Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Ai thắng ở Campuchia (1979, 1989, 2019)

Ai thắng ở Campuchia (1979, 1989, 2019)

26-9-2019
Ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Sáng nay, cầm tờ Tuổi Trẻ mà bần thần. Ba mươi năm trước, Tuổi Trẻ cử nhiều tốp phóng viên đến CPC tường thuật cuộc rút quân (về mặt lý thuyết là) cuối cùng của “Quân Tình nguyện” Việt Nam. Tôi không đi một mạch từ Siem Riep về Phnom Penh, qua Mộc Bài như Binh Nguyên, mà leo lên trực thăng của tướng Đỗ Quang Hưng lật sang hướng Kampong Cham.
Tối hôm ở Kampong Cham, sau một cuộc chia tay đầy tâm trạng với vài sỹ quan cao cấp được cử ở lại trong vai trò “lãnh sự”, tôi về mắc võng ngủ bên cạnh tướng Nguyễn Nam Hưng, chứng kiến ông lục cục một mình với gói mì tôm cho bữa trễ. Hướng rút quân tôi theo có rất ít báo chí và tuyên huấn. Tôi viết cho Tuổi Trẻ hai bài: “Bữa Cơm Người Lính” và “Những Người Lính Không Đi Qua Hoàng Cung”.
Hôm nay, báo chí ta lại nói rất nhiều về công lao của “Quân Tình nguyện”. Tôi hỏi những người bạn ở CPC thì được cho hay: “Không biết TVK (Truyền hình Quốc gia CPC) có nói gì không, còn hãng Thông tấn Nhà nước AKP, Ras Smei Kampuchea Daily (Nhật báo tiếng Khmer lớn nhất CPC, thường được coi là cái lưỡi của CPP), đến các báo tiếng Anh như Khmer Times, Phnom Penh Post… không có dòng nào về ngày rút quân tình nguyên VN 30 năm trước!
Khmer Times còn đưa tin Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc cam kết bảo vệ các lợi ích của CPC. Các lãnh đạo chủ chốt như Heng Samrin, Sar Kheng… đang ở nước ngoài”.
Trên tường FB nhà Hun Sen chỉ nói đến lễ Phchum Ben (giống ngày xá tội vong nhân của VN). Chỉ Facebook của TLS Việt Nam tại Battambang có ghi nhận “Đảng bộ CPP, Hội đồng, Ủy ban tỉnh và BTL quân khu V quân đội Hoàng gia CPC tổ chức trang trọng lễ cầu siêu tưởng nhớ những chiến sỹ CPC và VN đã hy sinh trong sự nghiệp đánh đổ chế độ diệt chủng và bảo vệ đất nước CPC”. FB của các nơi có cơ quan ngoại giao VN khác ở CPC không thấy nói gì.
Cái chính là mình giúp họ mà họ – người hàm ơn – không nói gì trong khi chỉ có ta tán tụng ta; chứ, diễn văn xủng xoảng, cờ hoa mà làm gì. Cho đến giờ này không người Việt nào biết chính xác bao nhiêu chàng trai đã hy sinh ở CPC, bao nhiêu người trở về tàn phế… dù họ đã gửi hàng triệu lượt cha anh, con cháu tham chiến từ 1977 – 1989.
Sau chiến tranh, trong cơ chế đòi hỏi sự đồng thuận của ASEAN, chúng ta chưa bao giờ có được sự ủng hộ của Hun Sen, một khi quyền lợi của VN hoặc của ASEAN xung đột với Bắc Kinh. Nhưng đau đớn hơn, chúng ta đã không bảo vệ được người Việt sinh sống lâu đời ở nơi mà người Việt chúng ta đổ rất nhiều xương máu.
Không kể nhiều chính sách đơn lẻ khác, đầu năm 2016, sau nhiều năm đàm phán, chính quyền Hun Sen ban hành Nghị định 129 mà hậu quả của nó là nhắm vào người Việt ở CPC.
Theo Nghị định này, 90 nghìn người Việt mà phần lớn sinh sống hàng đời ở CPC nhưng không có giấy tờ CPC bị coi là cư ngụ bất hợp pháp, bị trục xuất về VN; 70 nghìn người Việt đã có chứng minh nhân dân, sổ gia đình, hộ chiếu CPC, giấy tờ nhà, nhiều người chỉ biết tiếng Khmer… bị coi là ngoại kiều, giấy tờ đang có bị tịch thu và phải đóng 62 USD để làm “thẻ ngoại kiều”.
Lúc đó, VN chỉ có 160 nghìn người – phần lớn sinh ra ở CPC – trong khi người Hoa tràn ngập (con số ước tính phải lên hàng triệu, chủ yếu đến CPC sau chiến tranh) với hơn 5 tờ nhật báo tiếng Hoa và hàng trăm trường học. Kết quả này là không có gì bất ngờ, các tín hiệu xấu đã xuất hiện không lâu sau khi quân đội VN rút hết.
Sáng 13-11-1991, tôi có mặt trong khuôn viên sứ quán VN ở CPC. Đại sứ Ngô Điền – người mà Hun Sen vẫn thường leo lẻo là “người thầy vĩ đại của tôi” – bị buộc phải rời Phnem Penh bằng đường bộ. Không có bất cứ một quan chức CPC nào tới chào. Hai người phụ nữ Khmer Krom nấu ăn cho sứ quán phải quấn Sa rông ra tặng hoa [tôi chụp tấm hình này, hy vọng kho ảnh Tuổi Trẻ của anh Nguyễn Công Thành còn giữ].
Trưa 14-11-1991, Hun Sen được đưa trở lại Phnom Penh trên chuyến bay 737 của Bắc Kinh. Trong khi đại sứ Ngô Điền âm thầm ra khỏi CPC thì “học trò” của ông xuất hiện ở cửa máy bay cùng ông hoàng Sihanouk giữa biển cờ hoa tràn ngập.
Cuộc chiến tranh của VN ở CPC trước hết là tự vệ, sau đó là để HN sửa chữa một sai lầm (góp phần quan trọng giúp Khmer Đỏ lên cầm quyền); tất nhiên, đồng thời cũng ngăn chặn tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ. Những người lính như chúng tôi nhẹ nhõm rất nhiều khi thấy sự yên bình và thịnh vượng ở CPC. Hiếm có cuộc viễn chinh nào kể cả của các siêu cường thành công như thế.
Nhưng, 7-1 hay những ngày như thế này, tôi tin là linh hồn của những người lính VN sẽ thanh thản hơn nếu nhà nước ta tôn trọng độc lập nhưng vẫn phải bảo vệ được đồng bào mình ở CPC; thay vì, trong khi người CPC chẳng thèm nói gì mà ta thì cứ làm ầm ĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.