Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hà Chủ tịch (Trần Như Tiên)

Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hà Chủ tịch (Trần Như Tiên)

29-11-2018
Một nhân viên bước vào thang máy. Ở đó đang có một người, “ông trùm”. Cô nhận ngay một trận chửi té tát. 
– Cút ngay!
Trên một chuyến bay VN Airline, ông trùm tát thẳng cánh một nữ tiếp viên, bắt cô phải quì gối xin lỗi vì làm gã phật ý. Sau đó ông trùm cũng không tha, làm nhục cả cơ trưởng.
Sàn chứng khoán Tokyo, ông trùm hò hét tùy tùng trai thì “thằng” gái thì “đĩ” và yêu cầu được hút thuốc, dù có bảng cấm hút trong phòng giao dịch.
Một cuộc hội họp ở Bình Định, một PCT tỉnh vừa mở miệng phê phán thì bị ông trùm quát:
– Mày không đủ tuổi nói chuyện với tao!
Vị PCT vừa phản ứng thì lập tức nhận ngay một cú tát trời giáng, ôm mặt khóc giữa đám đông.
Lại có lần, xích mích chuyện đầu tư cảng Quy Nhơn, ông trùm hẹn Nguyễn Văn Thiện, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chơi golf. Khi Thiện tới, ông trùm vụt gậy golf tới tấp, Thiện gãy ba sườn, phải chở đi bệnh viện cấp cứu.
Đại hội BIDV có nhiều tai to mặt lớn. Một người hỏi:
– Tại sao nhân sự chủ chốt của ngân hàng đa phần là người Bình Định? Lập tức nhận được câu trả lời đốp chát của ông trùm:
– Đã có quá nhiều người hỏi câu này. Tôi xin trả lời luôn một lần: Vì tôi là người Bình Định!
Trên khoang thương gia, một lãnh đạo cao cấp đang đọc quyển tạp chí. Ông trùm bước tới giật phăng rồi cười ngạo nghễ. Vị quan to im lặng.
Có lần, ông trùm chửi thẳng mặt một bộ trưởng:
– Tại sao mày xin chỉ đạo của thủ tướng vào lúc này? Cút ngay! Rồi quay sang bảo: Đi thôi anh Ba, trễ giờ bay rồi!
BIDV muốn thâu tóm Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL (MHB), ông trùm hỏi cộc lốc:
– Giao hay không?
Dù không muốn, nhưng sau đó lãnh đạo MHB buộc phải giao vì có “chủ trương bên trên”.
Có lần, cả chuyến bay phải dừng lại chờ một nhân vật trễ giờ, nhân vật ấy là ông trùm. Bất chấp trên máy bay hôm ấy có ông Nguyễn Văn Bình – Thống đốc Ngân hàng đương nhiệm.
Chỉ là một doanh nhân chứ không phải quan chức, nhưng ông trùm Bắc Hà luôn được xem là nhân vật số hai dưới triều đại cũ, “dưới một người trên vạn người”. Quyền năng có thể coi là hô phong hoán vũ, sự ngạo mạn đã thành giai thoại.
Hôm nay, ông trùm vào lò.

Bản tin ngày 30-11-2018

Bản tin ngày 30-11-2018

Tin Biển Đông
VOA đặt câu hỏi: Trung Quốc mưu tính gì khi xây dựng ở bãi Bông Bay? Bài viết tổng hợp bình luận của nhiều chuyên gia về Biển Đông xung quanh công trình Trung Quốc mới xây dựng trên đá Bông Bay ở quần đảo Hoàng Sa. Ông Gregory Poling, giám đốc AMTI, lưu ý: “Điều đặc biệt ở đây là chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy Trung Quốc có kiểu xây dựng nhanh chóng và ít tác động như vậy”
BBC có bài phỏng vấn nhà báo Mỹ Greg Rushford về tình hình Biển Đông: ‘Cảnh giác TQ sau sự cố Nga-Ukraine’. Liên hệ tới cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine ở biển Azov, ông Rushford cảnh báo: “Nếu người ta không để mắt tới những gì mà Nga đã và đang làm tại Ukraine thì nó sẽ gửi đi một tín hiệu ngay lập tức cho Bắc Kinh rằng Trung Quốc có thể làm điều tương tự tại Biển Đông”
Ông Rushford đặt thêm câu hỏi về Tổng thống Trump: “Và tôi không hiểu sao Tổng thống Mỹ lại có điều gì khó khăn đến vậy trong việc chỉ trích Nga và bày tỏ quan điểm thật về việc này”. Cách làm của Nga nhằm thu tóm lãnh thổ phía đông của Ukraine thường được các nhà bình luận so sánh với tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Quan hệ Việt – Trung
Báo Trí Thức Trẻ dẫn lời Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu: Việt Nam hết sức coi trọng việc duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Chiều 29/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, ông Nguyễn Văn Bình tiếp đón ông Đỗ Gia Hào, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam và Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ở thăm và làm việc tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Bình (phải) tiếp Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam Đỗ Gia Hào. Ảnh: TTT
Ông Bình nói: “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cùng đang xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành đổi mới, cải cách mở cửa. Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức coi trọng việc duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị”, bất chấp tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, hay Trung Quốc tiếp tục lũng đoạn kinh tế Việt Nam và đầu độc người Việt. 
Trần Bắc Hà và đồng sự bị bắt
Tin đồn ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, bị bắt hôm 28/11, lan truyền trên mạng, đã thành sự thật. Chiều qua, website của Bộ Công An đưa tin: “Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thực hiện tống đạt các quyết định và thi hành lệnh bắt, khám xét đối với bốn bị can có liên quan đến vụ án ‘Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng’ xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)”.
Ngoài ông Hà, ba nhân vật khác gồm: Trần Lục Lang, cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV; Kiều Đình Hòa, cựu Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh; Lê Thị Vân Anh, cựu Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV, Chi nhánh Hà Tĩnh, cũng bị bắt và bị khởi tố.
Bốn nhân vật vừa bị bắt: Theo chiều kim đồng hồ: Trần Lục Lang, Trần Bắc Hà, Lê Thị Vân Anh và Kiều Đình Hòa. Ảnh trên mạng
Trái với một số thông tin “lề dân” trước đó cho rằng ông Bắc Hà bị bắt ở Campuchia, tối 29/11, nhà báo Huy Đức cho biết: Ông Trần Bắc Hà “bị bắt hôm qua ở Pakse, Lào, khi đang đi cùng với hai người đẹp. Nửa đêm hôm qua, ông ta bị dẫn độ về VN qua cửa khẩu Lalay, Quảng Trị”.
Báo Người Lao Động có đồ họa: Trần Bắc Hà – ông chủ nhà băng quyền lực.
Sáng 29/11, trong khi nhiều trang báo “lề trái” như Người Việt, BBC… đưa tin ông Trần Bắc Hà bị bắt, thì Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng bộ Công an lên tiếng về thông tin bắt ông Trần Bắc Hà, rằng ông chưa nhận được thông tin về vụ bắt giữ chấn động này. Cũng như nhiều vụ án lớn trước đó, Bộ Công an luôn dè dặt khi cung cấp thông tin cho báo giới, nhất là các cuộc đấu đá phe phái lớn, họ luôn đợi chỉ thị từ cấp trên, dẫn đến kết quả là báo quốc doanh luôn chạy theo sau các trang báo không lề.
Cần nhắc lại, cuối tháng 8/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận những sai phạm của ông Trần Bắc Hà là “rất nghiêm trọng” và tiến hành kỷ luật khai trừ đảng. Ông Trần Bắc Hà được cho là có vai trò rất quan trọng bên cạnh cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, góp phần đục khoét tài sản quốc gia.
Ông Trần Bắc Hà mặc áo xanh, bên phải và ông Nguyễn Tấn Dũng ở Bogaya, Ấn Độ, khi cả hai đang còn quyền hành. Ảnh trên mạng
Báo Người Việt có bài: CSVN xác nhận bắt và khởi tố ông Trần Bắc Hà. Bài báo cho biết, tuy ông Trần Bắc Hà trên danh nghĩa chỉ là một lãnh đạo ngành ngân hàng, nhưng giới thạo tin và những doanh nhân “thuộc loại có máu mặt ở Việt Nam” đều cho rằng, thời “đồng chí X” còn là chính khách quyền lực nhất Việt Nam, ông Hà là “phó vương”, chỉ “đứng sau Ba Dũng”.
Phía truyền thông “lề trái”, bên cạnh việc đưa tin về ngày tàn của “kế toán trưởng” đầy quyền uy một thời trong triều đại “đồng chí X”, các báo đặt vấn đề về số phận, lựa chọn của “đồng chí X” khi lửa từ “lò” của ngài Tổng – Chủ ngày càng lan rộng và cháy đủ mọi loại củi. RFA đặt câu hỏi: Bắt Trần Bắc Hà có phải để dọn đường đến nhà nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?
Bài viết lưu ý hai vấn đề. Thứ nhất: Trần Bắc Hà đã lọt vào tầm ngắm của phe Tổng Trọng từ năm 2016, nhưng họ mất rất nhiều thời gian vẫn không kết tội được ông ta. Thứ hai: Sau cái chết “đúng thời điểm” của cựu Chủ tịch nước Trần Đại Quang, phe Tổng – Chủ chỉ mất vài tuần cuối tháng 11/2018 để làm được việc mà họ mất gần hai năm trước nhưng không làm được, đó là bắt và khởi tố ông Bắc Hà, bên cạnh một loạt hành động rất mạnh như bắt và khởi tố ông Nguyễn Hữu Tín, truy quét đường dây lãnh đạo đã bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh ra nước ngoài.
 Mời đọc thêm: Việt Nam xác nhận đã bắt ông Trần Bắc Hà — Quanh tin ông Trần Bắc Hà chính thức bị khởi tố  (BBC). – Bộ Công an lên tiếng về thông tin ông Trần Bắc Hà (ĐV). – Bắt giam cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà (VOV). – Ông Trần Bắc Hà bị bắt (Zing). Bắt Trần Bắc Hà: Thông điệp nào cho Nguyễn Tấn Dũng? (VOA). – BIDV dưới thời ông Trần Bắc Hà làm ăn ra sao? (VNM). – Gia sản khủng của ông Trần Bắc Hà từng sở hữu ở Bình Định gồm những gì? (TN). – Nhìn lại 35 năm từ ‘ngôi sao ngân hàng’ đến bi kịch cuối đời của nguyên Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà (VNF). – Rộ tin đồn bắt ông Trần Bắc Hà, thị trường không bị tác động (Infonet).
Cán bộ xâu xé đất
Zing đưa tin: Cách chức phó chủ tịch huyện vì lấn chiếm đất rừng. Ông Nguyễn Hữu Huân, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, bị thi hành kỷ luật bằng hình thức “cách chức”. Ông Huân đã lấn chiếm đất do Lâm trường Quảng Trực, sau đó chuyển sang cho người khác đứng tên. Diện tích bị lấn chiếm lên đến 77.707 m2. Tỉnh Đắk Nông cũng kỷ luật khiển trách đối với ông Lê Viết Sinh, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Song vì thông đồng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, có nguồn gốc từ đất rừng.
Đà Nẵng xem xét kỷ luật chủ tịch quận Liên Chiểu vì vi phạm đất đai, theo báo Pháp Luật TP HCM. Từ năm 2005 đến nay, quận Liên Chiểu liên tiếp vi phạm các quy định về đất đai. Trong đó có 1.799 trường hợp xây dựng không phép, 449 hồ sơ trong 767 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai phép. Ngoài ra còn rất nhiều sai phạm qua các thời kỳ chủ tịch quận, gây biến dạng quy hoạch do sự thông đồng, trục lợi cá nhân.
Báo Người Lao Động đưa tin: Người dân kiện chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: “Bác” yêu cầu khởi kiện 3 quyết định. Ông Trần Công Vinh, trú tại phường Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng kiện UBND TP Đà Nẵng vì sai phạm trong quyết định thu hồi đất của ông. Phiên tòa sơ thẩm tuyên bố bác bỏ tất cả các yêu cầu và tranh luận của ông Vinh tại tòa với lập luận việc thu hồi đất của hộ gia đình ông Vinh là có căn cứ, đúng thẩm quyền. 
Đáng lưu ý, lãnh đạo Đà Nẵng xin vắng mặt tại phiên tòa dân kiện Chủ tịch TP, theo VOV.  Sau khi TAND TP Đà Nẵng thông báo đưa vụ án này ra xét xử, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ủy quyền cho Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng làm người đại diện. Tuy nhiên, tại phiên tòa chiều 28/11, ông Dũng đã có đơn xin vắng mặt.
Bản chất vấn đề trong các vụ người dân kiện chính quyền vẫn không đổi, chính quyền này vốn đã bị những người cộng sản thao túng, tòa án, viện kiểm sát cũng của đảng cộng sản, ông Vinh càng kiện càng tốn tiền bạc và thời gian. Ngành tư pháp không độc lập thì quan chức CSVN còn ngồi trên luật pháp.
Thanh Hóa: Vụ đại tá bị tố cáo nhận 260 triệu để chạy án
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Trưởng Công an TP Thanh Hóa nói về 260 triệu đồng ‘chạy án’. Ngày 28/11, mạng xã hội lan truyền đoạn ghi âm tố cáo Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa vòi vĩnh và nhận 260 triệu đồng. Ông Dương thừa nhận giọng nói của mình và câu chuyện trong đoạn ghi âm là thật, nhưng phủ nhận chuyện nhận 260 triệu đồng để chạy án. Ông Phương nói: “Anh này có để lại tiền nhưng tôi không nhận. Tôi đã tìm cách trả lại”
Đại tá Nguyễn Chí Phương, nhân vật chính trong câu chuyện. Ảnh: PLTP
Người tố Trưởng công an TP Thanh Hóa nhận tiền ‘chạy án’ lên tiếng, theo Zing. Ông Đ.Đ.H, ở tỉnh Thanh Hóa, xác nhận ông là người đã gửi đoạn ghi âm và đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng sau khi không đòi lại được số tiền chạy án đã đưa cho Đại tá Dương. Ông H cho biết, ông là cựu công an TP Thanh Hóa, do chiếm đoạt một chiếc xe vô chủ ở cơ quan mà bị đình chỉ công tác, dù đã đưa nhiều tiền cho Dương.
Ông H nói: “Tôi hy vọng lấy lại số tiền để vơi bớt gánh nặng cho gia đình nhưng ông Phương đã không trả. Tôi nhiều lần gặp vợ chồng ông Phương để xin lại tiền. Các lần đó tôi đều ghi âm cuộc nói chuyện”.
Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Công an tỉnh Thanh Hóa nói gì đoạn ghi âm tố trưởng công an ‘chạy án’? Phía công an cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo sự việc với Bộ Công an để tiến hành xác minh, làm rõ sự việc”. Ông Dương thì vẫn ngụy biện: “Nếu tôi nhận của anh ta thì việc gì tôi phải tước danh hiệu công an của anh ta”.
Lãnh đạo sử dụng hồ sơ của người thân, khai khống bằng cấp
Infonet đưa tin: Trưởng Ban tổ chức huyện ủy mang hồ sơ của chú… đi học, đi làm. Ông Hán Duy Thập, Trưởng Ban Tổ chức Huyện Ủy huyện Krông Nô sử dụng họ, tên và hồ sơ của chú ruột để đi học phổ thông cấp III, sau đó cộng tác, học tập cho đến nay, qua mắt người dân và chính quyền. Đến khi bị tố cáo, ông Thập được đảng cộng sản tỉnh Đắk Nông kỷ luật bằng hình thức khiển trách, mặc dù hành vi của ông Thập có dấu hiệu phạm tội ‘làm giả giấy tờ, hồ sơ, con dấu’…
Báo Giao Thông đặt câu hỏi: Chủ tịch huyện khai khống bằng ĐH bị…khiển trách: UBKT Tỉnh ủy nói gì? Vụ Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng bị tố không có bằng Đại học, ngày 29/11, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thống, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, hiện ông Ngon đã bị kỷ luật “khiển trách” cả về mặt Đảng lẫn Chính quyền.
Bé trai 4 tuổi bị nhốt, bị buộc dây treo lên cửa sổ
Bê bối trong ngành giáo dục không có điểm dừng. Vụ học sinh bị ăn 231 cái tát còn đang ồn ào thì xuất hiện hình ảnh bé trai 4 tuổi bị buộc dây, treo lên cửa sổ! Zing đưa tin: Bé trai 4 tuổi bị vòng dây qua cổ buộc vào cửa sổ ở Nam Định. Đứa bé mất cha, thiếu mẹ, sống với bà, lại bị nhà trường đối xử như một kẻ tội phạm khi mới 4 tuổi!
Báo Trí Thức Trẻ đưa tin: Hai cô giáo thừa nhận buộc dây vào người bé trai 4 tuổi cột lên cửa sổ ở Nam Định. Ông Lưu Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh, Nam Định cho biết: Chiều 28/11, lãnh đạo UBND huyện Trực Ninh “đã cử đoàn kiểm tra do Trưởng Phòng GD&ĐT huyện làm trưởng đoàn về trường Mầm non Trực Đại B xác minh sự việc”.
Trong bản tường trình, 2 “cô giáo” đã thừa nhận “hành vi buộc dây vào người cháu P để cháu khỏi quậy phá, chạy lung tung… Sắp tới, huyện sẽ chỉ đạo thành lập hội đồng kỉ luật để đưa ra hình thức kỉ luật với hai cô giáo này”
Nếu sự việc này xảy ra ở Mỹ, nơi chẳng có đảng CS nên không cần mất thời gian “chỉ đạo”, một luật sư công (district attorney) giữ quyền công tố (chief prosecutor) ở quận hạt nơi xảy ra vụ việc, sẽ bảo vệ quyền lợi của đứa trẻ, đứng ra truy tố cô giáo. Hôm sau cô giáo sẽ xuất hiện tại một phiên tòa, trả lời các câu hỏi liên quan. Ở Mỹ không có các hội đoàn như “Hội Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em”, nhưng họ bảo vệ trẻ em rất hiệu quả.
Cháu P bị buộc dây vào người, treo lên cửa sổ. Nguồn: TTT
Nhà báo Nguyễn Tiến Tường viết: “Cả xã hội cuốn theo củi lửa, thì có một đứa bé bị treo ở cửa sổ trường mầm non. Cũng chẳng có gì trông đợi nhiều ở cuộc đốt lò khi nó chỉ để tốt đời đẹp đảng. Còn thể chế thì đứng hình, xã tắc trầm ê không có gì hứng khởi. Niềm hy vọng giáo dục lại trở thành nỗi ám ảnh thường nhật. Nếu cái lò của cụ tổng miệt mài dọn dẹp quá khứ. Thì cái lò giáo dục của anh nhạ đang thiêu rụi tương lai!
Nền giáo dục quá nát
Báo Văn Hiến Việt Nam đặt câu hỏi về tình trạng giáo viên bạo hành học sinh: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ “buồn” thôi ư? Trước hiện tượng ngày càng nhiều “nhà giáo” ở Việt Nam lộ rõ bản chất côn đồ, khiến học sinh phải nhận 231 cái tát, hay em bé mẫu giáo bị treo cổ, ông Nhạ chỉ nói: “Bản thân tôi rất buồn khi trong ngành xảy ra hiện tượng như thế. Quan điểm của Bộ là không thể chấp nhận trong đội ngũ những giáo viên này”.
Trong bài có đoạn: “Tôi cũng buồn cho Bộ trưởng. Lẽ nào, Bộ trưởng chỉ có cảm xúc như những người bình thường, còn không có sự day dứt về trách nhiệm của người đứng đầu ngành Giáo dục – Đào tạo? Cách hiểu của Bộ trưởng còn mơ hồ, mới chỉ nhìn ở khía cạnh đạo đức chứ chưa nhìn ở khía cạnh pháp luật”.
Thực phẩm bẩn
Báo An Ninh Thủ Đô đưa tin: Rùng mình phát hiện một cơ sở chế biến hàng chục tấn lòng heo “bẩn”. Một cơ sở thu gom, chế biến nội tạng động vật không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa bị phát hiện tại Quảng Ninh. 20 tấn lòng lợn không hóa đơn, chứng từ, chứng nhận vệ sinh, được chế biến cùng 1,3 tấn phụ gia độc hại, các chất tẩy rửa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cơ sở này sử dụng lòng heo để chế biến thành 2 loại sản phẩm gồm lòng già sấy khô và lòng ướp muối. Nước và chất thải từ việc chế biến không được xử lý, mà thải trực tiếp ra môi trường.
Báo Thanh Niên đưa tin: Hơn 70 người nhập viện vì ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì. Chiều 28/11, nhiều người phải nhập viện cấp cứu vì có các triệu chứng: Sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy… Tổng cộng 73 người, đa phần là người lao động, học sinh, người lớn, trẻ em, họ đã ăn bánh mì tại cùng một tiệm bánh mì ven đường. 
Thực phẩm bẩn luôn là vấn đề nhức nhối tại Việt Nam, nhưng không cơ quan nào đứng ra giải quyết. Nó là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư và bệnh tật cho nhiều người đang sống trên đất nước này.
***

Bài trí thức ở Việt Nam: Trường hợp giáo sư Chu Hảo

Bài trí thức ở Việt Nam: Trường hợp giáo sư Chu Hảo

Cù Huy Hà Vũ
29-11-2018
Ngày 15 tháng 11 vừa qua, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), đảng chính trị duy nhất ở Việt Nam, đã ra thông cáo báo chí về việc khai trừ khỏi Đảng Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri Thức, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ. 
Trước đó, vào ngày 26 tháng 10, ông Hảo tuyên bố từ bỏ Đảng một ngày sau khi Ủy ban này thông báo sẽ kỷ luật ông do ông đã xuất bản một số cuốn sách và có những bài viết và phát ngôn “có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước”. Trong số những cuốn sách này có Bàn về tự docủa John Stuart Mill, Khảo Luận Thứ Hai Về Chính Quyền của John Locke, Nền Dân Trị Mỹcủa Alexis De Tocqueville, Đường về nô lệ của Friedrich A. Hayek.
Ông Hảo cũng ký các kiến nghị, thư ngỏ phê phán Đảng như Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992 và Thư Ngỏ gửi Ban chấp hành trung ương và toàn thể đảng viên Đảng cộng sản Việt NamKiến nghị đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp (qui định về sự độc quyền lãnh đạo của ĐCSVN), đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang; Thư ngỏcho rằng Đảng đã dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm là xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ủy ban cũng lên án ông Hảo đã sáng lập, tham gia các hội, nhóm, diễn đàn, câu lạc bộ và các tổ chức khác có các hoạt động truyền bá tư tưởng quan điểm trái với quan điểm của Đảng, như Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) và “Quỹ Phan Chu Trinh”, quỹ này đã “trao giải cho cả cựu chiến binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.”
Ảnh hưởng của ông Trọng
Trong chương trình nghị sự của Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, một nhà lý luận Mác-Lê nin, tham nhũng và “tự diễn biến” hay “tự chuyển hóa” trong Đảng, tức là dần từ bỏ dần niềm tin và các tiêu chuẩn cộng sản, là hai vấn đề then chốt phải được giải quyết để duy trì chế độ độc đảng ở Việt Nam.
Sau khi hạ bệ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dưới sự cầm quyền của ông này tham nhũng đã trở thành đại họa, tại Đại hội Đảng lần thứ 12 được tổ chức vào tháng 1 năm 2016, ông Trọng đã tiến hành chiến dịch chống tham nhũng có qui mô nhất trong lịch sử Đảng. Chiến dịch này được gọi là “Đốt Lò”, dựa trên tuyên bố nổi tiếng của ông Trọng: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”. Cho đến nay, hàng chục quan chức cao cấp, trong đó có một ủy viên Bộ Chính trị và một tá tướng lĩnh cả công an lẫn quân đội đã bị truy tố và bỏ tù. Kết quả là uy tín của ông Trọng đã tăng mạnh. Ngày 23 tháng 10 vừa qua, Quốc hội đã bầu ông Trọng làm chủ tịch nước với gần 100% số phiếu, điều này đã đưa ông trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.
Hào quang do thành công của chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng mang lại, chắc chắn đã củng cố niềm tin của ông rằng ông sẽ thành công trong việc chống “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”, nhất là với các quy định của Đảng được làm ra dưới ảnh hưởng của ông.
Vào tháng 11 năm 2011, mười tháng sau khi ông Trọng được bầu làm người đứng đầu Đảng nhiệm kỳ đầu tiên của ông, Ban chấp hành trung ương Đảng ban hành Quy định số 47 về ‘Những điều đảng viên không được làm’. Theo quy định này, đảng viên không được “Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng”, “tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng”.
Sáu năm sau, vào tháng 11 năm 2017, Bộ Chính trị do ông Trọng đứng đầu đã ban hành Quy định số 102 về xử lý đảng viên vi phạm các qui định của Đảng. Quy định này nêu rõ sẽ xử lý bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng nếu đảng viên “cố ý nói, viết có nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật, phủ nhận vai trò lãnh đạo và thành quả cách mạng của Đảng”, “phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ”, “đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”, “đòi hỏi phải thực hiện tam quyền phân lập”,”xã hội dân sự”,”đa nguyên chính trị”,”hệ thống đa đảng”hoặc”thành lập và / hoặc tham gia các hiệp hội trái luật”.
Mâu thuẫn với Hiến pháp và thực hành của Đảng
Theo các quy định của Đảng nói trên, việc khai trừ ông Chu Hảo ra khỏi Đảng không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy vậy, bản thân các quy định ấy lại có vấn đề khi xem xét dưới góc độ Hiến pháp và thực hàn của Đảng.
Khoản 3, Điều 4 Hiến pháp qui định: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Vẫn bộ luật tối cao này quy định tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Do đó, bất cứ quy định nào của bất kể tổ chức nào của ĐCSVN, kể cả Ban chấp hành trung ương và Bộ Chính trị, loại bỏ quyền tự do ngôn luận và các quyền con người cơ bản khác, là trái với Hiến pháp và vì vậy phải bị bãi bỏ.
Ngoài ra, những quy định cấm đoán này mâu thuẫn với thực hành của ĐCSVN, đó là chưa kể đến nguyên tắc “tự phê bình và phê bình” được quy định trong Điều lệ Đảng. Chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác-Lênin mà ĐCSVN theo đuổi chủ trương xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa này đồng nhất với khu vực tư nhân và nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ĐCSVN trên thực tế đã từ bỏ học thuyết Mác-Lênin. Đại hội lần thứ 6 của Đảng họp vào năm 1986 đã phát động một chương trình cải cách kinh tế gọi là “Đổi mới”, không chỉ công nhận mà còn phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường, đặc biệt với việc cho phép đảng viên làm chủ doanh nghiệp tư nhân. Theo học thuyết Mác – Lênin, đảng viên một khi làm chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ là “những kẻ bóc lột” hay “những kẻ thù giai cấp” của đảng cộng sản. Nói cách khác, chủ nghĩa xã hội mà ĐCSVN tuyên bố tiếp tục theo đuổi là “chủ nghĩa xã hội bị rút lõi”.
Chu Hảo và các đảng viên khác cùng quan điểm chỉ là những công dân tuân thủ Hiến pháp. Cũng như vậy, họ chỉ tiếp tục công việc xét lại chủ nghĩa Mác – Lênin và các vấn đề liên quan do chính Đảng khởi xướng.
Một phản ứng dữ dội bắt đầu
Chỉ hai ngày sau khi ông Trọng giữ chức chủ tịch nước, việc kỷ luật của ông Hảo được công bố. Mới đây, trong một cuộc họp với các cử tri vào ngày 24 tháng 11, ông Trọng với tư cách là đại biểu Quốc hội cho biết: “ông Chu Hảo bị xử lí kỉ luật khai trừ khỏi Đảng, không phải là do tham nhũng, mà do quá trình ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ … kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.
Ít nhất một chục đảng viên, trong đó có nhà văn nổi tiếng Nguyên Ngọc, đã công khai tuyên bố bỏ Đảng để ủng hộ ông Hảo. Một số trong những người này tin rằng, hành động của họ sẽ mở đầu cho một phong trào bỏ Đảng. Bản thân tôi không đồng ý với ý kiến này vì số lượng đảng viên có quan điểm dân chủ là không đáng kể. Tóm lại, việc khai trừ ông Hảo khỏi Đảng không thể làm suy yếu Đảng về mặt tổ chức. Ngược lại, việc này làm suy yếu các nỗ lực chống tham nhũng của Đảng và có thể được coi là một cuộc tấn công vào giới trí thức.
Do tham nhũng ở Việt Nam có tính thể chế, chống lại đại họa này không thể là một công việc ngắn hạn. Phải có sự tham gia của toàn xã hội thay vì chỉ dựa vào ý chí chính trị của những người không tham nhũng, gồm cả ông Trọng, trong bộ máy Đảng và Nhà nước. Hơn nữa, một khi được xã hội hóa, chương trình chống tham nhũng sẽ giúp ông Trọng tránh khỏi bị nghi ngờ rằng ông đã sử dụng chống tham nhũng như một cái cớ để thanh trừng các đối thủ chính trị của mình. Rõ ràng, một sự tham gia như vậy của toàn xã hội chỉ có thể xảy ra nếu người dân được trang bị kiến thức chính trị và xã hội cần thiết. Điều này lại chỉ có thể có được nếu giới trí thức nhập cuộc.
Ngoài ra, một điều kiện không thể thiếu để thành công trong công cuộc chống tham nhũng là sự tồn tại của một hệ thống luật pháp công bằng và hiệu quả. Với tư cách là những người phản biện khách quan và khoa học, giới trí thức chắc chắn sẽ lấp đầy các khoảng trống của hệ thống pháp luật hiện hành được xây dựng trên cơ sở tham nhũng có tính hệ thống. Ví dụ, luật đất đai cho phép chính quyền tùy tiện lấy đất của người dân để giao cho các doanh nghiệp tư nhân cánh hẩu của họ, một phương thức được giới chức chính quyền khai thác nhằm trục lợi.
Hiện tại, uy tín của chính quyền Việt Nam có được là nhờ sự liêm khiết nổi tiếng của Chủ tịch, Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng. Chúng ta không thể loại trừ khả năng tham nhũng sẽ trỗi dậy, thậm chí với cường độ mạnh hơn trước, sau khi ông Trọng nghỉ hưu. Nếu ĐCSVN tiếp tục chủ trương bài trí thức, coi những trí thức phản biện là “các thế lực thù địch”, những kết quả đáng ngưỡng mộ của chiến dịch chống tham nhũng hiện nay sẽ chỉ là những lâu đài trên cát.
Trong một hành động khác ủng hộ Giáo sư Chu Hảo, hơn 200 đảng viên và trí thức đã ký một “Thư ngỏ” yêu cầu lãnh đạo Đảng rút lại quyết định kỷ luật ông. Liên kết với những người ký Thư ngỏ, một nhóm 81 học giả, giảng viên và nghiên cứu viên đã gửi đến các nhà lãnh đạo Việt Nam một bức thư bày tỏ “sự không đồng ý và thất vọng sâu sắc trước những cáo buộc nhằm vào Giáo sư Chu Hảo”. Bức thư có đoạn: “Đồng thời, chúng tôi khuyến nghị rằng chính phủ nên khuyến khích việc thảo luận tri thức rộng rãi về tất cả các chủ đề ở Việt Nam, và chúng tôi mạnh mẽ thúc giục chính phủ từ bỏ mọi nỗ lực quấy rối, đe doạ hoặc trừng phạt những người đã thể hiện quan điểm hoặc ý kiến ​​của họ một cách ôn hòa”.
Bản thân tôi quen biết Giáo sư Chu Hảo. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, phụ thân của Chu Hảo và phụ thân tôi đều có mặt trên khán đài được dựng lên tại Quảng trường Ba Đình ở Hà Nội, nơi Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên bố Việt Nam độc lập, chấm dứt gần một thế kỷ đô hộ của Pháp rồi Nhật Bản.
Cha ông, Chu Đình Xương, giám đốc Công an Bắc Bộ, đứng ngay sau Hồ Chí Minh để bảo vệ ông. Cha tôi, kỹ sư và thi sĩ Cù Huy Cận, lúc đó mới 26 tuổi, đã tham gia sự kiện này với tư cách là Bộ trưởng Chính phủ và là người ký Tuyên ngôn Độc lập cùng với Hồ Chí Minh và các thành viên khác của Chính phủ. Chính phủ đầu tiên của Việt Nam độc lập có nhiều trí thức nổi tiếng hơn bất kỳ chính phủ nào khác do Hồ Chí Minh làm chủ tịch.
Sáu thập niên sau, cùng với gần 3.000 người khác, ông Hảo đã ký “Kiến nghị trả tự do cho Công dân Cù Huy Hà Vũ” sau khi phiên tòa ngày 4 tháng 4 năm 2011 của Tòa án Nhân dân Hà Nội kết án tôi 7 năm tù và 3 năm quản chế về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trong thời gian tôi bị cầm tù, vợ tôi, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, đã chuyển cho tôi một số sách được xuất bản dưới sự chỉ đạo của Chu Hảo, trong đó có cuốn Nền dân trị Mỹ của Alexis De Tocqueville, do nhà giáo dục Phạm Toàn dịch từ bản gốc tiếng Pháp. Đến lượt mình, tôi đã ký vào Thư ngỏ nói trên để phản đối sự trấn áp của Đảng nhằm vào ông.
Thật không sai khi nói rằng Giáo sư Chu Hảo và tôi ủng hộ lẫn nhau vì thân phụ của chúng tôi đã là bạn chiến đấu của nhau. Nhưng trên hết, chúng tôi đã hành động với tư cách những người trí thức.
Cù Huy Hà Vũ có bằng Tiến sĩ Luật của Đại học Panthéon-Sorbonne, Pháp. Trước khi trở thành một nhà bất đồng chính kiến và cựu tù nhân chính trị Việt Nam, ông là quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam.