Khi trường học thành đồn công an
31-10-2018
Logic nào bộ giáo dục phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm với ai về tình trạng sinh viên bán dâm, khiếu kiện trái qui định, tụ tập đông người hay tham gia biểu tình?
Hiến pháp, pháp luật đã có qui định điều chỉnh các hành vi nói trên mà sinh viên phải thực hiện như bất kì một công dân nào khác.
Vậy bộ giáo dục muốn nhấn mạnh sự cấm đoán của mình bằng cách trao cho nhà trường áp đặt lên sinh viên những hình phạt bổ sung, điều pháp luật hiện hành nghiêm cấm?
Tuồng như để cho thấy mình có “tính giáo dục” nên bộ qui định kiểu bán dâm đến lần thứ tư sinh viên mới bị tước quyền được học.
Với các hành vi nói nôm na là tham gia chính trị, như tụ tập đông người, biểu tình, khiếu kiện… bộ còn nhấn mạnh “trường hợp đặc biệt sẽ giao cơ quan chức năng xử lí”.
Có thể đó là cơ sở nhận thức để ngành giáo dục cho phép công an vào trường còng tay sinh viên hay ra văn bản theo yêu cầu của công an ngăn cấm sinh viên biểu tình hoặc có những hành vi phản kháng.
Đó là một nhận thức sai lầm về thẩm quyền của bộ giáo dục, về bản chất mối quan hệ giữa sinh viên và nhà trường.
Nhận thức sai lầm này đáng tiếc diễn ra khá phổ biến, và ở cấp cao, tác hại của nó về nhiều mặt không kém gì nạn tham nhũng.
Nhà trường là một pháp nhân thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ đào tạo với sinh viên trong một chu kì thời gian với những điều kiện ràng buộc nhất định.
Nhà trường không phải là một trại lính nơi mà đơn vị có quyền quản lí toàn diện binh lính của mình.
Nhà trường cũng không phải là một tổ chức hội đoàn nơi người ta tự nguyện thiểu số phục tùng đa số.
Nhà trường có thể có một số qui định đặc thù thông thường gắn với việc bảo vệ giá trị thương hiệu của nó. Nhưng không được đặt ra các qui phạm trái pháp luật.
Có thể trường sư phạm do đặc thù nghề dạy học không chấp nhận hành vi bán dâm, thì nhà trường chỉ có thể qui định như là một điều kiện chấp nhận hay không chấp nhận đào tạo.
Ngay cả điều này cũng cần có một qui trình thoả đáng không để tuỳ hứng, tuỳ tiện.
Mại dâm không phải là tội phạm, không một nhà trường nào được quyền tước đoạt quyền được học của họ. Đó là một quyền hiến định.
Mại dâm không phải là tội phạm, không một nhà trường nào được quyền tước đoạt quyền được học của họ. Đó là một quyền hiến định.
Nhưng nhà trường cũng là một thiết chế xã hội đặc biệt, nơi văn minh nhân loại thiết kế và sử dụng như một vườn ươm công dân, một môi trường để định hình nhân cách, nuôi dưỡng lí tưởng bình đẳng, bác ái, tự do của con người.
Vì tính chất đặc biệt ấy, nhà trường nhất là trường đại học không cho phép các lực lượng vũ trang thể hiện sức mạnh uy hiếp của mình. Nhà trường không thể có văn bản ngăn cấm sinh viên biểu tình, tụ tập đông người, khiếu kiện…Vì thực chất nhà trường không có thẩm quyền đó. Nhưng quan trọng hơn là đạo lí của nghề giáo không cho phép làm như vậy.
Bộ giáo dục cũng không phải là cấp trên của các trường. Càng không phải là cấp trên của sinh viên. Thay vì bảo vệ thiết chế nhà trường đúng tính chất của nó, bộ giáo dục chọn con đường nhầm vai, nhầm việc.
Khi nhà trường đóng vai trò của đồn công an, bộ giáo dục là nơi cấp phát quyền được học thì liệu chúng ta đã có nền giáo dục quốc dân như ý nghĩa vốn có của nó?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.