Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

An ninh hàng không Việt nam nhìn từ vụ xét xử “16 người khủng bố sân bay Tân sơn nhất”

An ninh hàng không Việt nam nhìn từ vụ xét xử “16 người khủng bố sân bay Tân sơn nhất”

Tuệ Tâm
2017-12-29

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
Những bị cáo khủng bố tại phiên tòa hôm 26/12/2017
Những bị cáo khủng bố tại phiên tòa hôm 26/12/2017
Ảnh chụp màn hình
Dư luận trong và ngoài nước không hề biết đến vụ đặt chất nổ tại phi trường Tân Sơn Nhất chỉ khi nhà cầm quyền mang 16 người ra xét xử. Những người này bị nhà cầm quyền cáo buộc "khủng bố sân bay Tân Sơn Nhất" để lấy tiếng vang. Không bàn đến đúng-sai trong vụ án vì với truyền thống bưng bít thông tin, dư luận sẽ chẳng bao giờ biết được sự thật của sự việc. Tòa án và báo chí Cộng sản chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền tô hồng chế độ và tìm mọi cách thổi phồng những tình tiết mơ hồ nhằm bôi nhọ những người đấu tranh cả trong nước và hải ngoại.
Khi báo chí được dịp lu loa theo kiểu “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, có cấu kết với lực lượng hải ngoại…”, thì vụ án bộc lộ những tình tiết cho thấy tình trạng an ninh hàng không Việt nam là cực kỳ tồi tệ mặc dù nhà cầm quyền đã dành nhiều nhân lực và ngân sách quốc gia vào công việc theo dõi bám sát, trấn át bắt bớ hàng loạt các nhà đấu tranh đòi công bằng cho môi trường và những quyền căn bản của con người vì lo sợ chế độ độc tài bị lật đổ.
Theo cáo trạng, vào chiều ngày 24/12/2017, Đặng Hoàng Thiện (24 tuổi) chở hai thùng carton chứa bom xăng điều khiển từ xa đã được làm trước đó giao cho Ngô Thụy Tường Vy (31 tuổi) và hướng dẫn cho cách kích nổ. Vy đã cùng với Trương Tấn Phát mang vào phi trường Tân Sơn Nhất để thực hiện kế hoạch. Tuy nhiên, do sợ sẽ gây chết người vô tội nên Phát đã tháo pin ra. Vy đã biết việc này của Phát nhưng không phản đối. Cả hai sau đó đã mang thùng carton chứa bom xăng điều khiển từ xa đến đặt tại cột số 9 của nhà ga quốc tế. Do không có pin nên vụ nổ đã không xảy ra. Hành khách sau đó đã báo cho lực lượng an ninh phi trường đến để vô hiệu hóa quả bom.
Cùng thời điểm đó, Thiện mang quả bom đến tầng 3 nhà giữ xe phi trường, rồi đi xuống tầng trệt để kích hoạt cho quả bom nổ. Tuy nhiên, do khoảng cách quá xa nên không kích nổ được. Thiện quay lại, lấy quả bom mang xuống tầng trệt để kiểm tra và thấy vẫn hoạt động bình thường nhưng không dám quay lại vì sợ bị phát hiện nên đã mang quả bom đến cột số 9 ở ga quốc tế để cho Vy kích hoạt. Đến khoảng 20h cùng ngày Vy kích hoạt, quả bom phát nổ làm cho hành khách xung quanh hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Lực lượng có trách nhiệm đã có mặt hiện trường và dập tắt đám cháy.
Từ cáo trạng cho thấy, vụ nổ xảy ra không đúng theo kế hoạch không phải do lực lượng an ninh tại phi trường kịp thời ngăn chặn, mà là do những người thực hiện sợ việc mình làm sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng với đó là trình độ chế tạo chất gây nổ còn non kém, thiếu chuyên nghiệp. Hệ thống an ninh ở phi trường Tân Sơn Nhất đã không hề phát hiện hành vi đặt bom, để cho Đặng Hoàng Thiện thoải mái mang thùng carton chứa bom đến tầng 3 bãi giữ xe, sau đó đi lên đi xuống, chuyển sang khu ga quốc tế.
Một giả dụ được đưa ra, nếu những người đặt chất nổ là những tay chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, trong đầu chất đầy sự hận thù và không hề có lòng trắc ẩn thì hậu quả sẽ như thế nào? Chắc chắn sẽ kinh hoàng rất nhiều so với những gì mà nhóm của Đặng Hoàng Thiện đã làm. Mạng lưới an ninh sân bay rất lỏng lẽo, tạo ra nhiều sơ hở mà chỉ với những kẻ nghiệp dư cũng đã có thể tạo ra được một vụ nổ nhỏ, chỉ với bom xăng. Điều đó cho thấy rằng, tính mạng của hành khách tại phi trường Tân Sơn Nhất đã không được coi trọng.
Theo những gì mà chúng tôi thu thập được, ngay sau khi vụ nổ xảy ra, một tờ báo trong nước đã cho loan tải tin tức lên trên trang báo điện tử. Tuy nhiên, ngay sau đó, đoạn tin ngắn kia đã bị gỡ bỏ xuống không rõ nguyên nhân. Người dân đã bị bưng bít thông tin, họ không được thông báo đầy đủ những tin tức để có thể tự bảo vệ mình. Việc che đậy những tin tức như trên nhằm cho người dân trong nước và du khách ngộ nhận rằng, Việt Nam vẫn là một nước an ninh, tính mạng họ luôn được chính quyền bảo vệ.
Nhưng sự thật lại không hề như vậy. An ninh phi trường tại Việt Nam không hề an toàn. Trong vòng vài năm trở lại đây, chỉ tính riêng phi trường Tân Sơn Nhất đã xảy ra không biết bao nhiêu vụ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh phi trường.
- Ngày 19/11/2011, một chiếc phi cơ Airbus A320 của Vietnam Airlines đã xém chút nữa đâm phải một chiếc Boeing B737-400 của Jetstar Pacific khi đang bay về phi trường Tân Sơn Nhất.
- Ngày 17/1/2012, hai nhân viên tại Trung tâm Kiểm soát không lưu khi đang chỉ dẫn phi cơ lên xuống đã xích mích và lao vào đánh nhau, đập vỡ thiết bị điều khiển máy tính dẫn đến việc điều hành bay bị gián đoạn.
- Tháng 11/2013, 600 bánh heroin (229kg) lọt qua các khâu kiểm soát tại phi trường Tân Sơn Nhất để đáp xuống phi trường Đào Viên (Đài Loan).
-Trưa ngày 20/11/2014, Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh bị mất điện hàng giờ.
- Ngày 29/7/2016, tin tặc tấn công một loạt hệ thống máy điện toán tại các phi trường Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc. Từ các chứng cứ để lại, dư luận nghi ngờ tin tặc tấn công có nguồn gốc từ Trung Quốc.
- Ngày 8,9 và 10 tháng 3/2017 các website của phi trường Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Rạch Giá, Tuy hòa lại bị tin tặc tấn công. Lần này, tin tặc là một cậu nhóc 15 tuổi tại Việt Nam.
- Ngày 6/5/2017, nổ trạm biến áp, phi trường Tân Sơn Nhất bị mất điện 40 phút.
Rất may, trong tất cả những sự việc nghiêm trọng nói trên không có những tổn thất về tính mạng. Qua những sự cố mà chúng tôi đã liệt kê trên cho thấy rằng an ninh hàng không không chỉ tại phi trường Tân Sơn Nhất, mà cả Việt Nam đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Nếu nhìn rộng hơn thì an ninh quốc gia không được bảo đảm, tính mạng người dân không được chính quyền lưu tâm. Cho dù, chính quyền được lập ra là để bảo đảm tính mạng cho người và tài sản của dân chúng.
Câu hỏi được đặt ra là vì sao lãnh đạo quốc gia lại quá lơ là đến an ninh phi trường đến như vậy? Rất khó để có câu trả lời chính xác. Song, trong bối cảnh chính trị, xã hội Việt Nam hiện nay có thể cho rằng, lãnh đạo đã quá chú trọng đến những cuộc thanh trừng nhằm giành lại quyền lợi cho phe phái; quá chú ý đến "diễn biến hòa bình", "tự diễn biến" trong đảng; mặt khác họ cũng đầu tư lực lượng quá lớn để theo dõi trấn át các nhà hoạt động dân chủ và môi trường, mặc dù tất cả đều trên tinh thần ôn hòa bất bạo động, nên họ không còn tâm trí đâu để quan tâm đến vấn đề an ninh hàng không, sự an toàn và tính mạng của nhân dân và an ninh thực sự của quốc gia.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của  Đài Á Châu Tự Do

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.