Đài Loan ra luật điều tra và xét xử lại các vụ án chính trị, oan sai thời Tưởng Giới Thạch
Một du khách trẻ tại quần thể tượng Tưởng Giới Thạch ở tỉnh Taoyuan (Đào Viên). Ảnh: SCMP.
Rất có thể trong một thời gian ngắn sắp tới, người ta sẽ không còn nhìn thấy cái tên Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) và hàng trăm nghìn tượng đài của ông ta tại Đài Loan nữa.
Đó là điều có khả năng sẽ xảy ra một khi những hình ảnh liên quan đến Chiang Kaishek bị chính quyền hiện nay quy thành “biểu tượng hoài niệm” về một nhà cai trị độc tài, dựa trên một điều khoản của đạo luật vừa được Viện Lập pháp (Legislative Yuan) thông qua vào ngày 5/12/2017.
Đạo luật mới này có tên là Xúc tiến Công lý Chuyển tiếp 2017 (The Act on Promoting Transitional Justice TAPF – 促進轉型正義條例).
Như đã nêu ở trên, một số các cơ quan truyền thông địa phương ngay lập tức đưa tin, rằng đạo luật này cho phép chính quyền hiện nay được xóa bỏ tất cả những gì có liên quan đến từ “Zhong-zhen” – chính là tên thật của Chiang Kaishek – ở các trường học, địa danh và tên đường.
Nhà tưởng niệm Chiang Kaishek ở thủ đô Đài Bắc có thể sẽ không còn trong tương lai? Ảnh: Wikipedia
Điều 5 của Đạo luật TAPF 2017 đề nghị loại trừ “những biểu tưởng hoài niệm hoặc ghi nhớ những kẻ cai trị độc tài tại các kiến trúc và khuôn viên công cộng”. Đối với một số người, Điều 5 là hành vi vi hiến khi xâm phạm vào quyền tự do biểu đạt của người dân, chẳng hạn như những người muốn được đặt tên Chiang Kaishek cho tên đường, trường học, v.v.
Tuy nhiên, đạo luật này được thông qua không phải với mục đích “xóa sổ” dấu ấn của Chiang Kaishek hay thời kỳ thiết quân luật kéo dài non 40 năm của chính quyền Quốc dân đảng (Kuamintang-KMT) tại Đài Loan.
Đây thực tế là một nỗ lực nhằm mang lại công lý cho hàng chục nghìn hồ sơ của những người bị bỏ tù – hay thậm chí là đã mất đi tính mạng – vì bất đồng chính kiến, vì bị nghi ngờ là cộng sản mà trở thành kẻ thù của chế độ trong suốt thời kỳ Chiang Kaishek và Quốc dân đảng cầm quyền.
Mở đường đòi công lý cho nạn nhân thời thiết quân luật
Rất nhiều người, trong đó có bà Huang Chunlan năm nay 65 tuổi, đang hy vọng đạo luật mới có thể mang lại công lý – dẫu muộn màng – cho họ và gia đình.
Theo báo Asia Times, bà Huang Chunlan kể rằng cha của bà đã bị bắt và tuyên án 15 năm tù giam bởi chính quyền Chiang Kaishek năm 1952 vì bị nghi ngờ có tư tưởng “phản động”.
Nhưng đó chưa phải là điều khủng khiếp nhất. Bản án đó đã bị tăng lên thành án tử hình và ông bị mang ra xử bắn khi bà Huang chỉ vừa 5 tháng tuổi. Mặc dù cha bà đã chết, nhưng bản thân bà Huang và gia đình đã thường xuyên bị theo dõi và chịu hạch sách từ phía cảnh sát và chính quyền trong suốt thời kỳ thiết quân luật.
Khi bà được nhận học bổng toàn phần cho chương trình thạc sĩ của trường Đại học Western Michigan – Hoa Kỳ, chính quyền Quốc dân đảng đã từ chối cấp hộ chiếu và không cho bà được xuất ngoại để học hành.
Bà Huang Chunlan khi chỉ vừa vài tháng tuổi và cha bà đã bị chính quyền Quốc dân đảng xử tử. Ảnh: Chinatimes.com
Chiang Kaishek tuyên bố tình trạng thiết quân luật trên toàn bộ đảo Đài Loan vào tháng 5/1949. Ngay lập tức, chính quyền Quốc dân đảng đã tiến hành loại trừ quyền lực của tòa án dân sự, cũng như của Quốc hội và một số các ban ngành khác của nhà nước.
Trong suốt thời gian trên dưới 40 năm thực thi thiết quân luật, chính quyền Quốc dân đảng đã thẳng tay đàn áp – không chỉ giới bất đồng chính kiến – mà còn rất nhiều thường dân. Vì tòa án quân sự khi đó được quyền đưa bất kỳ ai ra xét xử mà đồng thời lại có thể hoàn toàn bỏ mặc các quyền công dân căn bản của họ.
Nhân quyền, đặc biệt là các quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận đều bị cấm đoán hết sức nghiêm ngặt.
Số liệu của chính phủ cho thấy có ít nhất 200 nghìn người đã bị xét xử trong các toà án binh trong thời kỳ này và bị tuyên án từ tử hình cho tới cải tạo. Bên cạnh đó, còn có khoảng 100 nghìn người mất tích ngay sau khi lệnh thiết quân luật được ban bố.
Tuy rằng Đài Loan đã chuyển đổi sang dân chủ hơn 30 năm nay, những vụ án oan sai như vụ cha của bà Huang Chunlan vẫn không được giải oan và các nạn nhân cũng không nhận được lời tuyên bố vô tội từ tòa án.
Đạo luật TAPF 2017 được kỳ vọng sẽ giúp họ đạt được điều này.
Vì sao phải đợi 30 năm sau khi chấm dứt chế độ độc tài mới có thể “xúc tiến công lý” cho các nạn nhân?
Trước khi Đài Loan chính thức chấm dứt tình trạng thiết quân luật vào ngày 15/7/1987 và mở đầu thời kỳ dân chủ, chính quyền do Quốc dân đảng nắm quyền lãnh đạo đã sớm đặt ra những điều luật hết sức khắt khe để tự bảo vệ mình. Đó là vì họ đã lường trước được rằng, các nạn nhân trong thời kỳ độc tài nhất định sẽ khởi kiện sau khi đất nước có dân chủ.
Trong số đó bao gồm Đoạn 2, Điều 9 của Đạo luật An ninh quốc gia (National Security Act) – được thông qua không đầy 30 ngày trước khi lệnh chấm dứt tình trạng thiết quân luật được ban hành giữa tháng 7/1987. Điều luật này luôn bị xem là một trong những rào cản lớn nhất trong hành trình đòi công lý cho các nạn nhân của chính quyền Chiang Kaishek.
Điều 9 của Đạo luật An ninh quốc gia không cho phép các nạn nhân trong những vụ án đã được xét xử trước đây quyền kháng cáo các bản án của họ – cho dù là có oan sai – sau khi chuyển đổi sang dân chủ. Có thể nói, Điều 9 đã được ban hành với mục đích ngăn cản việc lật lại các bản án oan cho những ai bị quy chụp các tội danh chống chế độ và có tư tưởng chính trị đối lập, trong suốt 40 năm thiết quân luật ở Đài Loan.
Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen (Thái Anh Văn) và nạn nhân, gia đình nạn nhân bị đàn áp chính trị thời thiết quân luật trong ngày Nhân quyền Quốc tế năm 2016. Ảnh: Facebook Tsai Ing-wen
Đạo luật Xúc tiến Công lý Chuyển tiếp năm 2017 – TAPF vừa được thông qua vào tháng 12 năm nay, đã chính thức bãi bỏ việc tiếp tục sử dụng Điều 9 của Đạo luật An ninh quốc gia – đối với các bản án oan sai trong thời kỳ thiết quân luật.
Và đó là lý do vì sao nhiều nhà quan sát đã đánh giá đạo luật này là một bước ngoặt lớn cho tiến trình dân chủ hóa ở Đài Loan.
Chúng ta có thể nhìn thấy phần nào điều đó, khi đọc thêm tại Điều 6 của đạo luật mới này.
Điều 6 của Đạo luật TAPF 2017 trả lại quyền được kháng cáo và quyền yêu cầu điều tra lại các bản án chính trị trong thời kỳ cai trị độc tài cho những nạn nhân hoặc người nhà của họ – nếu bản thân người bị hại đã qua đời.
Đó là những người đã bị bỏ tù và bị tước đoạt tài sản một cách oan sai khi quyền công dân và quyền được xét xử công bằng của họ (fair trial) đã bị vi phạm bởi những hành vi vi hiến của chính quyền trước đây.
Vì vậy, với Đạo luật TAPF 2017, Điều 9 của Đạo luật An ninh quốc gia sẽ không được tiếp tục sử dụng để ngăn cản những nạn nhân trong các vụ án chính trị thời kỳ thiết quân luật – và gia đình của họ – thực thi quyền kháng án.
Không những thế, Điều 6 của Đạo luật TAPF 2017 còn nhấn mạnh, “phải tìm ra những kẻ thủ ác và buộc những kẻ này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật để phục hồi danh dự và quyền của các nạn nhân, cũng như bồi thường cho những tổn thất mà họ và gia đình đã gánh chịu.”
Để từ đó, “lịch sử sẽ được viết lại một cách đúng đắn và những sai phạm trong các vụ án phải được công bố đến toàn thể dân chúng.”
Công lý, dẫu có đến muộn hàng thập kỷ, thì cuối cùng nó vẫn có quyền lực giải oan cho những người từng chịu cảnh oan sai trong các chế độ chuyên chế và độc tài. Và đó là lý do vì sao, công lý luôn chuyển tiếp.
Đạo luật Xúc tiến Công lý chuyển tiếp (The Act on Promoting Transitional Justice TAPF – 促進轉型正義條例) cho phép chính phủ thành lập một Ủy ban Xúc tiến Công lý Chuyển tiếp (Transitional Justice Promotion Committee) gồm chín người, được Viện Hành pháp (Executive Yuan) trực tiếp giám sát, và sẽ chịu trách nhiệm về năm nhiệm vụ chính, bao gồm: 1 Công khai các tư liệu chính trị được lưu trữ (political archives); 2 Xóa bỏ các biểu tượng của chế độ chuyên chế (authoritarianism) và gìn giữ hiện trường của các vụ án oan sai trong quá khứ; 3 Bồi thường cho những phán quyết sai lầm của tòa án; 4 Khôi phục sự thật lịch sử; và 5 Xúc tiến hòa giải xã hội, giải quyết và phân bổ lại những tài sản bị chiếm đoạt bất hợp pháp. |
Tài liệu tham khảo:
Q.V.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.