Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

Từ BOT Cai Lậy, hiểu về ‘cánh tài xế’. Họ là ai?

Từ BOT Cai Lậy, hiểu về ‘cánh tài xế’. Họ là ai?

Cát Linh, RFA
2017-12-01
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
Các tài xế và người dân tập trung ở BOT Cai Lậy ngày 1 tháng 12.
Các tài xế và người dân tập trung ở BOT Cai Lậy ngày 1 tháng 12.
Vietnamnet
Câu chuyện trạm thu phí BOT và việc tài xế dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm càng trở nên sống động hơn và thu hút sự quan tâm của người dân trong nước nhiều hơn. Đặc biệt là hình thức họ bày tỏ sự phản đối việc thu phí ở các trạm BOT. Sự phản đối ở BOT Cai Lậy đã chứng tỏ mức độ ngày càng “đa dạng” hơn khi họ thay đổi “chiến thuật” trả tiền chẵn và chờ thối tiền lẻ.
Dư luận trong nước gọi đó là “mẫu mực về đấu tranh dân sự”.
"Cánh tài xế", họ là ai?

Hiểu pháp luật

Chiều tối ngày 1 tháng 12, từ Long An, tài xế Đỗ Coca, người có mặt trong diễn biến ở BOT Cai Lậy kể lại tình hình trong ngày đầu tiên trạm thu phí trở lại sau 3 tháng xả trạm, anh nói:
“Trong ngày đầu tiên thu phí trở lại, cánh tài xế phản đối rất dữ dằn. trong đó có anh Phương Tour đã bị anh cảnh sát giao thông thu bằng lái và không trả lại, yêu cầu ảnh leo lên xe để di chuyển nhưng ảnh không đồng ý và nói phải trả lại bằng lái ảnh mới di chuyển chứ nếu không ảnh lên xe di chuyển ra chỗ khác thì sẽ nói ảnh lái xe không bằng lái thì sao?”
Tình hình diễn ra sau đó đã được lan truyền khắp mạng xã hội và báo chí trong nước. Tài xế Đỗ Coca cho chúng tôi biết thêm.
“Họ điều xe tới và bắt anh Phương về công an huyện Cai Lậy thì cánh tài xế có kéo đến và đòi công an Cai Lậy phải thả người. Đến 11 giờ đêm thì anh Phương được thả ra.”
Anh Phuong Tour
Anh Trịnh Hồng Phương bị cảnh sát trấn áp về trụ sở công an. Courtesy photo
Anh Phương Tour có tên Trịnh Hồng Phương, ở Bình Dương, là một trong hai người bị công an trấn áp tại trạm BOT Cai Lậy và đưa về trụ sở làm việc tối 30 tháng 11.
Trả lời phỏng vấn của Vietnamnet ngay sau khi rời trụ sở công an, cho anh Trịnh Hồng Phương cho biết lý do anh bị trấn áp cùng 1 người nữa là anh Nguyễn Minh Trung, Sóc Trăng.
“Bên cảnh sát giao thông “ghép” tôi vô hai lỗi. Thứ nhất là cản trở giao thông. Thứ hai, không chấp hành hiệu lệnh. Một bên lấy bằng lái tôi, một bên không thối tiền cho tôi. Tôi đưa tiền dư thì phải trả lại tiền cho tôi, tôi mới đi.”
Chi tiết “chờ thối tiền dư” được anh Trịnh Hồng Phương đề cập với báo chính là một sự kiện thú vị đang được những người quan tâm BOT và các tài xế hưởng ứng. Lý do họ ủng hộ và hưởng ứng vì việc yêu cầu thối lại tờ 100 đồng là không trái với pháp luật.
Theo anh Phương kể lại, giá vé qua trạm của anh là 25.000 đồng. Anh Phương đưa 24.000 đồng, 1 tờ tiền mệnh giá 500 đồng và 3 tờ mệnh giá 200 đồng.  Tính ra tổng số tiền Phương sử dụng mua vé qua trạm là 25.100 đồng.
Do đó anh cần phải lấy lại số tiền thối là 100 đồng.
Tài xế Huỳnh Long, người đã vào trạm thu phí Cai Lậy ngồi chờ chỉ để lấy lại tờ 100 đồng tiền thối đã có lời giải thích với một lãnh đạo của BOT Cai Lậy khi vị này nói rằng trạm không có tờ 100 đồng và tờ 100 đồng cũng không còn tồn tại trong giao dịch tiền tệ ở Việt Nam.
Năm 2016, ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành tờ 100 đồng với số lượng cực kỳ lớn. Để làm chi? Để cho những giao dịch dân sự như thế này? Đảng và Nhà nước rất quant âm đến đời sống của nhân dân nên họ làm ra tất cả những gì thuận lợi cho nhân dân, như cách phát hành ra tờ 100 đồng. Anh đang nhầm lẫn vấn đề hay anh đang đưa 1 thông tin ảo trước năm 2016? - Anh Huỳnh Long
Sự việc này đã tạo ra một làn sóng phấn khích và hưởng ứng từ dân luận. Tiến sĩ Nguyễn Quang A bày tỏ ý kiến trên trang cá nhân của ông rằng:
“Nếu có 5% dân Việt Nam hiểu đúng quyền của mình như anh bạn trẻ lái xe này thì Việt Nam chả mấy lúc sẽ bằng Hàn Quốc, Đài Loan.
Các ông trong Ban Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ và các chính quyền địa phương hãy nghe anh bạn trẻ này dạy cho quý vị về pháp luật.”
Cùng ngày 1 tháng 12,  Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang, bà Nguyễn Thị Đậm trả lời VnExpress, khẳng định các loại tiền mệnh giá nhỏ 100, 200 đồng vẫn đang được lưu hành bình thường và luôn được cung ứng đầy đủ cho nền kinh tế.

Hiểu ‘luật chơi’

Thế nhưng, một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) trả lời báo trong nước vào chiều ngày 1 tháng 12 cho biết trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang sẽ không vì sự phản đối của các tài xế mà ngừng việc thu phí và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Tiền Giang để lên kế hoạch xử lý.
Thông tin này được tài xế Đỗ Coca đón nhận với 1 suy nghĩ cá nhân và anh chia sẻ với chúng tôi:
“Nếu như bây giờ họ chấp nhận phương án của tài xế là dời trạm thì họ chấp nhận họ sai hoàn toàn và không chỉ có 1 BOT Cai Lậy là sai, mà tất cả BOT trên đất nước Việt Nam đều có dấu hiệu sai phạm. Tôi nghĩ chuyện cánh tài xế đòi di dời BOT Cai Lậy vào đường chánh là chuyện không thể.”
Anh Đỗ Coca khẳng định những hành động của cánh tài xế trong sự việc ở BOT Cai Lậy cũng như những BOT khác không gì khác ngoài mục đích phản đối giá thu phí quá cao và trạm đặt sai vị trí.
“Hiện tại giảm xuống 25 ngàn, nhưng 1 người đưa con đi học, đưa con qua, rước con về, rồi chiều đi chợ qua rồi về cũng hết 100 ngàn. Ở đây cánh tài xế phản đối là cái trạm đăt sai vị trí. Tức là khi làm đường tránh Cai Lậy thì phải đặt trạm thu phí ở đường chánh Cai Lậy, mắc mớ gì đem ra quốc lộ đặt? Trong khi mỗi người mua 1 cái xe ở Việt Nam là đã có phí đường bộ trong đó rồi.”
Lên tiếng với báo chí hôm 1 tháng 12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định trạm BOT Cai Lậy về thủ tục đầu tư không sai với quy định của pháp luật và vị trí đặt trạm đã nhận sự đồng thuận của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, được Thủ tướng chính phủ chấp thuận.
Nếu để đề ra phương án giải quyết thì chỉ có 1 cách là vẫn để trạm này tại quốc lộ 1, nhưng xây thêm 1 trạm bên phía đường tránh. Giá tối thiểu 25 ngàn cho 1 chiếc 4 chỗ thì bây giờ thu 10 ngàn ở ngoài đường quốc lộ như phí tu sửa, còn ai sử dụng thêm đường tránh thì trả 15 ngàn. - Đỗ Coca
Theo anh Đỗ Coca, anh và những người đang làm công việc gọi nôm na là “ngồi sau vô lăng’ hoàn toàn không được biết gì về sự đồng thuận của các vị lãnh đạo chính phủ. Bày tỏ niềm hãnh diện về công việc của mình và các đồng nghiệp, anh Đỗ Coca nói rằng cánh tài xế không phải là những dân trí thấp kém. Họ biết họ làm gì để không trái qui định pháp luật. Họ phản đối ôn hoà và không chọn những phương pháp chống phá, bạo lực.
Họ sẵn sàng đưa ra cách giải quyết ‘thuận mua vừa bán’, đóng góp cho xã hội bằng những bài toán hợp tình hợp lý. Kể lại cho chúng tôi phương cách mà các tài xế nghĩ đến, Đỗ Coca nói;
“Nếu để đề ra phương án giải quyết thì chỉ có 1 cách là vẫn để trạm này tại quốc lộ 1, nhưng xây thêm 1 trạm bên phía đường tránh. Giá tối thiểu 25 ngàn cho 1 chiếc 4 chỗ thì bây giờ thu 10 ngàn ở ngoài đường quốc lộ như phí tu sửa, còn ai sử dụng thêm đường tránh thì trả 15 ngàn.” 
Thực tế ở Việt Nam cho thấy rằng, hiện tại, để mua 1 viên kẹo, người dân phải mất ít nhất 500 đồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.