“Nhà nước không giải tỏa đền bù cho người dân khu bãi rác Đa Phước 10 năm qua”
Hòa Ái, phóng viên RFA
2017-12-26
2017-12-26
Chỉ Công ty VWS bị quy trách nhiệm
Dân chúng sinh sống quanh khu vực bãi rác Đa Phước, huyện bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục than phiền chính quyền và doanh nghiệp không giải quyết phản ảnh về đời sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khu xử lý rác thải này.
Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xử lý Chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solution-VWS), ông David Dương, cho biết công ty VWS đã làm những gì trước phản ảnh của người dân địa phương:
Ông David Dương: Trong năm 2016, thông tin đưa ra là có mùi hôi. Việc đó thì chúng đã phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường và thành phố cũng như các ban ngành của thành phố xuống kiểm tra. Thực ra, thành phố có một số ý kiến rằng trong quá trình một ngày có đến 400-500 xe rác vào đổ, với mật độ cao như thế thì khi gió thổi mạnh quá và sẽ đẩy mùi hôi lan ra trong thời điểm mà xử lý khống chế mùi hôi không kỹ hoặc không tốt. Chúng tôi đã phối hợp với thành phố liên quan vấn đề này, cũng như chúng tôi đã mời chuyên gia từ Hoa Kỳ về để đánh giá tất cả các công đoạn trong hệ thống vận hành của công ty, bao gồm cách thức khử mùi hay hóa chất sử dụng có đúng hay không. Chúng ta đã thực hiện theo ý kiến của chuyên gia và thực hành rất tốt cho đến giờ phút này.
Hòa Ái: Trong diễn tiến liên quan, mới đây nhất vào trung tuần tháng 12, người dân ở khu vực bãi rác Đa Phước phản ánh với RFA về việc chính quyền và doanh nghiệp vẫn không có động thái nào xử lý mùi hôi, đồng thời cứ trì hoãn việc đền bù giải tỏa để người dân tái định cư. Ông có giải thích nào nếu như được trao đổi trực tiếp với người dân địa phương?
Những người dân này đúng ra là đã được đền bù giải tỏa, bởi vì chúng quanh chúng tôi đã quy hoạch vùng cây xanh cách ly, theo luật của Việt Nam. Tuy nhiên, việc này là việc của Nhà nước phải đền bù giải tỏa cho những người dân đó. Nhưng cả chục năm nay nhà nước đã không thực hiện được việc này
-Ông David Dương
Ông David Dương: Có một vấn đề là tôi đồng cảm với một số người dân đang sống sát cạnh với chúng tôi. Những người dân này đúng ra là đã được đền bù giải tỏa, bởi vì chung quanh chúng tôi đã quy hoạch vùng cây xanh cách ly, theo luật của Việt Nam. Tuy nhiên, việc này là việc của Nhà nước phải đền bù giải tỏa cho những người dân đó. Nhưng cả chục năm nay Nhà nước đã không thực hiện được việc này. Thành ra, tôi đồng cảm với họ vì khi đã quy hoạch rồi thì người ta không thể mua bán miếng đất của người ta được nên họ không làm được gì khác, thứ hai nữa là những người sinh sống sát với công ty thì chắc chắn ít nhiều sẽ có những ảnh hưởng. Biết đâu họ sẽ rất bực và chính bản thân chúng tôi cũng đã nhiều lần gửi văn bản nhắc nhở thành phố rằng ngay từ đầu để công ty chúng tôi làm công việc này khi dự án bắt đầu, nhưng các sở ngành của thành phố muốn thực hiện việc giải tỏa đền bù, không cho công ty làm. Việc này đã trôi qua 10 năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện.
Hòa Ái: Chúng tôi cũng được biết trong khu Liên hợp Xử lý Chất thải Đa Phước gồm nhiều công ty khác nhau, trong đó có công ty Xử lý Chất thải Việt Nam. Các ông ty trong thời gian qua có cùng làm việc với nhau liên quan phản ảnh của người dân để tìm giải pháp xử lý?
Ông David Dương: Việc này chúng tôi cũng đã nói rất nhiều với thành phố, bởi vì trong khu vực này bao gồm cả xử lý phân hầm cầu, sản xuất phân, xử lý bùn cống rảnh, nghĩa trang, nào là khu thiêu-đốt xác…Tất cả nằm chung trong phạm vi 875 héc-ta, mà công ty của chúng tôi chỉ có 128 héc-ta. Ngoài ra, các công ty khác thì chúng tôi không thể kiểm soát được. Chúng tôi thể biết công nghệ thực hiện của họ như thế nào, họ xử lý có tốt hay không? Ví dụ như họ xử lý phân hầm cầu mà xử lý bằng các hồ mở lộ thiên và lắng đọng từ hồ này chảy qua hồ kia rồi chảy qua hồ nọ…Những hình ảnh này có thể thấy được hết bằng flycam.
Tuy nhiên, không thể nào tất cả các công ty có thể ngồi xuống làm việc cùng nhau. Về phía chúng tôi thì chúng tôi sẵn sàng mời các công ty trong khu Liên hợp tham quan công nghệ xử lý của công ty chúng tôi. Và ngược lại, các công ty đó cần phải mở cửa để cho chúng tôi tham quan. Như vậy mới có thể cùng ngồi lại để nhìn nhận làm sao có thể làm tốt hơn cho cả khu vực. Việc này chưa được các công ty phối hợp mà tôi nghĩ việc này là của Nhà nước, bởi vì các cơ quan ban ngành kiểm tra từng dự án, từng nhà đầu tư. Các công ty khác có làm tốt hay không thì thực tình tôi không muốn đề cập đến, nhưng chúng tôi chỉ biết là dự án của công ty chúng tôi vô hình chung nổi bật vì có đến 400-500 xe tải chở rác ra vào mỗi ngày và mỗi lần có vấn đề gì xảy ra thì người ta cứ quy trách nhiệm khu xử lý rác Đa Phước của chúng tôi.
Hòa Ái: Có thể nói công ty của ông là một trong những công ty hoạt động thành công trong lãnh vực xử lý rác thải tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, kể từ khi công ty Xử lý Chất thải Việt Nam vào thị trường Việt Nam gặp không ít khó khăn trong suốt thời gian vận hành 10 năm qua. Các nguyên nhân chính nào gây ra những trở ngại như thế, bên cạnh yếu tố mà ông từng cho rằng có một thế lực ngầm đánh phá do cạnh tranh không lành mạnh?
Vẫn tiếp tục các dự án tâm huyết của VWS
Ông David Dương: Thoạt đầu chúng tôi vào làm thì sự đánh phá là không lớn. Song song với việc đó, chúng tôi cũng gặp các trở ngại. Ví dụ, như tôi nói có nhiều công ty trong khu vực 875 héc-ta nhưng chưa có công ty nào bị nêu tên hết, hoàn toàn công ty chúng tôi gánh chịu hết trước phản ánh của người dân địa phương. Thậm chí nhiều lúc các đoàn xuống kiểm tra công ty, chúng tôi lên tiếng có những dự án khác đang làm xung quanh nên cần phải kiểm tra cho chặt chẽ vì càng về lâu dài thì sự ô nhiễm sẽ vây quanh các con sông và bầu không khí ở đây và sẽ đổ lỗi cho chúng tôi. Những việc này Nhà nước cần phải kiểm soát.
Sau năm 2015 đến nay, chúng tôi đối mặt với khủng hỏang truyền thông ngày một nặng hơn.
Chúng tôi hy vọng rằng trong tháng này chúng tôi sẽ được thành phố cũng như Nhà nước chấp thuận, bởi vì chúng tôi nghĩ đó là một niềm vui mà chúng tôi có thể mang lại trong ngành xử lý rác
-Ông David Dương
Bên cạnh đó, chúng tôi đang dự kiến đầu tư một dự án lớn hơn ở tại Long An, gọi là khu công nghệ môi trường xanh. Đây là dự án tâm huyết của chúng tôi, đầu tư gần 700-800 triệu đô la Mỹ để xử lý tất cả những loại rác đang rất nguy hiểm cho cuộc sống và sức khỏe của người dân. Chưa có công ty nào xử lý hoặc xử lý đến nơi đến chốn các loại rác này tại Việt Nam. Tôi mong ước rằng với đầu tư đó thì chúng tôi sẽ xử lý tất cả các loại rác được hiệu quả tốt hơn. Nhưng đây có thể là một mũi dùi để người ta đánh phá vì khi dự án này thành hình sẽ có công nghệ tiên tiến nhất nước, có thể so sánh với các quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Và ngược lại, khi đã làm tốt như vậy, thì tất cả các thành phần rác sẽ được di chuyển về cho chúng tôi hết. Đây sẽ là khó khăn cho chúng tôi, bởi vì nhiều người có những động thái cạnh tranh làm mất uy tín của chúng tôi để dự án ở Long An của chúng tôi không thể thực hiện được.
Chúng tôi đang rà soát lại và chúng tôi vẫn tiến hành những việc của mình làm với tâm huyết sẽ thực hiện được dự án khu công nghiệp môi trường xanh ở Long An.
Hòa Ái: Ông có thể chia sẻ một trong những thông tin lạc quan từ chính quyền và doanh nghiệp thông báo cho dân chúng sinh sống quanh bãi rác Đa Phước trong thời gian gần sắp tới, đó là thông tin gì, thưa ông?
Ông David Dương: Trong năm 2016 vừa qua, thành phố đã yêu cầu chúng tôi thay đổi một số công nghệ để giảm đi phần chôn lấp rác và dự kiến sẽ chôn lấp rác còn 15%. Chúng tôi đang thực hiện dự án đó và nộp trình thành phố trong tháng này, để thành phố duyệt cho chúng tôi thay đổi một số công nghệ bằng cách biến hóa rác trở thành khí nén lỏng để 500-600 xe rác chạy bằng khí nén lỏng sẽ không có khói thải, giảm được ô nhiễm môi trường. Thứ hai, sẽ sản xuất ra đất sạch (soil amendment) để góp phần trong việc có đất sạch sử dụng cho nông sản. Thứ ba, chúng tôi sẽ sản xuất ra điện. Thứ tư, chúng tôi sản xuất ra phân hữu cơ dạng lỏng. Và, sau cùng những gì không thể làm thành sản phẩm thì chúng tôi sẽ đốt. Cho nên, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ để làm sao làm tốt hơn trong vấn đề môi trường. Chúng tôi hy vọng rằng trong tháng này chúng tôi sẽ được thành phố cũng như Nhà nước chấp thuận, bởi vì chúng tôi nghĩ đó là một niềm vui mà chúng tôi có thể mang lại trong ngành xử lý rác.
Hòa Ái: Cảm ơn thời gian của ông David Dương dành cho Đài Á Châu Tự Do.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.