Cũng là chết vì cách mạng…
Trân Văn
2-10-2018
Cuối cùng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam cũng chính thức xác định ông Đỗ Mười, cựu Tổng Bí thư Đảng CSVN đã chết vào ngày 1 tháng 10. Theo các qui định pháp luật hiện hành, Việt Nam sẽ có quốc tang và công khố sẽ chi một khoản đáng kể để lo quốc táng ông Đỗ Mười và làm lăng cho ông…
Khoan bàn đến chuyện công – tội, chuyện dựng lăng cho ông Đỗ Mười – giờ đã trở thành phong trào, đặt cái chết của ông Đỗ Mười – một người có công với cách mạng bên cạnh những cái chết khác cũng có công với cách mạng sẽ thấy nhiều điều đáng ngẫm nghĩ. Tuy những cái chết đều có liên quan tới cách mạng nhưng cách hành xử của cách mạng rất khác nhau…
***
Hôm 1 tháng 10 – cùng ngày với ngày hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam loan báo ông Đỗ Mười qua đời, báo giới Việt Nam cho biết, các viên chức ngoại giao của Việt Nam tại Ukraine đã tìm – gặp cô Anna Poyarkova, thông báo với cô rằng, Việt Nam đã tìm được hài cốt ông nội của cô: Đại úy Yuri Nikolaevich Poyarkov – một sĩ quan không quân của quân đội Liên Xô (1).
Ông Poyarkov được biệt phái sang Việt Nam để hỗ trợ Quân đội Nhân dân Việt Nam “chống Mỹ, cứu nước” hồi đầu thập niên 1970. Giữa năm 1971, thân nhân của ông chỉ được loan báo, ông “mất tích trong một tai nạn máy bay” và chỉ thế mà thôi.
Vào thời điểm đó, gia đình ông Poyarko đành ngậm đắng nuốt cay, vì cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lẫn Liên Xô cùng muốn “bảo mật” tai nạn liên quan tới ông Poyarkov. Chuyện quân đội Liên Xô, cũng như quân đội Trung Quốc hiện diện tại miền Bắc Việt Nam, giúp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rảnh tay trong việc bảo vệ hậu phương, dốc toàn lực “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” được xếp vào loại thông tin “tuyệt mật”, bởi chúng có thể ảnh hưởng tới… “chính nghĩa” của sự nghiệp “chống xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai”.
Dù vợ, con ông Poyarkov cam chịu chuyện mất chồng, mất cha một cách thiếu minh bạch, thiếu tình người và đã câm nín gần nửa thế kỷ nhưng cô Anna Poyarkova – cháu nội ông Poyarkov thì không. Tháng 9 năm 2017, thông qua mạng xã hội, cô Poyarkova nhờ người Việt hỗ trợ thông tin về tai nạn làm ông nội của cô “mất tích”. Lời kêu gọi của cô Poyarkov làm một số người Việt đã từng học, làm việc tại Liên Xô cũ cảm thấy xấu hổ. Tự họ thu thập thông tin, xác định khu vực có thể là hiện trường vụ tai nạn (xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), tự tổ chức tìm kiếm. Hóa ra ông Poyakov là phi công, tham gia huấn luyện phi công của Không quân Nhân dân Việt Nam sử dụng Mig-21U. Không chỉ có ông Poyakov mất tích. Cùng mất tích với ông vào ngày 30 tháng 4 năm 1971 còn có một phi công khác của Không quân Nhân dân Việt Nam tên là Công Phương Thảo.
Chuyện tìm kiếm một chiếc phi cơ quân sự lâm nạn với hai phi công không quân mất tích trước đó 44 năm tất nhiên là… thành công vì địa điểm phi cơ rơi chỉ cách Hà Nội khoảng 70 cây số và nhiều người trong cuộc còn sống. Sở dĩ cuộc tìm kiếm này kéo dài nửa năm vì nó tự phát và phụ thuộc vào khả năng, hoàn cảnh của những người tình nguyện. Không quân Nhân dân Việt Nam nói riêng và Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung, trong đó có cả Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Tuân chỉ hỗ trợ… thông tin để xác thực tai nạn, khu vực phi cơ quân sự lâm nạn! Hạ tuần tháng 2 năm 2018, sau ba ngày chính thức lùng tìm, nhóm tình nguyện viên do ông Nguyễn Lê Anh – cựu Nghiên cứu sinh Toán học tại Đại học Lomonosov, cựu Giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, cư trú ở Sài Gòn – thành lập, đã xác định chính xác vị trí phi cơ quân sư lâm nạn (2).
Bảy tháng sau (hạ tuần tháng vừa qua), Quân đội Nhân dân Việt Nam mới thu thập xong hài cốt của hai phi công, một Liên Xô, một Việt… Nếu Anna Poyarkova không ngỏ lời nhờ giúp đỡ trên mạng xã hội, nếu không có những người Việt chạnh lòng, cảm thấy xấu hổ với dân chúng Liên Xô cũ, chắc chắn ông Yuri Nikolaevich Poyarkov và ông Công Thanh Phượng vẫn còn nằm đó giữa rừng hoang, núi lạnh, hài cốt tiếp tục phân rã thành bùn đất (3) vì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không bận tâm.
***
Cũng ngày 1 tháng 10 – ngày hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam loan báo ông Đỗ Mười qua đời, ông Đinh Hữu Hanh đưa lên facebook của ông công văn số 3396/CT-CS do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An phát hành ngày 21 tháng 9 năm 2018. Theo công văn ấy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An sẽ không làm gì cả đối với 500 ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng, chăm sóc ở Nghĩa trang Cồn Mợng, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn và đang là chỗ thả trâu, bò (4).
Trước đó, dịp rằm tháng bảy, khi về quê dự Lễ Tế tổ, qua thân nhân, dân chúng địa phương, ông Hanh phát giác có một nghĩa trang chôn cất những thương binh, bệnh binh qua đời khi đang được chữa trị tại Trạm Quân y có tên là “Viện 42”, bị bỏ hoang.
“Viện 42” vốn là nơi tiếp nhận thương binh, bệnh binh trong cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước” được đưa từ miền Nam Việt Nam trở về miền Bắc Việt Nam. “Viện 42” vốn tọa lạc tại xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn. Nghĩa trang của “Viện 42” cũng ở tại đó. Sau khi công cuộc “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” thành công, “Viện 42” bị giải tán. Cuối thập niên 1970, chính quyền địa phương sử dụng lực lượng thanh niên bị cưỡng bức cải tạo, cải táng phần lớn các ngôi mộ trong nghĩa trang của “Viện 42” về xã Kim Liên. Đến đầu thập niên 1990, Huyện đội Nam Đàn mới cải táng những ngôi mộ còn sót lại ở rìa nghĩa trang của “Viện 42” về nghĩa trang liệt sĩ của huyện này.
Điều làm ông Đinh Hữu Hanh – một cựu chiến binh trong cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước” – bất bình là đợt cải táng đầu tiên hồi cuối thập niên 1970 đã được tiến hành rất cẩu thả, mộ phần của tất cả những thương binh, bệnh binh chết tại “Viện 42” được đưa về táng lại tại xã Kim Liên đều mất tên vì không có bia cũng chẳng có sơ đồ mộ chí. Mộ phần của những thương binh, bệnh binh xấu số giờ chỉ là những nấm đất nằm san sát với nhau, cùng làm bạn với trâu, bò. Ông Hanh kể, ông đã đến tận nơi, báo cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An thực trạng làm ông và nhiều người đau lòng ấy. Nơi này đã yêu cầu ông phải làm… đơn trình báo thì mới xem xét (5). Để tận nghĩa với đồng đội, ông Hanh cun cút về làm đơn. Đơn gửi ngày 29 tháng 8, đến 21 tháng 9 thì Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An trả lời. Theo đó, phần lớn trong số 500 ngôi mộ vô chủ ở xã Kim Liên là mộ của… nhân dân trong xã, chỉ có vài chục là “mộ bộ đội” nhưng vì “chưa xác định được có phải là mộ liệt sĩ hay không” nên đây sẽ là chuyện do Đảng ủy, chính quyền xã Kim Liên tự… giải quyết.
Chưa thấy nhân dân xã Kim Liên lên tiếng dù rằng theo công văn vừa dẫn thì hóa ra họ quá bạc bẽo. Nghĩa trang với 500 mộ, nơi đa số người chết là… nhân dân trong xã mà không có bất kỳ ai trong xã thăm viếng, nhìn nhận thân nhân của họ được táng tại đó! Chưa kể xem những tấm ảnh chụp Nghĩa trang Cồn Mợng mà ông Hanh đưa lên trang facebook của ông, ai cũng có thể thấy, nếu đa số người chết được táng tại nghĩa trang này là… nhân dân trong xã thì ở Kim Liên hẳn đã từng có một đợt… “chết chùm”, nhân dân trong xã phải táng hàng loạt người chết trong cùng một lúc thành ra các nấm mộ mới ngay hàng, thẳng lối theo cùng một kiểu như vậy!
***
Hồi tháng 11 năm 2017, tướng Sùng Thìn Cò – Phó Tư lệnh Quân khu 2 đồng thời là đại biểu của tỉnh Hà Giang tại Quốc hội khóa 14, báo với các đồng viện là còn khoảng 2.500 hài cốt liệt sĩ đang phơi mưa nắng tại hàng chục cao điểm ở Hà Giang. Tướng Cò không cung cấp chi tiết nhưng dựa vào diễn biến xung đột vũ trang tại biên giới Việt – Trung, người ta tin rằng những liệt sĩ ấy đã đền nợ nước trong các đợt phản công – tái chiếm, phòng vệ lãnh thổ giai đoạn từ giữa năm 1980 đến đầu năm 1987 ở Hà Giang.
Dù chết trong cuộc chiến nào (chống Pháp, chống Mỹ, chống Trung Quốc, chống Polpot), lý do chính khiến cha mẹ, vợ con, anh em,… của nhiều liệt sĩ chờ cho tới bây giờ vẫn chưa nhận được hài cốt của thân nhân là vì… hệ thống công quyền Việt Nam chưa cấp tiền để tìm kiếm, mang hài cốt của các liệt sĩ về nhà. Vào thời điểm cuối năm 2017, tướng Cò từng khẳng định với các đồng viện rằng chỉ cần cấp tiền cho Bộ Quốc phòng và Quân khu 2 một lần thì trong hai năm 2018 và 2019, quân đội sẽ đưa hết toàn bộ hài cốt các liệt sĩ đang phơi mưa nắng tại hàng chục cao điểm ở Hà Giang về với gia đình, về với quê hương (6).
Cho đến giờ vẫn không thấy báo chí Việt Nam tường thuật giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam quyết định thế nào về đề nghị của tướng Cò. Ngay sau đó, người ta chỉ thấy Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN công bố chủ trương, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch xây dựng một nghĩa trang diện tích 120 héc ta, trị giá 1.400 tỉ để lãnh đạo cao cấp của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam “yên giấc ngàn thu”. Đến giờ, kế hoạch xây dựng nghĩa trang quốc gia chưa triển khai vì hai lẽ: Một, gia tăng thêm sự phẫn uất trong dân chúng. Hai, nghĩa trang quốc gia không còn hợp thời trang. Giới lãnh đạo đủ cấp trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nay thích nằm một mình trong các… lăng.
Những người như Yuri Nikolaevich Poyarkov, Công Thanh Phượng, những thương binh, bệnh binh xấu số đang nằm trong Nghĩa trang Cồn Mợng, những liệt sĩ mà hài cốt đang phơi mưa nắng tại hàng chục cao điểm ở Hà Giang hoặc nằm rải rác đâu đó trên khắp Việt Nam, kể cả Lào, Campuchia chắc chắn là những người hữu công vì đã góp tính mạng cho cách mạng.
Có thể thấy, chưa bao giờ, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam bỏ qua, không tổ chức những “buổi lễ cấp quốc gia” kiểu như “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968” hồi đầu năm nay ở TP.HCM, vì chúng là dịp tái khẳng định “sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng CSVN đối với cách mạng Việt Nam”. Tương tự, những hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, “tưởng nhớ, cầu siêu” nếu có rầm rộ thì cũng chỉ nhằm nhắc nhở “công lao to lớn, vĩ đại của Đảng CSVN”.
Còn tìm kiếm hài cốt những người “chết vì cách mạng” giao trả cho thân nhân hoặc lo cho những người “chết vì cách mạng” mồ yên, mả đẹp thì thuộc phạm trù khác, không nhất thiết, thậm chí không cần phải bận tâm vì sẽ chẳng góp bao nhiêu, đôi khi là có hại cho việc chứng minh Đảng CSVN là tổ chức chính trị duy nhất xứng đáng trong việc tiếp tục duy trì độc quyền lãnh đạo “toàn diện, tuyệt đối” ở Việt Nam.
Công khố luôn luôn có hạn, chi tiêu phải cân nhắc. Những cá nhân như ông Đỗ Mười, dẫu không đổ máu, góp xương cho cách mạng thành công nhưng cần có quốc tang, tổ chức quốc táng, dựng lăng vì họ lãnh đạo cách mạng. Đó cũng là lý do phải dùng luật, đặt định – buộc phải tổ chức quốc tang, lễ tang cấp quốc gia, cho những “công bộc” hàng đầu, tôn vinh họ như “quốc phụ”, “quốc mẫu”, công hầu,… hôm qua, hôm nay và cả ngày mai.
Cả luật pháp hiện hành lẫn thực tế chỉ ra “có công với cách mạng” hay “chết vì cách mạng” dù không khác nhau về ngữ nghĩa nhưng khác biệt rất lớn về cách đối xử. Đối xử phải theo thứ bậc. Với thứ bậc đã được phân định rạch ròi thì sẽ còn nhiều quốc tang và lễ tang cấp quốc gia khác cho những Lê Đức Anh, Phùng Quang Thanh, Đinh Thế Huynh, Lê Hồng Anh… Những trường hợp hữu công khác, kể cả những người đã “chết vì cách mạng” cứ chờ cho đến lúc ai đó chạnh lòng. Thế thôi!
Chú thích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.