Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

BOT CAI LẬY… *

BOT CAI LẬY… *

bauxitevn10:13 AM

Cách Sài Gòn gần 100 km, Cai Lậy thuộc tỉnh Tiền Giang nơi có quốc lộ 1 chạy qua. Đây là tuyến huyết mạch từ SG đi các tỉnh miền Tây nên lưu lượng xe qua đây là rất lớn (khoảng 50 nghìn xe một ngày).
Để tránh Quốc lộ 1 chạy xuyên tâm thị trấn, “giảm tai nạn giao thông và chống ùn tắc”, một doanh nghiệp đã đầu tư 12 km đường tránh Cai Lậy theo hình thức BOT. Chủ trương này đã được cả UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT hết sức ủng hộ vì nó rất “vì nước, vì dân”.
Theo lẽ thường, đầu tư ở đâu thì thu phí ở đó và doanh nghiệp chỉ được đặt trạm thu phí và thu phí những xe đi qua 12 km tuyến tránh Cai Lậy này. Tuy nhiên miếng bánh QL1 với lưu lượng xe qua lại rất lớn đã làm người ta quá thèm thuồng và có thể người ta đầu tư dự án này cũng xuất phát từ cái bánh đó.
Để hợp thức hoá việc đặt trạm thu phí trên QL1, bắt buộc tất cả các xe dù có đi qua tuyến tránh Cai Lậy hay không vẫn phải trả tiền. Bộ GTVT cũng như UBND, HĐND tỉnh Tiền Giang đã bật đèn xanh cho chủ đầu tư rải thêm nhựa lên một đoạn mặt đường QL1 có sẵn với cái tên “tăng cường mặt đường QL1”. Đây là một chiêu trò rất tinh vi để đưa mọi thứ theo “đúng quy trình” nhằm móc túi nhân dân.

clip_image001
Trạm thu phí BOT không nằm ở đường tránh mà nằm ở Quốc lộ 1A. ZING.VN
Ngay khi trạm thu phí hoạt động, hàng ngàn tài xế đã phản đối bằng cách dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm gây ách tắc kéo dài và buộc trạm thu phí này phải xả trạm. Họ yêu cầu trạm phải đặt đúng vị trí chứ không thể đặt ở QL1 - con đường làm ra bằng tiền thuế của nhân dân.
Sau hơn 3 tháng đóng cửa “chuẩn bị”, ngày hôm qua trạm BOT Cai Lậy đã thu phí trở lại với sự xuống nước của chủ đầu tư bằng việc giảm 30% giá vé. Tuy nhiên các tài xế vẫn không chịu, vì họ cho rằng vấn đề nằm ở chỗ trạm đặt sai vị trí chứ không phải giá vé. “Cuộc cách mạng tiền lẻ” lại tiếp tục diễn ra và QL1 lại tiếp tục tắc nghẽn và chủ đầu tư lại buộc phải xả trạm.
Có thể nói các tài xế đã rất đoàn kết, kiên quyết và hành xử đúng luật. Dù đã huy động hàng trăm công an các loại ra “bảo vệ” nhưng BOT Cai Lậy vẫn chấp nhận thất thủ bởi đơn giản nó là đại diện cho một nhóm lợi ích bất chấp tất cả nhằm trục lợi trên mồ hôi nước mắt của dân nghèo!
BOT Cai Lậy cũng nói lên một thực tế tuy đau lòng nhưng làm sáng mắt nhiều người: Các vị đại biểu QH và đại biểu hội đồng nhân dân đang sống bằng tiền thuế của dân đang ở đâu khi dân cần các vị???
BOT Cai Lậy cũng là liều thuốc thử cho chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc để chứng tỏ rằng các ông có thực sự “liêm chính và kiến tạo” hay không.
Còn riêng Bộ GTVT thì không cần bàn, họ đứng về ai và đại diện cho lợi ích của ai thì tất cả đã rõ!
BOT Cai Lậy chắc chắn sẽ thất thủ. Tôi tin điều đó!



clip_image003
Cảnh sát cơ động được điều ra để bảo vệ ai? Trấn áp ai?
N.D.H.
***

... VÀ TÔI *

Xin lỗi các anh em tài xế vụ BOT Cai Lậy, tôi nhu nhược và hèn.
Tôi từng lái xe qua nhiều cung đường của Việt Nam và vô cùng khó chịu vì cứ một quãng lại chình ình một cái trạm thu phí, lại phải cứ móc tiền ra trả. 
Tôi thầm lặng trả, ngoan ngoãn như một con cừu và đôi lúc cười nhẹ: Ừ, cũng chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng có lần không thể chịu nổi trước cái BOT trước sân bay Vinh, thu luôn cả tiền gửi xe máy. Cô thu tiền nói giọng rất hách dịch: "Anh có là Chủ tịch tỉnh anh cũng phải nộp!". Tôi đưa máy ra chụp ảnh, cô còn kênh cái mặt: "Anh chụp đi. Em được nổi tiếng em càng sướng".
Thái độ này, gương mặt này, tôi đã gặp hầu hết trên suốt các cung đường mà tôi qua ở đất nước hình chữ S này. Thái độ này, gương mặt này, bao người dân Việt Nam đã phải nhẫn nhục chịu đựng, ngoan ngoãn cống nạp.
Đằng sau một cô thu tiền là ông chủ BOT, đằng sau ông chủ BOT là một nhóm lợi ích. Và tại sao họ lại vẫn lì lợm, vẫn nhơn nhơn như vậy được, giờ tôi hỏi ai?
Xin trích dẫn ý kiến của PGS Nguyễn Lê Ninh UV MTTQ Tp.HCM: “Từ xưa đến nay, tất cả các tuyến quốc lộ đều là của dân, do dân đóng góp tiền xây dựng cho nên không ai được quyền thu phí người dân. Không nên mượn cớ xây sửa đường mà buộc người dân gánh thêm mức phí vô lý.
Trong vấn đề tại trạm thu phí BOT Cai Lậy, Bộ GTVT có trách nhiệm lắng nghe, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho dân. Lãnh đạo bộ hãy nhìn nhận những điểm chưa hợp lý và khắc phục kịp thời"
Chúng ta biết nhưng chúng ta đã nhẫn nhịn. Bạn nhẫn nhịn, tôi nhẫn nhịn vì chúng ta quen rồi cách nhẫn nhịn này. Tôi không biết bạn nhận xét về chính mình thế nào, nhưng tôi nhận thấy mình nhu nhược, thậm chí là hèn. Nhất là trước những phản ứng của cánh tài xế ở BOT Cai Lậy mấy ngày qua.
Tôi có chữ nghĩa, cũng hiểu biết pháp luật, hay nói những lời hay ý đẹp, thế mà tôi lại không phản ứng, đấu tranh với bất công vô lý được như các anh. Tôi xin lỗi vì đã để các anh đơn độc làm điều đó.
Họ khác tôi một chút, là họ phải cống nạp từng ngày từng ngày một. Đều đặn như một kẻ liên tục bị nhỏ nước tong tỏng vào đầu. Họ sống trong ức chế, phải tìm đủ mọi cách để đối phó với đám BOT kia.
Và, họ một mình chống chọi với đám đó, như một mình chống chọi với Mafia. Tôi đứng ngoài cuộc đấu đó. Và không ít trong các bạn đứng ngoài cuộc đấu đó.
Các hội đoàn liên quan đến họ, những người mang bổn phận bảo vệ họ, cũng đứng ngoài cuộc.
Riêng cảnh sát, với những hành động bạn thấy và những thông tin trên báo, họ đứng về ai, bạn sẽ có câu trả lời. Họ đã thu giấy tờ tuỳ thân của một số tài xế. Họ đúng hay sai, mời bạn tham khảo ý kiến của Luật sư Phạm Tất Thắng (Đoàn luật sư Tp.HCM), trên báo Tuổi trẻ sáng nay:
“Việc lực lượng cảnh sát túc trực để điều tiết, giữ gìn trật tự, đề phòng, xử lý hành vi gây rối (nếu có) tại trạm thu phí là cần thiết. Tuy nhiên, phải khẳng định ngay việc tài xế dùng tiền lẻ hay chẵn là quyền của tài xế, không vi phạm pháp luật. Mệnh giá tiền bao nhiêu hoặc phương thức thanh toán nào khác phù hợp (cà thẻ nếu có) giữa tài xế và trạm thu phí là quan hệ dân sự đơn thuần".
Theo luật sư, rắc rối phát sinh giữa tài xế và trạm thu phí chỉ là các bên chưa sử dụng phương thức thanh toán phù hợp. Rắc rối đó, phía tài xế chỉ là thiếu thiện chí trong thanh toán (nếu có) nhưng lỗi của trạm thu phí lớn hơn. Bởi lẽ trạm buộc tài xế đóng phí nhưng lại không chuẩn bị đầy đủ công cụ, phương thức thanh toán. Đó là chưa kể đến việc đặt trạm thu phí tại vị trí đó để thu tiền là chưa đúng.
"Như vậy, lực lượng cảnh sát giao thông tham gia giải quyết rắc rối đó bằng cách thu giữ bằng lái, giấy tờ xe của tài xế là hành vi trái luật", ông Thắng khẳng định.
Vâng, để các anh không đơn phương, từ nay, trên các cung đường, nhất là các đoạn chi chít trạm thu phí như Bình Phước và Khánh Hoà, tôi sẽ áp dụng theo cách của các anh. Tôi sẽ trả tiền cho các BOT một cách đầy đủ như họ muốn và họ phải trả lại cho tôi phần tiền dư, cho dù chỉ là 100 đồng.
P/s: Tôi sẽ không dùng bất cứ ngôn ngữ nào lịch sự cho các thể loại dư luận viên nhảy vào đây comment. Xin lỗi những người đọc tử tế!
clip_image004
H.N.V.
* Tiêu đề do BVN đặt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.