Cuộc chia ly màu đỏ
LS Lê Văn Luân
Không chỉ một đảng viên kỳ cựu bị kỷ luật tạo nên một vấn đề lớn cho công luận, mà liên tiếp là những đảng viên cốt cán khác cũng đã tự tuyên bố thoái đảng và không còn là thành viên của tổ chức đảng cộng sản nữa. Trong đó là Phó giáo sư về giáo dục Mạc Văn Trang và nhà văn Nguyên Ngọc (tác giả của Đất nước đứng lên) và sau đó là một Trung tá quân đội cũng tuyên bố từ đảng vì cho rằng “không thể đứng chung hàng ngũ với những thứ như thế”. Trước đó khoảng một năm là một cựu Vụ trưởng (Lê Văn Hoà) của Ban Nội chính trung ương cũng đã tuyên bố từ đảng sau khi đã phục vụ hàng chục năm trong tổ chức này.
Đảng phái không phải là vấn đề gì to tát so với các nền chính trị dân chủ và đa nguyên, vì ở các quốc gia đó thì đảng phái chỉ đơn giản là một tổ chức của một nhóm người cùng chí nguyện với nhau tập họp lại trên cơ sở luật pháp mà thành. Khi không còn thấy tổ chức đó là phù hợp hoặc nó đã trở nên suy thoái, tha hoá thì bất cứ thành viên nào cũng đều có thể tuyên bố về việc rời bỏ nó.
Chỉ có điều đặc biệt hơn là ở Việt Nam thì chỉ có một đảng duy nhất lại là tổ chức nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối nhà nước và xã hội, bởi vậy mà nó chi phối toàn bộ quyền lực và hệ thống chính trị. Nó nắm mọi nguồn lực và tiềm lực của đất nước. Bởi thế mà nó còn níu giữ được nhiều kẻ dù chẳng còn tâm tưởng nào phục vụ cho tổ chức nhưng vì nhiều lý do lợi ích của bản thân mà còn bám víu vào để thụ đắc những thứ đặc quyền, đặc lợi mà nó đem lại.
Nhưng thời cuộc và vận mệnh đưa tất cả về những giá trị tiến bộ, văn minh là điều có vẻ như là tất định của sự vận động. Nên có cố mọi cách để kìm hãm hoặc làm biến dạng nó thì cũng trở nên vô tác dụng, vì không thể điều chuyển được dòng chảy của thời đại đã được minh chứng từ lịch sử, mặc dù nó có thể bị làm cho chậm lại và dịch tiến theo một quỹ đạo kỳ dị nào đó.
Có những dòng người tháo chạy khỏi đất nước vì sợ hãi hoặc tìm nơi chốn an thân. Nhưng có những con người rời bỏ thứ gì đó là để trở nên tự do và tốt đẹp hơn với tính người. Và nếu trong một xã hội mà điều tử tế đã không còn được bảo vệ nữa thì chính những kẻ nhân danh điều tốt đẹp và cho rằng chúng đại diện cho những điều đó để hành động mới là những kẻ hủy hoại nó khủng khiếp nhất bằng những hành động ngược lại những gì mà chúng tuyên bố.
Một xã hội mà con người không thể suy nghĩ và hành xử tốt đẹp và không thể bảo vệ sự tử tế, thì đó là một xã hội đã trở nên thực sự bạc nhược và suy vong. Dù luận biện theo bất cứ cớ lẽ và hoàn cảnh nào, dù ở vào bất kỳ vị trí ra sao, nếu họ từ chối và kiên quyết không đứng về hoặc sát cánh, dù công khai hay âm thầm ủng hộ, để bảo vệ những giá trị của con người và sự văn minh, thì đó là sự bất hạnh của một dân tộc, vì nó đánh dấu cho sự sụp đổ hoàn toàn của tất thảy.
Không một xã hội tốt đẹp, tự do và tử tế nào mà những giá trị đó lại bị khinh nhạo, bị chế giễu và bị xem thường, thậm chí bị chà đạp, họ không còn muốn cất tiếng nói lên để bảo vệ điều đúng đắn, những giá trị tốt đẹp, và chúng ta sẽ phải đối mặt với những điều xấu xa và tàn ác ngự trị, hoành hành và tàn phá. Đó là một dân tộc và quốc gia không sớm thì muộn sẽ rơi vào những thảm cảnh của loạn lạc, sự mục ruỗng và những tội ác man rợ nhất đến mức mặc nhiên và phổ biến hơn cả sự sống của con người.
L.V.L.
Nguồn: FB Luân Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.