Giáo sư Chu Hảo và tờ Quân hại nhân dân
Nguyễn Hùng
29-10-2018
Hồi bé tôi hay nghe mấy đứa trẻ hàng xóm chúng nó nói “quân đội nhân dân” là “quân dận nhân đôi”. Rồi “quân dận nhân đôi” là “quân dận nhân hai”. “Quân dận nhân hai” là “quân hại nhân dân”. Lúc đó nghĩ chúng nó nhí nhố thế thôi.
Nhưng vừa đọc bài “Xử lý nghiêm để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và pháp luật của nhà nước” liên quan tới Giáo sư Chu Hảo mới thấy tờ Quân đội nhân dân quả đáng đổi tên thành Quân hại nhân dân thật.
Tờ này nói họ nhận được nhiều ý kiến “tâm huyết” của độc giả sau khi đăng bài “Từ thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng về những vi phạm của ông Chu Hảo: Giữ gìn phẩm giá, uy tín của người trí thức chân chính”.
Tôi có đọc nhầm không đây? Vậy ông Chu Hảo không phải là trí thức chân chính thì các trí ngủ chân giò ở tờ Quân hại nhân dân muốn được danh hiệu đó sao? Cũng không hiểu sao họ không lấy ý kiến về vụ “xẻ thịt” đất quốc phòng mà lại tập trung vào vụ ông Chu Hảo.
Ý kiến đầu tiên là của một trí ngủ mang tên Nguyễn Túc từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông này được dẫn lời như sau:
“Tôi rất đồng tình với quan điểm của Báo Quân đội nhân dân… UBKT [Ủy ban Kiểm tra] Trung ương đã kết luận, những vi phạm, khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
“Điều này khiến tôi rất buồn và suy nghĩ. Bởi tôi và ông Chu Hảo từng quen biết đã lâu, có thời gian cùng công tác tại một trường đại học lớn ở Hà Nội. Hơn nữa, đây là một người được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, được Đảng, Nhà nước quan tâm trong đào tạo; trong những năm đang công tác, đã nỗ lực phấn đấu rèn luyện; được tổ chức trọng dụng, tin tưởng đề bạt, giao nhiều trọng trách, trong đó có chức Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.”
Vậy là đây là người có đủ trình độ dạy đại học cơ đấy. Nhưng tôi đảm bảo trình độ của ông này không bằng mấy bạn trẻ mới 18 tuổi mà tôi đang dạy cách làm báo ở trường Goldsmiths, University of London nếu chỉ dựa vào những gì ông viết.
Mấy đứa trẻ học năm đầu đại học đã hiểu vai trò của trí thức là thách thức hiện trạng để mang lại thay đổi tích cực trong xã hội. Cứ một lòng theo đảng và không thách thức thì Việt Nam ta ngày nay vẫn còn ăn bo bo chứ đâu được “cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày”.
Nhờ có những người dám rời bỏ chính sách kinh tế ngu xuẩn một thời mới có Đổi Mới. Nhưng giờ những người kêu gọi tiếp tục đổi mới như ông Chu Hảo lại bị coi là “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá”. Hôm trước tôi vừa dẫn thống kê cho thấy giờ hộ chiếu của Cam Pu Chia và Lào đều đã có giá trị hơn hộ chiếu Việt Nam. Thành tựu này là nhờ công của những ông Nguyễn Túc này chứ đâu.
Một ý kiến khác được đăng là của Thiếu tướng Nguyễn Khắc Ngọ, nguyên Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Ông này viết: “Lẽ ra với cương vị của mình, được Đảng, Nhà nước nuôi dưỡng, đào tạo bài bản, nắm giữ những trọng trách trong hệ thống chính trị, ông Chu Hảo phải ý thức rõ trách nhiệm, bổn phận với Đảng, với nước, với dân. Đằng này, ông lại lợi dụng vốn tri thức đã được Đảng giáo dục, rèn luyện để có những hành động chống lại Đảng, chống lại chế độ, đi ngược lại lợi ích của Đảng, của dân, thì không thể chấp nhận được.
“Tri thức là tài sản vô giá, nếu được sử dụng để phụng sự cho lý tưởng của Đảng, cho lợi ích của toàn dân đó là điều rất đáng trân trọng. Ngược lại, nếu nó bị chính những người mang danh trí thức lợi dụng để phục vụ cho ý đồ không trong sáng thì hậu quả sẽ rất tai hại.”
Vậy là ông tướng này hiểu “tri thức là tài sản vô giá” nhưng chắc ông ăn phải bả gì đó nên mới bắt tri thức phải đi theo tôn giáo cộng sản. Chắc ông cũng đã đọc về sự khảng khái của Galileo trước Giáo hội từ Thế kỷ 17 mà sách giáo khoa Việt Nam từng dẫn lời ông nói “nhưng dù sao trái đất vẫn quay” cho dù Giáo hội kết án ông về điều mà họ cho là sai trái này. Người ta cũng từng trích Lenin nói hồi năm 1919 về trí thức rằng họ là “những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia” nhưng [t]rên thực tế, bọn chúng không phải là bộ não mà là cứt.” Tôi đã qua lăng Lenin hai lần mà quên không hỏi ý ông định nói ai.
Thú thực là mấy ngày qua theo dõi những tranh luận trên mạng về vụ kỷ luật ông Chu Hảo và vài vụ khác, tôi thấy nản quá. Đám đông bị “ngu dân” trong nhiều năm quả là đã “quá đông và nguy hiểm”. Tôi biết mình có lỗi khi không nghe lời khuyên rằng “đừng cãi nhau với kẻ ngu vì người ngoài nhìn vào không biết ai ngu ai khôn”. Tôi cũng biết vật nhau với lợn thì mình vấy bẩn còn “lợn khoái vì được vầy”. Nhưng tôi tin là trong đám đông đấy cũng có nhiều kẻ giả ngu thủ lợi mà thôi. Họ chẳng lú tới mức đó đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.