Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

Chính trị nội bộ đảng qua trường hợp Trương Minh Tuấn


Chính trị nội bộ đảng qua trường hợp Trương Minh Tuấn

Nguyễn Anh Tuấn
27-7-2018
Trong chế độ một đảng, không phải lá phiếu cử tri mà kỷ luật đảng mới là thứ quyết định sinh mệnh chính trị của chính khách.
Việt Nam là một trường hợp như thế, nơi mà đảng cộng sản cầm quyền trừng phạt đảng viên của họ theo 4 mức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.
Trong 4 bước này, từ mức cảnh cáo đến cách chức là một sự thay đổi quan trọng, vậy nên, thuộc thẩm quyền của các cấp ủy đảng khác nhau. Chẳng hạn, theo Điều lệ đảng cộng sản, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có quyền cảnh cáo Uỷ viên Trung ương Đảng nhưng cách chức trở lên thì cần sự chuẩn thuận của Ban Chấp hành Trung ương.
Đã từng có một thời gian dài hiếm khi đảng cộng sản dùng mức kỷ luật cách chức đối với cán bộ vi phạm của họ, nhất là với cán bộ cấp cao. Những trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng thường được cho nghỉ bằng hình thức ‘thôi giữ chức’.
Tuy nhiên, thực tiễn ‘giơ cao đánh khẽ’ này thường xuyên bị các cấp ủy đảng lạm dụng để bảo vệ cán bộ sai phạm, nên không khỏi gây hoài nghi trong dư luận về quyết tâm trừng trị sai phạm của đảng cầm quyền.
Có lẽ bởi thế nên từ Quy định 181 năm 2013 đến Quy định 102 năm 2017 về xử lý kỷ luật đảng viên đều quy định rằng nếu đảng viên ‘vi phạm tới mức cách chức thì cần phải cách chức, không cho thôi giữ chức’.
Thế nhưng có vẻ như vẫn còn khoảng cách từ nghị quyết đảng đến thực tiễn cuộc sống, thể hiện qua trường hợp kỷ luật Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn mới đây.
Hình thức kỷ luật chính thức mà Trương Minh Tuấn phải chịu là cảnh cáo, cho thôi giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng của Bộ. Chiếu theo Quy định 102 hiện hành có thể đặt ra câu hỏi là sai phạm của Trương Minh Tuấn đã tới mức cách chức chưa? Nếu chưa thì vì sao lại ‘cho thôi giữ chức’? Còn nếu đã tới mức đó thì sao không cách chức theo đúng tinh thần chỉ đạo của Quy định 102?
Hay Bộ Chính trị lo lắng rằng lúc đưa ra Ban Chấp hành Trung ương sẽ không có đủ số phiếu kỷ luật cách chức đối với Trương Minh Tuấn như cái dớp đồng chí X năm nào? Và rồi số phận Trương Minh Tuấn liệu có giống Đinh La Thăng không khi mà Bộ Chính trị có thể đi đường vòng, không cần thông qua Ban Chấp hành Trung ương, mà dùng công cụ đình chỉ sinh hoạt đảng để khởi tố, kết án rồi dựa vào đó buộc Trung ương phải khai từ theo Điều lệ đảng? [Dù rằng việc Bộ Chính trị đình chỉ sinh hoạt đảng một Ủy viên Trung ương là trái thẩm quyền theo Quy định 30 năm 2016]
Với tầm quan trọng của kỷ luật đảng trong thể chế chính trị hiện hành, việc công cụ này đang được sử dụng như thế nào có thể thành thang đo đáng tin cậy đối với thời tiết chính trị Ba Đình. Theo đó, có thể nói từ sau Đại hội 12, Bộ Chính trị đang từng bước khuynh loát Ban Chấp hành Trung ương để có tiếng nói quyết định đối với sinh mệnh chính trị của cán bộ cấp cao, nhờ vào hàng loạt các quy chế được sửa đổi theo hướng tập trung quyền lực, kèm theo đó là việc Bộ Chính trị vận dụng linh hoạt  – đôi khi tới mức vi phạm – các quy chế mà họ chưa thể sửa được vì còn vướng khuôn khổ mà Điều lệ đảng đặt ra.
Tuy nhiên, chính việc buộc phải đi đường vòng không qua Ban Chấp hành Trung ương một khi muốn chấm dứt sinh mệnh chính trị của cán bộ cấp Ủy viên Trung ương trở lên, Bộ Chính trị cho thấy họ vẫn chưa tự tin hoàn toàn đã kiểm soát toàn diện Ban Chấp hành Trung ương theo kiểu cấp trên-cấp dưới. Nghĩa là, mặc dù xu hướng tập quyền đã tăng lên đáng kể từ sau Đại hội 12, mức độ tập quyền của chính trị nội bộ Việt Nam vẫn còn khoảng cách đáng kể so với Trung Quốc, và bởi thế, mối quan hệ Bộ Chính trị-Ban Chấp hành Trung ương vẫn là một trong những chủ đề phức tạp nhất của chính trị đương đại Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.