Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

Bài học mang tên Tito

Bài học mang tên Tito

23-7-2018
Serbia – đất nước giàu có với những đồng bằng phì nhiêu, ngút tầm mắt, với người dân sùng đạo và thông minh nhưng vì lẽ gì suốt 2.000 năm lập nước lại xảy ra 115 cuộc chiến tranh và thành phố Belgrade, thành phố vào loại cổ nhất châu Âu án ngữ, nơi gặp nhau của sông Danube và Savara lại 44 lần bị huỷ diệt?
Liên bang Nam Tư với Serbia là nòng cốt một thời nổi lên là nước cộng sản hùng mạnh độc lập với Liên Xô vì sao ngày hôm nay lại tan rã và Serbia tụt lại phía sau của một châu Âu mới và thịnh vượng?
Câu hỏi trước gã không thể trả lời.
Gã chỉ cố gắng mon men câu trả lời câu hỏi thứ hai khi tìm hiểu về lãnh tụ – ông vua Nam Tư: Josip Broz Tito
Cộng sản Nam Tư dưới sự lãnh đạo của Tito đã tự lực chống phát xít Đức và tự mình giải phóng đất nước không cần quân đội Liên Xô và đồng minh phương tây. Đây là đất nước duy nhất tự giải phóng với chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích anh hùng.
Niềm tự hào về điều này phải chăng đã dẫn Nam Tư muốn xây dựng đất nước theo kiểu của mình?
Stalin không chấp nhận một đất nước do cộng sản lãnh đạo, đi theo đường lối XHCN lại không thuần phục mình. Tito bất chấp mọi đe doạ của Stalin, ông viết thư cho Stalin:
”Đồng chí đã 5 lần cho người ám sát tôi nhưng nếu cần, tôi chỉ cần một lần cho người của tôi đến Matxcova và chắc chắn không cần đến lần thứ hai đâu”.
Tito tuyên bố xây dựng XHCN theo kiểu của mình. Ông cho phép kinh tế tự quản, cho phép người nước ngoài đến Nam Tư không cần visa, nới lỏng tự do tôn giáo và ngôn luận.
Gã nhớ một thời ở miền bắc XHCN, Đảng cộng sản VN coi mô hình Nam Tư là xét lại phản động. Cứ ai có ý muốn kinh tế tự quản, mở cửa, tự do ngôn luận liền bị lên án: muốn theo bọn xét lại phản động Nam Tư à?
Nam Tư mở cửa ra thế giới, nữ hoàng Anh, tổng thống Mỹ tới thăm Nam Tư, nhưng Nam Tư không phụ thuộc bất cứ ai, Tito không muốn quỵ luỵ ai, ông là người khởi xướng Phong trào Không liên kết với 77 nước thành viên. Tito được bầu là lãnh đạo phong trào.
Nhưng vì sao Nam Tư vào thập niên 70 bị chững lại? Để rồi, sau cái chết của ông, Nam Tư tan rã.
Tito lên đỉnh vinh quang đã coi mình là vua. Ông đã buộc Hiến pháp cho phép ông là tổng thống suốt đời cùng sự lãnh đạo vĩnh viễn của đảng cộng sản do ông đứng đầu. Tito phê phán Stalin với tệ sùng bái cá nhân, nhưng rồi cầm quyền quá lâu, ông đã không thể tự mình từ bỏ sự tôn vinh hào quang lãnh tụ của chính mình.
Chính vì coi mình là vua, ý mình là ý vua, ông đã bỏ lỡ tất cả các cơ hội mà chính ông lúc đầu tạo ra: mở cửa, kinh tế tự chủ, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận để hoà nhập vào thế giới các nước văn minh. Ông mở nhưng không tất cả. Nửa vời. Nhưng ông lại nhất quán với tham vọng đưa Nam Tư là nước cộng sản xây dựng thiên đường cộng sản đúng nghĩa, cùng với tham vọng là lãnh tụ của thé giới.
Tito khi tự cho mình là vua là thống chế mặc dù làm khác Liên Xô, ông ủng hộ Tiệp Khắc ly khai khỏi Liên Xô nhưng ông lại thẳng tay đàn áp những ai chống mình, ông lại thẳng tay đàn áp cuộc nổi dậy của dân Croatia đòi tách khỏi Nam Tư.
Ông tuyên bố: bao giờ sông Sava chảy ngược Croatia mới độc lập.
Và Nam Tư tan rã.
Và nếu còn sống đến ngày hôm nay chắc ông sẽ tức ộc máu khi đội bóng đá Croatia đem lại vinh quang thế nào cho đất nước Croatia tự do và độc lập.
Quy luật: cuộc sống luôn vận động và thay đổi, anh hùng của quá khứ có thể là tội đồ của hôm nay nếu gom sự anh hùng ấy và biến nó thành ngai vàng của độc tài.
Di hại của Tito cuối đời vẫn là cái bóng đè lên đất nước Serbia nòng cốt của Nam Tư, hôm nay.
Một số hình ảnh từ Facebooker Lưu Trọng Văn:
Lãnh tụ Tito và Khruschev. Ảnh trên mạng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.