Đi vào Công nghệ 4.0 không thể bằng tư duy của người cộng sản
29-10-2018
Nhớ lại những ngày sau 30-4, vĩa hè Sài Gòn đang xanh cỏ bỗng nhiên bị đào xới lên trồng khoai lang. Nhà nào có sân đều khoanh lại làm chuồng nuôi heo, gà. Thậm chí nhà có sân thượng cũng che sơ sài vài tấm ván, biến thành chuồng heo. Tất cả đều tuân theo khẩu hiệu của đảng CSVN “gia tăng sản xuất”, “lao động là vinh quang”…
Cuối cùng, đến năm 1979 kết quả cả nước suýt chết đói!
Người cộng sản Việt có cái tư duy dốt nát, cứ tưởng “lao động”, “gia tăng sản xuất”… là phải “làm ra sản phẩm”. Sản phẩm phải là “vật chất”, như củ khoai, con heo, con gà…
Sài Gòn, cũng như nhiều thành phố lớn khác, đâu phải là nơi để trồng khoai, nuôi heo, nuôi gà… Sản phẩm đâu phải đơn thuần là “vật chất” ? Sản phẩm còn có sản phẩm của “trí tuệ”.
Sài Gòn, cũng như Hà Nội khi xưa, là những nơi “đào tạo con người”. Mà “vốn con người” mới là quan trọng, to lớn gấp ngàn, triệu lần vốn vật chất.
Ông Bill Gates làm ra hãng Microsoft. Hãng này đâu có sản xuất ra “vật chất” theo lối củ khoai, hột gạo, con heo… như VN. Lâu lâu họ làm ra một “sản phẩm phi vật chất”, đựng trong một vật tròn như cái dĩa, lớn bằng bàn tay, gọi là Windows, Office, SQL Server, Exchange Server… chi chi đó. Ai trên thế giới này xài máy tính đều phải xuất tiền ra mua. Một cái dĩa như vậy trị giá có khi vài tấn lúa.
Thế giói có hàng trăm, hàng ngàn ông tương tự như Bill Gates. Ông nào cũng là tỉ phú. Tài sản của họ lớn hơn nhiều lần tổng sản lượng quốc gia VN.
Bên Singapour, ông Lý Quang Diệu trước đây, nếu ban đầu lập quốc mà khuyến khích dân “sản xuất” kiểu trồng khoai, nuôi heo… (theo kiểu lãnh đạo VN) thì làm sao nước này tiến bộ như hôm nay?
Đại Hàn và Đài Loan, từ những thập niên 60, 70… đâu có khác gì VN ? Những nước này cũng chậm tiến, nghèo, dân chúng hầu hết sống về nghề nông… như VN. Nếu mà lãnh đạo của họ cũng khuyến khích nuôi heo, trồng khoai… thì đất nước của họ làm gì có những hãng Samsung, Hyundai, Formosa…?
Khác nhau tư duy, quan niệm về “vật chất”, “sự lao động”… lãnh đạo Hàn Quốc, Đài loan, Singapour… đưa dân tộc của họ lên làm chủ. Còn VN, do tư duy ngu xuẩn đã đưa dân cả nước xuống làm con ở, làm mướn cho người ta.
Ông chủ của Formosa trước kia, tài sản và khả năng thua xa những người Hoa ở Chợ Lớn. Khi mà những doanh nhân Đài Loan khởi nghiệp, họ bắt đầu bằng việc chế tạo những vật dụng nhôm, plastique… thì doanh nhân ở Chợ Lớn đã vượt xa, về khả năng cũng như vốn liếng. Sài Gòn thì những doanh nhân VN đã lập các hãng cơ khí chế tạo xe, đóng tàu, chế tạo dược phẩm, xi măng… Trong khi các nước Singapour, Hàn quốc, Đài Loan, Thái Lan… về kỹ nghệ “cao cấp” tương tự thì vẫn còn ở phía sau.
Sài Gòn trước kia không sản xuất heo, khoai… nhưng đã đào tạo ra những “con người văn hóa”. Những người này, sau 75, tay trắng vượt biên sang nước ngoài, không bao lâu là tạo dựng được căn bản, sự nghiệp trên đất người. Một số thành công lớn trong xã hội Mỹ, Pháp… Đơn giản vì họ “có học”, họ là bác sĩ, kỹ sư, giáo sư… Bằng cấp của họ được nhìn nhận, hoặc chỉ phải tu nghiệp lại một, hai năm. Thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba… phần lớn đều có bằng cấp đại học.
Cái tư duy ngu xuẩn của người cộng sản Việt đến nay vẫn tiếp tục tồn tại. Bằng cấp của VN hiện nay không đâu nhìn nhận. Nhìn nếp sống dân chúng ba miền ta kiểm chứng điều đó.
Đó là tư duy “sống chung với lũ, với hạn, mặn”. Tại sao phải sống chung, làm như không có giải pháp nào khác?
Bốn thập niên đã bỏ phí. Bốn thập niên qua, cộng sản VN đã thành công đào tạo người dân VN thành những con người “lao động cơ bắp”. Bây giờ không sống chung với lũ, với hạn, mặn thì phải làm gì?
Đọc những ý kiến của trí thức, nhà báo, của những lãnh đạo VN… đến bây giờ mà họ vẫn ý thức sai về giá trị của sự lao động. Mà khi ý thức sai thì tư duy kinh tế sẽ sai. Người dân vì vậy muôn đời vẫn phải sống chung với lũ, với hạn, mặn. Và sắp tới sẽ phải sống chung với ô nhiễm.
Người ta bỏ nước ra đi là đúng thôi.
Bây giờ, “dưới bậc thềm” công nghệ 4.0, tư duy người cộng sản Việt nghĩ gì? Có quan niệm gì về “sản phẩm thời công nghệ 4.0”?
(Nhuận sắc lại từ nhựt ký facebook ngày 30-4-2016)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.