Chuyện bây giờ mới kể: Thương Tuấn nhưng cũng phải trách Tuấn
24-7-2018
Với tôi, Trương Minh Tuấn không thân nhưng cũng không sơ. Anh biết tôi còn trước cả khi tôi biết anh ấy.
Có một lần cách nay vài năm. Trương Minh Tuấn đến báo Thanh niên chúng tôi tại Hà Nội nói chuyện chuyên đề về tình hình biển Đông. Lúc chia tay anh em ra về, Tuấn qua bắt tay tôi, thái độ chân tình rồi anh tự giới thiệu:
Anh Quốc Phong thì không biết em, tuy em cũng đã đến trụ sở này nhiều. Em từng ngủ và nhậu ở trụ sở 218 Tây Sơn, ngay trên gác xép của phòng anh làm việc. Em đã ở lại đó coi đá banh với Nguyễn Thế Thịnh và anh em của báo khi anh Thịnh ở trong Quảng Bình ra nhận công tác…
Nghe vậy thì biết vậy nhưng quả là tôi cũng không nhớ. Nhưng tôi cũng có biết anh kể từ khi Tuấn lên làm vụ trưởng – giám đốc Trung tâm thông tin Ban Tuyên giáo Trung ương chứ cũng không phải là không biết anh.
Khi Tuấn đảm trách cương vị Thứ trưởng bộ Thông tin Truyền thông rồi làm Bộ trưởng, tôi cũng cảm nhận Tuấn là con người mạnh mẽ, thông minh, nói là làm và làm thì cũng hơi mạnh tay. Vì thế, đôi khi anh em trong làng báo cũng có nhiều tâm trạng khác nhau, người khen cũng có mà người chê cũng có. Kể cũng khó nói.
Thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, tôi đã nghe đồng nghiệp ì xèo từ đầu năm 2016. Không hiểu sao báo chí cứ lạnh tanh, không một báo chính thống nào dám lên tiếng mà chỉ có mạng xã hội. “AnhBaSam” là một trong những kênh thông tin dạng này tương đối kỹ.
Sau này, khi vụ việc vỡ lở thì hoá ra, kịch bản mua bán này dàn dựng khá cao tay. Bộ CA trả lời hay hướng dẫn dù chỉ là một chuyện mua bán cổ phần của doanh nghiệp đơn thuần mà họ cũng đóng dấu “Mật” thì quả là có các thêm vàng cũng chả có báo lề phải nào liều xông vào mà bới ra.
Ngày đó, tôi cũng có biết, khi lãnh đạo Mobifone cử một trưởng phòng chuyên môn thẩm định giá và cho biết quan điểm của mình. Anh này đã mạnh dạn khuyến cáo rằng không nên mua. Còn nếu buộc phải mua vì ai đó thì theo anh, cũng không nên mua quá cái giá 100 triệu đô la.
Không hiểu sao sau cái nhận xét trung thực đó, anh ấy không còn được ở cương vị lãnh đạo phòng này nữa mà phải chuyển sang nơi khác. Và sau đó nó được người ta thổi lên gấp 4 lần, giá 390 triệu đô la thì kinh khủng quá!
Bây giờ thì chúng ta đều biết cái kịch bản mua 95% cổ phần của AVG của Mobifone do bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo có lớp lang, bài bản và khá hoàn hảo và buộc bộ phải làm thật nhanh, trước Đại hội Đảng 12 nếu không muốn nhận thất bại.
Có lần, tôi hỏi một cựu uỷ viên trung ương, có chuyên môn về lĩnh vực này rằng Trương Minh Tuấn đâu có phụ trách mảng doanh nghiệp viễn thông, tại sao anh ấy lại phải ký chuyện này. Ông cười rồi nói với tôi rằng tại vì Tuấn đang được nhắm vào vị trí bộ trưởng cho nên cũng dễ phải cuốn theo chiều gió thôi.
Tôi đi hỏi bạn tôi, anh Trần Đức Lai, một người bạn đồng ngũ với tôi cách đây 40 năm, khi chúng tôi cùng tốt nghiệp đại học rồi đi nghĩa vụ quân sự. Anh từng là một diễn viên múa nghiệp dư rất tài của sinh viên ĐHBK Hà Nội, mặt thì tươi ngời ngời. Nên khi đi nghĩa vụ, anh là thành viên đội Tuyên Văn tiểu đoàn 5 và tham gia hội diễn văn nghệ Trung đoàn 104, sư 433, Quân khu 3 cùng tôi. Anh cũng có lần cùng tôi đi bộ suốt 2 chục cây số về Hà Nội khi đơn vị thưởng phép sau hội diễn nọ nên cũng có nhiều kỷ niệm trong đời lính.
Anh nguyên là thứ trưởng bộ Thông tin Truyền thông, một người vốn phụ trách đúng cái mảng có doanh nghiệp AVG này của bộ. Anh Trần Đức Lai, cũng cười rõ hồn nhiên rồi cũng không nhịn nổi nỗi mừng mà bảo rằng, cũng là cái may cho anh vì bác Nguyễn Bắc Son với anh lại không cùng cạ cho nên đã để tôi ngoài cuộc chơi này. Cũng vì không được tham khảo ý kiến của người được bộ trưởng giao theo dõi, quản lý cho nên tôi lại hoá may không dính vào. Ông Trương Minh Tuấn đã được bác ấy ưu ái nên mới ký thay dù không phụ trách mảng kinh doanh.
Tôi hỏi: Thế tại sao Tuấn không liên quan mà phải ký, có phải vì Tuấn đang cần phiếu ông Son tiến cử thay mình làm bộ trưởng nhiệm kỳ sau không?
Trần Đức Lai không trả lời thẳng câu tôi hỏi mà nói vui: Cái này ông phải đi hỏi các vị đó thì mới chính xác ai cần ai?
Nhưng thế thì cũng mừng cho Trần Đức Lai, bạn trong quân ngũ của tôi.
Nếu mình mà ở vị thế của Trương Minh Tuấn thì mới thấy cái thế kẹt, không ký cũng không được khi bộ trưởng đã phê duyệt và uỷ quyền cho mình ký.
Còn ở phía sau đó, tại sao anh không từ chối thì thật khó nói vì mình cũng dễ suy đoán chứ đâu mục kích vấn đề.
Thương Tuấn cũng là thế, nhưng Tuấn cũng đáng trách chính ở chỗ này. Nếu anh cự tuyệt, nói rằng mảng này tôi không thạo chuyên môn, tôi không thể nắm được, đề nghị bộ trưởng tìm người am tường xem lại cho đúng thì đâu đến nỗi anh bị kỷ luật như bây giờ.
Chỉ có điều, nếu anh mà cự tuyệt như thế, chắc cái ghế bộ trưởng cũng không còn là của anh vì nhân vật số 1 của Chính phủ ngày ấy cũng sẽ không chấm anh nữa. Trong khi đó, nếu làm bộ trưởng thì sẽ rất khác, dễ gì mà từ chối!
Cuộc chơi chính trị là như thế. Không ai cho không ai cái gì!
+ Chuyện cũ muốn nhắc lại để nói chuyện nay:
Trong dòng tộc nhà tôi ở Hành Thiện, Nam Định có một ông quan tri phủ nổi tiếng về nhân cách. Cụ là Nguyễn Ngọc Liên, đậu tam giáp tiến sĩ nên có tên gọi là cụ Nghè Liên. Cụ là em trai của người mà ông nội tôi gọi bằng ông nội. Cụ Nghè Liên cũng chính là con rể của cụ Tôn Thất Thuyết, vị tể tướng nổi tiếng về tinh thần chống Pháp kiên cường.
Khi cụ Nghè Liên làm tri phủ Nam Sách, Hải Dương, ai cũng khen cụ là vị quan thanh liêm, chính trực và đạo đức. Tính cụ lại khẳng khái đến lạ lùng khiến người trong vùng hết sức kính trọng. Cũng vì cái tính đó mà xảy ra cơ sự.
Năm 1892, khi quan Toàn quyền Pháp về Hải Dương công cán. Khi mọi vị quan khác đều quỳ xuống lạy viên toàn quyền thì chỉ mình cụ Nghè Liên vẫn đứng yên không chịu quỳ. Sau bữa đó, cụ bị huyền chức vì “can tội bất bái toàn quyền”.
Sau 2 năm, cụ được phục chức, vời ra làm quan nơi khác thì cụ xin cáo quan để ở nhà mở trường dạy học, không màng đến sự đời.
Cũng chuyện ruột thịt trong nhà tôi. Lại có một cụ khác, đó là cụ thân sinh ra bà nội tôi. Cụ là cử nhân Đặng Vũ Trợ, tri phủ Nho Quan, Ninh Bình. Cả đời cụ làm quan ở nhiều địa phương mà luôn giữ đức thanh liêm và có tiếng ở các vùng đất này.
Cũng nhờ đức tính ấy mà khi về hưu, cụ được làng mời ra là tiên chỉ của làng Hành Thiện, cái ngôi làng có đến cả trăm vị quan đương chức ở khắp mọi miền đất nước. Điều đó thật không dễ để được tín nhiệm bầu chọn như thế.
Bà nội tôi tuy mới có mươi tuổi đầu mà đã phải theo cha đi sang huyện Nho Quan để phục vụ cha chuyện cơm, nước, giặt giũ vì cụ không muốn thuê người hầu. Bà tôi kể rằng sau một “nhiệm kỳ” cụ làm tri phủ ở Nho Quan (ở đây quen gọi thân mật là cụ Phủ Nho), khi đi, hai cha con có cái gánh kiểu như 2 cái chạn ở 2 đầu, trong để quần áo, đồ dùng cá nhân của hai cha con. Mang đi thế nào thì lúc về vẫn cứ vậy, chẳng nặng thêm.
Chả vậy mà khi cụ Phủ bà của tôi mất tại Hải Phòng vào cuối những năm 56-57, vét cả trong tay nải của cụ ở đầu giường, số vàng tích cóp 5 lượng bán không ai mua và cũng không đủ làm đám tang cho cụ dù cụ ông đã làm tri phủ đến mấy huyện ở vài tỉnh miền Bắc mà vẫn cực như thế…
Ngày xưa, quan nào mà thanh liêm, khi họ cáo quan về nhà lòng thường rất nhẹ tựa lông hồng, không như bây giờ vì họ chỉ sống bằng lương của triều đình. Còn ông quan nào mà tham lam, tàn bạo thì họ mới tiếc hùi hụi khi mãn nhiệm mà thôi…
Nhiều khi nghĩ mà thấy làm quan thời bây giờ lại hoá ra việc từ quan thật khó khăn ngàn lần. Nó không như ngày xưa, thế mới lạ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.