Ai đang lợi dụng chức vụ, quyền hạn?
3-7-2018
Trưởng thôn Bùi Hữu Tuân (trú tại thôn Đạo Ngạn, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) tự thiêu để phản đối bản án 3 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” đã đặt ra một câu hỏi về bản chất của thực thi công quyền: Ai mới có quyền trao cho Trưởng thôn chức vụ, quyền hạn và cho phép họ thi hành công vụ???
Trước hết phải khẳng định rằng, Thôn (ở miền Bắc) hay Ấp (ở miền Nam) không phải là một cấp quản lý hành chính nhà nước. Thôn (Ấp) chỉ là một tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư địa phương do các cơ quan hành chính nhà nước tự ý thành lập và trao cho Trưởng thôn chức vụ, quyền hạn để tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước ở cấp cơ sở địa phương mà không dựa vào bất kỳ quy định nào của Hiến Pháp và Luật.
Hiện nay cơ sở để Thôn được thành lập và hoạt động dựa vào Thông tư số 04/2012/TT-BNV của Bộ Nội Vụ ban hành vào năm 2012. Bản thân Thông tư này khi được ban hành cũng không thể dẫn chiếu đến bất kỳ căn cứ nào của Luật và Hiến Pháp, mà cũng chỉ căn cứ vào các văn bản quản lý hành chính khác.
Tình trạng này đã phản ánh về sự tuỳ tiện mang tính hệ thống của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước Việt Nam, đó là: lập ra các tổ chức “chân rết” không được Hiến Pháp và Luật công nhận và trao cho họ thẩm quyền tham gia quản lý xã hội.
Việc trao quyền và giới hạn quyền lực cho các tổ chức hay cá nhân trong hoạt động quản lý nhà nước chỉ được phép ấn định bằng Hiến Pháp và Luật do Quốc Hội ban hành. Nằm ngoài khuôn khổ này là tình trạng vô pháp.
Hiến pháp và Luật không trao nhiệm vụ và quyền hạn cho Trưởng thôn trong hoạt động quản lý nhà nước, không công nhận Trưởng thôn là một công chức thì đương nhiên không thể kết án ông Bùi Hữu Tân phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Người phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” trong vụ việc này không ai khác chính là những người đã thành lập ra chức vụ Trưởng thôn và giao cho Trưởng thôn quyền hạn để tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước khi Hiến pháp và Luật không cho phép.
Việc dẫn chiếu đến các văn bản dưới luật, do các cơ quan hành chính nhà nước ban hành để công nhận chức vụ và quyền hạn của Trưởng thôn là sự biện minh thô thiển nhằm bao che cho hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” của cả một hệ thống cơ quan hành chính ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.