Bình luận gia Lý Đại Nguyên qua đời, thọ 87 tuổi
Thùy Trâm8:25 AM
Bà Mai Tuyết An, hiền thê của ông, nói với nhật báo Người Việt như sau: “Hôm 18 Tháng Mười Hai, ông bị cúm nặng. Thế là chúng tôi đưa vào UCI. Sau đó, bệnh tình nặng hơn, lan qua tim, và ông ra đi sáng nay.”
Theo tiểu sử được đăng trên trang web tvvn.org của Thư Viện Việt Nam, và được bà An xác nhận, ông Lý Đại Nguyên sinh ngày 14 Tháng Tư, 1930 tại Bắc Ninh.
Năm 1946, ông tham gia cuộc chiến chống Pháp với nhiệt tình của tuổi trẻ vừa mới lớn.
Tuy nhiên, đến năm 1952, ông rời cuộc kháng chiến với một nhận thức cần phải vượt bỏ chủ nghĩa Cộng Sản ngụy biện tàn độc nguy hiểm cho dân tộc và loài người.
Một năm sau, ông tham gia Mặt Trận Dân Chủ do bốn đảng quốc gia tập hợp gồm: Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Gia Xã Hội, Đại Việt Quốc Dân Đảng, và Đại Việt Duy Dân.
Năm 1956, Mặt Trận ra tuyên cáo đòi Tổng Thống Ngô Đình Diệm phải ban bố Luật Tự Do Báo Chí trước khi tiến hành bầu cử Quốc Hội Lập Hiến. Lúc đó, ông Lý Đại Nguyên, với tên hoạt động là Võ Anh Đức, gọi thường là Phong, bị an ninh quân đội bắt cùng với các lãnh tụ Mặt Trận khác.
Năm 1957, ông chính thức gia nhập mặt trận truyền thông, viết bình luận chính trị cho tờ tuần báo Tân Dân, một trong hai tờ báo độc lập, đối lập với chính quyền.
Đến năm 1960, báo bị đóng cửa, ông bắt đầu tham gia những sinh hoạt văn hóa Phật Giáo.
Năm 1962, ông hoàn tất cuốn Tổng Thức Vận, tổng hợp các nền tư tưởng cổ kim Đông Tây, dung hòa tất cả, nhằm đóng góp với suy tư thời đại.
Năm 1963, sau khi ra khỏi trại giam tại Tổng Nha Cảnh Sát Sài Gòn, ông đứng tên xuất bản nhật báo Tin Sáng.
Viet)
Đến năm 1964, chiến tranh Việt Nan bắt đầu bị “Mỹ hóa,” Tin Sáng thường xuyên viết bài cảnh giác Mỹ sẽ bị sa lầy tại Việt Nam, nếu không biết tới hai yếu tố dân tộc và dân chúng Việt Nam. Ngoài ra, báo đòi chấm dứt chế độ quân phiệt, để xây dựng một nền dân chủ đúng nghĩa.
Thế là báo bị đóng cửa, và ông Lý Đại Nguyên bị truy đuổi.
Bốn năm sau, năm 1968, ông trở lại làng báo, làm chủ bút tờ tuần báo Dân Chủ, cũng với chủ trương đòi tự do và dân chủ, và rồi cũng chung số phận với các tờ báo trước là bị đóng cửa.
Năm 1972, ông làm chủ bút nhật báo Sóng Thần, với chủ trương dứt khoát chống tham nhũng để cứu miền Nam Việt Nam, nhưng chỉ trụ được đến cuối năm 1974 là bị đóng cửa, và ông lại bị truy đuổi.
Ngày 1 Tháng Chín, 1975, bốn tháng sau khi chiếm miền Nam, Cộng Sản đến tận nhà đọc án lệnh bắt giam ông, với lý do thuộc thành phần nguy hiểm gây hoang mang dư luận. Sau đó, ông bị tù trên 10 năm, cuối năm 1985 mới được thả.
Năm 1995, ông sang Hoa Kỳ định cư, và như một cái nghiệp, lại cầm bút, viết bình luận cho các báo Phật Giáo Việt Nam, Phật Giáo Hải Ngoại, Chân Nguyên, Trúc Lâm, Saigon Times, Thủ Đô, Thằng Mõ, và Việt Nam (Canada).
Bài viết của ông được nhiều báo chí Việt ngữ hải ngoại đăng tải, và ông là một trong những bình luận gia sắc bén thường xuất hiện trên nhiều đài truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.
Ông từng cộng tác với các đài truyền hình SBTN, SET, và IBC ở vùng Little Saigon.
Ngoài ra, ông cũng viết sách, và năm 1998 cho mắt cuốn Việt Nam, Dân Tộc Bị Đọa Đày, do nhà xuất bản Văn Nghệ xuất bản và phát hành, và năm 2000 ra mắt cuốn Tổng Thức Vận Do Trí Tuệ, do nhà xuất bản Văn Nghệ phát hành.
Đỗ Dzũng
(Nguoi-Viet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.