Bỏ điều 4 Hiến pháp có đem lại dân chủ hay không?
Posted February 28, 2013 by batbaodong in Uncategorized. Comments Offon Bỏ điều 4 Hiến pháp có đem lại dân chủ hay không?
Bỏ điều 4 Hiến pháp có đem lại dân chủ hay không?
Nhân dịp được phép góp ý sửa đổi Hiến pháp một cách thả cửa do ‘không có gì cấm kỵ’, bà con trong nước đồng thanh kêu gọi hủy bỏ điều 4 Hiến pháp với những lý lẽ như:
- Bỏ điều 4 thực sự là bảo vệ đcs vì khi có cạnh tranh đảng sẽ tự sửa đổi trở nên mạnh mẽ hơn, tránh nguy cơ có thể bị tan rã do thối nát từ bên trong như hiện nay;
- Bỏ điều 4 để tạo đoàn kết, đồng thuận toàn dân hầu có sức mạnh chống kẻ thù phương Bắc;
- Bỏ điều 4 sẽ không làm đảng mất quyền thống trị và còn làm cho đảng có chính nghĩa, vì hiện nay chưa thể có đảng phái nào đủ mạnh để cạnh tranh với ĐCSVN;
- Không bỏ điều 4 thì đảng cũng sẽ sụp đổ và còn làm đất nước yếu kém, tạo cơ hội cho ngoại xâm phương Bắc;
- …
Hầu như mọi ý kiến chỉ nhằm gióng tiếng kêu gọi một cách khôn khéo với hàm ý đả kích sự chính danh cầm quyền của ĐCSVN. Nếu người khởi xướng có một chút tin tưởng về lời kêu gọi của mình được lắng nghe thì nhiều lắm cũng chỉ hy vọng một số đảng viên cs còn lương tri can đảm đứng lên phê phán nhà cầm quyền hay rời bỏ hàng ngũ đcs … Dù sao cũng là một bước đấu tranh tích cực.
Thời gian được góp ý sửa đổi HP tới cuối tháng 3 năm 2013 nhưng càng ngày số người và các phương tiện truyền thông tham gia càng nhiều và đa phần hướng về một điểm duy nhất là hãy bỏ điều 4 ăn hại đó đi. Giả sử dư luận tăng dần tới mức điều 4 có khả năng bị hủy bỏ thì câu hỏi kế tiếp cần phải được xem xét lại là ai sẽ chủ động bỏ và bỏ rồi thì tình hình sẽ ra sao?
Ai sẽ chủ động bỏ?
ĐCSVN được điều hành bởi một nhóm lợi ích gọi là Ban chấp hành Trung Ương Đảng gồm 175 người mà đại diện là Bộ Chính Trị gồm 14 người. Mọi quyết định chính sách đều từ đây mà ra, từ việc lớn là phê chuẩn hiến pháp tới phân bổ vị trí công việc cho mọi đảng viên, không chỉ những chức tước lớn mà toàn thể các vị trí điều hành chính quyền, công sở, tập đoàn quốc doanh đều được để dành cho 3 triệu đảng viên. Tất cả đảng viên cs đều có ăn chia quyền lợi trên tài sản của quốc gia và mồ hôi nước mắt của 90 triệu dân.
Chỉ duy một đặc lợi này đã thấy câu trả lời cho vấn đề “ai sẽ chủ động bỏ điều 4”. Bỏ điều 4 có nghĩa là 3 triệu đảng viên sẽ mất hết lợi thế ăn trên ngồi chốc. “Kiến nghị 72” yêu cầu bỏ điều 4 giống như bảo một ông giám đốc một công ty lớn, vì “yêu nước’, nên từ chức để nhường lại cho người khác, đó là chưa kể chức này cũng đã phải mua bằng tiền, nhiều tiền!
Mặt khác, giả sử có cái gọi là ‘đcsVN đồng ý bỏ điều 4’ thì nhân vật nào sẽ quyết định thay cho đcsVN? Các cá nhân Sang, Trọng, Hùng, Dũng ư? Không ai có đủ gan quyết định (như một Gorbachev) được vì mọi người đang kiềm chế lẫn nhau, kể cả những người khác trong Bộ Chính Trị. Vấn đề ở đây là mọi đảng viên cs đều có lợi khi sự toàn trị của ĐCS được bảo đảm. Mất điều 4 thì mất sự toàn trị, là mất khả năng bòn rút tài sản quốc gia và công sức của quần chúng, là mất tất cả.
Như thế câu trả lời cho “ai quyết định bỏ điều 4” là không thể có vì chẳng có đảng viên cs nào đủ thẩm quyền và năng lực để xóa bỏ điều 4 cả.
Nếu điều 4 được bỏ thì tình hình sẽ ra sao?
Theo lập luận của đoạn trên thì câu hỏi này sẽ không thể đặt ra, nhưng cũng thử “mơ mộng” để xem thực ra bỏ điều 4 có đem lại tương lai sáng sủa cho đất nước hay không?
Trước hết cần phân biệt giữa hai trường hợp khi chuyện này xảy ra: bỏ điều 4 do tự nguyện và bỏ do bị áp lực (nếu không thì sẽ bị thiệt hại nhiều hơn). Hiện tại ta chỉ mới thấy chuyện “kiến nghị” bỏ điều 4 chứ không thấy đấu tranh dưới các hình thức biểu tình, bãi công gây áp lực nên ở đây chỉ xét chuyện bỏ điều 4 với thiện ý của đcsVN.
Có thể ĐCSVN sẽ tự nguyện bỏ điều 4 để lấy lại tính chính danh là đảng của quần chúng. Vì tự ý nên đcs có đủ thời gian để chọn lựa cách thức bỏ cũng như lên kế hoạch kiểm soát các đảng phái khác trước khi bắt đầu cho phép đa đảng.
Để làm được điều này, đcsVN có thể bắt chước Trung cộng: Cho phép một số đảng phái khác được sinh hoạt chính trị, thậm chí có thể “ban phát” cho một vài ghế trong Quốc hội. Nhưng đặt ra những luật lệ để có thể chi phối việc tổ chức, thu nhận nhân sự hay sinh hoạt nội bộ của các đảng đối lập, giống sự kiểm soát đối với các tổ chức tôn giáo quốc doanh. ĐCSVN còn có thể dùng thủ thuật lập ra một số đảng phái đối lập tay sai để làm nội gián hay phá hoại bất cứ liên minh đối lập nào. Về bề mặt, VN có đa nguyên đa đảng, có bầu cử, ứng cử tự do.
Một chọn lựa khác, giả sử đcsVN bị bắt buộc phải thực thi dân chủ cởi mở hơn, thậm chí phải từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Trong trường hợp này, ĐCSVN còn có vài mô hình khác để noi theo như của Venezuela hay Nga Sô. Nếu là trường hợp Venezuela thì:
ĐCSVN có thể hiên ngang từ bỏ chủ nghĩa cs và đổi tên đảng thành một tên khác với màu sắc dân chủ để ‘hợp lòng dân’. Với số thành viên đông đảo, tài chánh dồi dào hơn bất cứ đảng phái nào, đảng tên mới có thể khuynh loát môi trường chính trị một cách dễ dàng, như chiếm đa số ghế ở Quốc hội, đưa người vào Tối Cao Pháp viện, chiếm các vị trí chủ chốt trong các ngành quan trọng của chính quyền như quân đội hay công an, và hành pháp cũng sẽ lọt vào tay dễ dàng. Trong những ngày đầu dân chủ, có thể sẽ có Hiến pháp dân chủ và các định chế dân chủ nhưng một khi lên nắm quyền, đảng mới có thể thay đổi mọi thứ để bảo đảm quyền cai trị tuyệt đối của họ. Thế là độc tài vẫn hoàn độc tài, tuy rằng không còn mang màu sắc cộng sản. Trường hợp này đã xảy ra cho một số nước như Iran, Venezuela, Nga Sô, Miến Điện (ngày xưa), và có thể làm bài học cho ĐCSVN để tiếp tục nắm giữ độc quyền cai trị.
Vậy phải làm sao?
Cho dù có bao nhiêu “kiến nghị”, điều 4 cũng khó có thể bị loại bỏ khỏi Hiến pháp VN và dù ĐCSVN có thiện ý bỏ thì rõ ràng cũng chẳng sáng sủa gì cho tiến trình dân chủ hóa VN. Vậy phải làm thế nào?
Câu trả lời là: Toàn dân phải dấn thân đấu tranh dứt khoát xóa bỏ cộng sản.
Tuy nhiên đi tới mục tiêu cuối cùng không phải là một bước mà là từng bước một. Kiến nghị, kêu gọi, yêu cầu, phản đối là những bước nhỏ cần thiết để tiến lên, mỗi ngày một gia tăng cường độ. Chuyện tối quan trọng là đừng kỳ vọng hay hy vọng vào bất cứ người “cs yêu nước” nào hay bất cứ giải pháp đường tắt nào. Tất cả phải dựa vào công sức tranh đấu của người dân, công sức này mới là thước đo cho tiến trình dân chủ. Sự lớn mạnh của lực lượng đấu tranh dân chủ mới là yếu tố quyết định cho vận nước.
Vì thế việc ĐCSVN bỏ điều 4 hay không bỏ không là chuyện quan trọng. Điều quan trọng là phe đấu tranh dân chủ nên lợi dụng mọi cơ hội để phát triển phong trào dân chủ ngày một rộng lớn, đồng thời đánh thức lòng yêu nước của mọi người VN, kể cả đảng viên cs. Số lượng người VN yêu nước ngày càng tăng sẽ báo hiệu sự cáo chung của chế độ cộng sản ngày càng gần.
Trần Văn Minh
28/2/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.