Hán, cũng được các nhà chép sử người Việt chép lại, thì khi đi chinh phục phương Nam nhiều sông hồ, Lộ Bác Đức đã phải dùng thủy quân, vốn không phải là sở trường của đám dân phương bắc quen đi ngựa và không biết bơi. Lộ Bác Đức đã mua chuộc được một số thủ lĩnh của đám Bách Việt, mà trong đó có viên tướng được gọi tên là Cừ Lộc, giúp đỡ.
Với sự giúp đỡ này, Lộ Bác Đức đã bình định miền đất Quí Châu, Quảng Đông, Quảng Tây, và Bắc Việt Nam ngày nay, vốn là nơi sinh sống của các dân tộc Bách Việt, không phải người Hán.
Ngoài ra chính sử Tàu đời Hán và trước đó cũng hay có những nhận xét, bình luận về các nhóm Bách Việt, cho đó là những người hay đánh nhau, dễ mua chuộc, dễ bị làm kế ly gián.
Với một góc nhìn nào đó, Bách Việt ngày xưa, và ASEAN ngày nay không khác nhau bao nhiêu.
ASEAN
Nước Tàu cộng sản ngay từ khi thành lập đã rắp tâm hoàn tất cuộc nam chinh của họ, tức là vùng đất mênh mông giàu tài nguyên, Đông Nam Á, gồm 10 quốc gia ASEAN, nơi nhiều tộc người Bách Việt đã bỏ chạy xuống sau khi người Tàu bình định miền Hoa Nam ngày nay.
ASEAN ngày nay cũng hay cãi nhau và dễ bị mua chuộc, mặt dù bề mặt có vẻ đồng thuận, hiền lành, mong muốn giải quyết tranh chấp với nhau bằng hòa bình.
Bắc Kinh tiếp tục đem tiền bạc ra ly gián các quốc gia “Bách Việt hiện đại” này. Philippines mờ mắt trước đống đầu tư của người Tàu đến nỗi dẹp luôn chiến thắng pháp lý của họ về vụ đường lưỡi bò (Họ đã thắng ở tòa trọng tài quốc tế hồi 2016, phán rằng Tàu không có quyền gì cả trên phần lớn diện tích Biển Đông) để làm thân với Bắc Kinh.
Thái Lan, nơi có rất đông người gốc Phúc Kiến (xưa là Mân Việt, thuộc Bách Việt), cũng ởm à ởm ờ mấy lần làm chủ tịch ASEAN, không dám chỉ trích Bắc Kinh.
Singapore là một đô thị Tàu đến 7, 8 chục phần trăm, cũng đang mong ngóng đầu tư từ phương Bắc để vực dậy nền kinh tế đang có dấu hiệu suy thoái. Có người đánh giá rằng câu tuyên bố cách đây mấy tháng về sự xâm lăng của Việt Nam vào Cambodia của ông Lý Hiển Long, không phải lỡ lời tí nào, mà là muốn làm vừa lòng người Tàu cùng tổ tiên văn hóa với ông ấy (hôm nay, khi tôi gõ bài này là đúng 30 năm, những người lính Việt Nam cuối cùng rút ra khỏi Cambodia).
Việt Nam cũng chả tốt lành gì trong cái ván cờ chia rẽ này của Bắc Kinh, khi mà cứ ngày đêm hữu nghị với nhau (có thể là không “viễn vông” chút nào như ông Nguyễn Tấn Dũng nói, đối với một số quan chức trục lợi trong cái khắng khít Việt – Tàu), rồi nào là đu dây, không liên minh với ai nữa chứ!
Nhưng có vẻ gã Cừ Lộc hiện đại phải là Hun Sen, ôm từng đống nhân dân tệ, tuyên bố nhặng xị về biển Đông cho Tàu có lợi, mà nguy hại nhất là cho Tàu mở căn cứ đồn trú hải quân ngay giữa lòng ASEAN, sát nách Việt Nam.
Một trở ngại lớn mà thời của Lộ Bác Đức không có, đó là chú Sam. Hoa Kỳ đã, đang, và vẫn là cường quốc hải quân thế giới và tại châu Á, Ấn Độ Thái Bình Dương, mặc dù chính sách (nếu có) đối ngoại tào lao của Donald Trump hiện nay gây sứt mẻ không ít cho vị thế cường quốc đó.
Các tướng lãnh Ngũ Giác Đài cố gắng mắm môi mắm lợi trước sự ngu ngốc đối ngoại chính trị ngoại giao của ông sếp mình, mà lập liên minh bao vây người Tàu.
Năm ngoái họ âm thầm chuẩn bị cho cuộc tập trận Cà Mau vừa mới diễn ra, qui tụ hết 10 nước ASEAN, một thành công lớn về mặt biểu tượng.
Hồi đầu tháng sáu, họ cố gắng đưa ra báo cáo Bộ Quốc phòng, như lời kêu gọi ASEAN nói riêng, châu Á nói chung, đứng về phía Mỹ chống Tàu.
Tàu bè Mỹ cũng cố gắng bơi ra bơi vào thị uy. Ngoại giao cũng lên tiếng bênh vực Việt Nam (quốc gia duy nhất) vụ Tàu quậy phá ở Tư Chính.
Trước sự cố gắng của người Mỹ, anh em “Bách Việt hiện đại” tỏ ra cũng hồ hởi phấn khởi.
Ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore ký với Tổng thống Donald Trump ngày 23/9/2019, một thỏa thuận kéo dài việc sử dụng các căn cứ hải quân và không quân ở Singapore cho người Mỹ thêm 15 năm nữa. Không biết Donald Trump có đòi tiền chi không thì không thấy nói tới, nhưng dù sao cũng làm cho anh em nhà Bách Việt thêm phấn chấn vì sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á chắc chắn tiếp tục.
Cây bút phân tích người Philippines là Richard Javad Heydarian viết trên tờ báo có khuynh hướng bảo thủ của Mỹ là tờ National Interest, rằng ASEAN đang muốn kéo Mỹ làm đối trọng với tham vọng của Trung Quốc, trong đó tác giả phân tích kỹ cuộc tập trận Cà Mau của Mỹ và 10 nước ASEAN.
Cô Phạm Ngọc Minh Trang, người Việt Nam, bình tĩnh hơn khi đánh giá xem liệu Việt Nam có đem vụ Tư Chính ra Đại hội đồng Liên Hiệp quốc hay không. Cô cho rằng coi chừng đem ra đấy mà chẳng được ai ủng hộ thì cũng công cốc, ngay như hai nước ASEAN là Malaysia và Philippines lại có vẻ như đang thương lượng song phương với Tàu.
Tức là Bắc Kinh có vẻ đã thành công trong việc thực hiện kế ly gián, tách rời hai anh “Bách Việt hiện đại” này ra. Philippines thì như đã nói bên trên đang gấp ghé các khoảng đầu tư Tàu, còn Malaysia cố hàn gắng với Bắc Kinh vụ ông Mahathir hủy dự án đầu tư đường xe lửa của Bắc Kinh, để Tàu đừng giận mà còn có thể bán dầu cọ qua bên ấy (theo New York Times).
Mà ngay trong cuộc tập trận Cà Mau, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia có gửi tàu chiến đâu, chỉ quan sát viên thôi, Malaysia cũng thế.
Thành ra có vẻ như cái truyền thống dễ bị chia rẽ, mua chuộc từ thời Bách Việt cả ngàn năm trước vẫn còn kéo dài. Các quốc gia ASEAN với văn hóa, chính trị quá khác biệt (dù về mặt chủng tộc có thể tương đồng) không hiểu nhau, hay bận tâm những cái lặt vặt của mình mà không thể đoàn kết chống người Tàu được, hay ít nhất đoàn kết để kêu gọi kẻ mạnh tiền mạnh thóc khác bên ngoài vào giúp. Ngay cả người phấn khởi như anh Javad Heydarian, khi viết bài ASEAN muốn Mỹ cùng họ chống Bắc Kinh, cũng nhầm vịnh Thái Lan với vịnh Bắc Bộ, tức là anh ta chẳng hiểu nhà cửa của những người láng giềng đáng ra cùng chung số phận với mình.
Cuộc bình định miền Nam của người Hán đã đồng hóa toàn bộ vùng nam Dương Tử, miền Ngũ lĩnh (Quảng Đông, Quảng Tây), tạo thành một vùng đất Tàu mênh mông như ngày nay, và cả một nước Việt Nam ảnh hưởng văn hóa Tàu rất sâu đậm.
Nay liệu lịch sử có lặp lại với ASEAN hay không?
Người Việt đứng gần với đe dọa đó nhất, và nhất là trong tình thế hiện nay: chống Tàu một mình không ai giúp, như tờ Diplomat viết.
Ôn cố tri tân!
Lại cũng là một câu ngạn ngữ có gốc Tàu.
Jackhammer Nguyễn, gửi cho Tiếng Dân từ San Francisco

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.