Sự cam kết
31-10-2018
Hôm nay là tròn 5 năm ngày tôi bị câu lưu tại sân bay Nội Bài khi trở về đất nước sau chuyến “quốc tế vận” kinh thiên động địa đòi huỷ bỏ điều luật 258 tại Liên hợp quốc năm 2013. Tôi vẫn còn nhớ như in ngày đó, có hàng chục bạn bè lên tận sân bay để biểu tình đòi người. Nhưng còn có hàng trăm người khác đã viết status, viết bài về sự kiện này để gây áp lực truyền thông. Khi chia sẻ lại sự kiện này trên Facebook, một bạn nhảy vào bình luận: “Em chỉ là thằng cào phím” và dán bức ảnh ngày đó bạn ấy chia sẻ tin tức về tôi trên trên trang cá nhân của mình.
Đành rằng một trang cá nhân của người bình thường có sức lan toả rất hạn chế, không gây được áp lực gì nhiều. Nhưng hãy thử tưởng tượng trên mạng xã hội có 1 triệu người nói về vấn đề gì đó, đó sẽ là một áp lực kinh hoàng mà nhà cầm quyền không dễ gì bỏ lơ, mà phải tìm cách điều chỉnh hành động của mình. Đó là chuyện tác động ngoài xã hội, nhưng còn về phía cá nhân người bạn kia, khi bạn đã nói ra, viết ra một điều gì đó… bạn đã tự phá bỏ nỗi sợ của mình, để tuyên bố, để cam kết với người khác một điều mình mong muốn. Trước đây tôi đã từng có một bài viết nhan đề là “Vượt qua nỗi sợ” được rất nhiều bạn đọc đồng tình và đánh giá cao. Tuy nhiên đọc lại bài viết đó tôi thấy còn thiếu một ý rất quan trọng, là sự cam kết với người khác, và đây là điều tôi muốn tập trung vào nói trong bài viết này.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường không thành công bởi sự trì hoãn. Bạn biết rõ mình cần phải làm những gì để thành công, bạn tự nhủ rằng mình sẽ làm, rồi đến lúc phải làm, bạn bỏ lơ đi và phản bội chính mình. Cứ như vậy, có thể bạn sẽ dằn vặt một chút trong lòng, rồi thôi. Có ai biết bạn định làm gì đâu? Ngoài bản thân ra thì có ai sẽ soi vào hành động của bạn đâu? Đó là lý do rất quan trọng làm bạn cứ hết lần này đến lần khác phản bội chính mình. Và như thế bạn sẽ không thể hoàn thành một công việc bình thường nào đó, chứ chưa nói đến chuyện vượt qua nỗi sợ, vượt qua chính mình để chung tay thay đổi xã hội này.
Nói ra với người khác một điều gì đó là một cách để tự gây áp lực với chính mình. Một khi người khác đã biết bạn cam kết điều gì, bạn sẽ có kỷ luật hơn rất nhiều với bản thân. Càng nhiều người biết thì áp lực càng lớn, và chính áp lực đó sẽ là nhân tố cực kỳ quan trọng để bạn vượt qua nỗi sợ, vượt qua những rào cản bản thân nhằm hoàn thành những gì bạn mong muốn.
Trong mấy ngày gần đây Việt Nam đang có chuyện hôm 25/10/2018, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ra quyết định đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo vì lý do “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá; có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước”. Không những thế, kết luận của uỷ ban còn cho rằng nhà xuất bản Tri thức của Giáo sư Chu Hảo đã “xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của đảng, nhà nước, vi phạm luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu huỷ”. Sự kiện này gây ra một làn sóng bất bình ghê gớm trong giới trí thức và cán bộ đảng viên. Ngày 26/10/2018, ông Chu Hảo đã có một bức thư gửi cơ quan đảng trực thuộc, nhờ chuyển cơ quan đảng cấp trên, trong đó tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản. Sau khi bức thư được công bố, theo thống kê sơ bộ cho đến ngày 31/10/2018 đã có hơn một chục đảng viên cộng sản, trong đó có nhà văn Nguyên Ngọc cũng tuyên bố công khai ra khỏi đảng để phản đối quyết định của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và để biểu thị sự ủng hộ ông Chu Hảo.
Khi tôi đang gõ những dòng chữ trong bài viết này thì trên tivi, trên hệ thống báo chí chính thống đang có dày đặc các phóng sự, các bài viết nhằm biện minh cho quyết định của đảng, đồng thời tiếp tục bôi nhọ và đấu tố giáo sư Chu Hảo, một trí thức lớn của đất nước. Trong sự việc này, tôi biết ông Chu Hảo rất mạnh mẽ với quyết định của mình. Nhưng điều đáng mừng hơn chính là những tuyên bố của các đảng viên cộng sản khác. Ai cũng biết có cả triệu đảng viên cộng sản từ lâu bất mãn trong lòng, bỏ sinh hoạt đảng, thầm thì trao đổi với nhau nhiều chuyện về đảng. Tuy nhiên khi họ nói ra, tuyên bố ra suy nghĩ của mình với người khác, và đặc biệt là tuyên bố từ bỏ cộng sản, đây sẽ là nhân tố cực kỳ quan trọng thúc đẩy hàng triệu đảng viên khác làm theo, đồng thời là áp lực khiến những đảng viên này vượt qua nỗi sợ hãi để lên tiếng, để không còn im mồm thoả hiệp với cộng sản.
Đảng cộng sản trong 88 năm thành lập đến nay là vết nhơ của đất nước. Muốn thay đổi đất nước, chúng ta trước hết phải cùng cam kết với nhau loại bỏ tư tưởng và quyền lực của nó ra khỏi đời sống xã hội. Nếu bạn không phải là đảng viên thì hãy lên tiếng ủng hộ những người dám tuyên bố bỏ đảng.
Tôi không phải là đảng viên cộng sản. Nhưng tôi tuyên bố và cam kết, dù có phải chịu khủng bố, tù đày, thậm chí cả cái chết, nhưng tôi sẽ dùng hết sức lực của mình đến cuối đời để cùng với những người tiến bộ khác loại bỏ chủ nghĩa cộng sản, loại bỏ quyền lực cộng sản ra khỏi Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.