Ai thực sự gây nên tội?
QUÁ NHANH VÀ QUÁ NGUY HIỂM
Vụ án Đinh La Thăng kết thúc điều tra chỉ sau 12 ngày là nhanh chưa từng có trong lịch sử tố tụng của VN. Điều đó không khỏi không làm cho dư luận đặt ra câu hỏi vì sao lại quá nhanh như vậy.
Đinh La Thăng bị truy tố với hai tội danh, cố ý làm trái và chiếm đoạt tài sản liên quan đến số tiền 800 tỷ đồng đầu tư vào Ocean Bank và bị mất trắng.
Nhưng đó cũng chỉ là khoản mất mát nhỏ so với một khoản mất mát khổng lồ khác mà Thăng phải trực tiếp chịu trách nhiệm. Đó là khoản mất trắng trên 500 triệu USD tương tương 11.000 tỷ đồng đầu tư khai thác dầu ở Venezuela.
Lẽ ra khi bắt Thăng vì vụ mất mát ở Ocean bank thì nhân đó điều tra mở rộng về những thiệt hại khác của PVN trong thời gian Thăng làm chủ tịch HĐQT, trong đó đặc biệt là vụ Venezuela thiệt hại quá sức nghiêm trọng.
Tuy thiệt hại cả hai vụ lớn nhỏ khác nhau, nhưng bản chất đều giống nhau. Vụ Ocean bank, Thăng tự ý đầu tư vào ngân hàng với mục đích kiếm lãi, nhưng kinh doanh thất bại. Còn vụ thứ hai, Thăng đầu tư vào Venezuela theo chủ trương của đảng mà cụ thể lúc đó là theo lệnh của hai ông đứng đầu là Nông Đức Mạnh và Nguyễn Minh Triết, cũng để kiếm lợi, nhưng cũng thất bại.
Vụ đầu tuy mất ít hơn, nhưng vì do Thăng tự ý làm nên Thăng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vụ sau mất khủng hơn, thiệt hại cho đất nước lớn hơn 14 lần, nhưng Thăng làm theo lệnh đảng nên Thăng không bị truy cứu.
Nghe qua tưởng như đúng rồi, nhưng thật ra là vô cùng sai.
Thăng làm theo lệnh nên ít chịu trách nhiệm, nhưng người ra lệnh cho Thăng là hai ông Nông Đức Mạnh và Nguyễn Minh Triết phải bị truy cứu trách nhiệm chứ.
Nếu hai ông Mạnh và Triết biện bạch rằng hai ông ra lệnh theo chủ trương của đảng thì phải truy cứu trách nhiệm của đảng mà lúc đó hai ông đang đứng đầu, nghĩa là cũng hai ông chịu trách nhiệm trước hết chứ.
Tóm lại là cá nhân gây ra thiệt hại thì bị xử tù, còn đảng gây ra thiệt hại dù to lớn đến mấy cũng chẳng sao cả, người đứng đầu đảng cũng chẳng sao cả.
Phải chăng vì thế mà vụ thất thoát 800 tỉ đồng của Đinh La Thăng kết thúc điều tra quá nhanh để khỏi phải điều tra mở rộng lên các vụ khác to lớn hơn?
Quá sức nguy hiểm cho đất nước.
H.N.C.
***
AI ĐỂ LỘ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC CHO VŨ NHÔM?
Hoàng Hải
''Một doanh nghiệp không thể có bí mật nhà nước. Chỉ có những đồng chí có trách nhiệm và những cơ quan có trách nhiệm mới được giao bí mật nhà nước''
Ai để lộ?
Bộ Công an đã khởi tố Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ ''nhôm'') về hành vi ''Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước''. Điều này khiến dư luận băn khoăn rằng, tại sao Vũ ''nhôm'' có bí mật nhà nước mà để lộ?
Trao đổi với Đất Việt ngày 23/12, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, vấn đề này chắc chắn sẽ được cơ quan điều tra làm rõ một cách đầy đủ.
Đồng quan điểm, bà Bùi Thị An - nguyên ĐBQH khóa XIII tin tưởng rằng, cơ quan có trách nhiệm có khả năng làm rõ được vấn đề mà dư luận đang quan tâm. Tới lúc đó sẽ hạ hồi phân giải.
Theo bà An, khi mà Bộ Công an công khai với báo chí và công luận về việc khởi tố Phan Văn Anh Vũ về hành vi ''Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước'' thì phải khẳng định kết luận ấy là đúng. Nếu đúng thì phải làm rõ ai đã để lộ bí mật nhà nước?
''Một doanh nghiệp không thể có bí mật nhà nước. Chỉ có những đồng chí có trách nhiệm và những cơ quan có trách nhiệm mới được giao bí mật nhà nước. Cá nhân, tập thể được giao phải có trách nhiệm bảo vệ những bí mật đó.
Vậy tại sao những bí mật nhà nước lại để để lộ ra ngoài? Ai để lộ? Vấn đề này không phải đơn giản nữa, đây là một vấn đề lớn cần phải được làm rõ'', vị ĐBQH khóa XIII nhấn mạnh.
Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ ''nhôm'')
Lỗ hổng lớn
Cơ quan chức năng xác định, bị can Phan Văn Anh Vũ không có mặt tại nơi cư trú ở số 82 Trần Quốc Toản (Đà Nẵng) và không biết bị can đang ở đâu, do đó đã phát lệnh truy nã Vũ ''nhôm''.
Câu chuyện này khiến nhiều người cảm thấy băn khoăn. Mặc dù đang trong ''tầm ngắm'' của cơ quan chức năng, vậy tại sao Vũ ''nhôm'' có thể biến mất trước khi bị khám nhà?
Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn cho rằng, việc không tìm thấy Vũ ''nhôm'' tại nơi cư trú cũng giống như câu chuyện trước đây về Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy...
Rõ ràng những con người này trước đó đã vướng phải những ồn ào. Khoảng thời gian mà dư luận đặt nghi vấn, báo chí, cơ quan chức năng vào cuộc đến khi họ bị khởi tố là một quãng thời gian dài, đây chính là lỗ hổng lớn dẫn đến những sự việc gần đây.
''Trong câu chuyện của Vũ nhôm có gì đó chưa được chặt chẽ lắm về nguyên tắc tố tụng. Nó không chặt chẽ ở chỗ, một người đã vào diện cần áp dụng những biện pháp ban đầu, mặc dù chưa phải là biện pháp chính thức lại đột nhiên ''biến mất'' khỏi địa phương.
Theo quy định từ khi có quyết định khởi tố bị can mới áp dụng các biện pháp ngăn chặn như cấm rời khỏi nơi cư trú hoặc tạm giam, còn trước đó đối tượng vẫn được đảm bảo đầy đủ các quyền tự do cư trú, đi lại, không bị quản lý.
Tuy nhiên đó là cách để giải thích với dư luận, với báo chí, với công chúng. Về mặt nghiệp vụ mà nói người này đi đâu không biết thì nó lại trở thành câu chuyện khiến cho dư luận chưa đồng tình'', ông Sơn nêu quan điểm.
Theo vị ĐBQH đoàn Đà Nẵng, trước đây có các biện pháp tiền tố tụng, tức là cho phép các cơ quan có quyền quản lý con người, quản lý đối tượng trước khi khởi tố. Hiện nay không còn quy định này. Đó chính là vấn đề tạo ra những lỗ hổng trong thời gian vừa qua.
Trong khi đó, bà Bùi Thị An đặt ra câu hỏi: Ai để lộ những bí mật nhà nước cho Vũ ''nhôm biết'', và vấn đề này có liên quan gì đến chuyện khi cơ quan chức năng khởi tố thì Vũ ''nhôm'' biến mất hay không? Theo bà, đây cũng là một vấn đề quan trọng cần phải được làm rõ.
H.H.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.