Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Chuyện chính trị Halloween!

Chuyện chính trị Halloween!

Hoàng Ngọc Nguyên
29-11-2018
Ông Trump vung tay đấm, khuyến khích những người “nationalists” phải chơi giới truyền thông đến cùng
Bây giờ là những ngày cuối tháng mười, mùa Halloween, mùa của những sự kinh dị của con người mà ma quỉ phải chịu mang tiếng oan. Chỉ còn hai tháng nữa hết năm, cho nên người ta phải bắt đầu tính chuyện tìm kiếm “Story of the Year” – câu chuyện trong năm – để làm quà cho “má bầy trẻ” (người đọc). Chuyện tìm kiếm này không khó, nhưng đường đi khó không khó vì không có chuyện kể, mà khó vì có quá nhiều chuyện. Chẳng biết bắt đầu từ đâu, và chấm dứt ở đoạn nào!
Theo tổng kết cũng lâu rồi của nhật báo The Washington Post, chỉ trong 601 ngày tính đến giữa tháng chín, Tổng thống khả kính của chúng ta đã có 5.000 phát biểu “sai lầm hay gây ngộ nhận” (tạm dịch từ chữ “false or misleading statements”), trung bình 8.3 lần một ngày. Người ta đi làm ít nhất còn nghỉ 1-2 ngày một tuần để phục hồi sức, còn ông thì nói như thế liên miên không nghỉ.
Người ta tính ra trong ngày 7-9, ông đã nói dối 125 lần, bởi vì đó là một ngày bận rộn của ông tại Montana: nói chuyện với phóng viên trên máy bay, dự hai cuộc họp mặt gây quỹ, và trả lời phỏng vấn của ba nhà báo. Ngày hôm sau, 8-9, ông giảm cường độ, chỉ còn được ghi nhận 74 lần, bởi vì hôm đó ông chỉ có mỗi một việc, gặp gỡ cử tri cũng tại Montana để vận động cho một ứng cử viên đảng Cộng Hòa ra tranh cử. Ông phải bịa đặt nhiều như thế vì đây là chuyện vận động tranh cử.
Ngày 6-11 sắp đến là bầu cử giữa kỳ. Đương nhiên, như CNN ghi nhận, ông ngày càng nói dối hăng bởi vì ông biết tình hình ngày càng căng, càng găng, đảng Cộng Hòa mà có mệnh hệ nào từ trên (Thượng Viện) xuống dưới (Hạ Viện), thì ông cũng khó thoát số phận “đàn hặc” của Tổng thống Nixon năm 1974. Giáo sư Bob Bauer thuộc Đại học New York, đã cảnh cáo ông trên tạp chí Atlantic, một số lời nói dối của ông có thể là cơ sở đề truất bãi ông. Ông vẫn biết thế. Nhưng “Một liều ba bảy cũng liều; Cầm bằng như trẻ chơi diều đứt dây”. Đúng là chúng ta có một tổng thống khác thường, chưa từng có!
Cần nhấn mạnh rằng khi nói “Tôi tai tiếng nên tôi hiện hữu”, đó chẳng phải là một nhận xét “tiêu cực” về tổng thống của mình. Trước hết, đó là một sự thực không thể chối cãi được ngay cả đối với những người vẫn được tiếng là “Cuồng Trâm”. Chính ông Trump từng xác nhận rằng, ông có quyền nói dối bởi vì người dân tin ông. Khi được hỏi ông nói có đến hàng triệu phiếu bất hợp pháp bầu cho bà Clinton nhưng ông không trưng ra được chứng cớ thì đó là điều nguy hiểm hay chăng, ông trả lời: “Không, vì người dân cũng tin thế”. Có nghĩa là ông không có trách nhiệm nói lên sự thật, mà có quyền nói những chuyện bịa đặt – miễn người dân tin thật, tưởng thật. Miễn được việc!
Một ông tổng thống mà nói dối là điều hết sức nguy hiểm cho người dân. Vì người dân vẫn tưởng rằng một ông tổng thống thì khó nói dối. Bởi vậy những gì ông nói ra người ta tin theo ông, làm theo ông. Cái hại không chỉ là cho những người tin ông do đó cứ sống trong mê muội (“thế giới ảo” của “kinh tế gia”), không biết gì sự thật. Cái hại lớn hơn chính là gây sự phân hóa ngày càng trầm trọng trong dân chúng, một bên là những người tin ông bất cứ mọi giá, một bên là những người vẫn quen nhìn ông như một đứa trẻ ưa phá phách, cần phải bắt phạt đứng úp mặt vào tường, hay một người quen miệng nói dối. Bởi vậy mới có chuyện ngày thứ tư 24-10, cơ quan FBI phải chính thức lên tiếng kêu gọi người dân phải cực kỳ đề cao cảnh giác.
1. Khủng bố Trung Đông trong đoàn di dân: Những lời bịa đặt 
Cả tháng mười này người dân nước Mỹ xôn xao về chuyện những đoàn người di dân (caravan) muốn vào nước Mỹ từ các nước Trung Mỹ Honduras, El Salvador, Guatemala. Người ta tính ra có đến hàng ngàn người tuyệt vọng muốn bỏ nước ra đi vì tình trạng suy đồi chính trị và kinh tế của đất nước của họ. Đúng là dịp may bằng vàng cho Tổng thống khơi lại đề tài di dân trong mùa vận động bầu cử. Ông đòi hỏi những nước này phải chận lại di dân, nếu không Mỹ sẽ cắt hay giảm viện trợ. Ông cũng nói chuyện đưa vệ binh quốc gia đến vùng biên giới. Ngày 25-10, Bộ trưởng         Quốc phòng Jim Mattis theo lệnh của ông Trump đã đưa 800 lính đến biên giới. Nhưng thật ra, khi người ta đi từng đoàn dài thậm thượt như vậy, thì cuối cùng đương nhiên chỉ có nước trở về, như quá khứ đã nhiều lần cho thấy. Nhưng ông Trump vẫn thấy rằng đây là một cơ hội bằng vàng. Và một số người theo ông cũng nhanh chóng tiếp tay chính sách khủng bố, đưa lên mạng những tin tức, hình ảnh bịa đặt.
Ví dụ nổi tiếng nhất trong chiến dịch gây lo sợ và phẫn nộ nơi người dân là “cáo giác” của ông Trump có hàng trăm phần tử đặc công của Nhà nước Hồi giáo (IS) đã trà trộn vào trong đám người đang vận hành này để vào Mỹ. Người ta còn bịa ra chính Tổng thống Guatemala đã xác nhận chính quyền của ông đã bắt giữ “hàng trăm người Hồi giáo từ các nước Trung Đông” có mặt trong các đoàn người này. Người ta cũng đưa lên mạng Facebook hình ảnh những người lính Mễ bị đánh máu chảy tràn trên mặt. Thực ra, những hình ảnh này có từ năm 2012, trong các cuộc đụng độ giữa học sinh và cảnh sát Mễ, chẳng liên quan gì đến chuyện di dân này.
Từ trung tuần tháng 10, chiến dịch của ông Trump leo thang với những sáng kiến có sự nhúng tay của đảng Dân Chủ, đặc biệt là của tỷ phú George Soros. Ông Trump tố cáo (vu cáo thì đúng hơn) ông Soros bỏ tiền mua học sinh Honduras tham gia vào những đoàn người này cho thêm đông đảo. Ông Soros cũng bỏ tiền cho di dân vào Mỹ mua xe hơi. Ông Trump cũng nói người dân tại các thành phố “ẩn náu” (của di dân bất hợp pháp) ở California đang nổi dậy phản ứng.
Tại các lần gặp gỡ cử tri để vận động cho cuộc bầu cử 6-11, ông Trump vẫn một luận điệu tố cáo đảng Dân Chủ là đảng của tội ác, đang nhằm mở cửa biên giới để cho tội phạm tràn vào Mỹ, phá hoại sự bình yên và vững mạnh kinh tế của Mỹ. Điều mà những người quan sát vẫn tự hỏi là tại sao ở Mỹ, người ta có thể tự do lợi dụng và xâm phạm Đệ nhất Tu chánh án đến mức đó!
2. Tuần khủng bố 22-10
Những cử tri da trắng theo và tin lời ông Trump tuyệt đối như “đấng cứu thế” đương nhiên không ít người trong đó phải phát điên và trở nên quá khích. Có không thiếu gì những “tổ chức”, hay nhóm nhỏ, hay cá nhân “Cuồng Trâm” tính rằng phải hành động. Bởi thế, trong tuần lễ bắt đầu ngày thứ hai 22-10 đến ngày thứ năm, có ít nhất bảy nhân vật “tai to mặt lớn” trong đảng Dân Chù đã được gởi đến những món quà tương tự: các bưu kiện chứa đựng bom ống. Những nhân vật này đều từng là hay còn là những mục tiêu công kích, mạt sát của ông Trump: Barack Obama, Joe Biden, Hillary Clinton, cựu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder, Dân biểu Maxine Walters, cựu giám đốc CIA John Brennan, cựu chủ tịch đảng Dân Chủ Debbie Wasserman Schultz. Đặc biệt còn có nam tài từ Robert De Niro và tỷ phú Soros. Tài tử này vẫn nói sự khinh miệt của mình với ông Trump, và ông Trump nói lại: ông này có mức IQ (thông minh) thấp đặc biệt.
CNN cũng là một mục tiêu rõ ràng nhất, đến mức hãng truyền thông này phải tạm ngưng chương trình phát hình và cho mọi người rời văn phòng để bảo vệ an toàn. Ngày 25-10, FBI đã cảnh cáo: Danh sách có thể chưa hết. Và họ đang truy lùng người gởi, nay được xem là “khủng bố nội địa” (domestic terrorism). Đúng thật, đến ngày 25-10, thêm hai người nữa xuất hiện trong bảng “phong thần”: Thượng nghị sĩ Cory Cooker và cựu giám đốc Tình báo James Clapper. Sau đó là Thượng nghị sỉ California bà Kamala Harris – một người đang tính ra tranh cử tổng thống. Có thể nói đây là những người tổng thống ưu ái bậc nhất!
3. Lỗi tại ngươi, lỗi tại ngươi mọi đàng
Ông Jeff Zucker, chủ tịch toàn cầu của CNN đã tức thì phản ứng: “Tòa Bạch Ốc đã cho thấy thiếu hiểu biết hoàn toàn và toàn diện về sự nghiêm trọng trong sự công kích liên tục của họ nhằm vào giới truyền thông. Tổng thống và nhất là tùy viên báo chí của ông (bà Sarah Sanders) cần hiểu rằng lời lẽ của họ có tác dụng. Cho đến nay, họ cho thấy chẳng hiểu gì điều này”.
Thế nhưng ông Trump vẫn giữ vững lập trường. Sau khi “lên án” âm mưu bạo lực và kêu gọi “đoàn kết”, ông công kích tình hình chính trị căng thẳng là lỗi của đảng Dân Chủ và giới truyền thông. Đảng Dân Chủ có tội xem đối lập của mình là “thiếu đạo đức và vô lại” (morally defective … historic villain). Giới truyền thông báo chí chính lưu thì chủ tâm đưa ra “tin giả” để công kích chính quyền không ngừng làm cho quần chúng bất an, phẫn nộ. Ông Brennan, cựu giám đốc CIA từng nói thẳng ông Trump là “phản quốc”, đã tweet đáp trả: “Đừng trách người. Hãy nhìn lại mình. Cách ăn nói dối trá, nhục mạ, cuồng nộ, khuyến khích hành vi bạo lực là tồi tệ. Hãy cải sửa ngay chính mình… hãy cố làm sao cho đáng mặt tổng thống”.
Đúng là ông Trump chẳng nói gì về trách nhiệm của mình hay đảng Cộng Hòa trước tình hình dân chủ suy đồi hiện nay. Tuy nhiên, vì không trái bom nào nổ cả, người ta nghĩ rằng vụ này chỉ là một sự dằn mặt, cảnh cáo rộng lớn, có hệ thống cho thấy uy lực của những người “dân tộc chủ nghĩa da trắng”. Nếu có bom nổ, có người chết, chắc chắn ông Trump khó ngồi yên. Bởi vậy những người ưa nghi ngờ (conspiracy theory) lại đặt câu hỏi: Ai đứng đàng sau tất cả những vụ này?
4. Đúng là “Cuồng Trâm”
Sáng sớm ngày 26-10, ông Trump lại tweet, như thường lệ: Người Cộng Hòa đang đạt kết quả tốt trong vòng bầu cử sớm, và trong thăm dò, nhưng nay câu chuyện “Bom” này xảy ra làm nhịp độ phấn khởi chậm lại nhiều – tin tức không nói về chính trị. Rất không may chuyện đang xảy ra. Người Cộng Hòa, hãy bước ra đi bỏ phiếu.
Chỉ vài giờ sau đó, FBI loan tin đã bắt được môt tên “cuồng Trâm” thủ phạm của tất cả vụ gởi bom thư này. Cesar Sayoc, 56 tuổi, có một chiếc xe lớn chưng toan hình ảnh của tổng thống. Tên này đã có tiền án. Nam 2002 bị bắt ở Miami – Dade County vào tội đe dọa đặt bom. Năm 29 tuổi, bị bắt về tội ăn cắp. Ông ta cũng bị truy tố nhiều lần tội gian dối, giả mạo và đánh người. Năm 2014, Sayoc xin tòa án lệnh “phá sản” và về sống “nương tựa” mẹ già. FBI nói rằng không phải tất cả những linh kiện bom của Sayoc là “đồ giả” (hoax). May mà ông ta không đủ chuyên môn để định giờ cho những bom này nổ. Như thế, ai đứng đàng sau những vụ này?
Xe của Cesar Sayoc – toàn là hình ảnh của Tổng thống Trump
5. Hiểm tai lớn nhất 
Tồng thống Trump vừa nhắc lại một lập luận mới có gần đây của ông: Quỹ Dự trữ Liên bang, tức Ngân hàng Trung ương Mỹ, là yếu tố hiểm tai lớn nhất cho nền kinh tế Mỹ. Ông có lập luận đó vì ông muốn Quỹ này ngưng gia tăng lãi suất căn bản từ từ như hiện nay, ông sợ kinh tế sẽ chậm lại vì lãi suất tăng, nhưng quan điểm lâu nay của quỹ này là phải tăng lãi suất từ từ, sau gần 7-8 năm bất động dưới thời Obama, để cho kinh tế bớt nóng, lạm phát chậm lại…
Ông Trump nóng giận vì nói mà quỹ không nghe, mà quỹ là ai, chính là ông chủ tịch mà ông bổ nhiệm vào tháng hai năm nay thay bà Janet Yellen, người của Obama. Những người theo dõi kinh tế Mỹ nói rằng, họ không nhớ có khi nào Tòa Bạch Ốc và Quỹ Liên bang lại mâu thuẫn đến thế, và ông Trump đương nhiên lại một lần nữa là tổng thống đầu tiên có những phê phán gay gắt đến thế với ông chủ tịch Quỹ Liên bang. Ông Trump nói với tờ Wall Street: Ông Jerome Powell xem chừng “thích thú việc gia tăng lãi suất”. Ông có ý nói ông Powell muốn phá ông, và có thể rồi đây ông sẽ hối tiếc vì đã bổ nhiệm ông Powell.
Ngày thứ tư 24-10, ông Peter Navarro, một kinh tế gia đang là cố vấn về mậu dịch cho Tổng thống Trump, đã thay lời chủ nhân của mình để phát biều cựu Tổng thống Obama “không có công trạng gì đối với nền kinh tế đang bùng nổ hiện nay” (booming economy). Ông nói thêm rằng ông Obama chỉ gây ra thêm nợ nần cho chính phủ liên bang. Ngay tức thì, ông này được mang tiếng “stupid”, bởi lẽ ai cũng có thể nhớ ông Obama đã chấm dứt suy thoái thời ông George W. Bush trước ông, ông đã làm cho tỷ lệ thất nghiệp đi xuống từ gần 10% còn 4.6% là lúc ông Trump tiếp quản, và thị trường chứng khoán hồi phục cũng là nhờ ông. Mặt khác, làm sao có thể không biết ngân sách liên bang đang thiếu hụt, nợ nần gia tăng vì chính sách giảm thuế (tức giảm thu) và tăng chi của ông Trump.
Vừa qua, ông Mitch McConnell, thủ hạ của ông Trump, nói rằng, sự thiếu hụt hiện nay là do “gia tăng chi tiêu phúc lợi” (Social Security, Medicare, Medicaid, Obamacare), hàm ý nếu đảng Cộng Hòa thành công trong bầu cử sắp tới, họ sẽ dùng kéo cắt bớt những chương trình này phục vụ người già, người nghèo, trẻ em, và người bệnh này. Để xem báo cáo kinh tế có thể có ngày 2-11 có cho ta thấy trước viễn tượng kinh tế trong năm tới hay chăng. Trong khi đó, ông Trump trước bầu cử tỏ ra khôn hơn ông McConnell. Ông đưa ra lời hứa giảm thuế 10% cho giới trung lưu sau bầu cử – hàm ý nếu người dân bầu cho Cộng Hòa, ông sẽ thưởng món quà “tax cut” đó.
Theo tin trong ngày 26-10, kinh tế Mỹ quý 3 tăng ở nhịp độ 3.5%, giảm so với quí trước (4.2%) nhưng cao hơn mức dự đoán 3.3% của các nhà kinh tế lo lắng trước thương tích của chiến tranh mậu dịch. Xuất cảng giảm, nhưng chi tiêu của người dân đã tăng trong quí 3 ở tỷ lệ 4% – cao hơn mức 3.8% của quí trước. Chi tiêu của chính phủ vẫn mạnh.
6. “I’m a nationalist”
Trong một cuộc vận động tại Wisconsin, ông Trump xác nhận hay khẳng định ông là một “nationalist”. Nhiều người run sợ trước “nhãn hiệu” này, bởi vì chữ “nationalist” (dân tộc chủ nghĩa) nên được hiểu theo nghĩa người ta vẫn hiểu ở Mỹ: chủ nghĩa dân tộc của người da trắng.
Ông nói ông không phải là “globalist” mà là “nationalist” – tất cả cho nước Mỹ – mà là nước Mỹ không phải của di dân mà của bạch chủng. Phát biểu này hẳn phải gây chấn động cho những người đơn giản tin rằng một người từng trốn lính trong chiến tranh Việt Nam nay sẽ “chuộc lỗi” bằng cách giúp Việt Nam của Nguyễn Phú Trọng độc tài chống Tàu! Theo tờ The Washington Post, chính từ quyết định của ông rút Mỹ ra khỏi hiệp định Xuyên Thái Bình Dương cho nên Trọng mới tự tung tự tác đàn áp, lưu đày những người đấu tranh hay chống đối.
7. “The worst cover-up”
Ông Trump đã phê bình nghiêm khắc vụ sát hại nhà báo Saudi Arabia làm việc cho tờ Washington Post, không phải vì là chuyện phi nhân, tàn bạo dã man (thủ tiêu đến mất xác), mà vì nhà vua và thái tử Saudi Arabia đã “quá dở trong mưu mô che đậy”. Bởi thế ông Trump và rể ông không còn cách trì hoãn hay che đậy nữa, và cứ lúng túng “… nhưng Saudi Arabia đã mua của Mỹ hơn trăm tỷ đô la vũ khí”. Tiền bạc làm cho chính trị không còn đạo lý gì nữa chăng?
Nhưng người ta đã chỉ ra đây chỉ là sự thổi phồng quen thuộc của ông Trump, mọi mua bán này chỉ chừng vài tỷ, và chỉ tiếp nối từ thời Obama. Cái phải cover-up (che giấu) ở đây là quan hệ làm ăn giữa Thái tử Saudi Arabia và Jared Kushner, người con rể của ông Trump đang muốn làm Trịnh Kiểm. Trump đã giao cho một người chỉ biết làm ăn toàn quyền chính trị ở Trung Đông, bao gồm Israel, cho nên mới có chuyện Mỹ dời sứ quán đến Jerualem: Kushner là người Do Thái!
8. Beautiful Ted
Trong tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump đã ám chỉ cha Ted Cruz (thượng nghị sĩ Texas) là trong băng đảng Cuba giết chết Tổng thống John F. Kennedy; vợ ông Cruz, ông Trump gọi là “dị dạng”, còn Ted Cruz, ông Trump gọi là “Lying Ted” (Ted nói dối).
Ted từng thề có trời đất làm chứng sẽ không bao giờ nhìn mặt ông Trump nữa. Nhưng nay Ted tái tranh cử, và vì sợ thua nên phải cầu cứu ông Trump. Ngược lại, Trump cũng phải giúp Ted để giữ thế đa số Cộng Hòa tại Thượng Viện. Cho nên hai người ôm nhau tại Houston ngày 22-10, ông Cruz hơi cúi đầu hoặc sượng sùng, hoặc lễ phép, ông Trump thì ca ngợi chưa có ai ủng hộ ông nồng nhiệt hơn ông Cruz trong hai năm qua, và cho ông Cruz một tên mới “Beautiful Ted”.
Đúng hơn, trước tư cách của Cruz, nên gọi “Beastful Ted”. Ông đã, nói theo cách của ngưòi Mỹ, bỏ cả cha và vợ dưới gầm xe cho ông Trump lái qua.
9. Hôn và ôm
Ông Trump có tật mất ngủ ban đêm, cho nên giàu óc tưởng tượng. Và những chuyện không đâu. Như nằm mơ thấy gặp lại người bạn cũ Stormy Daniels chẳng hạn. Ông nói trong phỏng vấn với tờ bảo thủ Daily Caller rằng ông có “cả trăm” bức ảnh ông Robert Mueller (công tố đặc biệt đang điều tra vụ án Nga Trump thông đồng), và James Comey, cựu giám đốc FBI mà ông Trump sa thải vì cuộc điều tra này, ôm nhau, hôn nhau, bởi thế “chẳng có cách nào ông Mueller tiến hành điều tra vô tư được”. Bởi vậy, phải ngưng điều tra ngay.
Thế nhưng hôm thứ năm 25-10, FBI chính thức đưa ra thông báo viết, họ không có bức hình nào như vậy. Ông Trump dĩ nhiên cũng không đưa ra được tấm hình nào cả. Ông Comey bình luận ngắn gọn: “May quá, tổng thống. Nếu không tôi khó ở yên với vợ tôi”. Câu hỏi đặt ra là ông Trump có quyền dựng đứng những chuyện vô lại như thế mãi chăng.
10. Quyền tự do chỉ dành cho ông Trump
Ông Trump vẫn từ lâu cho rằng mình có nhiều quyền không ai có. Theo BBC ngày thứ tư 24-10, một ông Mỹ bị tố “chộp lấy” một phụ nữ trên máy bay đã nói với cảnh sát Hoa Kỳ rằng Tổng thống Trump từng nói “it was OK” chộp lấy thân hình phụ nữ. Ông này bị truy tố ở New Mexico vào tội “công xúc tu sỉ”, cứ đưa tay chộp vào ngực, vào vú một nữ hành khách ngồi bên trên máy bay. Hồi đầu bà này tưởng ông nhầm hay vô tình, nhưng sau khi “bổn cũ soạn lại”, bà phải la lên.
Ông Trump từng được ghi âm khi đang ở trên một xe buýt lớn thu hình và ông huênh hoang rằng ông có quyền sờ mó bộ phận bên dưới của bất cứ phụ nữ nào. Đáng thương cho hành khách này, ông tưởng ông Trump nói thế là đúng, và nay ông có thể bị tù đến hai năm và bị phạt đến $300.000. Chẳng phải ai cũng được như ông Trump đâu, Tổng thống nói: “Có thể làm bất cứ gì. Chộp lấy cửa mình của họ” (And when you’re a star, they let you do it. You can do anything. Grab ’em by the pussy. You can do anything).
Chớ nhìn ông Trump mà tưởng bở. Nghe những gì tôi nói, không làm những gì tôi làm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.