Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

Lời kêu cứu muộn màng


Lời kêu cứu muộn màng

22-7-2018
Tôi lại tắt thiết bị di động để quay lại một ngôi làng ung thư, vào đúng lúc trời mưa to, nhận thấy không an toàn nên tôi đã quay lại.
Buổi tối, vẫn còn đang mưa, tôi còn đang di chuyển, giữa những ánh đèn hiu hắt, con đường Việt Nam tưởng như nhẵn thín, phẳng lì, nhưng thực ra nó đã được lấp đầy bởi nước mưa, nước mưa lấp đầy các ổ gà, ổ chó, nó khiến cho người ta liên tưởng đó là đường thật, nhưng thực ra, nó đã được lấp đầy bởi cơ chế độc tài, bởi các nhóm lợi ích, thuế dân đen, phí BOT cùng hàng trăm ngàn những khoản thuế phí khác.
May là lúc té không có xe tải nào đi cạnh, tôi đứng dậy và ra về trong niềm vui sướng. Nhưng mới về đến nhà, vừa bật điện thoại lên thì đã đọc được tin nhắn cô bạn gái đòi chia tay, vì nghi ngờ tôi tắt máy để đi chơi với một cô gái khác.
Không, tôi có một nguyên tắc trong cuộc sống, đó là khi đã xác định hẹn họ với cô này, tôi không bao giờ dành thời gian cho cô khác, thời gian gặp gỡ bà con dân oan, viết bài khơi gợi lòng trắc ẩn cho chúng sinh còn thiếu, thì thời gian, nhân cách đâu mà đi bắt cá, thật vớ vẩn!
Cũng không hiểu sao dạo này có khá nhiều nhân sĩ, trí thức nhận xét mình là nhà báo trẻ tuổi nhưng có tâm, có tầm nhất Việt Nam, có người còn chúc mừng tôi vì đã quay trở về với nhân dân.
Không, vì nhân dân nên tôi đã nhiều lần nhảy hết tòa soạn này đến tòa soạn khác, có vài lần chấp nhận bị chết, bị trả thù vì bênh vực họ, nên tôi chưa đi thì cũng đừng có chúc tôi quay lại!
Tôi cũng không nhận mình là nhà báo nhà văn gì cả, tôi chỉ là một kẻ lang thang, nay đây mai đó, đôi khi vì bức xúc, tôi muốn cất lên vài tiếng nói nhỏ bé bênh vực những người yếu thế, chứ tôi không là ai cả, không là gì cả.
Với cơ chế hiện nay, tôi cũng hy vọng rằng bà con đừng trông chờ vào bất kỳ cơ quan báo đài, vào bất kỳ người hùng nào, mọi thứ vẫn chủ yếu phụ thuộc vào sự đoàn kết, nhận thức cũng như sự mưu trí của bà con.
Cũng đừng nên trách tôi khi tôi chưa giúp được nhiều cho bà con, bởi khi bị mất quyền lợi thì bà con mới lên tiếng, còn tôi, đã từ lâu, tôi đã đồng hành với rất nhiều thân phận, nhiều ngôi làng trong cái đất nước này rồi, và để đảm bảo mạng sống, để đi đường dài, tôi cũng phải có lúc ở ẩn.
Trước khi cho ra mắt bộ phim tiếp theo, tôi xin phép được xuất bản bộ phim này trước, về những thân phận tôi mới tiếp xúc, với niềm thương xót vô tận dành cho người đã chết, như người đàn ông tự thiêu Bùi Hữu Tuân, con trai phóng viên Tuyết Vân, phóng viên Hải Đường…
Ngay cạnh nhà trưởng thôn tự thiêu Bùi Hữu Tuân cũng có một trường hợp thương tâm không kém, đó là việc bạn trẻ Trương Hữu Thương bị tai nạn, nghi can Nguyễn Văn Quảng đánh xe rời khỏi hiện trường nhưng chỉ bị phạt hành chính vài trăm ngàn đồng, công an về dựng lại hiện trường nhưng lấy lý do là dân làng hiếu kỳ kéo ra xem đông quá, họ báo hủy và cho đến nay, sau một năm họ vẫn không quay lại, cũng không khám nghiệm tử thi gì cả, cuối cùng, họ kết luận lỗi hoàn toàn thuộc về người đã khuất.
Trong phim cũng có đoạn nguyên chủ tịch huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk khẳng định giám đốc vườn quốc gia Yok Đôn chính là lâm tặc, mà tôi đã “đóng vai”, đến nhà chú ấy quay lại được.
Cuối cùng, tôi xin phép gửi lời thương xót vô tận dành tặng các bạn dư luận viên cùng tất cả những người con thiếu học, thiếu chiều sâu, vô cảm trong cái đất nước này, nếu nhìn kỹ, không cần đợi đến tương lai, bản thân các bạn và gia đình các bạn cũng đang là nạn nhân, nạn nhân của một học thuyết không tưởng, nạn nhân của những vấn nạn vô phương cứu chữa. Tôi chỉ sợ cho đến một ngày, gia đình các bạn từ những gia đình quan chức trở thành các gia đình dân oan, chỉ khi đứng cận kề giữa sự sống và cái chết, các bạn mới đưa tay lên cho người khác cứu, nhưng khi đó đã quá muộn rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.