Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Trump chê nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc về Triều Tiên

Trump chê nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc về Triều Tiên 

01/12/2017
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm chê bai một nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc nhằm kiềm chế chương trình vũ khí của Triều Tiên là một thất bại, trong khi Ngoại trưởng Rex Tillerson nói rằng Bắc Kinh nên làm nhiều hơn để hạn chế nguồn cung ứng dầu mỏ cho Bình Nhưỡng.
Viết trên Twitter, ông Trump tiếp tục sỉ nhục lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un bằng những biệt danh như "Ông Hỏa Tiễn Lùn" và "cún con bệnh hoạn" sau khi Triều Tiên bắn thử phi đạn tiên tiến nhất của nước này tính tới nay vào ngày thứ Tư.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng cách tiếp cận của Washington là khiêu khích một cách nguy hiểm.
"Đặc sứ Trung Quốc, người vừa trở về từ Triều Tiên, dường như không có tác động gì tới Ông Hỏa Tiễn Lùn," ông Trump nói trên Twitter, một ngày sau khi điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhắc lại lời kêu gọi Bắc Kinh sử dụng sức ảnh hưởng của mình với Triều Tiên.
Ông Tillerson hoan nghênh những nỗ lực của Trung Quốc về Triều Tiên, nhưng nói rằng Bắc Kinh có thể làm nhiều hơn để hạn chế dầu mỏ xuất khẩu sang nước này.
"Người Trung Quốc đang làm rất nhiều. Chúng tôi nghĩ rằng họ có thể làm nhiều hơn với dầu mỏ. Chúng tôi đang thực sự yêu cầu họ hạn chế thêm dầu mỏ, đừng cắt hoàn toàn," ông Tillerson nói tại Bộ Ngoại giao. Trung Quốc là nước láng giềng và là đối tác thương mại lớn duy nhất của Triều Tiên.
Trong khi ông Trump tiếp tục luận điệu hung hăng với Triều Tiên, ông Tillerson vẫn kiên trì bày tỏ hy vọng quay trở lại đối thoại nếu Triều Tiên cho thấy họ sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson
Tuy nhiên, ông Tillerson có thể không tại nhiệm lâu, với những bất đồng với ông Trump về Triều Tiên là một yếu tố. Hôm thứ Năm, một quan chức cao cấp của ông Trump cho biết Nhà Trắng đã lập kế hoạch thay thế ông Tillerson bằng ông Mike Pompeo, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA).
Bất chấp những luận điệu và lời cảnh cáo của ông Trump rằng tất cả các lựa chọn, bao gồm cả quân sự, đều được cân nhắc với Triều Tiên, chính quyền của ông đã nhấn mạnh rằng họ mong muốn một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, bắt nguồn từ việc Bình Nhưỡng theo đuổi một phi đạn mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn trúng Mỹ.
Căng thẳng đã bùng lên kể từ khi Triều Tiên tuyên bố họ đã thử nghiệm thành công một phi đạn đạn đạo liên lục địa mới hôm thứ Tư trong một "bước đột phá," đưa lục địa Mỹ vào tầm ngắm vũ khí hạt nhân của nước này.
Ông Trump đã cam kết tăng cường các biện pháp trừng phạt để đáp lại vụ thử nghiệm gần đây nhất, và tại một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an hôm thứ Tư, Mỹ cảnh báo giới lãnh đạo Triều Tiên sẽ bị hủy diệt hoàn toàn nếu chiến tranh bùng nổ.
Ông Lavrov nêu ra các cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ và Hàn Quốc được lên kế hoạch cho tháng 12 và cáo buộc Mỹ tìm cách khiêu khích ông Kim "nổi đóa" về chương trình phi đạn để tạo cái cớ cho Washington hủy diệt Triều Tiên.
Ông cũng thẳng thừng bác bỏ một lời kêu gọi của Mỹ cắt quan hệ với Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo, gọi chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên là sai lầm nghiêm trọng.
Trong một cuộc điện đàm với ông Trump hôm thứ Năm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói phi đạn được phóng trong tuần này là phi đạn tiên tiến nhất của Triều Tiên tính đến nay, nhưng không rõ liệu Bình Nhưỡng đã có công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân hay chưa và nước này cần phải chứng minh những thứ khác, chẳng hạn như công nghệ đưa phi đạn quay trở lại khí quyển.
Một thông cáo của Nhà Trắng cho biết ông Trump và ông Moon tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của họ tăng cường năng lực răn đe và phòng thủ của liên minh Mỹ-Hàn và nói thêm: "Cả hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của họ buộc Triều Tiên trở lại con đường giải trừ hạt nhân bằng bất kỳ giá nào."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.