Hãy trả lại Hà Giang nguyên vẹn cho thanh danh của tôi!
29-7-2018
Đầu tháng 8/2018, vài hôm nữa, lớp huấn luyện khởi nghiệp mà Trung tâm BSA tổ chức cho các bạn trẻ cùng cao phía Bắc sẽ khởi động lại. Tháng trước ngày 25/6, tôi viết trên FB: LŨ LỚN, SẠT LỠ ĐẤT Ở HÀ GIANG… với câu đầu tiên: Nửa đêm, thức dậy, tôi đọc được đoạn email khẩn này: “Tình hình Hà Giang đang có lũ lớn, cần quyết định ngay có tạm dừng tổ chức lớp Sáng tạo khởi nghiệp của chúng ta”.
Đó là ngày mà gần 70 ha cây cối, hoa màu, lúa, ngô tại các huyện Quản Bạ, TP Hà Giang, Bắc Mê bị ngập úng. Quốc lộ 4C đoạn cây số 60 đã bị vùi lấp đất một số đoạn gây tắc đường… Tỉnh lộ địa phận xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ sạt lở…
Hơn một tháng trời lớp học này sắp bắt đầu lại. Chờ mong nhất là những chàng trai cô gái dân tộc đang cùng nhau khởi nghiệp tìm sinh kế lâu dài cho miền đất khó, quê hương mình. Chắc chắn sẽ có mặt chàng Lý Giàng, chủ nhiệm HTX và chủ cửa hàng phân phối các sản phẩm của đồng bào dân tộc ở cổng trời Quản Bạ.
Bạn cứ đến điểm dừng chân được ưa thích ở cổng trời Quản Bạ là gặp ông chủ trẻ Lý Giàng. Giàng kể: Thấy các anh chị trong thôn tham gia Hợp tác xã (HTX) cộng đồng Nậm Đăm, chuyên trồng, chế biến một số loại dược liệu, có thu nhập khá ổn định nên học xong cấp 3, tôi cũng gia nhập HTX. Rồi HTX đẩy mạnh khâu quảng bá sản phẩm, và năm 2017, tôi thành lập Công ty Cổ phần Thảo dược Cao nguyên lo bán sản phẩm của 5 HTX dược liệu với 200 SP.
Cùng với Lý Giàng là nhiều rất nhiều bạn trẻ người dân tộc đang theo đại học Y Hà Nội, quyết tâm đưa nguồn dược thảo núi rừng quê mình thành các món thuốc quí chữa bệnh tốt cho người Việt, học trò của Tiến sĩ Trần văn Ơn, người miệt mài cả đời với phát triển tài nguyên bản địa ứng dụng khoa học làm thành giá trị gia tăng cho sản vật núi rừng.
Giàng và Má A Nủ, thầy Ơn và nhiều rất nhiều những bạn trẻ Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai…là những tia nắng vui, xoa dịu nỗi đau ghê gớm trong tôi gần đây về Hà Giang. Chỉ mấy tuần gần đây, người ta cứ gọi Hà Giang là HÀ GIAN vì nó vừa bị những kẻ vô lương thẳng tay xả những nhát chém tàn bạo đến gần nát mặt Hà Giang mấy tuần vừa rồi.
Triệu Tài Vinh, ông bí thư cả họ làm quan mới than “rất buồn vì con ông bị sửa điểm” cố thành ngoại phạm với nghi án hình sự sửa điểm thi thành cao ngất trời đến nỗi đành phải bị lộ sớm (hơn các nơi) vì quá tham và 8 năm trước, ông Hiệu trưởng “Hầm Nứt Xương” mua dâm học trò, vẫn còn “lưu xú” lâu dài với lời khai đặc biệt (nhắc còn sợ dơ miệng lây) là sẵn sàng tụt quần trước tòa chứng minh mình… bất lực!
Trời, mấy cái ông quan cũng người dân tộc này, tổ chức thi mà cũng tới Bộ Công An vào điều tra, làm Hiệu Trưởng mà cũng phải ra tòa tội mua dâm học trò, quá tởm, họ không ngại làm ô uế thanh danh Hà Giang. Hà Giang của bạn, Hà Giang của tôi, của mọi người Việt.
Tôi tin là mỗi người Việt đều có cho riêng mình một Hà Giang. Nghĩa trang Vị Xuyên. Hoa tam giác mạch. Cao nguyên đá Đồng Văn. Cổng trời Quản Bạ. Và còn nhiều nữa…
Suốt 10 ngày đọc những bài viết phẫn uất trên face, tôi thương Hà Giang đứt ruột. Trong lòng cứ dấy lên một lời xin lỗi. Xin lỗi Hà Giang. Xin lỗi nghĩa trang Vị Xuyên, nghĩa trang mênh mông như một thành phố , anh hùng nhưng thê lương, với 1746 nấm mộ, của những chàng trai trẻ hi sinh giữ yên bờ cõi với lời thề “Sống với đá, chết hóa đá, thành bất tử”, những mái nhà nhỏ xíu màu xám lạnh san sát không nóc thường lạnh khói nhang của gần 2000 con người, trong đó có tới 264 liệt sĩ có xương cốt mà còn… chưa biết tên. Đó là nơi mà đạn pháo tàn khốc quân xâm lược điên cuồng dội xuống, bạt núi san đồi biến Hà Giang thành “lò vôi thế kỷ” .
Đó là cao nguyên đá đẹp dị thường thiên nhiên ban tặng với cổng trời sừng sững… Đó là những cánh đồng hoa tam giác mạch thơ mộng tuyệt trần mà nhiều bạn trẻ ở phường 11 Đà Lạt đã mang về vùng đất cao nguyên mát dịu Lâm Đồng trồng thành công. Họ rủ tôi đi thăm cánh đồng tam giác mạch Hà Giang giờ đã về với Lâm Đồng mà nét đẹp của Hà Giang vẫn ngời ngời…
Mười mấy tướng Công An và cả quân đội chuẩn bị ra tòa, tôi thèm có một lần nào đó, đem những kẻ chức trọng quyền cao này, những kẻ “ăn cướp của dân không từ một thứ gì” đó, ra giữ nghĩa trang Vị Xuyên trong một năm, ngày ngày đi lau mộ thắp hương và đọc lại từng trang đẫm máu về cuộc chiến đấu anh hùng của liệt sĩ đang nằm dưới mộ, liệu có hồi sinh được chút nào lương tâm họ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.