Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

Kinh tế Việt Nam 2017 tăng ở mức kỷ lục 10 năm

Kinh tế Việt Nam 2017 tăng ở mức kỷ lục 10 năm

RFA
2017-12-27

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
Hình minh họa chụp hôm 13/7/2017. Công nhân ở nhà máy thủy sản Khanh Sung, Mỹ Xuyên.
Hình minh họa chụp hôm 13/7/2017. Công nhân ở nhà máy thủy sản Khanh Sung, Mỹ Xuyên. 
AFP
Kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng 6.8% trong năm 2017, mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Đây là số liệu được Tổng cục Thống kê công bố hôm 27/12.
Tăng trưởng GDP đã vượt qua chỉ tiêu được Quốc Hội đặt ra trước đó là 6.7%. Năm ngoái tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6.21%.
Mức tăng trưởng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước đến nay là 8.5% hồi năm 2007.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho báo chí biết, tăng trưởng năm nay của Việt Nam nhờ vào sự hồi phục đáng kể của khu vực nông lâm và thủy sản. Ngoài ra khu vực công nghiệp cũng có mức tăng 8%, khu vực dịch vụ đạt tăng trưởng hơn 7%.
Theo báo cáo mới, ngành khai khoáng của Việt Nam đã giảm 7.1% và được cho là mức giảm sâu nhất của ngành này từ năm 2011 đến nay. Nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng dầu thô khai thác giảm hơn 1,6 triệu tấn so với năm ngoái. Sản lượng khai thác than cũng giảm hơn 180 ngàn tấn, đạt 38 triệu tấn.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy quy mô nền kinh tế năm 2017 của Việt Nam là 5 triệu tỷ đồng, tương đương 223 tỷ USD. GDP bình quân đầu người của Việt Nam ước tính đạt 2.385 đô la, tăng 170 đô la so với năm 2016.
Theo báo của Tổng cục Thống kê, lạm phát năm vừa qua của Việt Nam chỉ dừng ở con số 3,53%, thấp hơn mục tiêu 4% mà Quốc Hội đề ra.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Việt Nam không nằm ngoài xu thế của thế giới và khu vực khi nền kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc, nhất là sự phục hồi kinh tế ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bích Lâm cũng đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn bao gồm giá nông sản, thực phẩm, nhất là thịt lợn giảm mạnh, tác động tiêu cực đến chăn nuôi, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương.
Theo con số thống kê của Tổng cục Thống kê công bố hồi đầu tháng 12, trong năm 2017, Việt Nam đã phải gánh chịu 14 cơn bão lũ khiến khoảng gần 400 người chết và mất tích, với tổng thiệt hại lên đến khoảng 60 ngàn tỷ đồng.
Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan thống kê Việt Nam cũng cho biết trong năm tới, Việt Nam sẽ gặp những khó khăn bao gồm tình hình bất ổn của nền kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu, năng suất lao động thấp, nhất là so với các quốc gia trong khu vực.
Số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt khoảng 4.159 USD/ lao động, tăng 6% so với năm 2016, nhưng vẫn thấp so với các nước trong khu vực.
Cụ thể, tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 chỉ bằng 7% so với Singapore, 36,5% so với Thái Lan, và 87,4% so với Lào.
Hiện Việt Nam có lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính khoảng hơn 54 triệu người, tăng hơn 394 ngàn người so với năm 2016. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2017 là 2,24%

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.