Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Trương Quang Vĩnh – Về các vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh

Trương Quang Vĩnh – Về các vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh



Đôi lời : Nhà báo kỳ cựu Quang Vĩnh, nguyên phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ góp ý với các đồng nghiệp về cách đưa tin các vụ đại án liên quan đến các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh. Bài viết ngắn gọn, giúp có cái nhìn tổng quát, rõ ràng hơn về các vụ án này.

Thân gửi các đồng nghiệp

Hiện nay có một số vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh được người đọc rất quan tâm, nhưng do điều tra và quyết định truy tố quá nhanh cùng với cách diễn đạt chưa thật rõ nên người đọc rất dễ bị nhầm lẫn. Xin góp ý với đồng nghiệp đôi dòng:

1. Hiện nay có ba vụ án đã truy tố, ta nên nói bản chất từng vụ án để dễ theo dõi. Theo tôi là: Vụ “cố ý làm trái ở PVN và PVC”, Vụ “PVN thất thoát 800 tỉ ở ngân hàng Đại Dương”, Vụ “Tham ô 14 tỉ ở PVP Land”. Trong mỗi vụ trên đều có các tội danh khác cho các bị can nhưng không phải bản chất vụ án, ta nói cho đầy đủ trên tựa, trên chapeau. Thì không ai theo được.

- Số lượng bị can bị truy tố, bị đưa ra xét xử: Trước hết nên nói tổng số bị can, để người đọc hình dung tính chất vụ án: Vụ“cố ý làm trái ở PVN và PVC” với 22 bị can; vụ “PVN thất thoát 800 tỉ” với 7 bị can; vụ “Tham ô 14 tỉ ở PVP Land” với 8 bị can. Sau đó, muốn nói vai trò đầu vụ, đồng phạm hay tên tuổi, chức vụ…gì thì nói (các đồng nghiệp nên có cách diễn đạt về Thăng và Thanh trong 3 vụ án - vụ "cố ý làm trái" có cả Thăng và Thanh. Vụ "thất thoát 800 tỉ" có Thăng nhưng không có Thanh. Vụ "Tham ô 14 tỉ" có Thanh nhưng không có Thăng).

2. Làm báo là làm văn, nên các bản tin, các bài báo không thể là bản sao chép cáo trạng. Khống chế đến mức tối đa các con số, tập trung diễn đạt hành vi sai phạm của các bị can. Chỉ đưa những số liệu nhằm minh chứng cho sai phạm; đưa càng nhiều con số (cả những con số về ngày tháng năm sinh, số công văn, số địa chỉ…) càng làm rối bản tin, khó đọc, khó hiểu. Cần thiết thì nên nhốt các số liệu vào cái box, ai muốn đọc thì đọc.

3. Viện Kiểm sát (VKS) cung cấp sớm bản cáo trạng truy tố cho các báo, nó giúp báo chí cung cấp thông tin kịp thời cho người đọc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là lời buộc tội của VKS đối với các bị can, bị cáo; công luận đã vô tình cùng VKS buộc tội các bị can. Nó tạo áp lực dư luận không khách quan cho đến các phiên tòa xét xử.

- Nhiều báo đưa cả khung hình phạt cho Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh ngay trên tít tựa. Tuyên phạt bao nhiêu năm là chuyện của quan tòa chứ không phải của nhà báo. Chuyện của nhà báo là tìm cho được các bị can còn ở phía sau các bản cáo trạng. Hơn nữa như trên tôi đã nói, đây mới chỉ là lời buộc tội của VKS; chưa qua thẩm vấn, chưa qua tranh tụng thì báo chí không nên vội áp khung hình phạt cho họ làm gì !

Có hành vi sai phạm thì phải xử nhưng “Luật lệ không công bằng tự nó đã là một dạng bạo lực “ !

FB TRƯƠNG QUANG VĨNH 28.12.2017 (Tựa do Thụy My đặt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.