Kiếm sống nơi biên giới phía Nam
TTVN
2018-10-26
2018-10-26
Biên giới phía nam, từ Mộc Bài – Tây Ninh đến Hồng Ngự - Long An, Hà Tiên – Kiên Giang cho đến Tịnh Biên, Châu Đốc – An Giang… Dường như chỉ nghe cụm từ “biên giới phía Nam” đã khiến cho người ta liên tưởng đến một điều gì đó hiu hắt, vắng lặng và đâu đó vẫn còn âm vang dáng điệu của người Việt thuở “mang gươm đi mở cõi”. Và có thể ví những người kiếm sống nơi biên giới, nơi giáp ranh giữa Việt Nam và Campuchia là những thân cò lặn lội. Cho dù đó là những thân cò béo mập, màu mỡ hay những thân cò ốm ó, gầy hom thì vẫn có chút gì đó cô liêu, khó tả.
Làm gì để sống?
Càng xuôi về phương Nam, cảm giác hiu hắt, cô quạnh càng tăng cao. Vùng biên giới Châu Đốc, An Giang, nơi có những xóm nghèo, nhà lợp lá, lợp tôn lưa thưa chừng vài chục mái, đi cả quãng đường dài ven các con sông, con kênh, qua những cánh đồng tưởng như vô tận mới gặp một xóm nhà lưa thưa sống tựa vào nhau. Dường như người dân nơi đây chỉ biết làm ruộng, quanh năm ruộng và ruộng. Người có nhiều đất thì kiếm sống, làm giàu ngay trên thửa đất của mình, người không có ruộng thì đi làm thuê, làm mướn. Những lúc nông nhàn, người ta đi mua thêm một ít hàng bên kia biên giới về bán hoặc đi bán trái cây, bán nước thốt nốt. Thu nhập được chăng hay chớ…
Bà Lê Thị Hoa, bán trái cây ở biên giới Châu Đốc, chia sẻ: “Cũng như mình bán này cũng không đủ, chồng con lo thêm nữa, chứ mình bán ngày chút đỉnh có một trăm mấy ngàn có đủ đâu, con nó cho thêm nữa. Chứ đâu có ăn đủ hằng ngày đâu, không có đất có ruộng nên toàn đi bán thế này để ăn à. Người ta có đất có tiền người ta có ruộng, đi mua ruộng chứ mình không có thì đi buôn bán chứ sao. Người ta hồi đó ông bà cha mẹ để đất đai lại rồi từ từ đó người ta làm ra nhiều chứ mình cha mẹ không có đất cát để lại thì đi buôn bán kiếm sống qua ngày vậy đó.”
Tình trạng không có đất đai mặc dù sống giữa lòng châu thổ rộng mênh mông và trù phú không phải là trình trạng riêng, có tính cá biệt của một vài người mà nghe ra, đây là tình trạng rất chung.
Tình trạng không có đất đai mặc dù sống giữa lòng châu thổ rộng mênh mông và trù phú không phải là trình trạng riêng, có tính cá biệt của một vài người mà nghe ra, đây là tình trạng rất chung. Người có vốn thì đi buôn trái cây, buôn những thứ hàng lặt vặt, người không có vốn thì bơi ghe đi lượm củi trên sông để bán. Cũng may là vùng biên giới không giàu có gì, điều kiện thiếu thốn, không phải ai cũng sắm được bếp gas nên việc mang củi ra chợ bán vẫn còn thịnh hành, người lượm củi trên sông vẫn còn đất sống.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, người lượm củi trên sông Hậu, Châu Đốc, chia sẻ: “Theo lòng sông gặp cây nào lượm cây đó, có thì lượm không có thì thôi. Cả tuần lễ mới được ghe đó chứ có sẵn đâu, đi dòm dòm kiếm. Có ai kêu cạo gió thì người ta năm, ba chục ngàn hoặc hai chục, ba chục ngàn, ví dụ như cạo hai cái giò, từ cẳng xuống thì người ta cho hai chục còn cạo cả người thì người ta cho năm chục, ba chục ngàn, tùy theo người người ta cho, chứ đi làm có gì đâu mà sống nổi, rồi còn nhờ con đắp đổi, đắp đổi, kiếm thêm.”
Bà Tuyết Mai cho biết thêm, bà năm nay 73 tuổi và đã có thâm niên 43 năm lượm củi trên sông Hậu. Ngày xưa củi nhiều hơn bây giờ nên dễ sống, càng về sau, củi càng trởi nên hiếm hoi và sông chảy cũng khác thường vào mùa nước nổi nên việc kiếm củi khó khăn hơn nhiều. Trước đây bà có thể mua gạo cho gia đình nhờ củi nhưng bây giờ thì khó hơn nhiều, bơi ghe vớt cả một tuần dài mới kiếm được chừng 50 ngàn đồng cao lắm là 100 ngàn đồng, đủ mua 5 đến 10 ký gạo loại tệ nhất để nấu cơm.
Ngoài bà Tuyết Mai có có rất nhiều phụ nữ đi lượm củi trên sông. Nhưng trong đó phải nói đến bà Nguyễn Thị Sáu, người có thâm niên 43 năm xuôi theo dòng nước mà lượm củi giống bà Tuyết Mai nhưng lớn hơn bà Tuyết Mai 4 tuổi, năm nay bà Sáu đã 77 tuổi. Bà Sáu chia sẻ: “Không có đủ đi chợ đâu, ngày hai chục, ba chục ngàn, đủ sống qua ngày à. Bữa có hai, ba chuc, hai, ba chục à, có đâu…!”
Tương lai sẽ về đâu?
Cái câu hỏi “làm gì để sống?” nghe ra tưởng chừng như là một sự bịa đặt hoặc tưởng tượng nào đó quá mức đối với người đồng bằng, thậm chí đối với người miền núi, câu hỏi “làm gì để sống?” cũng nghe ra có vẻ lạc hậu, bởi thế kỉ 21 này không phải là thế kỉ để người ta rị mọ kiếm từng hạt thóc cầm hơi. Đặc biệt, giữa vùng châu thổ phì nhiều như đồng bằng Sông Cửu Long, việc đặt ra câu hỏi này lại thêm phần kì quặc. Nhưng đó là sự thật, và dường như càng đi sâu vào những xóm vắng nơi biên giới, càng tiếp xúc với những con người nghèo khổ, có phần đói rách đang sống giữa vựa lúa miền Nam, cái cảm thức về sự trống rỗng, bất định của đời sống càng tăng cao.
Một người làm thợ hồ, tên Thái Văn Xuyên, chia sẻ: “Một ngày làm được 170 ngàn, 180 ngàn nhưng bữa được bữa mất chứ có phải đi làm được miết đâu, khi trời mưa mình đâu có đi làm được đâu. Hà tiện lắm thì ăn uống, chi tiêu trong nhà cũng phải 100 ngàn. Thì mình nghèo khổ, làm mướn đâu có tiền đâu mà mua đất. Đất giờ 2m, 4m ngang cũng 100, 200 triệu, mình tiền đâu mà mua, thì bắt buộc mình phải ăn nhờ, ở đậu.”
Ông Xuyên cho biết thêm là sau 43 năm, kể từ khi đất nước thống nhất hai miền, dường như đời sống có phát triển hơn nhiều nhưng nó chỉ phát triển đối với giới quan chức, với những gia đình có gốc gác, có thế lực, có đất đai nhiều… Chứ với những người lao động quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời như ông thì đất nước vẫn cứ tay làm hàm nhai, vẫn cứ chiều chiều ngà ngà say sau một ngày cật lực. Và cho đến cái tuổi 55, ông vẫn không có mảnh đất cắm dùi mặc dù đã nỗ lực hết sức. Ông và vợ con đang sống tạm trong một căn lều tạm bên cạnh khu mộ của một tộc trưởng nơi đây.
Không riêng gì ông Xuyên mà hầu hết người lao động ở vùng biên giới nói riêng và các vùng quê châu thổ Sông Cửu Long nói chung đều có đời sống trầm trầm quanh năm suốt tháng. Có lẽ nhờ vậy mà cái Tết ở vùng quê châu thổ còn rất ấm áp, ý vị. Bởi người ta dành cả năm cho việc ăn Tết, cả một năm dài hội tụ mồ hôi, tiền bạc, sự chờ đợi để đón ông bà, tổ tiên về cùng chứng giám, cùng hưởng thụ với con cháu ba ngày đầu năm, rồi lại cách xa biền biệt, lại thê thiết với đồng không mông quạnh, lại bươn bả với sình lầy hay phố thị ngược xuôi.
Có thể nói rằng đời sống của người dân vùng biên giới Châu Đốc, Tịnh Biên còn quá lạc hậu so với những vùng quê khác. Nhịp điệu sống của họ luôn khiến cho người mục kích sở thị mang một ảo giác nào đó về những vùng đất mới khai phá, thiếu vắng dấu chân văn minh nhân loại. Nhưng họ phải sống, sống trong sự cố gắng, khắc khoải và chẳng biết tương lai sẽ về đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.